2016
Các Vị Lãnh Đạo Tài Giỏi Nhất Là Những Người Tuân Theo Chính Xác Nhất
May 2016


Các Vị Lãnh Đạo Tài Giỏi Nhất Là Những Người Tuân Theo Chính Xác Nhất

Sẽ có những lúc khi con đường phía trước dường như tối tăm, nhưng hãy tiếp tục đi theo Đấng Cứu Rỗi. Ngài biết đường đi; quả thật, Ngài đường đi.

Khi tôi 12 tuổi, cha tôi dẫn tôi đi săn ở trên núi. Chúng tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng, thắng yên ngựa, và bắt đầu đi lên sườn núi trong rừng rậm giữa đêm tối âm u. Mặc dù tôi rất thích đi săn với cha tôi, nhưng lúc đó tôi cảm thấy hơi lo. Tôi chưa từng bao giờ ở trên vùng núi này, chưa bao giờ cả, và tôi không thể nhìn thấy con đường mòn—và thật sự tôi không thể thấy bất cứ thứ gì cả! Thứ duy nhất tôi có thể thấy là cây đèn pin nhỏ cha tôi mang theo vì nó tỏa ra ánh sáng mờ mờ trên rặng thông ở phía trước chúng tôi. Nếu con ngựa của tôi bị trượt chân và ngã thì sao—thậm chí nó có thể thấy nó đang đi đâu không? Nhưng ý nghĩ này làm tôi yên lòng: “Cha tôi biết ông đang đi đâu. Nếu tôi đi theo ông thì mọi việc sẽ ổn thôi.”

Và mọi việc đều ổn cả. Cuối cùng trời đã sáng, và chúng tôi có một ngày tuyệt vời với nhau. Khi chúng tôi bắt đầu lên đường về nhà, cha tôi chỉ vào một đỉnh dốc hùng vĩ nổi bật trong số các đỉnh núi khác. Ông nói: “Đó là dãy núi Windy Ridge. Đó là nơi săn bắn tốt.” Ngay lập tức tôi biết rằng tôi muốn trở lại một ngày nào đó và leo lên dãy núi Windy Ridge.

Trong những năm sau đó, tôi thường nghe cha tôi nói về dãy núi Windy Ridge, nhưng chúng tôi không bao giờ quay trở lại—cho đến một ngày kia, 20 năm sau, tôi gọi điện thoại cho cha tôi và nói: “Chúng ta hãy đi lên núi Windy.” Và một lần nữa chúng tôi thắng yên ngựa và bắt đầu đi lên sườn núi. Bấy giờ tôi đã là một người cưỡi ngựa giàu kinh nghiệm ở độ tuổi 30, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi cảm thấy cũng nỗi lo lắng mà tôi đã có khi còn là một cậu bé 12 tuổi. Nhưng cha tôi biết đường đi, và tôi đã đi theo ông.

Cuối cùng chúng tôi đã lên đến đỉnh núi Windy. Quang cảnh thật hùng vĩ, và tôi đã có một cảm giác tràn ngập vui mừng là muốn trở lại—lần này không phải là cho tôi mà là để đưa vợ con tôi đến. Tôi muốn họ có được kinh nghiệm như tôi đã có.

Trong những năm qua, tôi đã có nhiều cơ hội để dẫn mấy đứa con trai của tôi và các thiếu niên khác lên những đỉnh núi, giống như cha tôi đã dẫn tôi. Những kinh nghiệm này đã thúc giục tôi phải suy ngẫm về ý nghĩa của việc hướng dẫn—có nghĩa là đi theo.

Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Lãnh Đạo và Môn Đồ Vĩ Đại Nhất

Nếu tôi hỏi các anh em: “Ai là người lãnh đạo vĩ đại nhất đã từng sống trên thế gian?”—thì các anh em sẽ nói gì? Dĩ nhiên, câu trả lời là Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài nêu gương hoàn hảo về mỗi đức tính của sự lãnh đạo mà có thể tưởng tượng được.

Nhưng nếu tôi hỏi các anh em: “Ai là môn đồ vĩ đại nhất đã từng sống trên thế gian?” thì câu trả lời một lần nữa có phải là Chúa Giê Su Ky Tô không? Ngài là Đấng lãnh đạo vĩ đại nhất Ngài là môn đồ vĩ đại nhất—Ngài tuân theo Cha Ngài một cách chính xác trong mọi điều.

Thế gian dạy rằng các vị lãnh đạo phải mạnh mẽ; Chúa dạy rằng họ cần phải nhu mì. Các nhà lãnh đạo trên thế gian đạt được quyền hành và ảnh hưởng qua tài năng, kỹ năng, và của cải của họ. Các vị lãnh đạo giống như Đấng Ky Tô đạt được quyền năng và ảnh hưởng “nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật.”1

Trong mắt Thượng Đế, các vị lãnh đạo vĩ đại nhất luôn luôn là những người tuân theo một cách chính xác nhất.

Tôi xin được chia sẻ hai kinh nghiệm từ những lần giao tiếp mới gần đây của tôi với các thiếu niên của Giáo Hội đã dạy tôi về việc lãnh đạo và tuân theo.

Chúng Ta Đều Là Người Lãnh Đạo

Mới gần đây, vợ chồng tôi tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh cách xa tiểu giáo khu nhà của chúng tôi. Ngay trước khi buổi lễ bắt đầu, một thiếu niên đến gần tôi và hỏi tôi có thể giúp chuyền Tiệc Thánh được không. Tôi nói: “Tôi rất hân hạnh.”

Tôi đến ngồi với các thầy trợ tế khác và hỏi một em đang ngồi bên cạnh tôi: “Nhiệm vụ của tôi là gì?” Cậu ta nói với tôi rằng tôi phải bắt đầu chuyền Tiệc Thánh ở phía cuối giáo đường ở khu vực giữa và cậu ta sẽ ở phía bên kia cũng của khu vực đó, và chúng tôi sẽ cùng đi dần dần về phía trên.

Tôi nói: “Đã lâu lắm rồi tôi không làm việc này.”

Cậu ta đáp: “Không sao đâu. Ông sẽ làm được mà. Tôi cũng cảm thấy như vậy khi mới bắt đầu.”

Về sau, người thầy trợ tế trẻ nhất trong nhóm túc số, mới chỉ được sắc phong vài tuần trước đó, đã đưa ra một bài nói chuyện trong buổi lễ Tiệc Thánh. Sau buổi lễ, các thầy trợ tế khác đã vây quanh em ấy và nói cho em ấy biết là họ hãnh diện biết bao về thành viên cùng trong nhóm túc số này của họ.

Khi tôi đến thăm các thiếu niên này ngày hôm đó, tôi biết được rằng mỗi tuần các thành viên của tất cả các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn trong tiểu giáo khu đó đều đi thăm các thiếu niên khác và mời họ tham dự vào nhóm túc số của họ.

Các thiếu niên này đều là những người lãnh đạo tuyệt vời. Và rõ ràng họ đã có một sự hỗ trợ tuyệt vời của những người nắm Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, cha mẹ và những người khác mà đã cố vấn cho họ trong các bổn phận của họ. Những người lớn có lòng quan tâm giống như vậy nhìn các thiếu niên không phải qua con người hiện tại của họ mà qua con người họ có thể trở thành trong tương lai. Khi nói chuyện với các thiếu niên này hoặc về các em ấy, họ không chú trọng vào những thiếu sót của các thiếu niên. Thay vì thế, họ nhấn mạnh đến những đức tính lãnh đạo tuyệt vời mà các thiếu niên này đang cho thấy..

Các em thiếu niên thân mến, đây là cách Chúa nhìn các em. Tôi mời các em hãy xem mình theo cách này. Sẽ có những lúc trong cuộc sống của các em mà các em được kêu gọi để lãnh đạo. Vào những lúc khác, các em sẽ được kỳ vọng phải tuân theo. Nhưng sứ điệp của tôi dành cho các em hôm nay là cho dù chức vụ kêu gọi của các em là gì đi nữa, các em cũng luôn luôn là người lãnh đạo, và các em luôn luôn là một người tuân theo. Vai trò lãnh đạo là một biểu hiện của vai trò môn đồ—đó chỉ là vấn đề giúp người khác đến cùng Đấng Ky Tô, tức là điều mà các môn đồ chân chính làm. Nếu đang cố gắng để làm một người đi theo dấu chân Đấng Ky Tô, thì các em có thể giúp đỡ những người khác đi theo dấu chân Ngài, và các em có thể là một người lãnh đạo.

Khả năng của các em để lãnh đạo không đến từ một cá tính thân thiện, những kỹ năng năng động, hoặc thậm chí tài nói chuyện trước công chúng. Khả năng đó có được từ lòng cam kết của các em để đi theo dấu chân Chúa Giê Su Ky Tô. Khả năng đó có được từ ước muốn của các em để, theo lời của Áp Ra Ham, làm “một người theo đuổi sự ngay chính một cách nhiệt thành hơn.”2 Nếu các em có thể làm điều đó—cho dù các em không phải là hoàn hảo để làm điều đó, nhưng các em đang cố gắng—thì các em cũng một người lãnh đạo rồi.

Sự Phục Vụ của Chức Tư Tế là Sự Lãnh Đạo

Trong một dịp khác, tôi đang ở New Zealand và đến thăm nhà của một người mẹ độc thân có ba đứa con tuổi niên thiếu. Đứa con trai đầu lòng 18 tuổi và mới vừa nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc vào ngày Chủ Nhật trước. Tôi hỏi em ấy đã có thể thực hành chức tư tế này chưa. Em ấy nói: “Em không biết chắc điều đó có nghĩa là gì.”

Tôi nói với em ấy rằng bây giờ em ấy đã có thẩm quyền để ban một phước lành chức tư tế để an ủi hoặc chữa lành. Tôi nhìn mẹ của em ấy, là người đã không có một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc ở bên cạnh trong nhiều năm. Tôi nói: “Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời nếu em chịu ban cho mẹ của em một phước lành.”

Em ấy đáp: “Em không biết cách làm.”

Tôi giải thích rằng em ấy có thể đặt tay lên đầu của mẹ em, nói tên của mẹ em, nói rằng em đang ban cho bà một phước lành bằng thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, nói bất cứ điều gì Thánh Linh đặt trong tâm trí của em ấy, và kết thúc trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ngày hôm sau, tôi nhận được một email từ em ấy. Một phần email đó viết rằng: “Buổi tối hôm nay em đã ban phước cho mẹ em! … Em cảm thấy rất lo lắng và không thích hợp, nên em đã cầu nguyện liên tục để chắc chắn rằng em có Thánh Linh ở với em, vì em không thể ban phước lành mà không có Thánh Linh. Khi em bắt đầu, em hoàn toàn quên đi bản thân mình và yếu kém của mình. … Em [không kỳ vọng] quyền năng mãnh liệt của phần thuộc linh và tình cảm mà em cảm nhận được. … Sau đó tinh thần yêu thương tràn ngập lòng em đến nỗi em không thể kìm được cảm xúc của mình, vì vậy em ôm chầm lấy mẹ em và khóc như một đứa bé. … Ngay cả bây giờ trong khi viết email này, [em cũng cảm nhận được] Thánh Linh [nhiều đến nỗi] em không bao giờ muốn phạm tội nữa. … Em yêu thích phúc âm này.”3

Chẳng phải là điều thật soi dẫn để thấy cách mà một thanh niên dường như bình thường lại có thể hoàn thành được những điều tuyệt vời qua sự phục vụ của chức tư tế, cho dù em ấy cảm thấy không thích hợp sao? Tôi vừa biết được rằng người anh cả trẻ tuổi này đã nhận được sự kêu gọi đi truyền giáo và sẽ vào trung tâm huấn luyện truyền giáo vào tháng tới. Tôi tin rằng em ấy sẽ hướng dẫn nhiều người đến cùng Đấng Ky Tô, vì em ấy đã học được cách đi theo dấu chân của Đấng Ky Tô trong sự phục vụ với chức tư tế của mình—bắt đầu trong nhà của mình, nơi mà tấm gương của em ấy có được một ảnh hưởng sâu sắc đến đứa em trai 14 tuổi của em ấy.

Thưa các anh em, cho dù chúng ta có nhận biết hay không đi nữa thì những người khác đang ngưỡng mộ chúng ta—những người trong gia đình, bạn bè, thậm chí cả người xa lạ. Việc chúng ta, là những người nắm giữ chức tư tế, chỉ đến cùng Đấng Ky Tô không thôi cũng không đủ; bổn phận của chúng ta bây giờ là phải “mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô.”4 Chúng ta không thể hài lòng khi nhận được các phước lành thuộc linh cho bản thân mình; chúng ta phải hướng dẫn những người mình yêu thương đến với cùng các phước lành đó—và với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải yêu thương mọi người. Lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi cho Phi E Rơ cũng là lệnh truyền cho chúng ta: “Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.”5

Đi Theo Dấu Chân Người ở Ga Li Lê

Sẽ có những lúc khi con đường phía trước dường như tối tăm, nhưng hãy tiếp tục đi theo Đấng Cứu Rỗi. Ngài biết đường đi; quả thật, Ngài đường đi.6 Các anh em càng thiết tha đến cùng Đấng Ky Tô, thì các anh em càng mong muốn sâu thẳm hơn để giúp đỡ người khác có được kinh nghiệm mà mình đã có. Một từ khác về cảm giác này là lòng bác ái, “là tình thương mà Đức Chúa Cha đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô.”7 Sau đó, các anh em sẽ thấy rằng trong chính hành động đi theo dấu chân Đấng Ky Tô, mà các anh em cũng đang hướng dẫn những người khác đến với Ngài, vì như trong những lời của Chủ tịch Thomas S. Monson: “Khi chúng ta đi theo dấu chân của Người ở Ga Li Lê này—chính là Chúa Giê Su Ky Tô—ảnh hưởng cá nhân của chúng ta sẽ được nhận rõ bất cứ chúng ta đang ở đâu, bất cứ chức vụ kêu gọi của chúng ta là gì đi nữa.”8

Tôi làm chứng rằng đây là Giáo Hội chân chính của Đấng Ky Tô. Chúng ta được hướng dẫn bởi một vị tiên tri của Thượng Đế, Chủ Tịch Monson—một vị lãnh đạo tài giỏi cũng là một tín đồ đích thực của Đấng Cứu Rỗi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.