2016
Gia Đình Vĩnh Cửu
May 2016


Gia Đình Vĩnh Cửu

Nghĩa vụ của chức tư tế của chúng ta là đặt gia đình mình và gia đình của những người xung quanh vào trọng tâm của mối quan tâm của chúng ta.

Tôi biết ơn được hiện diện với các anh em buổi tối hôm nay trong buổi họp chức tư tế trung ương của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Đây là một giây phút trọng đại trong lịch sử của Giáo Hội. Cách đây 182 năm vào năm 1834, ở Kirtland, Ohio, tất cả những người mang chức tư tế được kêu gọi đến nhóm họp với nhau trong một ngôi trường bằng gỗ rộng 4,2 mét và dài 4,2 mét. Trong buổi họp đó, người ta kể lại rằng Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Các anh em không biết gì nhiều về vận mệnh của Giáo Hội và vương quốc này hơn một đứa bé ngồi trong lòng của mẹ nó. Các anh em không thấu hiểu điều đó. … Các anh em chỉ thấy có một số ít người nắm giữ Chức Tư Tế ở đây trong buổi tối hôm nay, nhưng Giáo Hội này sẽ lan tràn đến Bắc và Nam Mỹ—nó sẽ lan tràn khắp thế gian.”1

Hàng triệu người nắm giữ chức tư tế, trong hơn 110 quốc gia, quy tụ lại trong phiên họp này. Có lẽ Tiên Tri Joseph đã nhìn thấy trước thời điểm này và tương lai vinh quang đang ở trước mặt chúng ta.

Sứ điệp của tôi buổi tối hôm nay là nhằm cố gắng mô tả tương lai đó và điều chúng ta phải làm để được dự phần vào kế hoạch hạnh phúc Cha Thiên Thượng đã chuẩn bị cho chúng ta. Trước khi sinh ra, chúng ta đã sống trong một gia đình với Cha Thiên Thượng tôn cao và vĩnh cửu. Ngài quy định một kế hoạch nhằm cho phép chúng ta tiến triển và tiến bộ để trở thành giống như Ngài. Ngài làm điều đó vì yêu thương chúng ta. Mục đích của kế hoạch này là cho phép chúng ta có đặc ân sống vĩnh viễn như Cha Thiên Thượng đang sống. Kế hoạch phúc âm này ban cho chúng ta một cuộc sống trần thế mà trong đó chúng ta sẽ được thử thách. Một lời hứa đã được ban cho rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nếu chúng ta tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của chức tư tế của phúc âm thì chúng ta sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, ân tứ lớn nhất trong tất cả các ân tứ của Ngài.

Cuộc sống vĩnh cửu là cuộc sống mà Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu sống. Thượng Đế đã phán rằng mục đích của Ngài là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người ” (Môi Se 1:39). Mục đích lớn lao của mỗi người nắm giữ chức tư tế là giúp các tín hữu đạt được cuộc sống vĩnh cửu.

Mỗi nỗ lực của chức tư tế và mỗi giáo lễ của chức tư tế là nhằm giúp con cái của Cha Thiên Thượng được thay đổi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô để trở thành những người trong các đơn vị gia đình hoàn thiện. Sau đó “công việc vĩ đại của mỗi người là tin theo phúc âm, tuân giữ các lệnh truyền, và tạo ra cùng hoàn thiện một đơn vị gia đình vĩnh cửu,”2 và giúp đỡ người khác cũng làm như vậy.

Bởi vì điều đó là đúng nên mọi điều chúng ta làm nên có trọng tâm và mục đích là cuộc hôn nhân thiên thượng. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải cố gắng để được làm lễ gắn bó với một người bạn đời vĩnh cửu trong đền thờ của Thượng Đế. Chúng ta cũng phải khuyến khích những người khác lập và tuân giữ các giao ước mà ràng buộc vợ chồng với nhau, với gia đình của họ, trong cuộc sống này và trong thế giới mai sau.

Tại sao điều này lại quan trọng nhiều như vậy đối với mỗi người chúng ta—người lớn tuổi hay nhỏ tuổi, thầy trợ tế hay thầy tư tế thượng phẩm, con trai hay cha? Đó là vì nghĩa vụ chức tư tế của chúng ta là đặt gia đình của mình và gia đình của những người xung quanh làm trọng tâm của mối quan tâm của chúng ta. Mỗi quyết định trọng đại nên được dựa vào ảnh hưởng mà quyết định đó sẽ có trên một gia đình để hội đủ điều kiện cho cuộc sống với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Trong sự phục vụ chức tư tế của chúng ta, không có điều gì quan trọng bằng điều này.

Tôi xin nói với các anh em về điều này có thể có ý nghĩa gì đối với một thầy trợ tế đang lắng nghe buổi tối hôm nay với tư cách là một thành viên trong một đơn vị gia đình và với tư cách là một thành viên trong nhóm túc số.

Trong gia đình của em ấy, có thể có hoặc có thể không có sự cầu nguyện gia đình hoặc buổi họp tối gia đình thường xuyên. Nếu cha của em ấy hiểu được những nghĩa vụ này, tụ họp gia đình lại với nhau để cầu nguyện hoặc đọc thánh thư, thì thầy trợ tế ấy có thể nhanh nhẹn dự phần với một nụ cười. Em ấy có thể khuyến khích các anh chị em của mình tham gia và khen ngợi họ khi họ làm như vậy. Em ấy có thể yêu cầu cha của mình ban cho một phước lành vào đầu năm học mới hoặc trong một thời điểm cần thiết khác.

Người thầy trợ tế này có thể không có một người cha trung tín như vậy. Nhưng chính ước muốn trong lòng của em ấy cho những kinh nghiệm đó sẽ mang lại các quyền năng của thiên thượng cho những người xung quanh nhờ vào đức tin của em ấy. Họ sẽ tìm kiếm cuộc sống gia đình mà thầy trợ tế ấy hết lòng mong muốn.

Trong nhiệm vụ giảng dạy tại gia của mình, người thầy giảng trong Chức Tư Tế A Rôn có thể thấu hiểu một cơ hội để giúp Chúa thay đổi cuộc sống của một gia đình. Chúa đề nghị điều đó trong Giáo Lý và Giao Ước:

“Bổn phận của thầy giảng là phải luôn luôn trông coi giáo hội cũng như sát cánh và củng cố họ;

“Và xem xét rằng không có sự bất chính trong giáo hội, cũng không có sự gay gắt với nhau, hay sự dối trá, nói hành, nói xấu với nhau” (GLGƯ 20:53–54).

Tương tự như vậy, các thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn được ban cho mệnh lệnh này:

“Bổn phận thầy tư tế là thuyết giáo, giảng dạy, giải nghĩa, khuyên nhủ, làm phép báp têm và ban phước lành Tiệc Thánh;

“Và đi thăm viếng tư gia của mỗi tín hữu, và khuyên nhủ họ nên cầu nguyện bằng lời và cầu nguyện thầm, và làm tất cả các bổn phận trong gia đình” (GLGƯ 20:46–47).

Các em có thể tự hỏi, như tôi đã làm khi tôi còn là một thầy giảng và thầy tư tế trẻ tuổi, cách để đối phó với những thử thách đó. Tôi đã không bao giờ biết chắc mình có thể khuyên nhủ như thế nào để đem một gia đình hướng đến cuộc sống vĩnh cửu mà không xúc phạm hay dường như chỉ trích. Tôi đã học được rằng lời khuyên nhủ duy nhất mà có thể thay đổi tấm lòng đến từ Đức Thánh Linh. Điều đó xảy ra thường xuyên nhất khi chúng ta chia sẻ chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi, là Đấng đã và đang là thành viên của một gia đình hoàn hảo. Khi chúng ta tập trung vào tình yêu thương của mình dành cho Ngài, sự hòa thuận và bình an sẽ tăng trưởng trong các mái gia đình mà chúng ta đến thăm. Đức Thánh Linh sẽ giúp đỡ trong sự phục vụ của chúng ta cho các gia đình.

Người nắm giữ chức chức tư tế trẻ tuổi có thể, qua cách em ấy cầu nguyện, qua cách em ấy nói, và qua cách em ấy khuyến khích những người trong gia đình, mang ảnh hưởng và tấm gương của Đấng Cứu Rỗi vào tâm trí của họ.

Một vị lãnh đạo chức tư tế khôn ngoan đã cho tôi thấy rằng ông hiểu điều đó. Ông yêu cầu đứa con trai nhỏ của tôi hướng dẫn trong một lần giảng dạy tại gia. Ông nói rằng gia đình đó có thể chống lại những lời khuyên nhủ của ông, nhưng ông nghĩ rằng lời giảng dạy giản dị và chứng ngôn của một thiếu niên có nhiều khả năng xuyên thấu tấm lòng cứng cỏi của họ.

Người anh cả trẻ tuổi có thể làm gì để giúp đỡ trong việc tạo ra các gia đình vĩnh cửu? Anh ta có thể đi truyền giáo. Anh ta có thể hết lòng cầu nguyện để sẽ có thể tìm thấy, giảng dạy và làm phép báp têm cho các gia đình. Tôi vẫn còn nhớ một hôm, một thanh niên đẹp trai với người vợ trẻ đẹp của mình cùng hai đứa con gái xinh đẹp của họ ngồi với tôi và người bạn đồng hành truyền giáo của tôi. Đức Thánh Linh đã đến và làm chứng với họ rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi. Họ tin đến nỗi họ còn hỏi xin chúng tôi có thể ban cho hai đứa con gái nhỏ của họ một phước lành như họ đã thấy giáo lễ đó đã được thực hiện trong một buổi lễ Tiệc Thánh của chúng tôi. Họ đã có ước muốn cho con cái của họ được ban phước, nhưng họ vẫn chưa hiểu rằng các phước lành thật sự sẽ chỉ có thể được thực hiện trong các đền thờ của Thượng Đế sau khi họ đã lập các giao ước.

Tôi vẫn còn cảm thấy buồn khi nghĩ tới cặp vợ chồng và hai bé gái đó, có lẽ bây giờ đã lớn rồi mà không có được lời hứa về một gia đình vĩnh cửu. Cha mẹ của các em này đã có ít nhất một ý niệm mơ hồ về các phước lành mà có thể có sẵn cho họ. Tôi hy vọng rằng bằng cách nào đó, ở nơi nào đó họ đã có thể có cơ hội để hội đủ điều kiện trở thành một gia đình vĩnh cửu.

Các anh cả khác đi truyền giáo sẽ có kinh nghiệm vui vẻ hơn kinh nghiệm của con trai tôi. Nó và người bạn đồng hành của nó tìm thấy một góa phụ có mười một đứa con sống trong cảnh nghèo nàn. Nó muốn cho họ điều mà các anh em muốn—là có được một gia đình vĩnh cửu. Đối với con trai tôi, điều đó dường như khó có thể thực hiện được hoặc ít nhất không chắc xảy ra vào thời điểm đó.

Tôi đến thăm thành phố bé nhỏ đó nhiều năm sau khi con trai tôi đã làm phép báp têm cho người góa phụ ấy, và chị ấy đã mời tôi đến gặp gia đình của chị. Tôi đã phải chờ đợi một thời gian vì hầu hết con cái của chị ấy, cùng nhiều cháu, đến từ các giáo đường khác nhau trong khu vực. Một cậu con trai đã trung tín phục vụ trong một giám trợ đoàn, nhiều đứa con của chị đã được ban phước với các giao ước đền thờ và chị đã được làm lễ gắn bó trong một gia đình vĩnh cửu. Khi tôi chia tay với chị phụ nữ thân mến này, thì chị ôm quàng lấy eo tôi và nói: “Xin bảo Mateo trở lại trước khi tôi chết.” Nhờ các anh cả trung tín đó mà chị ấy đã được ban cho niềm mong đợi hạnh phúc về ân tứ lớn nhất trong mọi ân tứ của Thượng Đế.

Có những điều mà một anh cả phải làm khi trở về từ công việc truyền giáo, để được trung thành với cam kết của mình nhằm tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu cho mình và cho những người mình yêu thương. Không có cam kết nào trong thời tại thế hoặc trong thời vĩnh cửu lại quan trọng hơn hôn nhân cả. Các anh em đã nghe lời khuyên bảo khôn ngoan để đặt hôn nhân làm ưu tiên trong các kế hoạch sau khi công việc truyền giáo. Người tôi tớ trung thành nắm giữ chức tư tế sẽ làm điều đó một cách khôn ngoan.

Khi xem xét việc kết hôn, người ấy sẽ hiểu rằng mình đang lựa chọn cha mẹ của con cái mình và di sản mà họ sẽ có. Người ấy sẽ cân nhắc lựa chọn trong việc tìm kiếm một cách nghiêm túc và thành tâm. Người ấy sẽ bảo đảm rằng người mà mình kết hôn sẽ cùng có những tiêu chuẩn về gia đình, những sự tin chắc về mục đích của Chúa cho hôn nhân, và rằng người vợ là một người mà người ấy sẽ sẵn sàng tin tưởng mang lại hạnh phúc cho con cái mình.

Chủ Tịch N. Eldon Tanner đã đưa ra lời khuyên bảo khôn ngoan: “Các bậc cha mẹ mà các anh chị em nên tôn trọng hơn bất cứ người nào khác là cha mẹ của con cái tương lai của các anh chị em. Những đứa con đó có quyền có được cha mẹ tốt nhất mà các anh chị em có thể cho chúng—đó là cha mẹ ngay chính.”3 Sự thanh khiết sẽ là sự bảo vệ của các anh em và sự bảo vệ của con cái của mình. Các anh em nợ họ phước lành đó.

Vậy thì, có một số người chồng và người cha đang lắng nghe buổi tối hôm nay. Các anh em có thể làm gì? Tôi hy vọng rằng các anh em đã gia tăng ước muốn để có những thay đổi cần thiết cho mình và gia đình mình để sống trong vương quốc thượng thiên một ngày nào đó. Là một người cha mang chức tư tế, với vợ ở bên cạnh, các anh em có thể ảnh hưởng đến tấm lòng của mỗi người trong gia đình để khuyến khích họ mong đợi cái ngày đó. Các anh em sẽ tham dự lễ Tiệc Thánh với gia đình mình, các anh em sẽ tổ chức các buổi họp mặt gia đình, trong đó Đức Thánh Linh được mời đến, các anh em sẽ cầu nguyện với vợ và gia đình của mình, và chuẩn bị cho mình để đưa gia đình mình đến đền thờ. Các anh em sẽ đi với họ dọc trên con đường dẫn đến một mái gia đình vĩnh cửu.

Các anh em sẽ đối xử với vợ con mình theo cách mà Cha Thiên Thượng đã đối xử với các anh em. Các anh em sẽ noi theo gương và sự hướng dẫn của Đấng Cứu Rỗi để dẫn dắt gia đình của mình theo cách của Ngài.

“Không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật;

“Nhờ lòng nhân từ, và sự hiểu biết thuần túy, là những điều sẽ mở rộng tâm hồn con người một cách không giả dối và không gian xảo—

“Phải kịp thời khiển trách một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động; rồi sau đó, phải tỏ một tình thương yêu gấp bội đối với người mà ngươi đã khiển trách, kẻo người ấy sẽ xem ngươi là kẻ thù” (GLGƯ 121:41–43).

Chúa đã phán với những người cha mang chức tư tế phải là những người chồng như thế nào. Ngài phán: “Các ngươi phải yêu thương vợ mình hết lòng, và chỉ kết hợp với vợ mình, chớ không với một ai khác” (GLGƯ 42:22). Khi Chúa phán với cả hai vợ chồng, Ngài truyền lệnh: “Các ngươi chớ … phạm tội ngoại tình, … hay làm bất cứ điều gì tương tự điều này” (GLGƯ 59:6).

Đối với giới trẻ, Chúa đã đặt ra tiêu chuẩn: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa” (Cô Lô Se 3:20) và “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:12).

Khi Chúa nói với tất cả mọi người trong gia đình, thì lời khuyên dạy của Ngài là phải yêu thương và giúp đỡ nhau.

Ngài phán bảo chúng ta phải “cố gắng hoàn thiện cuộc sống của mỗi … người” trong gia đình, để “củng cố người yếu đuối; tìm lại người thân yêu thất lạc, và vui mừng trong sức mạnh thuộc linh đổi mới của họ.”4

Chúa cũng phán bảo chúng ta phải làm hết sức mình để giúp thân quyến họ hàng đã qua đời của mình được ở với chúng ta trong mái gia đình vĩnh cửu.

Vị lãnh đạo nhóm thầy tư tế thượng phẩm mà đã siêng năng cố gắng giúp mọi người tìm kiếm tổ tiên của họ và mang tên của họ đến đền thờ chính là người đang giải cứu những người đã qua đời. Sẽ có những lời cám ơn trong thế giới mai sau với các thầy tư tế thượng phẩm đó, và với những người thực hiện các giáo lễ, vì họ đã không quên những người trong gia đình của họ đang chờ đợi trong thế giới linh hồn.

Các vị tiên tri đã nói: “Công việc quan trọng nhất của Chúa mà các anh em sẽ từng làm sẽ làm là công việc mà các anh em làm ở bên trong nhà mình. Việc giảng dạy tại gia, công việc của giám trợ đoàn, và các bổn phận khác của Giáo Hội đều quan trọng, nhưng công việc quan trọng nhất là ở bên trong nhà các anh em.”5

Trong nhà và trong sự phục vụ chức tư tế của các anh em, giá trị lớn nhất sẽ là trong các cử chỉ nhỏ mà giúp chúng ta và những người chúng ta yêu thương cố gắng hướng tới cuộc sống vĩnh cửu. Những hành vi đó có thể dường như nhỏ nhặt trong cuộc sống này, nhưng sẽ mang lại các phước lành vĩnh viễn trong thời vĩnh cửu.

Khi trung tín trong sự phục vụ của mình để giúp con cái của Cha Thiên Thượng trở về nhà với Ngài, thì chúng ta sẽ hội đủ điều kiện để nhận được lời chào đón mà chúng ta đều rất muốn nghe khi chúng ta kết thúc giáo vụ trên trần thế của mình. Đây là những lời đó: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Ma Thi Ơ 25:21).

Trong số “nhiều [điều]” đó là lời hứa về một dòng dõi vô tận. Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta đều có thể hội đủ điều kiện và giúp người khác hội đủ điều kiện cho phước lành thiêng liêng đó trong nhà của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch của Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 137.

  2. Bruce R. McConkie, trong Conference Report, tháng Tư năm 1970, 26.

  3. N. Eldon Tanner, Church News, ngày 19 tháng Tư năm 1969, 2.

  4. Bruce R. McConkie, trong Conference Report, tháng Tư năm 1970, 27.

  5. Harold B. Lee, Decisions for Successful Living (1973), 248–49.