2016
Ước Muốn Chân Thành của Tâm Hồn
November 2016


Ước Muốn Chân Thành của Tâm Hồn

Mỗi giây phút cầu nguyện quý báu có thể là thời gian thiêng liêng dành cho Cha Thiên Thượng, trong tôn danh của Vị Nam Tử, qua quyền năng của Đức Thánh Linh.

Trong những khó khăn của cuộc sống trần thế, chúng ta không bao giờ bị bỏ mặc một mình để thực hiện công việc của chúng ta, để đánh trận chiến của mình, để đối phó với nghịch cảnh hoặc những câu hỏi chưa được trả lời. Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy bằng một truyện ngụ ngôn “phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt.” Ngài kể về có một quan án không kính sợ Thượng Đế và không vị nể ai cả. Nhiều lần một góa phụ đến trước mặt ông ta, nài xin công lý đối với kẻ thù của mình. Trong một thời gian, quan án không thỏa mãn lời nài xin của bà ta. Nhưng vì lời nài xin lâu ngày, kiên định, cuối cùng quan án nghĩ: “Song vì đàn bà góa nầy khuấy rầy ta, ta sẽ xét lẽ công bình cho nó, để nó không tới luôn làm nhức đầu ta.”

Sau đó Chúa Giê Su giải thích:

“Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài … ?

“Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ.”

Rồi Chúa đặt ra câu hỏi này: “Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?”1

Cầu nguyện là điều thiết yếu để phát triển đức tin. Khi Chúa tái lâm Ngài sẽ tìm ra một dân tộc biết cách cầu nguyện với đức tin và sẵn sàng để tiếp nhận sự cứu rỗi không? “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.”2 Chúng ta là con cái của một Cha Thiên Thượng nhân từ, và chúng ta có thể tận hưởng sự giao tiếp riêng với Ngài khi chúng ta cầu nguyện “với tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự, cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô”3 và rồi làm theo sự đáp ứng mà chúng ta nhận được qua những thúc giục của Đức Thánh Linh. Chúng ta cầu nguyện bằng đức tin, chúng ta lắng nghe, và chúng ta vâng lời để có thể học cách trở nên hiệp một với Cha Thiên Thượng và vị Nam Tử.4

Lời cầu nguyện bằng đức tin mở đường cho chúng ta nhận được những phước lành vinh quang thiêng liêng. Đấng Cứu Rỗi dạy:

“Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.

“Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở.”5

Nếu trông mong nhận được, thì chúng ta phải cầu xin, tìm kiếm, và gõ cửa. Trong khi tìm kiếm lẽ thật, Joseph Smith đã đọc từ thánh thư: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.”6 Để đáp lại lời cầu nguyện của ông với đức tin, các tầng trời đã mở ra. Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, giáng xuống trong vinh quang và phán cùng Joseph Smith, khai mở gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn. Đối với chúng ta, sự chữa lành kỳ diệu, sự bảo vệ mạnh mẽ, sự hiểu biết thiêng liêng, sự tha thứ mang lại tự do và sự bình an quý báu là trong số các câu trả lời nhận được khi chúng ta dâng lên “ước muốn chân thành của tâm hồn mình”7 bằng đức tin.

Chúng ta cầu nguyện lên Đức Chúa Cha, trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, do đó khi cầu nguyện chúng ta dâng lên cho cả ba Đấng trong Thiên Chủ Đoàn.

Chúng ta cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng và chỉ Ngài mà thôi vì Ngài là “Thượng Đế trên trời, là Đấng vô hạn và vĩnh cửu, từ vĩnh viễn này đến vĩnh viễn khác … , là Đấng tạo dựng trời đất cùng vạn vật trong đó.” Là Đấng Sáng Tạo của chúng ta, Ngài đã ban cho các giáo lệnh để chúng ta “phải yêu thương và phục vụ Ngài, là Đấng Thượng Đế hằng sống và chân thật duy nhất, và rằng Ngài là Đấng duy nhất mà [chúng ta] phải thờ phượng.”8

Khi anh chị em cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng với đức tin, “Ngài sẽ an ủi anh chị em trong những lúc đau khổ của mình, … [và anh chị em có thể] thụ hưởng tình thương của Ngài.”9 Chủ Tịch Henry B. Eyring đã chia sẻ rằng những lời cầu nguyện của cha ông trong khi bị thua trận đánh chống chọi với bệnh ung thư đã dạy ông về mối quan hệ cá nhân sâu đậm giữa Thượng Đế và con cái của Ngài:

“Khi cơn đau trở nên mãnh liệt, chúng tôi bắt gặp ông quỳ xuống bên giường vào buổi sáng. Ông đã quá yếu để có thể trở vào giường. Ông nói với chúng tôi rằng ông đã cầu nguyện để cầu vấn Cha Thiên Thượng tại sao ông phải đau đớn nhiều như vậy khi ông đã luôn luôn cố gắng để làm người tốt. Ông nói đã có được một câu trả lời thú vị: ‘Thượng Đế cần những người con trai dũng cảm.’

“Và vì vậy ông đã chịu đựng cho đến cùng, tin tưởng rằng Thượng Đế yêu thương ông, lắng nghe ông, và sẽ nâng đỡ ông. Ông được phước để biết được sớm và không bao giờ quên rằng mình có thể luôn đến gần Thượng Đế bằng lời cầu nguyện.”10

Chúng ta cầu nguyện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô vì sự cứu rỗi của chúng ta là ở trong Đấng Ky Tô, và “vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.”11 Chúng ta đến cùng Đức Chúa Cha trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô12 vì Ngài là Đấng Biện Hộ với Đức Chúa Cha và Ngài bênh vực lý lẽ của chúng ta.13 Ngài chịu đau đớn, đổ máu, và chết để tôn vinh Cha Ngài, và lời thỉnh cầu đầy lòng thương xót của Ngài thay cho chúng ta sẽ mở đường cho mỗi người chúng ta để nhận được sự bình an trong cuộc sống này và cuộc sống trường cửu trong thế giới mai sau. Ngài không muốn chúng ta phải chịu đau khổ lâu hơn hoặc chịu đựng nhiều thử thách hơn là cần thiết. Ngài thật sự muốn chúng ta hướng tới Ngài và để cho Ngài làm giảm bớt gánh nặng của chúng ta, chữa lành tâm hồn chúng ta, và thanh tẩy linh hồn của chúng ta qua quyền năng thanh tẩy của Ngài. Chúng ta không bao giờ muốn lấy danh Ngài làm chơi với những lời thuộc lòng và lặp đi lặp lại. Những lời cầu nguyện chân thành được dâng lên trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô là một cách biểu lộ về tình yêu thương tận tụy của chúng ta, lòng biết ơn vĩnh cửu, và ước muốn bền bỉ của chúng ta để cầu nguyện giống như Ngài đã cầu nguyện, để làm giống như Ngài đã làm, và để trở thành giống như Ngài.

Chúng ta cầu nguyện bởi quyền năng của Đức Thánh Linh vì “ai cầu xin trong Thánh Linh tức là cầu xin theo ý muốn của Thượng Đế.”14 Khi chúng ta cầu nguyện với đức tin, thì Đức Thánh Linh có thể hướng dẫn những ý nghĩ của chúng ta để lời nói của chúng ta được phù hợp với ý muốn của Thượng Đế. “Chớ cầu xin điều gì để thỏa mãn dục vọng của mình, mà hãy cầu xin với một sự vững vàng không lay chuyển, rằng các người sẽ không nhường bước cho một sự cám dỗ nào, nhưng các người sẽ phục vụ Đấng Thượng Đế chân thật và hằng sống.”15

“Không những là điều quan trọng khi chúng ta phải biết cách để cầu nguyện, mà còn quan trọng không kém khi chúng ta phải biết cách để nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình, biết sáng suốt, phải cảnh giác, để có thể thấy với tầm nhìn rõ ràng và hiểu với ý định rõ ràng ý muốn và mục đích của Thượng Đế dành cho chúng ta.”16

Chủ Tịch Eyring chia sẻ: “Tôi đã có những lời cầu nguyện được đáp ứng. Những sự đáp ứng đó rõ ràng nhất khi điều tôi mong muốn không được quan tâm đến bởi vì một nhu cầu đầy áp đảo để biết điều mà Thượng Đế muốn. Chính lúc đó sự đáp ứng của Cha Thiên Thượng nhân từ mới có thể được gửi đến tâm trí bằng giọng nói êm ái nhỏ nhẹ và có thể được ghi vào lòng.”17

Đấng Ky Tô với Các Sứ Đồ
Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Khi Đấng Cứu Rỗi bước vào Vườn Ghết Sê Ma Nê, tâm hồn của Ngài vô cùng buồn bã, thậm chí buồn đến mức không thể chịu nổi. Trong nỗi thống khổ, Ngài chỉ có thể hướng tới Cha Ngài. Ngài khẩn nài: “Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con.” Nhưng rồi Ngài nói thêm: “Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.”18 Mặc dù vô tội, nhưng Đấng Cứu Rỗi vẫn được kêu gọi để “chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ,” kể cả bệnh tật và sự yếu đuối của dân Ngài. “[Ngài] phải chịu thống khổ theo thể cách xác thịt ngõ hầu Ngài có thể mang lấy những tội lỗi của dân Ngài, để Ngài có thể xóa bỏ sự phạm tội của họ qua quyền năng giải thoát của Ngài.”19 Ngài đã cầu nguyện ba lần: “Lạy Cha, ý Ngài được nên.”20 Chén đắng đã không được cất bỏ. Trong lời cầu nguyện khiêm nhường, trung tín, Ngài đã được củng cố để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của Ngài để chuẩn bị cho sự cứu rỗi của chúng ta, để chúng ta có thể hối cải, tin tưởng, vâng lời và nhận được các phước lành vĩnh cửu.

Đấng Ky Tô cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Những sự đáp ứng chúng ta nhận được trong lời cầu nguyện có thể không phải là điều chúng ta mong muốn. Nhưng trong thời gian khó khăn, những lời cầu nguyện của chúng ta trở thành một sự hỗ trợ đầy yêu thương và thương xót dịu dàng. Trong lời cầu khẩn của mình, chúng ta có thể được củng cố, để tiếp tục làm tròn tất cả những gì chúng ta đã được kêu gọi để làm. Chúa phán cùng Các Thánh Hữu của Ngài đang sống trong thời kỳ khó khăn: “Hãy để cho lòng mình được an ủi… ; vì mọi xác thịt đều ở trong tay ta; hãy yên tâm và hiểu rằng ta là Thượng Đế.”21

Cho dù chúng ta cầu nguyện riêng cá nhân, chung với gia đình, ở nhà thờ, trong đền thờ, hay khi chúng ta ở bất cứ nơi nào; cho dù chúng ta cầu nguyện với tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối tìm kiếm sự tha thứ, sự thông sáng thiêng liêng, hoặc chỉ là sức mạnh để chịu đựng, thì chúng ta cũng luôn hết lòng cầu nguyện liên tục lên Thượng Đế cho sự an lạc của mình và cho sự an lạc của những người xung quanh. Những ước muốn chân thành được dâng lên trong tinh thần biết ơn về các phước lành dồi dào và lòng biết ơn đối với những bài học của cuộc sống đều làm cho tâm hồn chúng ta thấm nhuần với đức tin bền bỉ nơi Đấng Ky Tô, một “hy vọng sáng lạn, và một tình yêu mến Thượng Đế và tất cả mọi người.”22

Sự cầu nguyện là một ân tứ từ Thượng Đế. Chúng ta không cần phải cảm thấy lạc lối hay cô độc. Tôi làm chứng rằng mỗi giây phút cầu nguyện quý báu có thể là thời gian thiêng liêng dành cho Đức Chúa Cha của chúng ta, trong tôn danh của Vị Nam Tử, bằng quyền năng của Đức Thánh Linh. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.