2011
Các Phước Lành Quý Báu Nhất của Chúa
Tháng năm năm 2011


Các Phước Lành Quý Báu Nhất của Chúa

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta đóng tiền thập phân của mình một cách trung tín, Chúa sẽ mở các cửa sổ trên trời và đổ xuống chúng ta các phước lành quý báu nhất của Ngài.

Elder Carl B. Pratt

Tôi biết ơn các tổ tiên ngay chính đã giảng dạy phúc âm cho con cái họ trong nhà từ lâu trước khi các buổi họp tối gia đình được chính thức tổ chức. Ông bà ngoại của tôi tên là Ida Jesperson và John A. Whetten. Họ sống trong một cộng đồng nhỏ ở Colonia Juarez, Chihuahua, Mexico. Con cái của gia đình Whetten được dạy dỗ bằng lời giáo huấn và bằng cách quan sát tấm gương của cha mẹ họ.

Đầu thập niên 1920 ở Mexico là thời gian khó khăn. Cuộc cách mạng bạo động mới vừa kết thúc. Lúc đó, không có nhiều tiền mặt lưu hành và hầu hết đều là các đồng xu bằng bạc. Người ta thường buôn bán bằng cách trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Một ngày nọ, gần cuối mùa hè, Ông Ngoại John về nhà sau khi đã hoàn tất việc trao đổi một cặp bò và được trả cho 100 peso bằng các đồng xu bạc. Ông đưa tiền cho Ida với lời dặn là phải được dùng để trả cho học phí sắp tới của con cái.

Ida biết ơn về số tiền nhưng nhắc John nhớ là họ chưa đóng tiền thập phân suốt mùa hè. Họ không có thu nhập bằng tiền mặt, nhưng Ida nhắc ông nhớ rằng các con vật đã cung cấp thịt, trứng và sữa. Khu vườn của họ đã mang lại số lượng dồi dào trái cây và rau cải, và họ đã trao đổi hàng hóa mà không có dính líu đến tiền bạc. Ida đề nghị họ nên đưa tiền cho vị giám trợ để đóng tiền thập phân.

John hơi thất vọng vì tiền mặt sẽ giúp rất nhiều cho học phí của con cái, nhưng ông cũng nhanh chóng đồng ý rằng họ cần phải đóng tiền thập phân của mình. Ông mang cái bao nặng nề đến văn phòng thập phân và đóng tiền cho vị giám trợ.

Chẳng bao lâu sau đó, ông nghe tin có một thương gia giàu có tên là Ông Hord tuần tới sẽ từ Hoa Kỳ đến cùng một số người khác để săn bắn và câu cá một vài ngày trên núi.

Ông Ngoại John đến gặp nhóm người đó tại trạm xe lửa gần Colonia Juarez. Ông có một bầy ngựa đã thắt yên cùng những con vật cần để chuyên chở hành lý và dụng cụ cắm trại trên núi. Tuần kế tiếp, ông dành thời giờ hướng dẫn những người này đồng thời trông coi trại và các súc vật.

Vào cuối tuần đó, nhóm người đó trở lại trạm xe lửa để lấy xe lửa trở về Hoa Kỳ, John được trả tiền công vào ngày đó và được đưa cho một bao đồng xu bạc peso để trả các chi phí khác. Ngay sau khi ông thanh toán tiền với những người phụ giúp xong, John trả lại số tiền dư cho Ông Hord, ông này rất ngạc nhiên vì nghĩ không còn số tiền dư nào cả. Ông hỏi John có chắc chắn rằng tất cả mọi tổn phí đã được trả hết chưa và John đáp rằng những chi phí cho chuyến đi đã được thanh toán đầy đủ và đây là số tiền còn lại.

Tiếng còi xe lửa huýt lên. Ông Hord xoay người đi nhưng rồi quay trở lại và ném cho John cái bao nặng đầy đồng xu. Ông nói: “Đây, mang về nhà cho mấy đứa con trai của anh đi.” John chụp lấy cái bao đó và đi về Colonia Juarez.

Buổi tối hôm đó, khi gia đình quy tụ lại sau bữa ăn tối để nghe kể về chuyến đi, John sực nhớ ra cái bao, ông mang vào và đặt nó lên trên bàn. John nói rằng ông không biết có bao nhiêu tiền trong cái bao, nên rất thích thú để đổ tiền từ cái bao ra bàn—thật là một đống tiền xu khá cao—và khi đếm xong thì có được đúng 100 xu bằng bạc. Dĩ nhiên, dường như đó là một phước lành lớn mà Ông Hord đã quyết định thực hiện chuyến đi đó. John và mấy người con trai của ông đã được trả lương cao, nhưng 100 peso còn lại là điều nhắc nhở về số tiền đúng bằng số tiền thập phân đã trả tuần trước. Đối với một số người, đó có thể là một điều trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị, nhưng đối với gia đình Whetten thì rõ ràng đó là một bài học từ Chúa rằng Ngài ghi nhớ những lời hứa của Ngài với những người đóng tiền thập phân một các trung tín.

Khi còn nhỏ, tôi yêu thích câu chuyện đó về chuyến đi cưỡi ngựa và cắm trại trên núi để săn bắn và câu cá. Và tôi yêu thích câu chuyện đó vì nó dạy rằng chúng ta được phước khi tuân theo các lệnh truyền. Có vài điều chúng ta đều có thể học hỏi về việc đóng tiền thập phân từ câu chuyện này.

Trước hết, các anh chị em sẽ thấy rằng việc đóng tiền thập phân trong trường hợp này không liên quan gì đến số thu nhập bằng tiền mặt. Gia đình Whetten quyết định sử dụng số thu nhập đầu tiên bằng tiền mặt để đóng thập phân vì họ đã sống dư dật từ đàn gia súc và vườn trái cây, rau cỏ màu mỡ của họ. Hiển nhiên họ đã cảm thấy nợ Chúa về các phước lành của họ.

Đó là điều nhắc nhở về ý nghĩa của lời Chúa khi Ngài hỏi: “Người ta có thể ăn trộm Đức Chúa Trời sao? Mà các ngươi ăn trộm ta.” Người ta hỏi: “Chúng tôi ăn trộm Chúa ở đâu?” Và lời đáp của Chúa vang rền: “Các ngươi đã ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng. (Ma La Chi 3:8). Vâng, thưa các anh chị em, chúng ta đều nợ Chúa cũng giống như John và Ida Whetten đã biết được vào mùa hè đó cách đây nhiều thập niên. Chúng ta đừng để bị kết tội là trộm của Thượng Đế. Chúng ta hãy lương thiện và trả nợ của mình cho Chúa. Ngài chỉ đòi hỏi 10 phần trăm mà thôi. Sự liêm chính trong việc trả nợ của mình cho Chúa sẽ giúp chúng ta lương thiện với đồng loại của mình.

Điều tiếp theo tôi nhận thấy về câu chuyện đó là ông bà ngoại tôi đã đóng tiền thập phân bất kể hoàn cảnh tài chính nghèo khó của gia đình họ như thế nào. Họ biết lệnh truyền của Chúa; họ áp dụng thánh thư cho bản thân mình (xin xem 1 Nê Phi 19:23–24) và tuân theo luật pháp. Đây là điều Chúa kỳ vọng nơi tất cả dân Ngài. Ngài kỳ vọng chúng ta đóng tiền thập phân, không phải chỉ khi nào chúng ta dư dả từ “số tiền còn lại” của ngân quỹ gia đình mình, mà như Ngài đã truyền lệnh từ thời xưa là tiền thập phân phải được đóng từ số thu nhập chúng ta mới nhận được, dù ít hay nhiều. Chúa đã truyền lệnh: “Ngươi chớ trễ nải mà dâng cho ta những hoa quả đầu mùa của ngươi” (Xuất Ê Díp Tô Ký 22:29). Kinh nghiệm riêng của tôi là cách chắc chắn nhất để đóng tiền thập phân một cách trung tín là đóng ngay khi tôi nhận được bất cứ số thu nhập nào. Quả thật, tôi thấy đó là cách duy nhất mà thôi.

Chúng tôi học được từ ông bà ngoại Whetten của tôi rằng việc đóng tiền thập phân không phải thật sự là về vấn đề tiền bạc; mà là vấn đề đức tin—đức tin nơi Chúa. Ngài hứa ban cho các phước lành nếu chúng ta tuân theo các lệnh truyền của Ngài. Rõ ràng, John và Ida Whetten đã cho thấy đức tin lớn lao trong việc đóng tiền thập phân của mình. Chúng ta hãy cho thấy đức tin của mình nơi Chúa bằng cách đóng tiền thập phân của mình. Hãy đóng tiền thập phân trước nhất và một cách lương thiện. Hãy dạy con cái chúng ta đóng tiền thập phân ngay cả từ số tiền được cha mẹ cho hoặc các khoản thu nhập khác, và rồi dẫn chúng đi với chúng ta đến buổi họp giải quyết tiền thập phân để chúng biết về tấm gương và tình yêu mến của chúng ta đối với Chúa.

Trong câu chuyện này của ông bà ngoại tôi, có thể có đôi chút hiểu lầm. Một người có thể kết luận rằng vì chúng tôi đóng thập phân bằng tiền nên Chúa sẽ luôn luôn ban phước cho chúng tôi bằng tiền bạc. Tôi có khuynh hướng suy nghĩ như thế khi còn nhỏ. Nhưng sau đó tôi đã biết được rằng không nhất thiết phải là như vậy. Chúa hứa ban các phước lành cho những người đóng thập phân của họ. Ngài hứa sẽ “mở các cửa sổ trên trời … , đổ phước xuống … đến nỗi không chỗ chứa” (Ma La Chi 3:10). Tôi làm chứng rằng Ngài làm tròn những lời hứa của Ngài, và nếu chúng ta đóng tiền thập phân của mình một cách trung tín thì chúng ta sẽ không thiếu thốn các nhu yếu phẩm trong cuộc sống, nhưng Ngài không hứa ban cho sự giàu có. Tiền bạc và các tài khoản trong ngân hàng không phải là các phước lành quý báu nhất của Ngài. Ngài ban cho chúng ta sự thông sáng để quản lý các phước lành về vật chất giới hạn của mình, sự thông sáng để cho chúng ta có thể có cuộc sống tốt với 90 phần trăm số thu nhập của chúng ta hơn là với 100 phần trăm. Như vậy, những người đóng tiền thập phân trung tín hiểu được lối sống tằn tiện và thường sống tự túc hơn.

Tôi dần dần hiểu rằng các phước lành quý báu nhất của Chúa là thuộc linh, và thường thường liên quan đến gia đình, bạn bè và phúc âm. Dường như Ngài thường ban phước lành về khả năng bén nhạy đặc biệt đối với ảnh hưởng và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, nhất là trong các vấn đề hôn nhân và gia đình như là nuôi dạy con cái. Khả năng bén nhạy về phần thuộc linh này có thể giúp chúng ta vui hưởng phước lành của cảnh hòa thuận và bình an trong nhà. Chủ Tịch James E. Faust đã đề nghị rằng việc đóng tiền thập phân là “một sự bảo đảm xuất sắc chống lại ly dị” (“Làm Phong Phú Hôn Nhân,” Liahona, tháng Tư năm 2007, 5).

Việc đóng tiền thập phân giúp chúng ta phát triển một tấm lòng tuân phục và khiêm nhường, và một tấm lòng biết ơn thường “chịu thú nhận có bàn tay của Ngài trong mọi sự việc” (GLGƯ 59:21). Việc đóng tiền thập phân khuyến khích chúng ta có một tấm lòng rộng rãi và tha thứ, cũng như một tấm lòng bác ái đầy tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. Chúng ta trở nên thiết tha để phục vụ và ban phước những người khác với một tấm lòng vâng phục theo ý Chúa. Những người đóng tiền thập phân đều đặn thấy rằng đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô được củng cố hơn và họ phát triển một chứng ngôn vững mạnh, vĩnh viễn về phúc âm và Giáo Hội của Ngài. Không một phước lành nào trong số các phước lành này liên quan đến tiền bạc hoặc vật chất trong bất cứ phương diện nào, nhưng chắc chắn đó là các phước lành quý báu nhất của Chúa.

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta đóng tiền thập phân của mình một cách trung tín, Chúa sẽ mở các cửa sổ trên trời và đổ xuống chúng ta các phước lành quý báu nhất của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.