Sự Hối Cải: Một Sự Chọn Lựa Đáng Mừng
Sự hối cải không những có thể đạt được mà còn là niềm vui nhờ vào Đấng Cứu Rỗi.
Anh chị em thân mến, khi tôi 12 tuổi, gia đình tôi sống ở Göteborg, một thành phố ven biển ở miền nam Thụy Điển. Cũng xin nhắc rằng đây là quê hương của người cộng sự thân mến của chúng tôi, Anh Cả Per G. Malm,1 anh đã qua đời vào mùa hè vừa qua. Chúng ta nhớ anh ấy. Chúng ta rất biết ơn về sự cao quý và sự phục vụ cao cả của anh ấy và về tấm gương của gia đình vô cùng đáng yêu của anh ấy. Và chúng ta chắc chắn cầu xin các phước lành dồi dào nhất của Thượng Đế ở cùng gia đình anh.
Cách đây năm mươi năm, chúng tôi tham dự nhà thờ trong một căn nhà to lớn được tu sửa lại. Một ngày Chủ Nhật nọ, bạn của tôi là Steffan,2 một thầy trợ tế duy nhất khác trong chi nhánh, đón tôi ở nhà thờ đầy phấn khởi. Chúng tôi đi đến khu vực chỗ ngồi phụ kế bên của giáo đường, và bạn ấy lôi ra từ túi của mình một cây pháo lớn và một vài que diêm. Trong một hành động ra vẻ can đảm của tuổi trẻ, tôi cầm lấy cây pháo và châm vào cái ngòi dài màu xám. Tôi định sẽ dập tắt cái ngòi pháo đó trước khi nó nổ tung. Nhưng khi tôi làm phỏng mấy ngón tay của mình lúc đang cố gắng để dập tắt cái ngòi, thì tôi làm rơi cây pháo xuống. Steffan và tôi sợ hãi nhìn trong khi cái ngòi pháo tiếp tục cháy.
Cây pháo phát nổ, và khói tràn ngập khu vực chỗ ngồi phụ và giáo đường. Chúng tôi vội vã dọn dẹp những tàn tích rải rác của cây pháo và mở các cửa sổ để cố gắng làm cho mùi pháo thoát ra, và ngây thơ hy vọng rằng sẽ không có ai nhận thấy cả. May mắn thay, không có ai bị thương và không có thiệt hại nào cả.
Khi các tín hữu đến dự lễ, họ đã ngửi thấy cái mùi thật nồng nặc đó. Thật khó để mà không ngửi được. Cái mùi đó đã làm sao lãng tính chất thiêng liêng của buổi lễ. Vì chỉ có rất ít những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn—và giữa những ý nghĩ mà chỉ có thể được mô tả như là suy nghĩ rời rạc, tôi đã chuyền Tiệc Thánh, nhưng tôi không cảm thấy xứng đáng để dự phần Tiệc Thánh. Khi khay bánh và nước được đưa cho tôi, tôi đã không dự phần bánh lẫn nước. Tôi cảm thấy thật khó chịu. Tôi cảm thấy ngượng ngùng, và tôi biết rằng điều tôi làm đã không làm hài lòng Thượng Đế.
Sau lễ nhà thờ, chủ tịch chi nhánh, Frank Lindberg, một người đàn ông lớn tuổi đáng kính với mái tóc màu xám bạc, đã yêu cầu tôi đến văn phòng của ông. Sau khi tôi ngồi xuống, ông hiền từ nhìn tôi và nói là ông đã thấy rằng tôi đã không dự phần Tiệc Thánh. Ông hỏi tại sao. Tôi nghĩ là ông đã biết tại sao. Tôi chắc chắn là mọi người đều biết điều tôi đã làm. Sau khi tôi kể cho ông nghe, ông hỏi là tôi cảm thấy như thế nào. Qua màn nước mắt, tôi ngập ngừng nói với ông là tôi rất ân hận và tôi biết rằng tôi đã làm buồn lòng Thượng Đế.
Chủ Tịch Lindbergh giở ra quyển Giáo Lý và Giao Ước sờn cũ và yêu cầu tôi đọc một số câu có gạch dưới. Tôi đã đọc to câu sau đây:
“Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.
“Qua cách thức này, các ngươi có thể biết được một người có hối cải tội lỗi của mình không—này, kẻ đó sẽ thú tội và từ bỏ những tội lỗi đó.”3
Tôi sẽ không bao giờ quên nụ cười trắc ẩn của Chủ Tịch Lindberg khi tôi nhìn lên sau khi đã đọc xong. Ông ta cảm động nói với tôi rằng ông thấy ổn đối với việc tôi tiếp tục dự phần Tiệc Thánh. Khi rời văn phòng của ông, tôi cảm thấy một niềm vui không thể tả xiết.
Niềm vui như thế là một trong những kết quả tự nhiên của sự hối cải. Từ hối cải có nghĩa là “cảm nhận sau đó” và ngụ ý là “thay đổi.”4 Trong tiếng Thụy Điển, từ omvänd, chỉ có nghĩa là “quay lại.”5 Nhà văn Ky Tô hữu, C. S. Lewis, đã viết về sự cần thiết và phương pháp để thay đổi. Ông nói rằng sự hối cải gồm có việc “được đặt trở lại trên con đường đúng. Một tổng số sai có thể được sửa lại đúng: nhưng chỉ bằng cách trở lại xem cho đến khi ta tìm ra lỗi và làm lại từ điểm đó, chứ không bao giờ chỉ bằng cách tiếp tục.”6 Việc thay đổi hành vi của chúng ta và trở về “con đường đúng” là một phần của sự hối cải, nhưng chỉ là một phần mà thôi. Sự hối cải thật sự cũng gồm có việc xoay lại lòng và ý muốn của chúng ta theo Thượng Đế và từ bỏ tội lỗi.7 Như đã được giải thích trong Ê Xê Chi Ên, hối cải là “xây bỏ tội lỗi mình, theo luật pháp và hiệp với lẽ thật; … đền bồi vật đã cướp lấy, [và] bước theo lệ luật của sự sống, và không phạm sự gian ác nữa.”8
Tuy nhiên, đây vẫn là một phần mô tả không đầy đủ. Nó không xác định đúng quyền năng mà làm cho sự hối cải có thể có được, sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi. Sự hối cải thật sự phải gồm có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, đức tin là Ngài có thể thay đổi chúng ta, đức tin là Ngài có thể tha thứ cho chúng ta, và đức tin là Ngài sẽ giúp chúng ta tránh làm nhiều lỗi lầm. Loại đức tin này làm cho Sự Chuộc Tội của Ngài có hiệu quả trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta “cảm nhận sau đó” và “xoay lại” với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta có thể cảm thấy hy vọng nơi những lời hứa của Ngài và niềm vui của sự tha thứ. Nếu không có Đấng Cứu Chuộc, thì niềm hy vọng và nỗi vui mừng vốn có sẽ tan biến, và sự hối cải sẽ trở thành sự thay đổi hành vi khốn khổ mà thôi. Nhưng bằng cách thực hành đức tin nơi Ngài, chúng ta trở nên được cải đạo theo khả năng và sự sẵn sàng tha thứ của Ngài.
Chủ Tịch Boyd K. Packer đã khẳng định những lời hứa đầy hy vọng về sự hối cải trong tháng 4 năm 2015 tại đại hội trung ương cuối cùng của ông. Ông mô tả quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi để chữa lành trong điều mà tôi cho là phần rút gọn về sự thông sáng đã đạt được trong nửa thế kỷ của sự phục vụ của sứ đồ. Chủ Tịch Packer nói: “Sự Chuộc Tội không để lại dấu vết. Điều gì đã sửa rồi thì là cố định. … Sự Chuộc Tội chỉ chữa lành, và điều gì đã được chữa lành thì đã lành lặn.”9
Ông nói tiếp:
“Sự Chuộc Tội, mà có thể cứu chuộc mỗi người chúng ta, không lưu lại dấu vết tội lỗi nào. Điều đó có nghĩa là cho dù chúng ta có làm điều gì đi nữa hoặc chúng ta đang ở đâu hay một điều gì đó đã xảy ra, mà nếu chúng ta thực sự hối cải, thì Ngài đã hứa rằng Ngài sẽ chuộc tội. Và khi Ngài chuộc tội thì tội lỗi đã được giải quyết rồi. …
“… Sự Chuộc Tội … có thể rửa sạch mọi vết nhơ cho dù có khó khăn đến đâu, bao lâu hoặc bao nhiêu lần lặp đi lặp lại.”10
Tầm với của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là vô hạn về bề rộng và chiều sâu, đối với anh chị em và đối với tôi. Nhưng Sự Chuộc Tôi sẽ không bao giờ được áp đặt lên chúng ta. Như tiên tri Lê Hi đã giải thích, sau khi chúng ta được “dạy dỗ đầy đủ” để “biết phân biệt được thiện và ác,”11 thì chúng ta “được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người; hay là họ muốn lựa chọn cảnh tù đày và sự chết.”12 Nói cách khác, sự hối cải là một sự lựa chọn.
Chúng ta có thể—và đôi khi còn được—có những lựa chọn khác nhau. Những lựa chọn như vậy về bản chất có thể không có vẻ như là sai, nhưng chúng ngăn cản chúng ta trở nên thực sự ăn năn và do đó ngăn cản chúng ta theo đuổi sự hối cải thật sự. Ví dụ, chúng ta có thể chọn đổ lỗi cho những người khác. Khi còn là một thiếu niên 12 tuổi ở Göteborg, tôi đã có thể đổ lỗi cho Steffan. Trước hết, bạn ấy là người đã mang cây pháo lớn và các que diêm đến nhà thờ. Nhưng việc đổ lỗi cho người khác, cho dù nếu có hợp lý đi nữa, cho phép chúng ta bào chữa hành vi của mình. Bằng cách làm như vậy, chúng ta đổ trách nhiệm về hành động của mình cho người khác. Khi trách nhiệm bị đổ như vậy thì chúng ta giảm bớt nhu cầu và khả năng của chúng ta để hành động. Chúng ta biến mình thành nạn nhân kém may mắn, thay vì là người có khả năng hành động độc lập.13
Một sự lựa chọn khác mà cản trở sự hối cải là hợp lý hóa những lỗi lầm của chúng ta để chúng có vẻ như ít nghiêm trọng. Trong sự kiện cây pháo phát nổ ở Göteborg, không có ai bị thương, không có thiệt hại lâu dài xảy ra, và buổi lễ vẫn được tiến hành. Có lẽ sẽ dễ dàng để nói rằng không có lý do để hối cải. Nhưng, việc hợp lý hóa những lỗi lầm của chúng ta, cho dù rõ ràng là không có hậu quả trước mắt, cũng loại bỏ động lực để thay đổi. Lối suy nghĩ này ngăn cản chúng ta hiểu rằng những lỗi lầm và tội lỗi của chúng ta đều có hậu quả vĩnh cửu.
Nhưng một cách khác là để nghĩ rằng tội lỗi của chúng ta không quan trọng vì Thượng Đế yêu thương chúng ta bất kể chúng ta làm điều gì. Thật là cám dỗ để tin vào điều mà Nê Hô xảo trá đã dạy cho dân Gia Ra Hem La: “Tất cả nhân loại sẽ được cứu vào ngày sau cùng, và họ không cần phải kinh hãi hay run sợ gì cả, … và cuối cùng là tất cả mọi người sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.”14 Nhưng ý nghĩ cám dỗ này là sai. Thượng Đế thật sự yêu thương chúng ta. Tuy nhiên, điều gì chúng ta làm cũng quan trọng đối với Ngài và đối với chúng ta. Ngài đã đưa ra những chỉ thị rõ ràng về cách chúng ta nên xử sự. Chúng ta gọi đó là những giáo lệnh. Sự chấp nhận của Ngài và cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc vào hành vi của chúng ta, kể cả sự sẵn lòng của chúng ta để khiêm nhường tìm kiếm sự hối cải thật sự.15
Ngoài ra, chúng ta không đạt được sự hối cải thực sự khi chọn tách rời Thượng Đế khỏi những giáo lệnh của Ngài. Xét cho cùng, nếu Tiệc Thánh không phải là thiêng liêng, thì cái mùi thuốc pháo đã gây gián đoạn cho buổi lễ Tiệc Thánh ở Göteborg cũng chẳng hề gì. Chúng ta cần phải thận trọng không coi nhẹ hành vi tội lỗi bằng cách phá hoại hoặc bác bỏ tư cách của Thượng Đế là tác giả của các giáo lệnh của Ngài. Sự hối cải thực sự đòi hỏi việc công nhận thiên tính của Đấng Cứu Rỗi và lẽ trung thực của công việc ngày sau của Ngài.
Thay vì bào chữa, chúng ta hãy chọn hối cải. Qua sự hối cải, chúng ta có thể tỉnh ngộ, giống như đứa con hoang phí trong truyện ngụ ngôn,16 và suy ngẫm về tầm quan trọng vĩnh cửu của các hành động của chúng ta. Khi hiểu rằng tội lỗi của mình có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta như thế nào, thì chúng ta không những trở nên thực sự ăn năn mà còn cố gắng để trở nên tốt hơn. Khi đương đầu với cám dỗ, chúng ta có nhiều khả năng để tự hỏi mình, theo như lời của William Shakespeare:
Tôi được lợi ích gì nếu tôi đạt được điều tôi đang tìm kiếm?
Một giấc mơ, một hơi thở, một niềm vui thoáng qua.
Ai chịu đổi một khoảng khắc vui chơi cho một tuần đau khổ,
Hoặc từ bỏ một điều có ý nghĩa vĩnh cửu vì một niềm vui tạm bợ?17
Nếu đã đánh mất thời vĩnh cửu vì một món đồ chơi, thì chúng ta có thể chọn để hối cải. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta có một cơ hội khác. Nói một cách ẩn dụ, chúng ta có thể trao đổi món đồ chơi mà chúng ta đã dại dột mua trước đó và nhận được lại niềm hy vọng về thời vĩnh cửu. Như Đấng Cứu Rỗi giải thích: “Vì này, Chúa, Đấng Cứu Chuộc của các ngươi, đã chịu chết trong xác thịt; do đó Ngài đã chịu sự đau đớn của tất cả mọi người, để cho tất cả mọi người có thể hối cải mà đến cùng Ngài.”18
Chúa Giê Su Ky Tô có thể tha thứ vì Ngài đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta.19
Đấng Cứu Chuộc của chúng ta chọn để tha thứ vì lòng trắc ẩn, thương xót và tình yêu thương vô song của Ngài.
Đấng Cứu Chuộc của chúng ta muốn tha thứ bởi vì đây là một trong số các thuộc tính thiêng liêng của Ngài.
Và như Ngài là Đấng Chăn Hiền Lành, Ngài sẽ vui mừng khi chúng ta chọn hối cải.20
Ngay cả khi chúng ta cảm thấy buồn rầu theo ý Chúa về những hành động của mình,21 khi chúng ta chọn để hối cải, thì tức thời chúng ta mời Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của mình. Như A Mu Léc đã dạy: “Các người hãy tiến đến và đừng chai đá trong lòng nữa; vì này, giờ đây là lúc và là ngày cứu rỗi của các người; vậy nên, nếu các người hối cải và không chai đá trong lòng, thì tức thời kế hoạch cứu chuộc vĩ đại sẽ được mang lại cho các người.”22 Chúng ta có thể cảm thấy buồn rầu theo ý Chúa về những hành động của mình nhưng đồng thời cũng cảm nhận được niềm vui của việc có được sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi.
Việc chúng ta có thể hối cải là tin lành của phúc âm!23 Tội lỗi có thể bị loại bỏ.24 Chúng ta có thể được tràn đầy niềm vui, nhận được sự xá miễn tội lỗi, và có được lương tâm thanh thản.25 Chúng ta có thể được giải thoát khỏi những cảm nghĩ tuyệt vọng và vòng nô lệ của tội lỗi. Chúng ta có thể được tràn đầy ánh sáng kỳ diệu của Thượng Đế và “không còn đau khổ nữa.”26 Sự hối cải không những có thể đạt được mà còn là niềm vui nhờ vào Đấng Cứu Rỗi. Tôi vẫn còn nhớ những cảm nghĩ của mình trong văn phòng của chủ tịch chi nhánh sau chuyện về cây pháo. Tôi biết mình đã được tha thứ. Những cảm nghĩ tội lỗi của tôi biến mất, tâm trạng ảm đạm của tôi được cất bỏ, và lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng.
Thưa anh chị em, khi chúng ta kết thúc đại hội này, tôi xin mời anh chị em cảm nhận được thêm niềm vui trong cuộc sống của anh chị em: niềm vui vì biết rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là có thật; niềm vui vì khả năng, sự sẵn lòng, và ước muốn của Đấng Cứu Rỗi để tha thứ; và niềm vui vì chọn để hối cải. Chúng ta hãy tuân theo lời chỉ dạy phải “vui vẻ mà múc nước nơi các nguồn sự cứu.”27 Cầu xin cho chúng ta chọn hối cải, từ bỏ tội lỗi của mình, và hướng lòng và ý muốn của mình vào việc noi theo Đấng Cứu Rỗi. Tôi làm chứng về sự thực tế hằng sống của Ngài. Tôi là một nhân chứng và người lãnh nhận được lặp lại về lòng trắc ẩn, lòng thương xót, và tình yêu thương vô song của Ngài. Tôi cầu nguyện rằng các phước lành cứu chuộc của Sự Chuộc Tội của Ngài thuộc về anh chị em bây giờ—và mãi mãi trong suốt cuộc sống của anh chị em,28 cũng như các phước lành đã thuộc về tôi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.