2016
Nơi Dung Thân khỏi Cơn Bão Tố
May 2016


Nơi Dung Thân khỏi Cơn Bão Tố

Thời điểm này không xác định đặc điểm của những người tị nạn, mà là phản ứng của chúng ta sẽ giúp xác định đặc điểm của chúng ta.

“Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta;

“Ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta …

“… Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”1

Người ta ước tính có khoảng 60 triệu người tị nạn trên thế giới ngày nay, có nghĩa là “cứ mỗi 1 người trong số 122 người … đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ”2 và một nửa trong số những người này là trẻ em.3 Thật là điều kinh ngạc để xem xét các con số liên quan và suy ngẫm về ý nghĩa của mỗi cuộc sống cá nhân. Chỉ định hiện nay của tôi là ở châu Âu, nơi có một triệu 25 ngàn người tị nạn đã đến trong năm qua từ các phần đất bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông và Châu Phi4. Chúng tôi thấy rất nhiều người trong số họ đến đó chỉ với bộ quần áo đang mặc trong người và tất cả những gì họ có thể mang theo trong một cái túi nhỏ. Nhiều người trong số này có học thức, và tất cả đều đã phải bỏ lại nhà cửa, trường học, và công việc làm.

Dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Giáo Hội đang làm việc với 75 tổ chức trong 17 quốc gia châu Âu. Các tổ chức này bao gồm từ các tổ chức quốc tế tầm cỡ đến các sáng kiến của cộng đồng nhỏ, từ các cơ quan chính phủ đến các tổ chức từ thiện tôn giáo và thế tục. Chúng ta may mắn được hợp tác và học hỏi từ những người khác đã làm việc với những người tị nạn trên khắp thế giới trong nhiều năm.

Là tín hữu của Giáo Hội, là một nhóm người, chúng ta không cần phải nhìn ngược lại rất xa trong lịch sử của mình để suy ngẫm về thời gian khi chúng ta là những người tị nạn, nhiều lần bị đuổi ra khỏi nhà cửa và trang trại bằng bạo lực. Cuối tuần qua trong khi nói về những người tị nạn, Chị Linda Burton đã hỏi các phụ nữ của Giáo Hội suy nghĩ “Nếu mình ở trong câu chuyện của họ thì sẽ ra sao nhỉ.”5 Câu chuyện của họ câu chuyện của chúng ta, cách đây không lâu lắm.

Có những cuộc tranh luận gay gắt trong chính phủ và trong toàn xã hội về việc định nghĩa một người tị nạn và điều cần phải làm để phụ giúp những người tị nạn. Những nhận xét của tôi không nhằm góp phần vào cuộc tranh luận gay gắt đó bằng bất cứ cách nào, hay đưa ra ý kiến về chính sách nhập cư mà thay vì thế nhằm tập trung vào những người đã bị đuổi ra khỏi nhà cửa và quê hương của họ vì cuộc chiến mà họ không hề can dự vào việc khởi chiến.

Đấng Cứu Rỗi biết một người tị nạn cảm thấy như thế nào—Ngài cũng là một người tị nạn. Khi còn nhỏ, Chúa Giê Su và gia đình của Ngài đã trốn sang Ai Cập để thoát khỏi lệnh tàn sát của Hê Rốt. Và vào vài thời điểm khác nhau trong giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su đã thấy chính Ngài bị đe dọa và mạng sống của Ngài lâm nguy, cuối cùng ngã gục dưới mưu kế của những người tà ác đã hoạch định cái chết của Ngài. Có lẽ sau đó, thậm chí còn đáng kể hơn đối với chúng ta là việc Ngài nhiều lần dạy chúng ta phải yêu thương nhau, yêu thương như Ngài yêu thương, phải yêu người lân cận như chính mình. Quả thật, “sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ”6 và “chăm sóc đến những người nghèo khổ và những người túng thiếu, giúp đỡ và cứu trợ họ, để họ không còn đau khổ nữa.”7

Thật là điều soi dẫn để chứng kiến các tín hữu Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới đã rộng rãi hiến tặng để giúp đỡ các cá nhân và gia đình bị mất mát rất nhiều. Đặc biệt ở khắp châu Âu, tôi đã thấy rất nhiều tín hữu của Giáo Hội đã cảm thấy vui mừng và soi dẫn khi họ đáp ứng lại ước muốn bẩm sinh để tìm đến giúp đỡ và phục vụ những người vô cùng hoạn nạn xung quanh họ. Giáo Hội đã cung cấp nơi ở và chăm sóc y tế. Các giáo khu và phái bộ truyền giáo đã thu thập hàng ngàn bộ dụng cụ vệ sinh. Các giáo khu khác đã cung cấp thức ăn và nước uống, quần áo, áo khoác không thấm nước, xe đạp, sách vở, túi đeo lưng, kính đọc, và còn nhiều nữa.

Các cá nhân từ Scotland đến Sicily đã làm tròn nhiều vai trò. Các bác sĩ và y tá đã tình nguyện phục vụ tại địa điểm mà người tị nạn đến, người họ ướt sũng, lạnh cóng, và thường bị chấn thương vì băng qua đại dương để trốn thoát. Khi những người tị nạn bắt đầu tiến trình tái định cư, các tín hữu ở địa phương giúp họ học ngôn ngữ của nước chủ nhà, trong khi những người khác khuyến khích cả con cái lẫn cha mẹ bằng cách cung cấp đồ chơi, những dụng cụ mỹ thuật, nghệ thuật, âm nhạc và kịch. Một số thu góp sợi len, kim đan, và kim móc được hiến tặng, và giảng dạy các kỹ năng này cho người tị nạn lớn tuổi lẫn nhỏ tuổi ở địa phương.

Các tín hữu dày dạn kinh nghiệm của Giáo Hội với nhiều năm phục vụ và lãnh đạo đã làm chứng về sự thật rằng việc phục sự những người có nhu cầu khẩn cấp này đã mang lại cho họ kinh nghiệm phong phú nhất, mỹ mãn nhất trong sự phục vụ của họ từ trước đến nay.

Sự xác thực của những tình huống này phải được nhìn thấy mới tin được. Vào mùa đông, trong một trại tị nạn chuyển tiếp, tôi đã gặp, trong số nhiều người khác, một chị phụ nữ mang thai từ Syria đang tuyệt vọng tìm kiếm sự bảo đảm rằng chị ấy sẽ không phải sinh con trên sàn lạnh của hội trường rộng lớn, nơi mình đang ở. Hồi ở Syria, chị ấy từng là một giáo sư đại học. Và ở Hy Lạp, tôi đã nói chuyện với một gia đình vẫn còn cảm thấy ướt đẫm, run rẩy, và sợ hãi từ chuyến vượt biển trong một chiếc thuyền cao su nhỏ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi nhìn vào mắt họ và nghe những câu chuyện của họ, cả hai cảnh khủng bố mà họ đã chạy trốn và cuộc hành trình đầy nguy hiểm của họ để tìm nơi trú ẩn thì tôi không còn suy nghĩ như trước nữa.

Một nhóm đông nhân viên cứu trợ đầy tận tâm đã mở rộng sự chăm sóc và giúp đỡ, nhiều người trong số họ là tình nguyện viên. Tôi đã thấy trong hành động của một tín hữu của Giáo Hội, là người đã làm việc suốt đêm trong nhiều tháng lo liệu cho các nhu cầu cấp bách nhất của những người từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Trong vô số nỗ lực khác, người ấy đã cấp cứu cho những người cần được chăm sóc y tế nhất, người ấy chắc chắn rằng các phụ nữ và trẻ em đi một mình đều được chăm sóc, người ấy đã ôm những người đã bị mất đi người thân trên đường, và người ấy đã làm hết sức mình để sử dụng những nguồn phương tiện giới hạn cho nhu cầu vô hạn. Người ấy, cũng như nhiều người giống như vậy, là một thiên thần phục sự thật sự mà những người đã được người ấy chăm sóc sẽ không quên những hành động của người ấy, cũng như Chúa sẽ không quên người ấy đã làm công việc của Ngài.

Tất cả những người đã hy sinh để làm giảm bớt nỗi đau khổ xung quanh họ đều giống như những người dân An Ma: “Và mặc dầu sống trong cảnh thịnh vượng như vậy, nhưng họ không xua đuổi những kẻ thiếu áo quần, đói khát hay bệnh tật, hoặc không ai nuôi nấng; … họ ban phát rất rộng rãi cho tất cả mọi người, trẻ cũng như già, nô lệ cũng như tự do, nam cũng như nữ, người trong giáo hội cũng như người ngoài giáo hội, không phân biệt một ai khi cần sự giúp đỡ.”8

Chúng ta phải cẩn thận với tin tức về cảnh ngộ của những người tị nạn bằng cách nào đó sẽ không trở nên phổ biến, khi cú sốc ban đầu qua đi, nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn và các gia đình tiếp tục ồ ạt đến. Hàng triệu người tị nạn trên toàn thế giới, với những câu chuyện không còn được giới truyền thông phổ biến nữa, vẫn đang rất cần sự giúp đỡ.

Nếu các anh chị em hỏi: “Tôi có thể làm gì được?” thì trước hết chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta không nên phục vụ mà bỏ quên gia đình mình và các trách nhiệm khác,9 chúng ta cũng không nên mong đợi các vị lãnh đạo của mình tổ chức các dự án cho chúng ta. Nhưng với tư cách là giới trẻ, nam, nữ và gia đình, chúng ta có thể tham gia vào nỗ lực nhân đạo vĩ đại này.

Nhằm đáp ứng lời mời gọi từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để tham gia phục vụ những người tị nạn trên toàn cầu, giống như Đấng Ky Tô,10 các chủ tịch đoàn trung ương của Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ, và Hội Thiếu Nhi đã tổ chức một nỗ lực cứu trợ mang tên “Ta Là Khách Lạ.” Chị Burton đã giới thiệu chương trình này với các phụ nữ của Giáo Hội vào cuối tuần vừa qua trong phiên họp phụ nữ trung ương. Rất nhiều ý kiến, nguồn tài liệu, và lời đề nghị hữu ích cho sự phục vụ này có thể được tìm thấy trên trang mạng IWasAStranger.lds.org.

Hãy bắt đầu quỳ xuống cầu nguyện. Rồi hãy nghĩ về việc làm một điều gì đó ở gần nhà, trong cộng đồng của mình, nơi các anh chị em sẽ tìm thấy những người cần giúp đỡ để thích nghi với hoàn cảnh mới của họ. Mục tiêu tột bậc là giúp họ phục hồi chức năng để có một cuộc sống cần cù và tự lực cánh sinh.

Khả năng giúp đỡ và kết bạn của chúng ta là vô tận. Các anh chị em có thể giúp những người tị nạn tái định cư học ngôn ngữ nước chủ nhà của họ, cập nhật kỹ năng làm việc, hoặc tập phỏng vấn xin công việc làm. Các anh chị em có thể đề nghị cố vấn một gia đình hoặc một người mẹ đơn chiếc khi họ chuyển đến một nền văn hóa xa lạ, thậm chí bằng một hành động giản dị như đi chợ hoặc đi đến trường cùng với họ. Một số tiểu giáo khu và giáo khu hiện đang hợp tác với các tổ chức đáng tin cậy. Và tùy theo hoàn cảnh của mình, các anh chị em có thể góp phần vào nỗ lực nhân đạo phi thường của Giáo Hội.

Ngoài ra, mỗi người trong chúng ta có thể gia tăng khả năng nhận thức của mình về các sự kiện trên thế giới mà làm cho các gia đình này rời bỏ nhà cửa của họ. Chúng ta phải chống lại thái độ cố chấp và ủng hộ lòng tôn trọng và thông cảm giữa các nền văn hóa và truyền thống. Việc gặp gỡ các gia đình tị nạn và tận tai lắng nghe những câu chuyện của họ chứ không phải từ một màn hình hoặc báo chí, sẽ thay đổi các anh chị em. Những tình bạn chân thật sẽ nảy sinh và sẽ thúc đẩy lòng trắc ẩn, và sự hòa nhập thành công.

Chúa đã dạy chúng ta rằng các giáo khu Si Ôn phải là “một nơi phòng vệ” và “một nơi dung thân khỏi cơn bão tố.”11 Chúng ta đã tìm thấy nơi dung thân. Chúng ta hãy đi ra khỏi nơi an toàn của mình và chia sẻ với họ, từ những gì mình có nhiều, một niềm hy vọng cho một tương lai sáng lạn, đức tin nơi Thượng Đế và nơi đồng bào của chúng ta, và tình yêu thương là những điều có thể nhìn vượt quá những dị biệt về văn hóa và ý thức hệ đến lẽ thật vinh quang rằng chúng ta đều là con cái của Cha Thiên Thượng.

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.”12

Việc làm một người tị nạn có thể là một thời điểm quan trọng trong cuộc sống của những người tị nạn, nhưng việc làm một người tị nạn không xác định đặc điểm của họ. Giống như vô số người trước họ, đây sẽ là một thời kỳ—chúng ta hy vọng một thời kỳ ngắn—trong cuộc đời của họ. Một số người sau này sẽ đoạt giải Nobel, trở thành những công chức, bác sĩ, nhà khoa học, nhạc sĩ, nghệ sĩ, các vị lãnh đạo tôn giáo và đóng góp trong các lĩnh vực khác. Thật vậy, nhiều người trong số họ đã có những thành tích này trước khi họ mất tất cả. Thời điểm này không xác định đặc điểm của họ, mà là phản ứng của chúng ta sẽ giúp xác định đặc điểm của chúng ta.

“Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”13 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Để tham khảo thêm, xin xem IWasAStranger.lds.org and mormonchannel.org/blog/post/40-ways-to-help-refugees-in-your-community.