Ngài Phán Bảo Chúng Ta Phải Giúp Làm Công Việc của Ngài
Sự phục vụ chân thành giống như Đấng Ky Tô là có lòng vị tha và tập trung vào những người khác.
“Như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.”1 Những lời đó do ca đoàn phi thường này hát lên là những lời đã được Chúa Giê Su phán chỉ vài giờ trước khi có sự hy sinh chuộc tội vĩ đại của Ngài—một sự hy sinh mà Anh Cả Jeffrey R. Holland đã mô tả là “sự biểu hiện uy nghi nhất về tình yêu thương thanh khiết mà đã luôn luôn được cho thấy trong lịch sử của thế giới này.”2
Chúa Giê Su không những dạy chúng ta yêu thương, mà Ngài còn sống theo những điều Ngài dạy. Trong suốt giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước”3 và “khẩn nài tất cả mọi người noi theo gương Ngài.”4 Ngài dạy: “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ được cứu.”5
Chủ Tịch Thomas S. Monson, là người đã hiểu và sống theo lệnh truyền phải yêu thương, đã nói: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Rỗi đang phán bảo rằng trừ phi chúng ta hy sinh bản thân để phục vụ những người khác, thì có rất ít mục đích trong cuộc sống của chúng ta. Những người chỉ sống cho bản thân mình thì cuối cùng sẽ hẹp hòi phần thuộc linh, và … sẽ đánh mất sự sống của họ, trong khi những người hy sinh phục vụ những người khác thì sẽ lớn mạnh và phát triển—và thực ra cứu mạng sống họ.”6
Sự phục vụ chân thành giống như Đấng Ky Tô là có lòng vị tha và tập trung vào những người khác.Một người phụ nữ đã chăm sóc cho người chồng tàn tật của mình và giải thích: “Đừng xem nhiệm vụ của mình là một gánh nặng mà hãy xem đó như là một cơ hội để học biết tình yêu thương thật sự là gì.”7
Khi ngỏ lời trong một buổi họp đặc biệt devotional tại trường BYU, Chị Sondra D. Heaston đã hỏi: “Nếu chúng ta thực sự hiểu được những ý nghĩ và cảm nghĩ của nhau thì sao? Chúng ta sẽ hiểu nhau rõ hơn hay không? Khi cảm nhận điều những người khác cảm nhận, thấy điều những người khác thấy, và nghe điều những người khác nghe thì chúng ta sẽ dành ra thời giờ và sử dụng thời giờ đó để phục vụ những người khác không, và chúng ta sẽ đối xử khác với họ không? Chúng ta sẽ đối xử với họ một cách kiên nhẫn, tử tế và khoan dung hơn không?”
Chị Heaston đã chia sẻ một kinh nghiệm khi chị phục vụ tại một trại hè của Hội Thiếu Nữ. Chị nói:
“Một trong số … những người nói chuyện tại buổi họp đặc biệt devotional của chúng tôi … đã dạy chúng tôi về việc ‘trở thành con người chúng tôi phải trở thành.’ Một trong số những lời phát biểu của người ấy … là: ‘Hãy là một người tìm đến để biết và phục vụ người khác—hãy ngừng suy nghĩ về mình và thay vì thế hãy tập trung vào người khác.’
“Để minh họa điều này, người ấy yêu cầu một em thiếu nữ đến đứng đối diện với mình. Sau đó, [người ấy] lấy ra một tấm gương soi mặt và đặt nó ở giữa người thiếu nữ và mình để người ấy nhìn vào tấm gương đó trong khi cố gắng nói chuyện với em thiếu nữ đó. Dĩ nhiên, họ không thể nào có được cuộc trò chuyện hữu hiệu hoặc chân thành. Đây là một bài học hùng hồn với đồ vật minh họa mà cho thấy thật là khó biết bao để truyền đạt và phục vụ người khác nếu chúng ta quá lo lắng cho bản thân mình, chỉ nghĩ đến bản thân mình và nhu cầu của mình. Sau đó, [người nói chuyện] bỏ tấm gương xuống, lấy ra một khung cửa sổ, và đặt nó ở giữa khuôn mặt của mình và khuôn mặt của em thiếu nữ… Chúng tôi có thể thấy rằng em thiếu nữ đã trở thành điểm tập trung của người ấy và sự phục vụ chân thành đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào nhu cầu và tình cảm của người khác. Chúng ta thường lo lắng về bản thân và cuộc sống bận rộn của mình đến nỗi chúng ta không tập trung hoàn toàn vào những người mình đang phục vụ, khi tập trung vào bản thân mình trong khi cố gắng tìm kiếm cơ hội để phục vụ—.”8
Chủ Tịch Monson thường nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta “sống ở giữa những người đang cần chú ý, lời khích lệ, hỗ trợ, an ủi và lòng nhân từ của chúng ta—cho dù họ là những người trong gia đình, bạn bè, người quen hay người lạ.” Ông nói: “Chúng ta đều phụ giúp công việc của Chúa ở nơi đây trên thế gian, với lệnh truyền phải phục vụ và nâng đỡ các con cái của Ngài. Ngài trông cậy vào mỗi người chúng ta.”9
Tháng Giêng năm ngoái hai tạp chí Friend và Liahona đã mời các trẻ em trên khắp thế giới noi theo lời dạy của Chủ Tịch Monson—phụ giúp trong công việc của Chúa. Các trẻ em được mời làm những hành động phục vụ—cho dù lớn hay nhỏ. Rồi chúng được khuyến khích đồ bàn tay của chúng lên trên một tờ giấy, cắt hình bàn tay ra và viết lên trên đó điều chúng đã phục vụ, và gửi hình bàn tay cắt ra đó đến hai tạp chí này. Nhiều em đang lắng nghe buổi tối hôm nay có lẽ là một số trong hàng ngàn trẻ em đã phục vụ với tình yêu thương và đã gửi đi hình bàn tay cắt ra đó.10
Khi trẻ em học cách yêu thương và phục vụ người khác khi chúng còn nhỏ thì chúng đã đặt ra một khuôn mẫu phục vụ trong suốt cuộc đời còn lại của chúng. Trẻ em thường dạy cho chúng ta biết rằng việc cho thấy tình yêu thương và sự phục vụ không cần phải vĩ đại và đầy ấn tượng để có ý nghĩa và tạo ra sự khác biệt.
Một giảng viên trong Hội Thiếu Nhi đã chia sẻ ví dụ sau đây. Chị nói: “Hôm nay, lớp học của các trẻ em năm và sáu tuổi của chúng tôi đã làm những sợi dây chuyền tình thương. Mỗi đứa trẻ vẽ hình trên những mảnh giấy: một mảnh giấy vẽ hình của chúng, một mảnh giấy vẽ hình Chúa Giê Su, và hình một số người trong gia đình và những người thân yêu của chúng. Chúng tôi dán các mảnh giấy đó lại làm thành các vòng tròn rồi móc vào với nhau để làm thành một chuỗi đeo và chúng tôi biến nó thành dây chuyền tình thương. Trong khi vẽ, các em nói về gia đình của chúng.
“Heather nói: ‘Em không nghĩ rằng chị của em yêu thương em. Chúng em luôn cãi nhau. … Em còn ghét bản thân mình nữa. Em có một cuộc sống tệ hại.’ Và em ấy lấy tay ôm lấy đầu mình.
“Tôi nghĩ về hoàn cảnh gia đình của em ấy và cảm thấy rằng có thể em ấy quả thật đã có một cuộc sống khó khăn. Nhưng sau khi Heather đã nói điều này, Anna, đang ngồi ở bên kia phía cuối bàn, và đáp: ‘Heather, tôi để hình bạn trong sợi dây chuyền của tôi giữa hình tôi và hình Chúa Giê Su vì Ngài yêu thương bạn và tôi yêu thương bạn.’
“Khi Anna nói thế, Heather bò dưới bàn để đến chỗ của Anna và quàng tay ôm chặt bạn mình.
“Vào cuối giờ học, khi bà ngoại nó đến đón nó, Heather nói: ‘Bà ngoại biết không? Chúa Giê Su yêu thương cháu.’
Khi chúng ta tìm đến với tình yêu thương và phục vụ những người khác dù trong những cách nhỏ nhặt nhất, thì tấm lòng của họ sẽ thay đổi và trở nên mềm lòng khi cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.
Tuy nhiên, đôi khi vì có vô số người xung quanh chúng ta cần được giúp đỡ và giảm bớt gánh nặng nên có thể là điều khó khăn để đáp ứng nhiều nhu cầu cấp bách.
Thưa các chị em, một số các chị em đang lắng nghe có thể cảm thấy mình đã làm hết sức để giúp đỡ những người trong gia đình đang có nhu cầu. Xin nhớ rằng trong những nhiệm vụ thường ngày và thường là nhàm chán đó, các chị em đang “phục vụ Thượng Đế của mình.”11
Các chị em khác có thể cảm thấy một sự trống trải mà có thể được lấp đầy khi nhìn vào khu xóm hoặc cộng đồng của mình để có cơ hội giúp làm giảm bớt gánh nặng cho nhau.
Trong cuộc sống hàng ngày của mình, tất cả chúng ta đều có thể phục vụ. Chúng ta sống trong một thế giới đầy tranh chấp. Chúng ta phục vụ khi chúng ta không chỉ trích, từ chối không ngồi lê đôi mách, không phê phán, khi chúng ta mỉm cười, hay nói lời cám ơn, và khi chúng ta kiên nhẫn và nhân từ.
Các loại phục vụ khác cần có thời gian, hoạch định với chủ ý, và có thêm nhiều nghị lực. Nhưng các loại phục vụ này đáng bõ công cho mọi nỗ lực của chúng ta. Có lẽ chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tự hỏi những câu hỏi này:
-
Ai là những người tôi biết mà tôi có thể giúp đỡ ngày hôm nay?
-
Tôi có bao nhiêu thời gian và phương tiện nào?
-
Bằng cách nào tôi có thể sử dụng tài năng và kỹ năng của mình để giúp đỡ người khác?
-
Chúng tôi có thể làm gì chung với gia đình?
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf dạy:
“Các anh [chị] em phải làm điều các môn đồ của Đấng Ky Tô đã làm trong mọi gian kỳ: bàn thảo với nhau, sử dụng tất cả những phương tiện có sẵn, tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, cầu vấn Chúa để xin Ngài xác nhận, rồi xắn tay áo lên và đi làm việc.
Ông nói: “Tôi hứa với các anh [chị] em rằng: nếu các anh em chịu tuân theo khuôn khổ này, thì các anh em sẽ nhận được sự hướng dẫn cụ thể về những chi tiết để lo liệu cho người nào, điều gì, khi nào, và ở nơi đâu theo cách của Chúa.”12
Bất cứ khi nào tôi muốn biết sẽ như thế nào khi Đấng Cứu Rỗi tái lâm, thì tôi nghĩ về sự hiện đến của Ngài cùng dân Nê Phi khi Ngài hỏi:
“Trong các ngươi có ai đau ốm không? Hãy đem họ lại đây. Trong các ngươi có ai què, đui, câm, điếc, cụt tay chân, bị phong hủi, hay bại xuội, hoặc bị đau đớn vì nguyên do nào khác không? Hãy đem họ lại đây, ta sẽ chữa lành cho họ, vì ta hết sức thương hại các ngươi, lòng ta tràn đầy niềm thương xót. …
“… [Đấng Cứu Rỗi] đã chữa lành cho tất cả mọi người.”13
Bây giờ, Ngài phán bảo chúng ta phải giúp làm công việc của Ngài.
Tôi đã tiến đến việc biết rằng chính là tình yêu mến dành cho Thượng Đế và người khác mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Cầu xin cho chúng ta noi theo gương Đấng Cứu Rỗi và lời khuyên dạy của Ngài để tìm đến giúp đỡ người khác với tình yêu thương.
Tôi làm chứng về sự thực của lời hứa của Chủ Tịch Henry B. Eyring rằng: “nếu [chúng ta chịu] sử dụng các ân tứ [của mình] để phục vụ người khác thì [chúng ta sẽ] cảm nhận được tình yêu thương của Chúa dành cho người đó. [Chúng ta cũng sẽ] cảm nhận được tình yêu thương của Ngài dành cho [chúng ta].”14 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
Ghi Chú: Vào ngày 2 tháng Tư năm 2016, Chị Esplin được giải nhiệm với tư cách là đệ nhất cố vấn trong chủ tịch đoàn trung ương Hội Thiếu Nhi.