2011
Ngày Sa Bát và Tiệc Thánh
Tháng năm năm 2011


Ngày Sa Bát và Tiệc Thánh

Hãy để cho gia đình mình được tràn đầy tình yêu thương khi các anh chị em tôn trọng Ngày Sa Bát suốt cả ngày và kinh nghiệm được các phước lành thuộc linh của Ngày Sa Bát suốt cả tuần.

Elder L. Tom Perry

Thưa các anh chị em trên khắp thế giới, buổi sáng hôm nay chúng ta đến đây để lắng nghe tiếng nói của một vị tiên tri. Tôi làm chứng rằng tiếng nói mà chúng ta vừa nghe chính là tiếng nói của vị tiên tri tại thế của Thượng Đế trên thế gian ngày nay, Chủ Tịch Thomas S. Monson. Chúng ta được phước biết bao nhờ những lời giảng dạy và tấm gương của ông!

Năm nay, tất cả chúng ta đều có cơ hội để nghiên cứu những lời của các vị tiên tri trong Kinh Tân Ước ở lớp Trường Chúa Nhật. Trong khi Kinh Cựu Ước là sách học về các vị tiên tri và về một dân tộc, thì Kinh Tân Ước chú trọng vào cuộc sống và ảnh hưởng của một Người Duy Nhất đến trần thế với hai gốc tích trên trời và dưới thế gian—là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Thế gian ngày nay đầy dẫy các học thuyết của loài người đến nỗi người ta rất dễ quên và đánh mất đức tin ở câu chuyện vô cùng quan trọng về cuộc sống và giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi—Kinh Tân Ước. Quyển kinh thánh này là trọng tâm của lịch sử thánh thư, cũng giống như Đấng Cứu Rỗi chính là trọng tâm của cuộc sống chúng ta vậy. Chúng ta cần phải tự mình cam kết để nghiên cứu và trân quý quyển sách ấy!

Việc chúng ta nghiên cứu Kinh Tân Ước sẽ mang lại sự thông sáng vô giá. Tôi luôn luôn thích đọc câu chuyện về Phao Lô khi ông đi tổ chức Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi, nhất là những lời giảng dạy của ông cho Ti Mô Thê. Trong chương bốn của sách Phao Lô viết cho Ti Mô Thê, chúng ta đọc: “Kìa là điều con phải rao truyền và dạy dỗ. … Phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.”1 Tôi không thể nghĩ ra một cách nào tốt để chúng ta bắt đầu hoặc tiếp tục làm gương cho các tín đồ hơn việc tuân thủ Ngày Sa Bát.

Bắt đầu với Sự Tạo Dựng thế gian, một ngày được dành ra từ tất cả những ngày khác. “Rồi, Thượng Đế ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh.”2 Ngay cả Thượng Đế cũng nghỉ ngơi không làm việc vào ngày này và Ngài kỳ vọng con cái của Ngài cũng làm như vậy. Ngài đã đưa ra giáo lệnh cho con cái Y Sơ Ra Ên:

“Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.

“Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày;

“Nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi. …

“… vậy nên Đức Giê Hô Va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.”3

Mẫu mực tuân giữ Ngày Sa Bát cần phải gồm có sự thờ phượng. Sau khi A Đam và Ê Va bước vào trần thế, họ được truyền lệnh phải “thờ phượng Chúa, Thượng Đế của họ và phải hiến dâng những con vật đầu lòng trong các đàn gia súc của họ, để làm của lễ dâng cho Chúa… việc này là biểu tượng cho sự hy sinh của Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha.”4 Lễ hy sinh các con vật nhắc con cháu của A Đam nhớ rằng một ngày nào đó, Chiên Con của Thượng Đế, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ hy sinh mạng sống của Ngài cho chúng ta.

Trong suốt cuộc sống của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã nói về sự hy sinh đó.5 Đêm hôm trước Ngài bị đóng đinh, những lời phán của Ngài đã được ứng nghiệm. Ngài đã quy tụ các môn đồ của Ngài lại trong căn phòng trên lầu, xa khỏi những điều xao lãng của thế gian. Ngài đã lập Tiệc Thánh của Bữa Ăn Tối của Chúa.

“Khi đương ăn, Đức Chúa Giê Su lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta.

“Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy uống đi;

“Vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.”6

Từ lúc đó trở đi, Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đã trở thành sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng. Khi Ngài hiện đến lục địa Châu Mỹ sau khi phục sinh, Ngài đã truyền ban Chức Tư Tế cho các môn đồ của Ngài và giới thiệu Tiệc Thánh khi phán:

“Và các ngươi phải luôn luôn làm đúng theo điều này, như ta đã làm, nghĩa là ta đã bẻ bánh, ban phước lành bánh, và phân phát cho các ngươi.

“… Và việc làm đó sẽ là một lời chứng với Đức Chúa Cha rằng, các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta. Và nếu các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta thì các ngươi sẽ được Thánh Linh của ta ở cùng với các ngươi.”7

Thật đáng chú ý rằng ngay cả trong thời kỳ đen tối của sự bội giáo, mẫu mực thờ phượng trong Ngày Sa Bát và Tiệc Thánh vẫn tiếp tục được thực hành dưới nhiều hình thức.

Khi phúc âm được phục hồi, ba trong số Các Sứ Đồ là Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, lần đầu tiên nhận Tiệc Thánh từ Đấng Cứu Rỗi đã hiện đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery. Dưới sự hướng dẫn của họ, thẩm quyền chức tư tế cần thiết để thực hiện Tiệc Thánh cho các tín hữu trong giáo hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi.8

Đấng Cứu Rỗi truyền giao thẩm quyền chức tư tế đó cho các vị tiên tri và sứ đồ của Ngài, rồi từ họ được ban cho chúng ta, tiếp tục trên thế gian ngày nay. Những người nắm giữ chức tư tế trẻ tuổi trên khắp thế gian làm cho bản thân mình hội đủ điều kiện để sử dụng quyền năng chức tư tế bằng cách nghiêm chỉnh tuân giữ các giáo lệnh và sống theo các tiêu chuẩn của phúc âm. Hiểu theo ý nghĩa thuộc linh, khi những thanh niên này giữ bàn tay được trong sạch và trái tim được thanh khiết, họ chuẩn bị, ban phước và chuyền Tiệc Thánh theo cách của Đấng Cứu Rỗi—là cách được quy định theo như Ngài đã làm cách đây hơn 2.000 năm.

Việc chúng ta dự phần Tiệc Thánh là trọng tâm của việc tuân thủ Ngày Sa Bát. Trong sách Giáo Lý và Giao Ước, Chúa đã truyền lệnh cho tất cả chúng ta:

“Và để các ngươi có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn, các ngươì phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của ta;

“Vì thật vậy, đây là ngày đã được định để cho các ngươi nghỉ khỏi phải lao nhọc, và để trả sự ngoan đạo cho Đấng Tối Cao; …

“Và vào ngày này, các ngươi không được làm việc gì khác.”9

Khi chúng ta xem xét mẫu mực của Ngày Sa Bát và Tiệc Thánh trong cuộc sống của mình, thì dường như có ba điều mà Chúa đòi hỏi chúng ta: trước hết, hãy giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian; thứ hai, đi đến nhà nguyện và dâng lên Tiệc Thánh của mình; và thứ ba, nghỉ ngơi không làm việc.

Thật là vinh quang để làm một Ky Tô hữu và để sống với tư cách là một môn đồ chân chính của Đấng Ky Tô. Ngài phán về chúng ta: “Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian.”10 Để giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian, Ngài kỳ vọng chúng ta phải tránh những điều xao lãng vật chất của các cơ sở kinh doanh và những tiện nghi có tính chất giải trí vào Ngày Sa Bát.

Tôi tin rằng Ngài cũng mong muốn chúng ta ăn mặc thích hợp. Giới trẻ của chúng ta có thể nghĩ rằng câu nói xưa “ăn mặc chỉnh tề trong ngày Chúa Nhật” đã lỗi thời rồi. Chúng ta vẫn biết rằng khi cách ăn mặc vào ngày Chúa Nhật biến thành lối ăn mặc tùy tiện thường ngày thì sẽ kéo theo sau thái độ và hành động. Dĩ nhiên, chúng ta có lẽ không cần cho con cái mình ăn mặc trang trọng suốt ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, qua cách ăn mặc, chúng ta giúp chúng chuẩn bị cho Tiệc Thánh và vui hưởng các phước lành của Tiệc Thánh suốt ngày.

Việc chúng ta dâng lên Chúa Tiệc Thánh của mình có nghĩa là gì? Chúng ta nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều làm điều lầm lỗi. Mỗi chúng ta cần phải thú nhận rồi từ bỏ tội lỗi và điều sai sót của mình cùng Cha Thiên Thượng cũng như những người chúng ta có thể đã làm tổn thương. Ngày Sa Bát mang đến cho chúng ta một cơ hội quý báu để dâng những điều này—Tiệc Thánh của chúng ta—lên Chúa. Ngài phán: “Phải nhớ rằng ngày này, là ngày của Chúa, các ngươi phải dâng của lễ và Tiệc Thánh lên Đấng Tối Cao, phải thú tội với anh em mình, và trước mặt Chúa.”11

Anh Cả Melvin J. Ballard đã đề nghị: “Chúng tôi muốn mỗi Thánh Hữu Ngày Sau phải đến bàn Tiệc Thánh vì đó là nơi để tự tìm hiểu, tự xem xét, là nơi chúng ta có thể học cách sửa đổi hướng đi của mình và làm cho cuộc sống của mình được ngay đúng, tự làm cho mình phù hợp với những lời giảng dạy của Giáo Hội cũng như với các anh chị em của mình.”12

Khi dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, chúng ta làm chứng rằng chúng ta tình nguyện mang danh Đấng Cứu Rỗi và luôn luôn thật sự tưởng nhớ tới Ngài để có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng với mình. Giao ước báp têm của chúng ta được tái lập theo cách này. Chúa đã cam đoan với các môn đồ của Ngài rằng: “Vì mỗi khi các ngươi làm điều này, các ngươi sẽ nhớ đến giờ phút này ta đã ở với các ngươi.”13

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng việc nghỉ ngơi không làm việc chỉ là không đi làm để được trả lương và treo bảng “Đóng Cửa” trên cửa tiệm. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, công việc gồm có việc làm hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Điều này có thể có nghĩa là các sinh hoạt buôn bán mà chúng ta có thể hoàn tất ở nhà, những cuộc thi đấu thể thao, và những việc làm khác mà làm cho chúng ta tách xa khỏi sự thờ phượng trong Ngày Sa Bát cũng như cơ hội để phục sự người khác.

“Chớ coi thường những gì thiêng liêng,”14 Chúa đã mặc khải cho Các Thánh Hữu ban đầu thể như nhắc chúng ta nhớ về điều Ngài đã phán bảo các môn đồ của Ngài: “Vì loài người mà lập ngày Sa Bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa Bát mà dựng nên loài người.”15

Thưa các anh chị em, trong những ngày sau này, kẻ nghịch thù thành công khi chúng ta nới lỏng cam kết của mình với Đấng Cứu Rỗi, làm ngơ đối với những lời giảng dạy của Ngài trong Kinh Tân Ước cùng các thánh thư khác và ngừng noi theo Ngài. Thưa các bậc cha mẹ, bây giờ là lúc để giảng dạy con cái của mình phải làm gương cho các tín đồ bằng cách tham dự lễ Tiệc Thánh. Khi sáng Chúa Nhật bắt đầu, hãy giúp chúng ngủ đủ, ăn mặc thích hợp và chuẩn bị phần thuộc linh để dự phần vào các biểu tượng của Tiệc Thánh cùng tiếp nhận sự soi sáng, gây dựng cũng như quyền năng cao quý của Đức Thánh Linh. Hãy để cho gia đình mình được tràn đầy tình yêu thương khi các anh chị em tôn trọng Ngày Sa Bát suốt cả ngày và kinh nghiệm được các phước lành thuộc linh của Ngày Sa Bát suốt cả tuần. Hãy mời các con trai và con gái của các anh chị em “đứng dậy và chiếu sáng,” bằng cách giữ Ngày Sa Bát được thánh, để “ánh sáng [của chúng] có thể là một cờ lệnh cho các quốc gia.”16

Năm tháng trôi qua, tôi tiếp tục suy ngẫm về những ngày Sa Bát của thời thơ ấu và tuổi trưởng thành của mình. Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên tôi thực hiện Tiệc Thánh với tư cách là thầy trợ tế và những cái ly nhỏ đựng nước tôi chuyền cho các tín hữu trong tiểu giáo khu của chúng tôi. Cách đây một vài năm, một nhà thờ ở quê quán của tôi được tu sửa lại. Có một ngăn trong bục giảng đã được niêm kín. Khi mở ngăn đó ra, người ta thấy mấy cái ly nhỏ này được giấu trong đó nhiều năm. Tôi đã được tặng một cái ly để làm kỷ niệm.

Tôi cũng còn nhớ chúng tôi đã mang theo một cái rương màu xanh lá cây, trong đơn vị Lính Thủy Đánh Bộ của Hoa Kỳ. Ở bên trong cái rương đó là một cái khay bằng gỗ và những cái gói có ly Tiệc Thánh, để chúng tôi có thể được ban phước bởi sự bình an và hy vọng của Bữa Ăn Tối của Chúa ngay cả trong cuộc xung đột và nỗi tuyệt vọng của chiến tranh.

Khi nghĩ về những cái ly Tiệc Thánh đó từ thời niên thiếu của tôi, một lễ Tiệc Thánh trong thung lũng được che chở của căn nhà thời niên thiếu của tôi, và lễ Tiệc Thánh kia ở xa hằng ngàn dặm trong vùng Thái Bình Dương, tôi thấy vô cùng biết ơn Đấng Cứu Rỗi của Thế Gian đã sẵn lòng uống “cạn chén đắng”17 vì tôi. Và vì Ngài đã làm điều đó, nên tôi có thể nói với tác giả sách Thi Thiên: “Chén tôi đầy tràn”18 với các phước lành của Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu của Ngài.

Vào ngày hôm nay là trước Ngày Sa Bát, khi chúng ta bắt đầu đại hội này, chúng ta hãy ghi nhớ các phước lành cũng như cơ hội thuộc về mình khi dự lễ Tiệc Thánh mỗi tuần trong tiểu giáo khu và chi nhánh của mình. Chúng ta hãy chuẩn bị và cư xử tốt vào Ngày Sa Bát theo cách mà sẽ kêu cầu các phước lành đã được hứa đó xuống cho chúng ta và gia đình mình. Tôi chia sẻ chứng ngôn đặc biệt của mình rằng niềm vui lớn nhất chúng ta nhận được trong cuộc sống này là trong việc noi theo Đấng Cứu Rỗi. Cầu xin cho chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Ngài bằng cách tuân thủ ngày thánh của Ngài, là lời cầu nguyện của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.