2016
Tôi Là Con Đức Chúa Cha
May 2016


Tôi Con của Thượng Đế

Một sự hiểu biết đúng đắn về di sản thiên thượng của chúng ta là thiết yếu cho sự tôn cao.

Giáo lý cơ bản nhất của chúng ta gồm có sự hiểu biết rằng chúng ta là con cái của một Thượng Đế hằng sống. Đó là lý do tại sao một trong số danh hiệu thiêng liêng nhất của Ngài là Cha—Cha Thiên Thượng. Giáo lý này đã được các vị tiên tri dạy rõ qua các thời đại:

  • Khi bị Sa Tan cám dỗ, Môi Se dứt khoát từ chối và nói rằng: “Ngươi là ai? Vì này, ta là con trai của Thượng Đế.1

  • Khi ngỏ lời cùng dân Y Sơ Ra Ên, tác giả Thi Thiên đã tuyên bố: “Hết thảy đều là con trai của Đấng Chí Cao.2

  • Phao Lô dạy cho người A Thên ở A Rê Ô Ba biết rằng họ là “dòng dõi Đức Chúa Trời.”3

  • Joseph Smith và Sidney Rigdon nhận được một khải tượng mà trong đó họ đã thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, và một tiếng phán từ thiên thượng rằng các dân cư trên thế gian đều “là con trai và con gái của Thượng Đế sinh ra.4

  • Vào năm 1995, 15 vị sứ đồ và tiên tri tại thế khẳng định: “Tất cả nhân loại … đều được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế. Mỗi người là một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng.5

  • Chủ Tịch Thomas S. Monson làm chứng rằng: “Chúng ta là các con trai và con gái của Thượng Đế hằng sống. … Chúng ta không thể nào thành thật tin vào điều này mà không trải qua một cảm giác sâu xa mới mẻ về sức mạnh và quyền năng.”6

Giáo lý này rất cơ bản, được đề cập đến rất thường xuyên, và do đó theo bản chất đơn giản đến nỗi có thể dường như rất bình thường, trong khi thực tế thì lại thuộc vào trong số sự hiểu biết phi thường nhất mà chúng ta có thể có được. Một sự hiểu biết đúng đắn về di sản thiên thượng của chúng ta là thiết yếu cho sự tôn cao. Đó là nền tảng để thấu hiểu kế hoạch cứu rỗi vinh quang và để nuôi dưỡng đức tin nơi Con Đầu Lòng của Đức Chúa Cha, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Sự Chuộc Tội đầy thương xót của Ngài.7 Ngoài ra, giáo lý này còn mang đến động cơ thúc đẩy liên tục để chúng ta lập và tuân giữ các giao ước vĩnh cửu cần thiết của mình.

Với một vài ngoại lệ, mọi người tham gia trong buổi họp này ngay vào lúc này đều có thể hát mà không có lời hoặc nhạc của bài hát: “Tôi Là Con Đức Chúa Cha.”8 Bài thánh ca được ưa thích này là một trong những bài thánh ca thường được hát nhất trong Giáo Hội này. Nhưng câu hỏi quan trọng là: “chúng ta có thực sự biết điều đó không?” Chúng ta có biết điều đó trong tâm trí và trong tâm hồn của mình không? Dòng dõi thiên thượng của chúng ta có phải là nguồn gốc đầu tiên và sâu sắc nhất của chúng ta không?

Ở trên thế gian này đây, chúng ta tự nhận mình bằng nhiều cách khác nhau, kể cả nơi sinh, quốc tịch, và ngôn ngữ của chúng ta. Một số người còn thậm chí tự nhận mình bằng nghề nghiệp hoặc sở thích. Những nguồn gốc trần thế này không sai trừ khi chúng thay thế hoặc gây trở ngại với nguồn gốc vĩnh cửu của chúng ta—đó là con trai hay con gái của Thượng Đế.

Khi đứa con út của chúng tôi được sáu tuổi và đang học lớp một, thì giáo viên của nó giao cho một bài tập viết văn. Lúc đó là tháng Mười, tháng của lễ Halloween, một ngày lễ được ăn mừng ở một số nơi trên thế giới. Mặc dù đó không phải là ngày lễ ưa thích của tôi, nhưng tôi cho rằng có thể có một số khía cạnh vô tội và cứu chuộc của lễ Halloween.

Giáo viên chuyền một tờ giấy cho các học sinh nhỏ tuổi. Ở phía trên là một hình vẽ một phù thủy thần thoại (tôi đã nói với các anh chị em rằng đây không phải là ngày lễ ưa thích của tôi) đang đứng trên một cái vạc sôi. Để khuyến khích trí tưởng tượng của các học sinh và để kiểm tra kỹ năng viết văn sơ đẳng của chúng, câu hỏi được đặt ra trên trang giấy là “Em vừa uống một chén rượu bào chế của mụ phù thủy. Điều gì đã xảy ra cho em?” Xin biết rằng tôi không chia sẻ câu chuyện này để nhằm đề nghị cho các giáo viên.

“Em vừa uống một chén rượu bào chế của mụ phù thủy. Điều gì đã xảy ra cho em?” Với khả năng viết văn hay nhất của người mới viết văn, đứa con nhỏ của chúng tôi viết: “Tôi sẽ chết và tôi sẽ ở trên trời. Tôi sẽ thích ở đó. Tôi thích ở đó vì đó là nơi tốt nhất để ở vì được ở với Cha Thiên Thượng của tôi.” Câu trả lời này có thể làm cho giáo viên ngạc nhiên; tuy nhiên, khi con gái của chúng tôi mang bài tập đã làm xong về nhà thì chúng tôi thấy rằng nó nhận được một ngôi sao, là điểm cao nhất.

Trong cuộc sống thực tế, chúng ta phải đối phó với những khó khăn thực sự chứ không phải tưởng tượng. Cuộc sống cũng có đau đớn—về thể xác, tình cảm và tinh thần. Cuộc sống cũng có đau khổ, khi hoàn cảnh rất khác với điều chúng ta đã dự đoán. Cuộc sống cũng có bất công, khi chúng ta dường như không đáng bị lâm vào tình huống của mình. Cuộc sống cũng có thất vọng, khi một người nào đó mà chúng ta tin cậy làm cho chúng ta thất vọng. Cuộc sống cũng có những vấn đề sức khỏe và tài chính mà có thể gây hoang mang. Cuộc sống có thể có những lúc nghi ngờ khi một vấn đề về giáo lý hay lịch sử vượt ra ngoài sự hiểu biết hiện tại của chúng ta.

Khi những điều khó khăn xảy ra trong cuộc sống, thì phản ứng tức thời của chúng ta là gì? Chúng ta có hoang mang hay nghi ngờ hay rời bỏ nếp sống thuộc linh không? Đó có phải là một cú sốc đối với đức tin của mình không? Chúng ta có đổ lỗi cho Thượng Đế hoặc những người khác về hoàn cảnh của mình không? Hay là phản ứng đầu tiên của chúng ta là nhớ chúng ta là ai—là con của một Thượng Đế nhân từ không? Điều đó có kết hợp với một sự tin cậy tuyệt đối rằng Ngài để cho một số nỗi đau khổ trên thế gian xảy ra Ngài biết điều đó sẽ ban phước cho chúng ta, giống như lửa của người thợ luyện, để trở thành giống như Ngài và nhận được di sản vĩnh cửu của chúng ta không?9

Gần đây tôi tham dự một buổi họp với Anh Cả Jeffrey R. Holland. Trong khi giảng dạy nguyên tắc mà cuộc sống trần thế có thể gây ra đau đớn nhưng những khó khăn của chúng ta có mục đích vĩnh cửu—cho dù chúng ta không hiểu điều đó vào lúc ấy—Anh Cả Holland nói: “Ta có thể có điều ta muốn, hoặc ta có thể có một điều gì đó tốt hơn.”

Cách đây năm tháng, vợ tôi là Diane, và tôi đã đi Châu Phi với Anh Cả và Chị David A. Bednar. Quốc gia thứ sáu và cuối cùng chúng tôi đến thăm là Liberia. Liberia là một đất nước tuyệt vời với người dân cao quý và một lịch sử phong phú, nhưng mọi điều đã không dễ dàng ở đó. Nhiều thập niên bất ổn về chính trị và những cuộc nội chiến đã làm cho cảnh nghèo nàn càng tồi tệ hơn. Ngoài ra, căn bệnh Ebola chết người đã làm thiệt mạng gần 5.000 người ở đó trong thời kỳ bùng phát mới nhất. Chúng tôi là nhóm các vị lãnh đạo Giáo Hội đầu tiên từ bên ngoài khu vực đến thăm thủ đô Monrovi kể từ khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuyên bố là khu vực đó an toàn để đến thăm sau cuộc khủng hoảng Ebola.

Vào một buổi sáng Chủ Nhật vô cùng nóng nực và ẩm ướt, chúng tôi đi đến một phòng họp được thuê tại trung tâm thành phố. Mỗi chiếc ghế có sẵn đã được sắp ra, tổng cộng là 3.500 chỗ ngồi. Tổng số những người đến tham dự là 4.100. Hầu như tất cả mọi người đến đều phải đi bộ hoặc bằng một số phương tiện giao thông công cộng bất tiện; không phải là dễ dàng cho Các Thánh Hữu để đến quy tụ. Nhưng họ đã đến. Đa số họ đã đến vài giờ trước giờ họp đã định. Khi chúng tôi bước vào hội trường, thì Thánh Linh ngập tràn trong bầu không khí đầy phấn khởi đó! Các Thánh Hữu đã sẵn sàng để được giảng dạy.

Khi một người nói chuyện trích dẫn một câu thánh thư, các tín hữu thường nói to câu đó lên. Cho dù câu thánh thư dài hay ngắn—vẫn không quan trọng; cả giáo đoàn đều đồng thanh trả lời. Bây giờ, chúng ta không nhất thiết phải làm như vậy, nhưng chắc chắn là điều thật đầy ấn tượng khi họ có thể làm điều đó. Và ca đoàn—họ hát rất hùng hồn. Với một người điều khiển ca đoàn đầy nhiệt tình và một thiếu niên 14 tuổi chơi đàn, các tín hữu đã hát với sức sống và sức mạnh.

Sau đó, Anh Cả Bednar nói chuyện. Dĩ nhiên, đây là điều chủ yếu được mong đợi của sự quy tụ này—để nghe một Sứ Đồ giảng dạy và làm chứng. Rõ ràng với sự hướng dẫn của Thánh Linh, trong lúc đưa ra bài nói chuyện của mình, Anh Cả Bednar dừng lại và nói: “Các anh chị em có biết bài ‘Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng’ không?”

Dường như 4.100 tiếng đều đáp to: “DẠ CÓ!”

Rồi ông hỏi: “Các anh chị em có biết câu 7 không?”

Một lần nữa cả nhóm đáp: “DẠ CÓ!”

Trong 10 năm qua, Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle đã hát bản nhạc soạn cho bài thánh ca hùng mạnh “Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng”, mà gồm có cả câu bảy. Câu này không được hát thường xuyên. Anh Cả Bednar chỉ dẫn: “Chúng ta hãy hát câu một, hai, ba và bảy nhé.”

Không chút do dự, người điều khiển ca đoàn nhanh chóng đứng lên và người đệm đàn là người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn ngay lập tức bắt đầu hăng hái đàn những phần hợp âm mở đầu. Với một nỗ lực đầy tin chắc mà tôi chưa từng bao giờ cảm thấy trước đây trong một bài thánh ca do một giáo đoàn hát, chúng tôi hát câu một, hai và ba. Sau đó, âm lượng và quyền năng thuộc linh trào dâng khi 4.100 giọng ca đã hát câu thứ bảy và tuyên bố:

Hồn tôi an nghỉ đời đời bên Giê Su Ky Tô

Dù cho cuộc đời tôi đang khó khăn hay sầu lo,

Lòng tôi mãi mãi ghi sâu những lời răn dạy của Ngài

Linh hồn tôi không bao giờ từ bỏ Chúa Thánh tôi!10

Trong một trong số những sự kiện thuộc linh đáng kể nhất trong cuộc đời tôi, tôi đã được dạy một bài học sâu sắc vào ngày hôm đó. Chúng ta sống trong một thế giới mà có thể khiến chúng ta quên đi rằng mình thực sự là ai. Khi chúng ta càng có nhiều điều xao lãng vây quanh, thì càng dễ dàng để xem thường, sau đó bỏ qua, và rồi quên đi mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế. Các Thánh Hữu ở Liberia có rất ít của cải vật chất, tuy nhiên họ dường như có tất cả mọi thứ về phần thuộc linh. Điều chúng tôi chứng kiến vào ngày hôm đó ở Monrovia là một nhóm các con trai và con gái của Thượng Đế—họ là những người biết điều đó!

Trong thế giới ngày nay, cho dù chúng ta đang sống ở đâu và hoàn cảnh của chúng ta ra sao đi nữa thì điều thiết yếu là nguồn gốc ưu việt của chúng ta là một đứa con của Thượng Đế. Việc biết được điều đó sẽ cho phép đức tin của chúng ta tăng trưởng, sẽ tạo động cơ thúc đẩy cho sự hối cải liên tục của chúng ta, và sẽ mang đến sức mạnh để “vững vàng và kiên quyết” trong suốt cuộc hành trình trên trần thế của mình.11 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Môi Se 1:13; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  2. Thi Thiên 82:6; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  3. Công Vụ Các Sứ Đồ 17:29; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 76:24; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  6. Thomas S. Monson, “Chim Hoàng Yến với Đốm Xám trên Đôi Cánh,” Liahona, tháng Sáu năm 2010, 4; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  7. Xin xem Cô Lô Se 1:13–15.

  8. “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58.

  9. Xin xem Ma La Chi 3:2.

  10. “Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6.

  11. Mô Si A 5:15.