Phục Vụ
Mỗi tín hữu đều được cần đến, và mỗi tín hữu đều cần một cơ hội để phục vụ.
Khi còn bé, tôi rất thích làm việc với Chú Lyman và Thím Dorothy trong nông trại của họ. Chú Lyman thường hướng dẫn các dự án của chúng tôi, và Thím Dorothy thường giúp đỡ và lái chiếc xe tải Dodge cũ kỹ. Tôi còn nhớ đã lo lắng biết bao khi chúng tôi bị sa lầy trong bùn hoặc cố gắng leo lên một ngọn đồi dốc. Chú Lyman thường hét lên: “Dorothy, hãy gài số vào hộp truyền động!” Đó là khi tôi bắt đầu cầu nguyện. Bằng cách nào đó, với sự giúp đỡ của Chúa và sau vài lần sang số, Thím Dorothy đã gài được số vào hộp truyền động. Với tất cả các bánh xe bị khóa lại và xoay tít, chiếc xe tải lao về phía trước và công việc của chúng tôi tiếp tục.
“Gài số vào hộp truyền động” ám chỉ việc sang số đặc biệt trong đó một số bánh răng cưa được bố trí cùng làm việc với nhau nhằm tạo ra nhiều lực xoắn để chuyển động máy.1 Một thiết bị bánh răng cưa, cùng với ổ đĩa bốn bánh, cho phép ta gài số xuống thấp, làm tăng thêm mã lực và chuyển động.
Tôi thích nghĩ về mỗi người chúng ta như là một phần của hộp truyền động với bánh răng cưa khi chúng ta phục vụ chung với nhau trong Giáo Hội—trong các tiểu giáo khu và chi nhánh, trong các nhóm túc số và tổ chức bổ trợ. Giống như các bánh răng cưa kết hợp lại để cung cấp thêm nhiều động lực hơn trong hộp truyền động, chúng ta cũng có nhiều sức mạnh hơn khi cùng tham gia với nhau. Khi đoàn kết phục vụ lẫn nhau, chúng ta thực hiện được nhiều hơn là khi làm một mình. Thật là phấn khởi để được tham gia và đoàn kết trong khi chúng ta phục vụ và hỗ trợ trong công việc của Chúa.
Phục Vụ Là một Phước Lành
Cơ hội để phục vụ là một trong những phước lành lớn lao của các tín hữu trong Giáo Hội.2 Chúa đã phán: “Nếu các ngươi yêu mến ta thì các ngươi hãy phục vụ và tuân giữ tất cả các giáo lệnh của ta,”3 và chúng ta phục vụ Ngài bằng cách phục vụ những người khác.4
Khi phục vụ, chúng ta đến gần Thượng Đế hơn.5 Chúng ta tiến đến việc biết được Ngài bằng cách phục vụ mà nếu không thì chúng ta có thể đã không biết được Ngài. Đức tin của chúng ta nơi Ngài gia tăng. Các vấn đề của chúng ta được đặt vào đúng khía cạnh. Cuộc sống trở nên mãn nguyện hơn. Tình yêu thương của chúng ta dành cho người khác cũng như ước muốn của chúng ta để phục vụ gia tăng. Qua tiến trình đầy ơn phước này, chúng ta trở nên giống như Thượng Đế hơn, và chúng ta được chuẩn bị kỹ hơn để trở về với Ngài.6
Như Chủ Tịch Marion G. Romney đã dạy: “Sự phục vụ không phải là một điều gì đó mà chúng ta chịu đựng trên thế gian này để có thể có được quyền sống trong vương quốc thượng thiên. Sự phục vụ là thiết yếu trong việc đạt được một cuộc sống tôn cao trong vương quốc thượng thiên.”7
Sự Phục Vụ Có Thể Trở Nên Khó Khăn
Tuy nhiên, sư phục vụ trong Giáo Hội có thể trở nên khó khăn nếu chúng ta được yêu cầu làm một việc mà làm chúng ta sợ hãi, nếu chúng ta trở nên mệt mỏi khi phục vụ, hoặc nếu chúng ta được kêu gọi để làm một việc nhưng không thấy hấp dẫn lúc đầu.
Gần đây tôi nhận được một công việc chỉ định mới. Tôi đã phục vụ trong Giáo Vùng Đông Nam Châu Phi. Thật là phấn khởi được phục vụ nơi mà Giáo Hội còn tương đối mới và đang được thành lập, và chúng tôi yêu thương các Thánh Hữu. Sau đó, tôi được kêu gọi trở lại trụ sở Giáo Hội, và thật lòng mà nói, tôi đã ít nhiệt tình hơn. Một sự thay đổi trong công việc chỉ định đã đặt tôi vào hoàn cảnh mới và có phần lạ lẫm.
Một đêm nọ, sau khi suy ngẫm về sự thay đổi sắp tới, tôi nằm mơ thấy ông tổ nội Joseph Skeen của tôi. Tôi biết từ nhật ký của ông rằng khi ông và vợ ông, Maria, dọn đến Nauvoo, ông mong muốn được phục vụ, nên ông đã đi tìm Tiên Tri Joseph Smith và hỏi là ông có thể giúp đỡ như thế nào. Vị Tiên Tri đã gửi ông đi làm việc trong cánh đồng cỏ và bảo ông là hãy làm hết khả năng của ông, và ông đã làm theo. Ông làm việc trong trang trại của gia đình Smith.8
Tôi đã suy ngẫm về đặc ân mà Joseph Skeen đã có khi chấp nhận công việc chỉ định của mình theo cách như vậy. Đột nhiên tôi nhận ra rằng tôi cũng như tất cả chúng ta đều có đặc ân giống như vậy. Tất cả các chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội đều đến từ Thượng Đế—qua các tôi tớ đã được chỉ định của Ngài.9
Tôi cảm thấy Thánh Linh xác nhận rõ ràng với tôi rằng công việc chỉ định mới của tôi đã được soi dẫn. Thật là quan trọng để chúng ta hiểu được điều đó—rằng những sự kêu gọi thật sự đến với chúng ta từ Thượng Đế qua các vị lãnh đạo chức tư tế. Sau kinh nghiệm này, thái độ của tôi đã thay đổi, và tôi được tràn đầy ước muốn mãnh liệt để phục vụ. Tôi biết ơn về phước lành của sự hối cải và về thái độ thay đổi của tôi. Tôi yêu thích công việc chỉ định mới của mình.
Cho dù chúng ta nghĩ rằng chức vụ kêu gọi của mình trong Giáo Hội chỉ là ý nghĩ của vị lãnh đạo chức tư tế của mình hoặc là nó đến với mình vì không ai chịu chấp nhận, thì chúng ta đều sẽ được phước khi phục vụ. Nhưng khi chúng ta nhận ra bàn tay của Thượng Đế trong chức vụ kêu gọi của mình và hết lòng phục vụ thì sẽ có thêm quyền năng đến với sự phục vụ của chúng ta, và chúng ta trở thành các tôi tớ đích thực của Chúa Giê Su Ky Tô.
Sự Phục Vụ Đòi Hỏi Đức Tin
Việc làm tròn chức vụ kêu gọi đòi hỏi phải có đức tin. Ngay sau khi Joseph bắt đầu làm việc trong trang trại, thì ông và Maria bắt đầu bị bệnh rất nặng. Họ không có tiền và đang ở giữa những người xa lạ. Đó là một thời gian khó khăn cho họ. Trong nhật ký của mình, Joseph đã viết: “Chúng tôi tiếp tục làm việc [và] vẫn trung thành trong Giáo Hội với chút ít đức tin của mình, mặc dù quỷ dữ cố gắng hủy diệt chúng tôi và bắt chúng tôi phải quay trở về.”10
Tôi cùng với hàng trăm con cháu khác, sẽ vĩnh viễn biết ơn rằng Joseph và Maria đã không quay trở về. Các phước lành đến khi chúng ta kiên trì trong chức vụ kêu gọi và trách nhiệm của mình và chịu đựng với tất cả đức tin mà mình có.
Tôi biết một giảng viên Giáo Lý Phúc Âm thật tuyệt vời đã soi dẫn các học viên trong khi chị ấy giảng dạy, nhưng điều đó không phải luôn luôn là như vậy. Sau khi gia nhập Giáo Hội, chị ấy đã nhận được một sự kêu gọi để giảng dạy trong Hội Thiếu Nhi. Chị ấy cảm thấy mình không có kỹ năng giảng dạy, nhưng vì biết được tầm quan trọng của sự phục vụ, nên chị đã chấp nhận. Vì cảm thấy vô cùng sợ hãi nên chị ngừng tham dự nhà thờ để chị sẽ không phải giảng dạy. Rất may, người thầy giảng tại gia của chị để ý thấy chị vắng mặt, nên đã đến thăm chị và mời chị trở lại. Vị giám trợ và các tín hữu tiểu giáo khu phụ giúp chị. Cuối cùng, với đức tin gia tăng, chị bắt đầu giảng dạy các trẻ em. Khi chị áp dụng các nguyên tắc hiện đang được dạy trong sách Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, Chúa đã ban phước cho các nỗ lực của chị và chị đã trở thành một giảng viên giỏi.11
Con người thiên nhiên trong tất cả chúng ta thường cho phép mình tự bào chữa cho mình để khỏi phục vụ vì các lý do như “Tôi chưa sẵn sàng để phục vụ; Tôi phải học thêm nhiều,” “Tôi quá mệt mỏi và cần nghỉ ngơi,” “Tôi quá già rồi—đến lượt của người khác vậy,” hoặc “Đơn giản là tôi quá bận rộn.”
Thưa anh chị em, việc chấp nhận và làm tròn một chức vụ kêu gọi là một hành động với đức tin. Chúng ta có thể tin cậy vào điều mà vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, nhiều lần đã dạy: “Hễ Chúa kêu gọi thì Ngài sẽ làm cho người được kêu gọi có đủ khả năng để phục vụ” và “Khi làm công việc của Chúa, thì chúng ta có quyền được hưởng sự giúp đỡ của Chúa.”12 Cho dù chúng ta quá căng thẳng hoặc không cảm thấy nhiệt tình, cho dù chúng ta đang sợ muốn chết hoặc chán muốn chết, thì Chúa cũng muốn chúng ta gài số xuống thấp, tăng thêm mã lực và phục vụ.
Tôi thấy không có dấu hiệu nào về việc Chủ Tịch Monson và các cộng sự của ông trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai là quá bận rộn hoặc quá mệt mỏi. Họ thể hiện trong một cách đầy soi dẫn quyền năng mà đến với cuộc sống của chúng ta khi chúng ta thực hành đức tin, chấp nhận công việc chỉ định, và làm tròn với lòng cam kết và tận tụy. Họ đã “ghé [vai] vào nâng bánh xe”13 nhiều năm trước và họ tiếp tục đẩy về phía trước, hướng lên phía trước.
Vâng, họ phục vụ trong những chức vụ kêu gọi quan trọng, nhưng mỗi chức vụ kêu gọi hoặc công việc chỉ định đều là quan trọng. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, một vị tiên tri và Chủ Tịch tiền nhiệm của Giáo Hội, đã nói: “Chúng ta đều cùng nhau ở trong nỗ lực vĩ đại này. … Bổn phận của các anh chị em cũng nặng nề trong phạm vi trách nhiệm của các anh chị em cũng như bổn phận của tôi trong phạm vi trách nhiệm của tôi. Không có chức vụ kêu gọi nào trong giáo hội này là không quan trọng hoặc vô nghĩa.”14 Mỗi chức vụ kêu gọi đều quan trọng.15
Chúng Ta Hãy Cùng Phục Vụ
Chúng ta hãy đứng lên trong đức tin, “ghé [vai mình] vào nâng bánh xe,” và xúc tiến “công việc xứng đáng này.”16 Hãy cùng “gài số vào hộp truyền động,” với Thím Dorothy trung tín. Là anh chị em với nhau, chúng ta hãy cùng phục vụ.
Nếu anh chị em muốn làm cho vị giám trợ hay chủ tịch chi nhánh của mình vui, thì hãy hỏi ông những câu hỏi “Tôi có thể giúp đỡ như thế nào?” “Chúa muốn tôi phục vụ ở đâu?” Khi cầu nguyện và suy nghĩ về các trách nhiệm cá nhân, gia đình và công việc làm của anh chị em, thì ông sẽ được soi dẫn để đưa ra một chức vụ kêu gọi thích hợp. Khi được phong nhiệm, anh chị em sẽ nhận được một phước lành chức tư tế để giúp anh chị em thành công. Anh chị em sẽ được phước! Mỗi tín hữu đều được cần đến, và mỗi tín hữu đều cần một cơ hội để phục vụ.17
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Gương Mẫu của Chúng Ta
Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Gương Mẫu vĩ đại của chúng ta, đã hy sinh mạng sống của Ngài cho công việc của Cha Ngài. Trong Đại Hội trước khi có thế gian này, Chúa Giê Su, Đấng được chọn và xức dầu từ lúc ban đầu, đã tình nguyện, “Tôi đây, xin phái tôi đi.”18 Khi làm như vậy, Ngài đúng là đã trở thành tôi tớ của tất cả chúng ta. Nhờ Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng chúng ta nhận được qua Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta cũng có thể phục vụ. Ngài sẽ giúp chúng ta.19
Tôi xin đưa ra tình yêu thương chân thành của mình với những anh chị em nào hiện không thể phục vụ trong Giáo Hội theo cách truyền thống vì những hoàn cảnh cá nhân, nhưng là những người sống cuộc sống của mình trong một tinh thần phục vụ. Tôi cầu nguyện rằng anh chị em sẽ được phước trong những nỗ lực của mình. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ, mỗi tuần, cũng như những người sẽ sớm chấp nhận những chức vụ kêu gọi để phục vụ. Mọi đóng góp và hy sinh đều được quý trọng, nhất là bởi Ngài là Đấng mà chúng ta phục vụ. Tất cả những người phục vụ đều sẽ nhận được ân điển của Thượng Đế.20
Bất kể tuổi tác hay hoàn cảnh của chúng ta ra sao đi nữa, hãy để cho sự phục vụ trở thành “châm ngôn” của chúng ta.21 Hãy phục vụ trong chức vụ kêu gọi của anh chị em. Hãy phục vụ truyền giáo. Hãy phục vụ mẹ của anh chị em. Hãy phục vụ một người lạ. Hãy phục vụ người hàng xóm của anh chị em. Chỉ phục vụ mà thôi.
Cầu xin Chúa ban phước cho mỗi người chúng ta trong các nỗ lực của mình để phục vụ và trở thành tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.22 Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống và hướng dẫn công việc này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.