Luôn Luôn Tưởng Nhớ Tới Ngài
Tôi khiêm nhường làm chứng, và cầu nguyện rằng chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài— bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì và ở bất cứ nơi đâu mà chúng ta hiện diện.
Các anh chị em thân mến, khi tôi phục vụ ở châu Á, đôi khi có người hỏi: “Thưa Anh Cả Gong, có bao nhiêu người sống trong Giáo Vùng Châu Á của Giáo Hội?”
Tôi nói: “Một nửa dân số thế giới—3 tỷ 6 triệu người.”
Có người hỏi: “Có khó để nhớ hết tên của họ không?”
Nhớ—và quên—là một phần của cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, có một lần, sau khi tìm kiếm khắp mọi nơi cái máy điện thoại di động mới, cuối cùng vợ tôi quyết định gọi vào máy đó từ một máy điện thoại khác. Khi nghe tiếng chuông điện thoại, vợ tôi nghĩ: “Ai có thể gọi mình nhỉ? Mình chưa có cho ai số điện thoại đó mà!”
Nhớ—và quên—cũng là một phần của cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta. Thời giờ, quyền tự quyết, và ký ức giúp chúng ta học hỏi, phát triển, và gia tăng đức tin.
Theo lời của một bài thánh ca ưa thích:
Chúng ta sẽ hát các bài ca ngợi khen danh Chúa Giê Su,
Và dâng lên Ngài lời ngợi khen và sự tôn vinh. …
Là Các Thánh Hữu, ta hãy dự phần và làm chứng
Để ta tưởng nhớ tới Ngài.1
Mỗi tuần, khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta giao ước là luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài. Bằng cách sử dụng gần 400 tài liệu tham khảo thánh thư cho từ tưởng nhớ, đây là sáu cách chúng ta có thể luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.
Trước hết, chúng ta có thể luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài bằng cách tin tưởng vào các giao ước, lời hứa và sự bảo đảm của Ngài.
Chúa nhớ lại các giao ước vĩnh viễn của Ngài—từ thời A Đam đến thời của con cháu A Đam “tiếp nhận lẽ thật, và nhìn lên, rồi thì Si Ôn sẽ nhìn xuống, và tất cả các tầng trời sẽ rung chuyển một cách hân hoan, và trái đất sẽ rung chuyển một cách vui mừng.”2
Chúa nhớ lại những lời hứa của Ngài, kể cả những lời hứa sẽ quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán bằng cách sử dụng công cụ của Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô và những lời hứa được ban cho mỗi tín hữu và người truyền giáo để ghi nhớ giá trị của con người.3
Chúa nhớ lại và bảo đảm cho các quốc gia và dân tộc. Trong những ngày đầy biến động và xáo trộn,4 “Kẻ nầy nhờ cậy xe cộ, kẻ khác nhờ cậy ngựa, Nhưng chúng tôi nhờ cậy danh Giê Hô Va, là Đức Chúa Trời chúng tôi,”5 là Đấng hướng dẫn “tương lai vì Ngài có quá khứ.”6 Trong “những thời kỳ khó khăn,”7 chúng ta “hãy ghi nhớ không phải công việc của Thượng Đế bị thất bại, nhưng là công việc của loài người.”8
Thứ hai, chúng ta có thể luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài bằng cách công nhận với lòng biết ơn bàn tay của Ngài trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Bàn tay của Chúa trong cuộc sống của chúng ta thường được thấy rõ nhất khi chúng ta nhận ra những sự việc đã xảy ra rồi khi đã quá muộn. Như triết gia Ky Tô hữu Søren Kierkegaard đã nói: “Chúng ta có thể hiểu được những sự kiện sau khi chúng đã xảy ra rồi, nhưng …chúng ta phải sống để đối phó với điều đang xảy ra và chuẩn bị cho điều sẽ xảy đến trong tương lai.”9
Người mẹ thân yêu của tôi mới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90. Bà đã làm chứng với lòng biết ơn về phước lành của Thượng Đế vào mỗi thời điểm quan trọng trong cuộc đời của bà. Lịch sử gia đình, truyền thống gia đình, và các mối quan hệ gia đình giúp chúng ta nhớ lại những điều đã qua, trong khi đặt ra các khuôn khổ và hy vọng cho tương lai. Hệ thống thẩm quyền của chức tư tế và các phước lành tộc trưởng làm chứng về ảnh hưởng của Thượng Đế qua khắp các thế hệ.
Các anh chị em có bao giờ nghĩ rằng mình giống như một cuốn hồi ký sinh động của riêng mình—hồi tưởng lại những điều và cách mình đã chọn để ghi nhớ không?
Ví dụ, khi còn nhỏ, tôi rất muốn chơi bóng rổ cho đội của trường. Tôi luyện tập rất nhiều. Một hôm, người huấn luyện viên chỉ vào một vận động viên xuất sắc cao 1,93 mét của đội chơi trong vị trí trung vệ và một vận động viên xuất sắc khác cao 1,88 mét chơi trong vị trí tiền vệ và nói với tôi: “Tôi có thể cho em vào đội nhưng có lẽ em sẽ không bao giờ có cơ hội để chơi đâu.” Tôi nhớ là sau đó ông ấy đã tử tế động viên tôi: “Tại sao em không thử chơi bóng đá? Em sẽ chơi giỏi đó.” Gia đình tôi đã vui mừng cổ vũ khi tôi ghi bàn thắng đầu tiên trong trận bóng đá.
Chúng ta có thể nhớ tới những người mang đến cho chúng ta một cơ hội, và rồi một cơ hội thứ hai, với tấm lòng thành thật, nhân từ, kiên nhẫn, và khuyến khích. Và chúng ta có thể trở thành một người mà người khác nhớ đến khi họ cần được giúp đỡ nhất. Việc ghi nhớ với lòng biết ơn sự phụ giúp của người khác và ảnh hưởng hướng dẫn của Thánh Linh là một cách để chúng ta tưởng nhớ tới Ngài. Đó là một cách mà chúng ta đếm nhiều phước lành của mình và thấy được những gì Thượng Đế đã làm cho chúng ta.10
Thứ ba, chúng ta có thể luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài bằng cách tin tưởng rằng khi Chúa bảo đảm với chúng ta rằng “Kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”11
Khi chúng ta hoàn toàn hối cải, kể cả bằng cách thú tội và từ bỏ tội lỗi thì cùng với Ê Nót chúng ta cũng hỏi khi cảm giác tội lỗi của mình đã được cất bỏ: “Lạy Chúa, làm sao điều này lại có thể xảy ra được?” và nghe thấy câu trả lời “Vì đức tin của ngươi nơi Đấng Ky Tô”12 và lời mời gọi của Ngài để “nhắc lại cho [tôi] nhớ.”13
Một khi chúng ta hối cải và được các vị lãnh đạo chức tư tế của chúng ta tuyên bố là xứng đáng, thì chúng ta không cần phải tiếp tục thú nhận những tội lỗi này trong quá khứ nữa. Được xứng đáng không có nghĩa là được hoàn hảo. Kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng mời gọi chúng ta phải khiêm nhường và được bình an trong cuộc sống của mình để một ngày nào đó được trở nên toàn thiện trong Đấng Ky Tô,14 chứ không luôn luôn lo lắng, thất vọng, hoặc đau khổ về những điều không hoàn hảo hiện tại của mình. Hãy nhớ rằng, Ngài biết tất cả những sự việc mà chúng ta không muốn bất cứ ai khác biết về mình—và Ngài vẫn yêu thương chúng ta.
Đôi khi cuộc sống mang đến những thử thách cho chúng ta để xem chúng ta có tin cậy vào lòng thương xót, công lý, và sự phán xét của Đấng Ky Tô, và trong lời mời gọi giải thoát của Ngài để cho phép Sự Chuộc Tội của Ngài chữa lành chúng ta trong khi chúng ta tha thứ cho người khác và cho bản thân mình.
Một thiếu nữ ở một nước khác nộp đơn xin việc để làm nhà báo, nhưng viên chức chỉ định công việc làm thì rất tàn nhẫn. Ông ta nói với cô ấy: “Với chữ ký của tôi, tôi bảo đảm rằng cô sẽ không trở thành một nhà báo mà sẽ là người đào cống.” Cô ta là người phụ nữ duy nhất đào cống trong một nhóm đàn ông.
Nhiều năm về sau, người phụ nữ này trở thành một viên chức. Một ngày nọ, một người đàn ông đến và xin chữ ký của cô ta cho một công việc làm.
Cô ta hỏi: “Ông còn nhớ tôi không?” Ông ta không nhớ.
Cô ta nói: “Ông không còn nhớ tôi nhưng tôi vẫn còn nhớ ông. Với chữ ký của ông, ông đã bảo đảm là tôi không bao giờ trở thành nhà báo. Với chữ ký của ông, ông đã gửi tôi đi đào cống, người phụ nữ duy nhất trong một nhóm đàn ông.”
Cô ta nói với tôi: “Tôi cảm thấy là mình nên đối xử với người đàn ông đó tốt hơn cách ông ta đối xử với tôi—nhưng tôi không có sức mạnh đó.” Đôi khi sức mạnh đó không ở bên trong chúng ta, nhưng nó có thể được tìm thấy trong Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Khi niềm tin bị phản bội, ước mơ bị tan vỡ, tâm hồn bị đau khổ nhiều lần, khi chúng ta muốn có công lý và cần lòng thương xót, khi chúng ta tức giận và khóc lóc, khi chúng ta cần phải biết điều gì phải quý trọng và điều gì phải buông bỏ, thì chúng ta có thể luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài. Cuộc sống không phải là tàn nhẫn như đôi khi nó có vẻ như vậy. Lòng trắc ẩn vô hạn của Ngài có thể giúp chúng ta tìm kiếm con đường, lẽ thật, và sự sống của mình.15
Khi chúng ta nhớ tới những lời và tấm gương của Ngài, chúng ta sẽ không xúc phạm tới người khác hoặc để cho mình bị phật lòng.
Cha của người bạn tôi làm nghề thợ máy. Công việc lương thiện của ông đã cho thấy ngay cả trong đôi bàn tay được rửa sạch sẽ của ông. Một hôm, một người ở một đền thờ nói với cha của bạn tôi là ông nên đi rửa sạch tay trước khi phục vụ ở đó. Thay vì bị phật lòng, người đàn ông tốt bụng này đã bắt đầu chà rửa chén dĩa của gia đình bằng tay và với nhiều nước xà phòng trước khi tham dự đền thờ. Ông nêu gương của những người “được lên núi Đức Giê Hô Va” và “được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài” với tay trong sạch và lòng thanh khiết nhất.16
Nếu chúng ta có những cảm nghĩ không tử tế, tức giận, hay hận thù, hoặc nếu chúng ta cần phải xin người khác tha thứ, thì bây giờ là lúc để làm như vậy.
Thứ tư, Ngài mời gọi chúng ta hãy nhớ rằng Ngài luôn luôn chào đón chúng ta về nhà.
Chúng ta học hỏi bằng cách đặt câu hỏi và tra cứu. Nhưng xin đừng ngừng khám phá cho đến khi đến nơi—theo như lời của T. S. Eliot—“nơi mà [các anh chị em] bắt đầu và cảm thấy như đây là lần đầu tiên đối với mình.”17 Khi các anh chị em đã sẵn sàng, hãy mở rộng lòng mình đối với Sách Mặc Môn, một lần nữa, thể như đây là lần đầu tiên. Xin hãy cầu nguyện với chủ ý thực sự, một lần nữa, thể như đây là lần đầu tiên.
Hãy tin cậy vào trí nhớ yếu kém đó về một thời gian cách đây rất lâu. Hãy để điều đó nới rộng đức tin của các anh chị em. Với Thượng Đế, chúng ta luôn luôn có thể hối cải và trở lại.
Các vị tiên tri thời xưa và hiện đại đều khẩn nài chúng ta đừng để cho những nhược điểm, lỗi lầm hoặc những yếu điểm của con người—của người khác hoặc của bản thân mình—khiến chúng ta bỏ lỡ các lẽ thật, các giao ước, và quyền năng cứu chuộc trong phúc âm phục hồi của Ngài.18 Điều này đặc biệt quan trọng trong một giáo hội mà mỗi người đều tăng trưởng qua sự tham gia không hoàn hảo của mình. Tiên Tri Joseph nói: “Tôi chưa bao giờ nói với các anh chị em tôi là tôi toàn hảo; nhưng không có lỗi lầm nào trong những điều mặc khải mà tôi đã giảng dạy.”19
Thứ năm, chúng ta có thể luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài vào ngày Sa Bát qua Tiệc Thánh. Vào cuối giáo vụ trên trần thế của Ngài và vào đầu giáo vụ sau sự phục sinh của Ngài—cả hai lần—, Đấng Cứu Chuộc đã lấy bánh và rượu và phán bảo rằng chúng ta phải tưởng nhớ đến thể xác và máu của Ngài,20 “mỗi khi các ngươi làm điều này, các ngươi sẽ nhớ đến giờ phút này ta đã ở với các ngươi.”21
Trong giáo lễ Tiệc Thánh, chúng ta làm chứng cùng Thượng Đế Đức Chúa Cha rằng chúng ta sẵn lòng mang lấy danh của Vị Nam Tử và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho chúng ta, để chúng ta có thể luôn luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta.22
Như A Mu Léc đã dạy, chúng ta tưởng nhớ tới Ngài khi chúng ta cầu nguyện cho đồng ruộng, bầy gia súc và gia đình của mình, và khi chúng ta nhớ đến những người nghèo túng, thiếu ăn thiếu mặc, bệnh hoạn và đau khổ.23
Cuối cùng, thứ sáu, Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta phải luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài như Ngài luôn luôn nhớ tới chúng ta.
Trong Tân Thế Giới, Đấng Cứu Rỗi phục sinh của chúng ta mời gọi những người có mặt tiến lên từng người một để tay lên hông Ngài và rờ các dấu đinh đóng ở tay chân Ngài.24
Thánh thư mô tả sự phục sinh là “mọi tứ chi và khớp xương đều được phục hồi lại trong hình thể thích hợp và trọn vẹn,” và “ngay cả một sợi tóc trên đầu cũng không mất.”25 Đó là như vậy, hãy xem xét cách mà thể xác phục sinh hoàn hảo của Đấng Cứu Rỗi vẫn còn mang những vết thương ở trên hông Ngài và các dấu đinh đóng ở trên tay chân Ngài.26
Đôi khi trong lịch sử, người trần thế đã từng bị xử tử bằng sự đóng đinh trên thập tự giá. Nhưng chỉ có Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, mới chấp nhận chúng ta trong khi vẫn còn mang những dấu của tình yêu thương thanh khiết của Ngài. Chỉ có Ngài mới làm tròn lời tiên tri về việc bị treo lên trên thập tự giá để Ngài có thể thu hút mỗi người chúng ta, theo tên, để đến cùng Ngài.27
Đấng Cứu Rỗi phán:
“Phải, dầu có thể là họ quên, nhưng ta sẽ không quên ngươi đâu.
“Nầy ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta.”28
Ngài làm chứng: “Ta là người đã bị treo lên. Ta là Giê Su, người đã bị đóng đinh. Ta là Con của Thượng Đế.”29
Tôi khiêm nhường làm chứng, và cầu nguyện rằng, chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài—bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì và ở bất cứ nơi đâu mà chúng ta có thể hiện diện.30 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.