2016
Quả Cảm trong Chứng Ngôn về Chúa Giê Su
November 2016


Quả Cảm trong Chứng Ngôn về Chúa Giê Su

Chúng ta không thể để cho các chứng ngôn của mình về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trở nên hoang mang và phức tạp vì các chướng ngại vật.

Cuộc sống vĩnh cửu là ân tứ lớn nhất của Thượng Đế và được ban cho những người nào “tuân giữ các giáo lệnh của [Thượng Đế] và kiên trì đến cùng.”1 Mặt khác, cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng bị từ chối đối với những người nào “không quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su.”2 Lòng quả cảm của chúng ta có một số chướng ngại vật mà có thể ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu của cuộc sống vĩnh cửu.3 Các chướng ngại vật có thể là phức tạp; tôi xin được minh họa.

Cách đây nhiều năm, cha tôi cất một căn nhà gỗ nhỏ trên một phần đất nông trại nơi ông lớn lên. Phong cảnh ngang cánh đồng cỏ thật là ngoạn mục. Tôi đến thăm khi các bức tường của căn nhà đã được dựng lên. Tôi ngạc nhiên thấy cửa sổ nhìn ra ngoài tập trung thẳng vào một cái cột điện nằm cách nhà một khoảng cách ngắn. Đối với tôi, đó là một điều làm sao lãng rất lớn khỏi phong cảnh tuyệt vời.

Cái cột điện nằm ở bên ngoài cửa sổ nhìn ra

Tôi nói: “Cha ơi, tại sao cha để cho họ đặt cột điện ngay trước mặt khi cha nhìn ra từ cửa sổ vậy?”

Cha tôi, là một người đặc biệt có óc thực tế và bình tĩnh, đã xúc động kêu lên: “Quentin à, cái cột điện đó là vật đẹp nhất đối với cha trong cả nông trại này!” Sau đó ông biện minh cho lý do đó. “Khi nhìn vào cái cột điện, cha nhận thức được rằng, không giống như khi cha lớn lên ở đây, cha sẽ không phải mang những thùng nước từ con suối vào nhà để nấu ăn, rửa tay, hoặc tắm rửa. Cha sẽ không phải thắp nến hay đèn dầu vào ban đêm để đọc. Cha muốn thấy cái cột điện đó ngay ở giữa khi nhìn ra cửa sổ.”

Cha tôi có một quan điểm khác với tôi về cái cột điện. Đối với ông, cái cột điện đó tượng trưng cho một cuộc sống được cải thiện, nhưng đối với tôi đó là một chướng ngại vật cản trở phong cảnh tuyệt vời. Cha tôi quý trọng điện đóm, đèn đuốc và sự sạch sẽ hơn là một phong cảnh ngoạn mục. Tôi nhận thức được ngay rằng mặc dù cái cột điện là một chướng ngại vật đối với tôi, nhưng lại có một ý nghĩa vô cùng thực tiễn đầy biểu tượng đối với cha tôi.

Một chướng ngại vật là “một vật cản trở niềm tin hay sự hiểu biết” hoặc “một vật làm trở ngại đối với sự tiến bộ.”4 Vấp ngã phần thuộc linh là “sa vào tội lỗi hoặc ương ngạnh.”5 Một chướng ngại vật có thể là bất cứ điều gì làm chúng ta sao lãng khỏi việc đạt được các mục tiêu ngay chính.

Chúng ta không thể để cho những chứng ngôn của mình về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trở nên hoang mang và phức tạp vì các chướng ngại vật. Chúng ta không thể để như vậy được. Những chứng ngôn của chúng ta về hai Ngài cần phải luôn luôn được thanh khiết và đơn giản giống như lời bênh vực giản dị của cha tôi về cái cột điện trong nông trại nơi ông lớn lên.

Một số chướng ngại vật nào đã làm cho chứng ngôn thanh khiết và đơn giản của chúng ta về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử bị hoang mang và trở nên phức tạp và ngăn không cho chúng ta được quả cảm trong chứng ngôn đó?

Một Chướng Ngại Vật của Chúng Ta Là Những Triết Lý của Con Người

Chúng ta cam kết để biết được mọi điều và tin rằng “vinh quang của Thượng Đế là tri thức.”6 Nhưng chúng ta cũng biết rằng chiến lược ưa thích của kẻ nghịch thù là dẫn dắt dân chúng lánh xa Thượng Đế và làm cho họ vấp ngã bằng cách nhấn mạnh đến những triết lý của con người thay vì Đấng Cứu Rỗi và những lời dạy của Ngài.

Sứ Đồ Phao Lô là một nhân chứng quả cảm của Chúa Giê Su Ky Tô nhờ vào một kinh nghiệm kỳ diệu và làm thay đổi cuộc sống với Đấng Cứu Rỗi.7 Kinh nghiệm độc nhất vô nhị của Phao Lô đã chuẩn bị cho ông có thể thông cảm với những người dân thuộc nhiều nền văn hóa. Ông thích “tính giản dị thẳng thắn” của người Tê Sa Lô Ni Ca và “sự đồng cảm trắc ẩn” của người Phi Líp.8 Lúc đầu, ông thấy khó hơn để thông cảm với người Hy Lạp trí thức và sành điệu. Ở A Thên trên A Rê Ô Ba, ông đã cố gắng tiếp cận phương pháp triết học và đã bị chối bỏ. Đối với người Cô Rinh Tô, ông quyết tâm chỉ giảng dạy “giáo lý của Đấng Ky Tô chịu đóng đinh.”9 Để sử dụng chính lời nói của Sứ Đồ Phao Lô:

“Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép;

“Hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời.”10

Một số các câu chuyện thánh thư kỳ diệu nhất về Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh của Ngài đã được trình bày trong 1 Cô Rinh Tô. Một chương—chương 15—đã nhận được sự chú ý trên toàn cầu qua những buổi trình diễn bài thánh ca Messiah11 do George Frideric Handel sáng tác. Bài thánh ca này chứa đựng giáo lý sâu sắc về Đấng Cứu Rỗi. Trong phần thứ ba của bài thánh ca Messiah, ngay sau “Hallelujah Chorus,” hầu hết các câu thánh thư được sử dụng là từ 1 Cô Rinh Tô 15. Trong một vài câu thánh thư này, Phao Lô mô tả một cách tuyệt vời về một số điều mà Đấng Cứu Rỗi đã hoàn thành:

“Nhưng bây giờ, Đấng Ky Tô đã từ kẻ chết sống lại, … là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.

“… Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết.

“Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại. …

“Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? …

“Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta.”12

Chúng ta biết Sự Bội Giáo xảy ra một phần là do những triết lý của con người đã được xem là cao hơn giáo lý cơ bản thiết yếu của Đấng Ky Tô. Thay vì sứ điệp đơn giản của Đấng Cứu Rỗi đã được giảng dạy, thì nhiều lẽ thật minh bạch và quý báu đã bị thay đổi hoặc bị mất. Thực ra, Ky Tô giáo đã chấp nhận một số truyền thống triết học Hy Lạp để dung hòa niềm tin của người dân với văn hóa hiện có của họ. Sử gia Will Durant viết: “Ky Tô giáo không hủy diệt mà chấp nhận tà giáo. Văn hóa Hy Lạp đang dẫy chết nhưng đã có một cuộc sống mới nơi những người đã chấp nhận những phần văn hóa đó.”13 Trong lịch sử, và trong thời kỳ chúng ta, một số người chối bỏ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, vì theo quan điểm của họ, phúc âm đó không có đủ mức độ tinh vi trí thức thích hợp.

Vào lúc Sự Phục Hồi bắt đầu, nhiều người, ít nhất là đã tuyên xưng sẽ tuân theo lời dạy của Đấng Cứu Rỗi. Nhiều quốc gia tự coi mình là những nước Ky Tô giáo. Nhưng ngay cả lúc đó đã có lời tiên tri về một thời gian khó khăn hơn cho thời kỳ chúng ta.

Heber C. Kimball là một trong số Mười Hai Sứ Đồ ban đầu của gian kỳ này và là Đệ Nhất Cố Vấn của Chủ Tịch Brigham Young. Ông cảnh báo: “Đã đến lúc … điều đó sẽ trở nên khó có thể biết được ai là Thánh Hữu và ai là kẻ thù đối với dân của Thượng Đế. Sau đó … hãy tìm ra cái sàng lớn, vì sẽ có một thời gian để sàng lọc nhiều, và nhiều người sẽ sa ngã.” Ông kết luận rằng “một THỬ THÁCH sẽ đến.”14

Trong thời kỳ chúng ta, ảnh hưởng của Ky Tô giáo trong nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, bị giảm đi đáng kể. Nếu không có niềm tin tôn giáo, thì không có cảm giác về trách nhiệm đối với Thượng Đế. Do đó, rất khó để thiết lập các giá trị chung về cách sống. Những triết lý mà được nhiều người rất tin tưởng thường xung đột với nhau.

Rủi thay, điều này cũng xảy ra với một số tín hữu của Giáo Hội đã xa rời khỏi điều mà họ biết là đúng và trở nên bị tác động bởi bất cứ ý kiến phổ biến nào vào lúc đó—nhiều ý kiến đó rõ ràng là không ngay chính.

Cùng với lời tiên tri của Heber C. Kimball, Anh Cả Neal A. Maxwell đã nói vào năm 1982: “Phần lớn sự sàng lọc sẽ xảy ra vì sự sa ngã trong hành vi ngay chính mà một người không hối cải. Một vài người sẽ bỏ cuộc thay vì kiên trì đến cùng. Một vài người sẽ bị những người bội giáo lừa gạt. Tương tự như vậy, những người khác sẽ bị xúc phạm, vì sẽ có những chướng ngại vật đủ cho mỗi gian kỳ!”15

Một Chướng Ngại Vật Khác Nữa Là Không Chịu Nhìn Tội Lỗi theo Đúng Bản Chất của Nó

Một trong những khía cạnh độc đáo và gây rắc rối trong thời kỳ của chúng ta là có nhiều người tham gia vào hành vi tội lỗi nhưng không chịu xem đó là tội lỗi. Họ không hề hối hận hay sẵn sàng thừa nhận hành vi của họ là sai trái về mặt đạo đức. Thậm chí còn có một số người tuyên xưng niềm tin nơi Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử lại lầm tin rằng Cha Thiên Thượng nhân từ không đòi hỏi những hậu quả đối với hành vi trái với các giáo lệnh của Ngài.

Rõ ràng đây là điều mà Cô Ri An Tôn, con trai của An Ma Con trong Sách Mặc Môn, đã tin. Ông ấy đã có hành vi vô luân ghê tởm và đã được An Ma khuyên dạy. Chúng ta được phước có vị tiên tri An Ma vĩ đại, bản thân ông đã ở trong “vực thẳm tối tăm nhất [và] ánh sáng kỳ diệu”16, đã ghi lại lời chỉ dạy của ông. Trong An Ma chương 39, chúng ta đọc cách ông khuyên dạy người con trai này qua tiến trình hối cải và sau đó giải thích cách Đấng Ky Tô sẽ đến để cất đi tội lỗi. Ông đã giải thích rõ về việc cần phải hối cải cho Cô Ri An Tôn nghe vì “không một vật ô uế nào có thể thừa hưởng được vương quốc của Thượng Đế.”17

An Ma 42 chứa đựng một số giáo lý tuyệt vời nhất về Sự Chuộc Tội trong khắp thánh thư. An Ma giúp Cô Ri An Tôn hiểu rằng đó không phải là một điều bất công khi “kẻ phạm tội bị chỉ định vào một trạng thái khổ sở.”18 Nhưng ông lưu ý rằng khi bắt đầu với A Đam, Thượng Đế đầy lòng thương xót đã ban cho một “thời gian … để hối cải” vì nếu không có sự hối cải thì, “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” sẽ bị hủy diệt.19 An Ma cũng xác định rằng kế hoạch của Thượng Đế là một “kế hoạch hạnh phúc.”20

Những lời dạy của An Ma là hữu ích nhất: “Vì này, công lý thi hành tất cả những đòi hỏi của nó, và luôn cả lòng thương xót cũng đòi hỏi tất cả những gì thuộc quyền nó nữa; và như vậy là chẳng ai được cứu ngoài kẻ thật tình ăn năn.”21 Khi hiểu được rõ ý nghĩa của những điều này rồi, thì các phước lành vinh quang về sự hối cải và tuân theo những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi thật là vô cùng quan trọng. Thật là điều công bằng để được rõ ràng, như An Ma đã nói với Cô Ri An Tôn, về những hậu quả của những lựa chọn đầy tội lỗi và thiếu sự hối cải. Người ta thường nói: “Sớm hay muộn gì thì tất cả mọi người đều đối diện với hậu quả của những quyết định của họ.”22

Phước lành phi thường và thiêng liêng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là qua sự hối cải, hành vi tội lỗi sẽ được xoá bỏ. Sau khi Cô Ri An Tôn đã hối cải, An Ma kết luận: “Không nên để những điều này làm băn khoăn con nữa, mà chỉ nên để cho những tội lỗi của mình làm băn khoăn mình, với sự băn khoăn mà sẽ đưa con đến sự hối cải.”23

Nhìn Xa Quá Điểm Nhắm Là một Chướng Ngại Vật

Tiên tri Gia Cốp gọi người Do Thái thời xưa là “dân cứng cổ” đã coi thường sự minh bạch, “giết chết các vị tiên tri, và tìm kiếm những điều mà họ không thể hiểu được. Vậy nên, do sự mù quáng của họ, một sự mù quáng vì đã nhìn xa quá điểm nhắm, nên họ phải sa ngã.”24

Mặc dù có rất nhiều ví dụ về việc nhìn xa quá điểm nhắm,25 nhưng một ví dụ quan trọng trong thời kỳ của chúng ta là chủ nghĩa cực đoan. Chủ nghĩa cực đoan về phúc âm là khi một người nâng cao bất cứ nguyên tắc phúc âm nào lên trên các nguyên tắc khác cũng quan trọng không kém và ở vào thế vượt xa hơn hoặc trái với những lời dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội. Một ví dụ là khi một người ủng hộ cho việc thêm vào, thay đổi, hoặc nhấn mạnh những điều chính yếu cho một phần của Lời Thông Sáng. Một ví dụ khác là sự chuẩn bị đắt tiền cho “ngày tận thế.” Trong cả hai ví dụ này, những người khác được khuyến khích nên chấp nhận cách giải thích riêng. “Nếu chúng ta biến một điều luật y tế hoặc bất cứ nguyên tắc nào khác thành một hình thức tôn giáo cuồng tín thì chúng ta đang nhìn xa quá điểm nhắm.”26

Khi nói về giáo lý quan trọng, Chúa đã phán: “Bất cứ kẻ nào rao truyền nhiều hơn hoặc ít hơn như vậy thì kẻ đó không thuộc về ta.”27 Khi chúng ta nâng cao bất cứ nguyên tắc nào trong một cách mà làm giảm bớt sự cam kết của chúng ta với các nguyên tắc khác cũng quan trọng không kém mà khác hoặc ở vào thế trái ngược hoặc vượt xa những lời dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội, thì chúng ta đang nhìn xa quá điểm nhắm.

Ngoài ra, một số tín hữu nâng cao các chính nghĩa, mà trong đó có nhiều chính nghĩa tốt, lên đến một bậc cao hơn giáo lý phúc âm cơ bản. Họ thay lòng tận tụy của họ bằng chính nghĩa như là cam kết đầu tiên của họ và hạ thấp cam kết của họ với Đấng Cứu Rỗi và những lời dạy của Ngài xuống một vị trí thứ yếu. Nếu chúng ta nâng cao bất cứ điều gì lên trên lòng tận tụy của mình đối với Đấng Cứu Rỗi, nếu hành vi của chúng ta công nhận Ngài như chỉ là một giảng viên chứ không phải là Vị Nam Tử thiêng liêng của Thượng Đế, thì chúng ta đang nhìn xa quá điểm nhắm. Chúa Giê Su Ky Tô chính là điểm nhắm!

Tiết 76 sách Giáo Lý Giao Ước nói rõ việc làm người “quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su”28 là sự trắc nghiệm đơn giản, thiết yếu giữa những người sẽ thừa hưởng các phước lành của thượng thiên giới và những người thuộc vương quốc trung thiên thấp hơn. Để được quả cảm, chúng ta cần phải tập trung vào quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài để khắc phục cái chết và, qua sự hối cải, để thanh tẩy mình khỏi tội lỗi và chúng ta cần tuân theo giáo lý của Đấng Ky Tô.29 Chúng ta cũng cần ánh sáng và sự hiểu biết về cuộc sống và những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi để hướng dẫn chúng ta trên con đường giao ước, mà gồm có các giáo lễ thiêng liêng của đền thờ. Chúng ta phải bền bỉ trong Đấng Ky Tô, nuôi dưỡng những lời Ngài, và kiên trì chịu đựng đến cùng.30

Kết Luận

Nếu phải quả cảm trong chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su, thì chúng ta phải tránh những chướng ngại vật chặn đứng và ngăn cản sự tiến bộ của nhiều người nam và người nữ đáng kính khác. Chúng ta hãy quyết tâm luôn luôn phục vụ Ngài. Trong khi tìm kiếm sự hiểu biết, chúng ta cần tránh những triết lý của con người mà làm giảm bớt cam kết của chúng ta đối với Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta cần phải nhìn tội lỗi theo đúng bản chất của nó và chấp nhận Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi qua sự hối cải. Chúng ta cần phải tránh nhìn xa quá điểm nhắm và tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, cùng tuân theo giáo lý của Ngài.

Cha tôi thấy cái cột điện là một phương tiện cung cấp điện đóm, đèn đuốc, và nước nôi dồi dào cho việc nấu nướng và rửa sạch. Đó là bàn đạp để cải thiện đời sống của ông.

Một nhà văn cho rằng các chướng ngại vật có thể được làm thành “những cái bàn đạp để tiến đến một cá tính cao quý và đến Thiên Thượng.”31

Đối với chúng ta, sự quả cảm trong chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su là một bàn đạp hướng tới việc xứng đáng nhận được ân điển của Đấng Cứu Rỗi và thượng thiên giới. Chúa Giê Su Ky Tô là danh duy nhất dưới gầm trời mà qua đó chúng ta có thể được cứu.32 Tôi chia sẻ chứng ngôn vững chắc của tôi về thiên tính lẫn vai trò thiêng liêng của Ngài trong kế hoạch của Đức Chúa Cha. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giáo Lý và Giao Ước 14:7; xin xem thêm Giăng 17:3.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 76:79.

  3. Xin xem Trung Thành cùng Đức Tin: Sách Tham Khảo Phúc Âm (2004), 52–53.

  4. Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, ấn bản lần thứ 11 (2003), “stumbling block.”

  5. Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, “stumble.”

  6. Giáo Lý và Giao Ước 93:36.

  7. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1–9; 26:13–18.

  8. Xin xem Frederic W. Farrar, The Life and Work of St. Paul (1898), 319.

  9. Xin xem Farrar, Life and Work of St. Paul, 319–20.

  10. 1 Cô Rinh Tô 2:4–5.

  11. Xin xem George Frideric Handel, Messiah, do T. Tertius Noble (1912) biên tập.

  12. 1 Cô Rinh Tô 15:20–22, 55, 57.

  13. Will Durant, The Story of Civilization, tập 3, Caesar and Christ (1944), 595.

  14. Heber C. Kimball, trong Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball (1945), 446.

  15. Neal A. Maxwell, “Be of Good Cheer,” Ensign, tháng Mười Một năm 1982, 68.

  16. Mô Si A 27:29.

  17. An Ma 40:26.

  18. An Ma 42:1. Trong giáo lý của Thánh Hữu Ngày Sau, có một điều khoản được lập ra cho tất cả nhân loại, kể cả những người không nghe về Đấng Ky Tô trong cuộc sống này, trẻ em chết trước khi đến tuổi chịu trách nhiệm, và những người không có sự hiểu biết (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:46–50; 137:7–10).

  19. An Ma 42:5.

  20. An Ma 42:8.

  21. An Ma 42:24. Ghi chú rằng đại từ chỉ cá nhân của từ công lý (nam) và đại từ chỉ cá nhân của lòng thương xót là (nữ).

  22. Robert Louis Stevenson, trong Carla Carlisle, “A Banquet of Consequences,” Country Life, ngày 6 tháng Bảy năm 2016, 48. Bà Carlisle công nhận lời trích dẫn là của Robert Louis Stevenson. Một số người khác công nhận lời trích dẫn là của những người khác.

  23. An Ma 42:29.

  24. Gia Cốp 4:14.

  25. Trong một bài báo đã viết cho các tạp chí Giáo Hội vào năm 2003, tôi đã nhấn mạnh bốn lãnh vực mà có thể tạo ra sự mù quáng về thần học và sự vấp ngã mà Gia Cốp đã mô tả: thay thế các triết lý của loài người cho các lẽ thật phúc âm, sự cực đoan của phúc âm, cử chỉ anh hùng như là một thay thế cho sự dâng hiến hàng ngày, và nâng cao các quy tắc lên trên giáo lý (xin xem “Looking beyond the Mark,” Liahona, tháng Ba năm 2003, 21–24).

  26. Quentin L. Cook, “Looking beyond the Mark,” Liahona, tháng Ba năm 2003, 22.

  27. Giáo Lý và Giao Ước 10:68.

  28. Giáo Lý và Giao Ước 76:79.

  29. Xin xem 2 Nê Phi 31:17–21.

  30. Xin xem 2 Nê Phi 31:20–21.

  31. Henry Ward Beecher, trong Tryon Edwards, A Dictionary of Thoughts (1891), 586.

  32. Xin xem 2 Nê Phi 31:21; Mô Si A 3:17.