2011
Thiết Lập một Mái Gia Đình Đặt Đấng Ky Tô Làm Trọng Tâm
Tháng năm năm 2011


Thiết Lập một Mái Ấm Gia Đình Đặt Đấng Ky Tô Làm Trọng Tâm

Chúng ta hiểu và tin vào tính chất vĩnh cửu của gia đình. Sự hiểu biết và niềm tin này cần phải soi dẫn chúng ta để làm mọi cách trong khả năng của mình nhằm thiết lập một mái ấm gia đình đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm.

Elder Richard J. Maynes

Thời gian đầu khi phục vụ với tư cách là một người truyền giáo trẻ tuổi ở Uruguay và Paraguay, tôi nhận thấy rằng một trong những điều làm thu hút những người tìm cách biết thêm về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là họ rất thích thú đối với giáo lý của chúng ta về gia đình. Thật vậy, kể từ lúc phục hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, những người tầm đạo tìm kiếm lẽ thật đã được thu hút đến với giáo lý rằng gia đình có thể sống vĩnh viễn với nhau.

Nguyên tắc về gia đình vĩnh cửu là một yếu tố thiết yếu trong kế hoạch vĩ đại của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài. Nền tảng của kế hoạch đó là sự hiểu biết rằng chúng ta có một gia đình trên thiên thượng cũng như một gia đình trên trần thế. Sứ Đồ Phao Lô dạy chúng ta rằng Cha Thiên Thượng là cha linh hồn của chúng ta:

“Hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, …

“Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, … Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.”1

Việc làm con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ thật là một nguyên tắc phúc âm cơ bản của Chúa Giê Su Ky Tô đến nỗi các trẻ em của chúng ta cũng tuyên bố lẽ thật của nguyên tắc đó khi chúng hát bài ca thiếu nhi “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” các anh chị em còn nhớ những lời ca đó không?

Tôi là con Đức Chúa Cha,

Ngài đã gởi tôi đến đây,

Đã gởi một nhà cửa ở nơi đây

Với cha mẹ tốt mến yêu.

Cầm tay, dìu tôi, bước cận kề tôi,

Chúa giúp kiếm lối đi.

Ngài dạy điều tôi phải thi hành,

Để sống với Cha một ngày.2

Việc nhận ra rằng chúng ta có một gia đình trên thiên thượng giúp chúng ta hiểu tính chất vĩnh cửu của gia đình trên trần thế của mình. Sách Giáo Lý và Giao Ước dạy chúng ta rằng gia đình là nền tảng cho tổ chức trên thiên thượng: “Và cùng cái xã hội tính mà tồn tại ở giữa chúng ta nơi đây sẽ tồn tại ở giữa chúng ta ở trên đó, nhưng nó sẽ đi kèm với vinh quang vĩnh cửu.”3

Việc hiểu biết tính chất vĩnh cửu của gia đình là một yếu tố quyết định trong việc hiểu biết kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài. Mặt khác, kẻ nghịch thù muốn làm mọi cách trong khả năng của nó để phá hủy kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Nó đang chỉ huy một cuộc tấn công chưa từng có vào thể chế gia đình trong nỗ lực làm thất bại kế hoạch của Thượng Đế. Nó sử dụng một số vũ khí mạnh mẽ hơn trong cuộc tấn công của nó là tính ích kỷ, tham lam và hình ảnh sách báo khiêu dâm.

Hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta không phải là mục tiêu của Sa Tan. Nó biết rằng bí quyết thiết yếu để làm cho những người nam và nữ khổ sở giống như nó là tước đoạt của họ những mối quan hệ gia đình có tiềm năng vĩnh cửu. Vì Sa Tan hiểu rằng hạnh phúc đích thực trong cuộc sống này và trong thời vĩnh cửu được tìm thấy trong hình thức gia đình nên nó làm mọi cách trong khả năng của nó để phá hoại.

Tiên tri thời xưa An Ma gọi kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài là “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại.”4 Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, là những người mà chúng ta tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải, đã đưa ra cho chúng ta lời khuyên bảo đầy soi dẫn này về hạnh phúc và cuộc sống gia đình: “Gia đình là do Thượng Đế quy định. Hôn nhân giữa người nam và người nữ là thiết yếu cho kế hoạch vĩnh cửu của Ngài. Con cái phải được sinh ra trong vòng ràng buộc hôn nhân và được nuôi nấng bởi một người cha và một người mẹ biết tôn trọng những lời thệ ước hôn nhân với lòng chung thủy trọn vẹn. Hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hầu như có thể đạt được khi được đặt trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.”5

Hạnh phúc này chắc chắn sẽ được tìm thấy trong những căn nhà có gia đình, như đã được An Ma cũng như mới gần đây được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói đến. Hạnh phúc này sẽ có được dồi dào nếu chúng ta làm mọi cách trong khả năng của mình để thiết lập một mái gia đình đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm.

Từ lúc mới kết hôn, Chị Maynes và tôi đã biết được một số nguyên tắc quan trọng khi chúng tôi bắt đầu tiến trình thiết lập một mái gia đình đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm. Chúng tôi bắt đầu bằng cách noi theo lời khuyên dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội. Chúng tôi quy tụ con cái lại và hằng tuần tổ chức buổi họp tối gia đình cũng như cầu nguyện và học thánh thư hằng ngày. Đó không phải là điều dễ dàng, thuận tiện hoặc thành công, nhưng cuối cùng những sinh hoạt giản dị này trở thành những truyền thống gia đình quý báu.

Chúng tôi biết được rằng đến cuối tuần thì con cái chúng tôi có thể không còn nhớ hết mọi điều về bài học trong buổi họp tối gia đình, nhưng chúng sẽ nhớ rằng chúng tôi đã tổ chức buổi họp đó. Chúng tôi biết rằng vào cuối ngày đó tại trường học có lẽ chúng không nhớ chính xác những lời trong thánh thư hoặc lời cầu nguyện, nhưng chúng sẽ nhớ rằng chúng tôi quả thật đã đọc thánh thư và quả thật đã cầu nguyện. Thưa các anh chị em, có một quyền năng lớn lao và sự che chở dành cho chúng ta và giới trẻ của chúng ta trong việc thiết lập những truyền thống thiêng liêng trong nhà.

Việc học hỏi, giảng dạy và thực hành các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong nhà của chúng ta giúp tạo ra một lối sống có ảnh hưởng của Thánh Linh. Qua việc thiết lập những truyền thống thiêng liêng này trong nhà mình, chúng ta sẽ có thể khắc phục được những truyền thống sai lạc của thế gian cùng học cách đặt nhu cầu và mối quan tâm của những người khác lên trên hết.

Trách nhiệm để thiết lập một mái gia đình đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm tùy thuộc vào cha mẹ và con cái. Cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái trong tình yêu thương và sự ngay chính. Cha mẹ sẽ chịu trách nhiệm với Chúa trong cách họ thi hành các trách nhiệm thiêng liêng của mình. Cha mẹ dạy dỗ con cái mình bằng lời nói và bằng tấm gương. Bài thơ này do C. C. Miller sáng tác có tên là “Tiếng Vang,” minh họa tầm quan trọng và tác động của cha mẹ khi họ có ảnh hưởng đối với con cái họ:

Có một con chiên lớn không phải chiên con đang đi lạc

Chúa Giê Su kể trong chuyện ngụ ngôn,

Một con chiên lớn đi lạc

Từ chín mươi chín con trong bầy.

Và tại sao chúng ta nên đi tìm con chiên

Và thành khẩn hy vọng cùng cầu nguyện?

Bởi vì có hiểm nguy khi chiên đi sai đường;

Chúng sẽ dẫn các chiên con lạc theo.

Bạn biết các chiên con sẽ đi theo chiên lớn,

Bất cứ nơi nào chiên lớn đi lạc.

Khi chiên lớn đi lạc, thì không lâu đâu,

Các chiên con cũng sẽ lạc như chiên lớn.

Và như thế cùng với chiên lớn, chúng ta thành khẩn cầu xin

Vì lợi ích của các chiên con ngày nay,

Bởi vì khi chiên lớn bị lạc mất

Thật là một cái giá rất cao

Mà các chiên con sẽ phải trả.6

Chúa giải thích cho chúng ta biết trong sách Giáo Lý và Giao Ước về những hậu quả khi cha mẹ hướng dẫn con cái đi sai đường: “Và lại nữa, nếu những bậc cha mẹ trong Si Ôn … không dạy chúng biết giáo lý về sự hối cải, đức tin nơi Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh bởi phép đặt tay, thì tội lỗi sẽ trút lên đầu những bậc cha mẹ ấy.”7

Rất khó để nói quá nhiều về tầm quan trọng của cha mẹ trong việc giảng dạy con cái họ về những truyền thống thiêng liêng qua lời nói và tấm gương. Con cái cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập một mái gia đình đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm. Tôi xin chia sẻ với các anh chị em một bài nói chuyện ngắn mới vừa được đứa cháu ngoại tám tuổi của tôi tên là Will đưa ra để minh họa nguyên tắc này:

“Tôi thích cưỡi ngựa và quăng dây bắt ngựa với cha tôi. Một sợi dây có nhiều sợi tao bện lại với nhau để làm cho sợi dây được chắc chắn. Nếu sợi dây chỉ có một sợi tao thì sẽ không thể hữu hiệu được. Nhưng vì có nhiều sợi tao cùng bện chặt lại với nhau nên chúng ta có thể sử dụng sợi dây trong nhiều việc và nó rất chắc chắn.

“Gia đình cũng có thể giống như sợi dây. Khi chỉ có một người làm việc siêng năng và làm điều đúng thì gia đình sẽ không được vững mạnh như khi mọi người đều cùng nỗ lực để giúp đỡ lẫn nhau.

“Tôi biết rằng khi tôi làm điều đúng thì tôi đang giúp đỡ gia đình mình. Khi tôi đối xử tử tế với em gái tôi Ià Isabelle thì cả hai chúng tôi đều vui và làm cho cha mẹ tôi cũng vui. Nếu mẹ tôi cần phải làm một việc gì đó, thì tôi có thể giúp bà bằng cách chơi với em trai của tôi là Joey. Tôi cũng có thể giúp đỡ gia đình tôi bằng cách giữ cho phòng tôi được sạch sẽ và giúp đỡ bất cứ lúc nào có thể được với một thái độ vui vẻ. Vì tôi là con cả trong gia đình nên tôi biết việc làm gương tốt rất quan trọng. Tôi có thể cố gắng hết sức để chọn điều đúng và tuân theo các lệnh truyền.

“Tôi biết rằng trẻ con có thể giúp gia đình chúng được vững mạnh giống như một sợi dây chắc chắn. Khi mọi người làm hết khả năng của mình và cùng làm việc chung với nhau thì gia đình có thể được hạnh phúc và vững mạnh.”

Khi cha mẹ chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính cùng dạy con cái mình về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bằng lời nói cũng như qua tấm gương, và khi con cái yêu thương và hỗ trợ cha mẹ bằng cách học hỏi cùng thực hành các nguyên tắc do cha mẹ dạy, thì kết quả sẽ là thiết lập được một mái gia đình đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm.

Thưa các anh chị em, là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta hiểu và tin vào tính chất vĩnh cửu của gia đình. Sự hiểu biết và niềm tin này cần phải soi dẫn chúng ta để làm mọi cách trong khả năng của mình nhằm thiết lập một mái gia đình đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm. Tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng nếu cố gắng làm điều này thì chúng ta sẽ thực hành trọn vẹn tình yêu thương cũng như sự phục vụ được minh họa qua cuộc sống và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, do đó mái gia đình của chúng ta có thể thật sự cảm thấy giống như thiên thượng trên trần thế, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Công Vụ Các Sứ Đồ 17:27–28.

  2. “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 130:2; xin xem thêm Robert D. Hales, “The Eternal Family,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 64.

  4. An Ma 42:8.

  5. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  6. C. C. Miller, “The Echo,” trong Best-Loved Poems of the LDS People, do Jack M. Lyon và những người khác biên tập (1996), 312–13.

  7. Giáo Lý và Giao Ước 68:25; sự nhấn mạnh được thêm vào.