Những Tín Đồ của Đấng Ky Tô
Những tín đồ của Đấng Ky Tô sống cuộc sống giống như Đấng Cứu Rỗi và bước đi trong ánh sáng.
Tháng Mười năm ngoái, vợ tôi và tôi cùng đi với Anh Cả và Chị Neil L. Andersen đến dự buổi lễ động thổ của ngôi đền thờ mới ở Córdoba, Argentina. Như thường lệ, có một buổi họp báo tiếp theo sau buổi lễ. Một ký giả, không phải là tín hữu của giáo hội chúng ta, nói rằng người ấy đã quan sát cách những người đàn ông đối xử với vợ của họ như thế nào. Rồi người ấy bất ngờ hỏi: “Đó là điều có thật hay giả vậy?” Tôi chắc chắn rằng người ấy đã cảm thấy một điều gì khác biệt ở giữa các tín hữu của chúng ta. Có lẽ người ấy đã nhận thức được ước muốn của các tín hữu của chúng ta để noi theo Đấng Ky Tô. Các tín hữu trên khắp thế giới đều có ước muốn như vậy. Đồng thời, hằng triệu người không phải là tín hữu của Giáo Hội cũng có ước muốn noi theo Ngài.
Mới gần đây, vợ tôi và tôi đã cảm kích trước những người chúng tôi gặp ở Ghana và Nigeria. Đa số họ không phải là tín hữu của Giáo Hội. Chúng tôi rất vui sướng thấy ước muốn của họ để noi theo Đấng Ky Tô được biểu lộ trong nhiều cuộc chuyện trò của họ, trong nhà, trên xe, trên các bức tường và trên các tấm biển quảng cáo của họ. Chúng tôi chưa bao giờ thấy có rất nhiều nhà thờ Ky Tô giáo nằm cạnh nhau như vậy.
Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, bổn phận của chúng ta là mời hằng triệu người giống như những người này để đến và thấy điều Giáo Hội của chúng ta có thể giúp họ thêm vào những điều tốt lành họ vốn đã có. Bất cứ người nào ở bất cứ lục địa, khí hậu hay văn hóa nào cũng đều có thể tự biết rằng Tiên Tri Joseph Smith đã trông thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trong một khải tượng. Họ đều có thể biết rằng các sứ giả thiên thượng đã phục hồi chức tư tế và rằng Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa đã phán cùng Ê Nót: “Sự ngay chính đã [được gởi xuống] từ trên trời; và lẽ thật đã được gởi đến thế gian, để [làm chứng cho] Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha].”1
Đấng Cứu Rỗi đã hứa: “Người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.”2 Những tín đồ của Đấng Ky Tô sống cuộc sống giống như Đấng Cứu Rỗi và bước đi trong ánh sáng. Có hai đặc tính có thể giúp chúng ta nhận ra mình noi theo Ngài đến mức độ nào. Trước hết, những tín đồ của Đấng Ky Tô là những người nhân từ. Thứ hai, những tín đồ của Đấng Ky Tô lập và tuân giữ các giao ước.
Đặc tính thứ nhất, lòng nhân từ có lẽ là một điều mà người ký giả ở Córdoba đã thấy ở giữa các tín hữu Giáo Hội. Chúng ta noi theo Đấng Ky Tô vì chúng ta yêu mến Ngài. Khi tuân theo Đấng Cứu Chuộc vì tình yêu mến, chúng ta đang noi theo gương của Ngài. Qua tình yêu thương, Đấng Cứu Rỗi đã vâng phục theo ý muốn của Đức Chúa Cha trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đấng Cứu Rỗi vâng lời cho dù điều đó có nghĩa là phải chịu đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, cho dù điều đó có nghĩa là bị quất bằng roi và chế nhạo, cho dù điều đó có nghĩa là những kẻ thù của Ngài sẽ tra tấn Ngài trong khi bạn bè của Ngài bỏ rơi Ngài. Sự hy sinh chuộc tội, độc nhất vô nhị đối với sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi, là cách biểu lộ sâu xa nhất về tình yêu thương. “Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.”3
Như Đấng Ky Tô đã noi theo Đức Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cũng nên noi theo Vị Nam Tử.4 Nếu chúng ta làm như vậy thì cho dù chúng ta đang trải qua bất cứ loại ngược đãi, đau buồn, sầu khổ nào, hay bị một cái “giằm xóc vào thịt” thì chúng ta cũng không đối phó một mình. Đấng Ky Tô sẽ trợ giúp chúng ta. Tấm lòng thương xót dịu dàng của Ngài sẽ làm cho chúng ta mạnh mẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào.5
Việc noi theo Đấng Ky Tô có thể có nghĩa là từ bỏ nhiều điều yêu quý như Ru Tơ, người Mô Áp đã làm. Là một người mới cải đạo, và vì yêu mến Thượng Đế và Na Ô Mi, nên bà đã bỏ tất cả để sống theo tôn giáo của mình.6
Điều này cũng có thể có nghĩa là chống lại nghịch cảnh và sự cám dỗ. Khi còn trẻ Giô Sép đã bị bán làm nô lệ. Ông bị tước đoạt khỏi mọi điều mà ông yêu mến. Về sau, ông đã bị cám dỗ phạm tội tà dâm. Ông đã chống lại cám dỗ và nói: “Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời hay sao?” 7 Tình yêu mến của ông đối với Thượng Đế mạnh mẽ hơn bất cứ nghịch cảnh hoặc cám dỗ nào.
Ngày nay chúng ta có những người giống như Ru Tơ và Giô Sép ở trên khắp thế giới. Lúc Anh Jimmy Olvera từ Guayaquil, Ecuador, nhận được sự kêu gọi đi truyền giáo, thì gia đình anh ấy đang gặp nhiều khó khăn. Ngày anh ấy ra đi, anh ấy đã được bảo rằng nếu bước ra khỏi cửa, thì sẽ không có gia đình nữa. Anh ấy đã đau khổ bước ra khỏi cửa. Trong khi phục vụ truyền giáo, mẹ của anh đã bảo anh hãy tiếp tục đi truyền giáo lâu hơn vì gia đình của họ đã nhận được rất nhiều phước lành. Ngày nay Anh Olvera phục vụ với tư cách là một tộc trưởng giáo khu.
Lòng chân thành yêu mến Đấng Ky Tô mang đến sức mạnh cần thiết để noi theo Ngài. Chính Chúa đã cho thấy điều này khi Ngài hỏi Phi E Rơ ba lần: “Ngươi yêu ta chăng?” Sau khi Phi E Rơ lớn tiếng tái khẳng định tình yêu mến của ông dành cho Ngài, Chúa nói cho Phi E Rơ biết về những khó khăn sắp tới. Rồi, lời kêu gọi được đưa ra: “Hãy theo ta.” Câu hỏi được Đấng Cứu Rỗi đặt ra cho Phi E Rơ cũng có thể được đặt ra cho chúng ta: “Ngươi yêu ta chăng?” tiếp theo là lời kêu gọi hành động: “Hãy theo ta.”8
Tình yêu thương là một ảnh hưởng mạnh mẽ trong nỗ lực của chúng ta để vâng lời. Tình yêu mến đối với Đấng Cứu Rỗi soi dẫn chúng ta tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Tình yêu thương dành cho cha mẹ hay người phối ngẫu cũng có thể soi dẫn chúng ta tuân theo các nguyên tắc phúc âm. Cách chúng ta đối xử với những người khác phản ảnh mức độ chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi trong tình yêu thương lẫn nhau.9 Chúng ta cho thấy tình yêu mến của mình dành cho Ngài khi chúng ta ngừng lại để phụ giúp những người khác; khi chúng ta sống “hoàn toàn lương thiện và ngay thẳng trong mọi sự việc,”10 và khi chúng ta lập và tuân giữ các giao ước.
Đặc tính thứ nhì của những tín đồ của Đấng Ky Tô là lập và tuân giữ các giao ước như Ngài đã làm. Mô Rô Ni cho biết rằng “sự đổ máu của Đấng Ky Tô, là trong giao ước của Đức Chúa Cha để xá miễn các tội lỗi của các người, ngõ hầu các người được trở nên thánh thiện và không có tì vết.”11
Tiên tri Joseph Smith đã dạy rằng ngay cả trước khi thế gian này được tạo dựng, các giao ước đã được lập ở trên thiên thượng.12 Các vị tiên tri và tộc trưởng thời xưa cũng đã lập các giao ước.
Chính Đấng Cứu Rỗi đã nêu gương. Ngài đã chịu phép báp têm bởi một người có thẩm quyền hợp thức để làm cho trọn mọi việc công bình. Qua phép báp têm của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã làm chứng cùng Đức Chúa Cha rằng Ngài sẽ vâng phục trong việc tuân giữ tất cả các giáo lệnh của Đức Chúa Cha.13 Như trong thời xưa, chúng ta cũng noi theo Đấng Ky Tô và lập giao ước qua các giáo lễ của chức tư tế.
Việc lập các giao ước là một việc mà hằng triệu người không thuộc Giáo Hội của chúng ta có thể thêm vào những điều tốt đẹp họ vốn đã có. Việc lập các giao ước là một sự bày tỏ của tình yêu thương. Đó là cách để thưa với Ngài: “Vâng, con sẽ đi theo Ngài.”
Các giao ước gồm có những lời hứa, “tức là cuộc sống vĩnh cửu.”14 Tất cả mọi việc sẽ hiệp lại làm lợi ích cho chúng ta nếu chúng ta nhớ đến các giao ước của mình.15 Các giao ước này cần phải được lập và tuân giữ để có thể nhận được trọn vẹn những lời hứa được gồm vào trong các giao ước này. Tình yêu mến dành cho Đấng Cứu Rỗi và việc ghi nhớ các giao ước sẽ giúp cho chúng ta tuân giữ các giao ước này. Việc dự phần Tiệc Thánh là một cách để nhớ đến các giao ước của chúng ta.16 Một cách khác là tham dự đền thờ thường xuyên. Tôi còn nhớ một cặp vợ chồng trẻ ở Nam Mỹ. muốn chia tay vì họ không hòa thuận với nhau. Một vị lãnh đạo chức tư tế đã khuyên họ nên đi đền thờ và lưu ý đến những câu nói cũng như lời hứa của các giao ước được lập ở đó. Họ làm theo và hôn nhân của họ đã được cứu. Quyền năng của các giao ước chúng ta thì lớn lao hơn bất cứ thử thách nào chúng ta đã gặp hoặc có thể gặp.
Đối với các tín hữu không tích cực trong phúc âm, xin hãy trở lại. Hãy cảm nhận phước lành của việc ghi nhớ cùng lặp lại các giao ước qua Tiệc Thánh và việc tham dự đền thờ. Việc làm như vậy là một cách biểu lộ về tình yêu thương và cho thấy sự sẵn lòng để làm một tín đồ chân chính của Đấng Ky Tô. Điều này sẽ làm cho các anh chị em hội đủ điều kiện để tiếp nhận tất cả các phước lành đã được hứa.
Đối với những người không phải là tín hữu của giáo hội chúng tôi, tôi xin mời các anh chị em hãy sử dụng đức tin, hối cải và hội đủ điều kiện để tiếp nhận giao ước báp têm vào Giáo Hội Các Thánh Hữu của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi làm như vậy, các anh chị em sẽ cho thấy tình yêu mến của mình đối với Cha Thiên Thượng và sự sẵn lòng của mình để noi theo Đấng Ky Tô.
Tôi làm chứng rằng chúng ta sẽ được hạnh phúc hơn khi tuân theo những điều giảng dạy của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi chúng ta cố gắng noi theo Ngài, các phước lành của thiên thượng sẽ đến với chúng ta. Tôi biết những lời hứa của Ngài sẽ được làm tròn khi chúng ta lập và tuân giữ các giao ước và trở thành những tín đồ chân chính của Đấng Ky Tô. Tôi làm chứng về tình yêu thương bao la của Ngài dành cho mỗi người chúng ta, và tôi làm như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.