2016
Học Hỏi từ An Ma và A Mu Léc
November 2016


Học Hỏi từ An Ma và A Mu Léc

Tôi hy vọng rằng những người đã đi lạc khỏi con đường của môn đồ sẽ nhận thấy với tấm lòng của họ và học hỏi từ An Ma và A Mu Léc.

An Ma Con

Một trong số các nhân vật khó quên nhất trong thánh thư là An Ma Con. Mặc dù là con trai của một vị tiên tri vĩ đại, nhưng có lúc ông đã đi sai đường và trở thành “một người hết sức độc ác và tôn thờ hình tượng.” Vì các lý do mà chúng ta chỉ có thể đoán được, ông tích cực chống đối cha mình và tìm cách tiêu diệt Giáo Hội. Và nhờ vào tài hùng biện và có sức thuyết phục, ông đã có được nhiều thành công.1

Nhưng cuộc sống của An Ma đã thay đổi khi một thiên sứ của Chúa hiện ra cùng ông và nói với ông như tiếng sấm sét. Suốt ba ngày ba đêm, An Ma “đã bị một cực hình vĩnh cửu xâu xé … với những nỗi đau đớn của một linh hồn bị kết tội.” Và rồi, bằng cách nào đó, ông đã nhớ lại một điều trong thời gian đau khổ này—một lẽ thật vĩnh cửu đã được cha của ông giảng dạy: đó là Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến “để chuộc tội lỗi cho thế gian.” An Ma đã từ lâu bác bỏ khái niệm như vậy, nhưng bấy giờ “khi tâm trí [của ông] vừa nghĩ đến điều đó,” thì ông đã khiêm tốn và tha thiết đặt lòng tin cậy vào quyền năng cứu chuộc của Đấng Ky Tô.2

Khi An Ma ra khỏi kinh nghiệm này, ông đã là một người thay đổi. Từ lúc đó, ông đã dâng hiến cuộc đời mình cho việc sửa đổi điều thiệt hại mà ông đã gây ra. Ông là một tấm gương mạnh mẽ về sự hối cải, tha thứ và trung tín một cách kiên trì.

Cuối cùng An Ma đã được chọn để kế vị cha mình là người đứng đầu Giáo Hội của Thượng Đế.

Mọi công dân của quốc gia Nê Phi chắc hẳn đều biết về câu chuyện của An Ma. Những trang mạng Twitter, Instagram, và Facebook trong thời kỳ ông chắc hẳn sẽ được tràn đầy hình ảnh và câu chuyện về ông. Ông có lẽ đã xuất hiện thường xuyên trên trang bìa của tờ tuần báo Zarahemla Weekly và là đề tài của các bài xã luận, và những chương trình truyền hình đặc biệt. Nói tóm lại, có lẽ An Ma là người nổi tiếng nhất trong thời kỳ của ông.

Nhưng khi An Ma thấy dân của ông đang quên Thượng Đế và dương dương tự đắc trong tính kiêu ngạo và tranh chấp, ông đã chọn từ chức khỏi chức vụ trong chính quyền và “tự dâng trọn đời mình cho chức tư tế thượng phẩm thuộc thánh ban của Thượng Đế,”3 cùng rao giảng sự hối cải ở giữa dân Nê Phi.

Lúc đầu, An Ma gặt hái được thành công—cho đến khi ông đi đến thành phố Am Mô Ni Ha. Những người dân ở thành phố đó biết rõ rằng An Ma không còn là vị lãnh đạo chính trị của họ nữa, và họ đã ít tôn trọng thẩm quyền chức tư tế của ông. Họ mắng nhiếc, nhạo báng, và đuổi ông ra khỏi thành phố của họ.

An Ma đau khổ quay lưng đi khỏi thành phố Am Mô Ni Ha,4

Nhưng một thiên sứ bảo ông phải quay trở lại.

Hãy nghĩ về điều đó: ông được bảo phải quay trở lại với những người ghét ông và thù địch đối với Giáo Hội. Đó là một nhiệm vụ nguy hiểm và có lẽ còn đe dọa đến tính mạng nữa. Nhưng An Ma đã không hề do dự. “Ông liền cấp tốc trở lại.”5

An Ma đã nhịn đói nhiều ngày khi ông bước vào thành phố. Ở đó, ông hỏi xin một người hoàn toàn lạ mặt “cho tôi tớ hèn mọn của Thượng Đế một chút gì để ăn.”6

A Mu Léc

Người đàn ông này tên là A Mu Léc.

A Mu Léc là một công dân giàu có, nổi tiếng ở Am Mô Ni Ha. Mặc dù là con cháu của nhiều người tin, nhưng đức tin của ông đã nguội lạnh. Sau đó ông thú nhận: “Tôi đã được kêu gọi nhiều lần nhưng tôi không chịu nghe; tôi được biết nhiều về những điều này nhưng tôi đã không muốn [tin]; vậy nên tôi đã tiếp tục chống lại Thượng Đế.”7

Nhưng Thượng Đế đã chuẩn bị cho A Mu Léc, và khi A Mu Léc gặp An Ma, ông đã tiếp đón người tôi tớ của Chúa và mời vào nhà ông, nơi mà An Ma ở lại nhiều ngày.8 Trong thời gian đó, A Mu Léc đã mở rộng lòng tiếp nhận sứ điệp của An Ma, và một sự thay đổi kỳ diệu đã đến với ông. Từ lúc đó trở đi, A Mu Léc không những tin mà còn trở thành một người bênh vực cho lẽ thật.

Khi An Ma đi ra ngoài một lần nữa để rao giảng ở giữa dân Am Mô Ni Ha, ông đã có được ở bên mình nhân chứng thứ hai—đó là A Mu Léc, một người trong số dân đó.

Các sự kiện sau đó tạo thành một trong những câu chuyện buồn vui lẫn lộn nhất trong khắp thánh thư. Các anh em có thể đọc về câu chuyện đó trong sách An Ma các chương 8–16.

Hôm nay, tôi muốn yêu cầu các anh em nên suy ngẫm hai câu hỏi:

Thứ Nhất: “Tôi có thể học được gì từ An Ma?”

Thứ Hai: “Tôi giống như A Mu Léc như thế nào?”

Tôi Có Thể Học Được Gì từ An Ma?

Tôi xin bắt đầu bằng cách hỏi tất cả các nhà lãnh đạo trước đây, hiện tại hay tương lai trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô: “Các anh em có thể học được gì từ An Ma?”

An Ma là một người có năng khiếu và khả năng đặc biệt. Có lẽ dễ dàng để nghĩ rằng ông không cần sự giúp đỡ của ai cả. Tuy nhiên, An Ma đã làm gì khi ông trở lại Am Mô Ni Ha?

An Ma đã gặp A Mu Léc và xin được ông giúp đỡ.

Và An Ma đã được giúp đỡ.

Vì bất cứ lý do nào đó, đôi khi chúng ta với tư cách là người lãnh đạo đã miễn cưỡng tìm kiếm và xin được giúp đỡ từ những người giống như A Mu Léc. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể tự mình làm được giỏi hơn, hoặc không muốn gây bất tiện cho người khác, hoặc cho rằng những người khác sẽ không muốn tham gia. Chúng ta rất thường xuyên ngần ngại mời người khác sử dụng tài năng thiên phú của họ và tham gia vào công việc cứu rỗi vĩ đại.

Hãy suy nghĩ về Đấng Cứu Rỗi—Ngài có bắt đầu thiết lập Giáo Hội của Ngài một mình không?

Không.

Sứ điệp của Ngài không phải là “Hãy đứng ra một bên. Ta sẽ giải quyết việc này.” Thay vì thế, sứ điệp đó là “Hãy đến mà theo ta.”9 Ngài soi dẫn, mời gọi, chỉ dẫn, và sau đó tin cậy các tín đồ của Ngài sẽ “làm những điều mà các ngươi đã thấy ta làm.”10 Trong cách này, Chúa Giê Su Ky Tô đã không những củng cố Giáo Hội của Ngài, mà còn củng cố các tôi tớ của Ngài nữa.

Trong bất cứ chức vụ nào các anh em hiện đang phục vụ—cho dù các anh em là một chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế, chủ tịch giáo khu, hay là Chủ Tịch Giáo Vùng—thì nếu muốn được thành công, các anh em phải tìm kiếm những người như A Mu Léc để phụ giúp mình.

Có thể đó là một người khiêm tốn, thậm chí không đáng để ý trong vòng giáo đoàn của các anh em. Có thể đó là một người dường như không sẵn lòng hoặc không thể phục vụ. Những người giúp đỡ như A Mu Léc của các anh em có thể là già hay trẻ, nam hay nữ, thiếu kinh nghiệm, mệt mỏi, hoặc không tích cực trong Giáo Hội. Nhưng điều mà các anh em có thể không nhận ra là họ đang hy vọng nghe từ các anh em những lời như “Chúa cần anh em. Tôi cần anh em.”

Từ tận đáy lòng, nhiều người muốn phục vụ Thượng Đế của họ. Họ muốn là một công cụ trong tay của Ngài. Họ muốn đưa lưỡi hái vào và gặt với tất cả năng lực của họ để chuẩn bị thế gian cho sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi. Họ muốn xây đắp Giáo Hội của Ngài. Nhưng họ không muốn bắt đầu. Họ thường chờ để được yêu cầu.

Tôi mời các anh em hãy nghĩ tới những người trong chi nhánh và tiểu giáo khu của mình, trong các phái bộ truyền giáo và giáo khu của mình, là những người cần nghe một lời kêu gọi để hành động. Chúa đã làm việc với họ—chuẩn bị cho họ, làm mềm lòng họ. Hãy lắng nghe sự soi dẫn của Đức Thánh Linh bằng tấm lòng của mình để tìm kiếm họ.

Hãy tìm đến họ. Giảng dạy cho họ. Soi dẫn họ. Yêu cầu họ.

Hãy chia sẻ với họ những lời của vị thiên sứ nói cùng A Mu Léc—rằng phước lành của Chúa sẽ ngự trên họ và trong nhà của họ.11 Các anh em có thể ngạc nhiên khi khám phá ra một người tôi tớ dũng cảm của Chúa mà nếu không có các anh em thì sẽ vẫn ẩn mặt.

Tôi Giống A Mu Léc Như Thế Nào?

Trong khi một số người trong chúng ta nên tìm kiếm một người giống như A Mu Léc để được giúp đỡ, thì đối với những người khác câu hỏi có thể là “Tôi giống A Mu Léc như thế nào?”

Có lẽ trong những năm qua, các anh em trở nên ít cam kết hơn trong vai trò môn đồ của mình. Có lẽ lòng nhiệt tình trong chứng ngôn của các anh em đang yếu dần. Có lẽ các anh em đã tự tách rời mình khỏi thân của Đấng Ky Tô. Có lẽ các anh em đã bị xúc phạm hay thậm chí còn tức giận nữa. Giống như một số người thuộc Giáo Hội thời xưa của người Ê Phê Sô, các anh em có thể đã rời bỏ “lòng kính mến ban đầu” của mình12—là các lẽ thật vĩnh cửu, cao quý của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Có lẽ, giống như A Mu Léc, các anh em biết trong lòng mình rằng Chúa đã “kêu gọi [các anh em] nhiều lần” nhưng các anh em “không chịu nghe.”

Tuy nhiên, Chúa thấy nơi các anh em điều Ngài đã thấy nơi A Mu Léc—tiềm năng của một tôi tớ dũng cảm với một công việc quan trọng phải làm và với một chứng ngôn để chia sẻ. Có sự phục vụ mà không một người nào khác có thể làm được trong một cách khá giống như vậy. Chúa đã giao phó cho các anh em chức tư tế thánh của Ngài, là chức tư tế nắm giữ tiềm năng thiêng liêng để ban phước và nâng đỡ những người khác. Lắng nghe với tấm lòng của mình và tuân theo những thúc giục của Thánh Linh.

Cuộc Hành Trình của Một Tín Hữu

Tôi rất xúc động trước cuộc hành trình của một người anh em, là người đã tự hỏi, “Khi Chúa gọi, tôi sẽ nghe chăng?” Tôi sẽ gọi người anh em tốt bụng này là David.

David cải đạo theo Giáo Hội cách đây khoảng 30 năm. Anh đã phục vụ truyền giáo và sau đó theo học trường luật. Trong khi đang học hành và làm việc để nuôi nấng một gia đình trẻ, anh đã bắt gặp một số thông tin về Giáo Hội mà làm cho anh hoang mang. Càng đọc những loại tài liệu tiêu cực này thì anh càng trở nên bất an hơn. Cuối cùng, anh đã xin rút tên của mình ra khỏi hồ sơ của Giáo Hội.

Từ đó trở đi, giống như An Ma trong những ngày phản nghịch của ông, David đã dành rất nhiều thời gian tranh luận với các tín hữu của Giáo Hội, tham gia vào các cuộc hội thoại trực tuyến với mục đích thách thức niềm tin của họ.

Anh ấy rất giỏi trong việc tranh luận và thách thức niềm tin của các tín hữu.

Tôi sẽ gọi một trong số các tín hữu mà anh tranh luận là Jacob. Jacob luôn tử tế và kính trọng David, nhưng anh cũng rất vững vàng trong việc bênh vực Giáo Hội.

Qua nhiều năm, David và Jacob phát triển một sự kính trọng lẫn nhau và tình bạn. David đã không biết là Jacob đã cầu nguyện cho David và kiên trì làm như vậy trong hơn một thập niên. Anh thậm chí còn để tên người bạn của mình vào danh sách những người cần được cầu nguyện trong đền thờ của Chúa và hy vọng rằng David sẽ mềm lòng.

Theo thời gian, dần dần, David đã thật sự thay đổi. Anh bắt đầu trìu mến nhớ đến những kinh nghiệm thuộc linh mà anh đã từng có, và anh nhớ lại hạnh phúc anh đã cảm thấy khi là một tín hữu của Giáo Hội.

Giống như An Ma, David đã không hoàn toàn quên các lẽ thật phúc âm mà anh đã từng chấp nhận. Và cũng giống như A Mu Léc, David cảm thấy Chúa đang tìm đến anh. David hiện đang là một người chung phần làm chủ một công ty luật—một công việc đầy uy tín. Anh đã nổi tiếng là một người chỉ trích Giáo Hội, và anh đã quá kiêu ngạo để xin được thu nhận lại.

Tuy nhiên, anh vẫn tiếp tục cảm nhận được ảnh hưởng của Đấng Chăn Chiên.

Anh đã hết lòng tin câu thánh thư “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.”13 Anh cầu nguyện: “Lạy Thượng Đế, con muốn trở thành một Thánh Hữu Ngày Sau lại, nhưng con có những câu hỏi mà cần câu trả lời.”

Anh bắt đầu lắng nghe những lời mách bảo của Thánh Linh và các câu trả lời đầy soi dẫn của bạn bè, là điều mà anh chưa từng bao giờ có trước đây. Hết điều này đến điều khác, những nỗi nghi ngờ của anh biến thành đức tin, cho đến khi cuối cùng anh nhận ra rằng, một lần nữa, anh có thể cảm nhận được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội phục hồi của Ngài.

Vào thời điểm đó, anh đã biết rằng anh sẽ có thể khắc phục được tính kiêu ngạo của mình và làm bất cứ điều gì cần làm để được chấp nhận trở lại với Giáo Hội.

Cuối cùng, David đã bước vào hồ nước báp têm và sau đó bắt đầu trông mong đến ngày anh có thể có các phước lành của mình được phục hồi lại.

Tôi vui mừng báo cáo rằng mùa hè vừa qua, các phước lành của David đã được phục hồi lại cho anh ấy. Một lần nữa, anh hoàn toàn tham gia trong Giáo Hội và phục vụ với tư cách là giảng viên Giáo Lý Phúc Âm trong tiểu giáo khu của anh. Anh tận dụng mọi cơ hội để nói chuyện với những người khác về sự thay đổi của anh, để sửa chữa những thiệt hại mà anh đã gây ra, và làm chứng về phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Kết luận

Các anh em và các bạn thân mến, chúng ta hãy tìm kiếm, soi dẫn, và trông cậy vào những người giống như Am Mu Léc trong các tiểu giáo khu và giáo khu của mình. Có rất nhiều người giống như Am Mu Léc trong Giáo Hội ngày nay. Có lẽ các anh em cũng là những người đó.

Có lẽ các anh em biết một người như vậy. Có lẽ các anh em cũng là một người như vậy.

Có lẽ Chúa đã thì thầm với các anh em, thúc giục các anh em trở lại với Đấng Cứu Rỗi, đóng góp tài năng của mình, xứng đáng sử dụng chức tư tế, và sát cánh phục vụ bên cạnh những người đồng Thánh Hữu của mình để gần gũi hơn với Chúa Giê Su Ky Tô và xây đắp vương quốc của Thượng Đế ở nơi đây trên thế gian.

Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta biết các anh em đang ở đâu. Ngài biết tấm lòng của các anh em. Ngài muốn giải cứu các anh em. Ngài sẽ tìm đến các anh em. Chỉ cần các anh em chịu mở rộng lòng mình cho Ngài. Tôi hy vọng rằng những người đã đi lạc khỏi con đường của môn đồ—cho dù chỉ một chút thôi—cũng sẽ suy ngẫm về lòng nhân từ và ân điển của Thượng Đế, nhận thấy với tấm lòng của họ, học hỏi từ An Ma và A Mu Léc, và nghe những lời đầy tác dụng của Đấng Cứu Rỗi: “Hãy đến mà theo ta.”

Tôi khuyên nhủ các anh em hãy lưu ý đến lời kêu gọi của Ngài, vì chắc chắn các anh em sẽ nhận được phần thưởng của thiên thượng. Các phước lành của Chúa sẽ ngự trên các anh em và trong nhà của các anh em.14

Tôi làm chứng về điều này và với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa, tôi để lại cho các anh em phước lành của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.