“Ví Bằng Các Ngươi Biết Ta”
Chúng ta chỉ biết về Đấng Cứu Rỗi, hoặc chúng ta có càng ngày càng tiến đến việc biết Ngài không? Làm thế nào để chúng ta tiến đến việc biết Chúa?
Vào lúc Đấng Cứu Rỗi kết thúc Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã nhấn mạnh đến lẽ thật vĩnh cửu rằng “chỉ bằng cách làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha mà một người mới có thể nhận được ân điển cứu rỗi của Vị Nam Tử.”1
Ngài phán:
“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.
“Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?
“Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!”2
Chúng ta hiểu biết rõ hơn về lời giảng dạy này khi chúng ta suy ngẫm về một phần sửa lại đầy soi dẫn của bản văn đó. Thật là điều đầy ý nghĩa khi lời phán của Chúa được ghi lại trong Bản Dịch King James của Kinh Thánh: “Ta chẳng biết các ngươi bao giờ,” đã được thay đổi trong Bản Dịch Joseph Smith là “Các ngươi chẳng biết ta bao giờ.”3
Cũng hãy suy ngẫm truyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh. Hãy nhớ rằng có năm nàng dại và thiếu chuẩn bị đã đi lấy dầu cho đèn của họ sau khi nghe tiếng kêu phải đi gặp chàng rể.
“Song trong khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến; kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.
“Chặp lâu, [năm người nữ đồng trinh dại]… cũng đến và xin rằng: Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi!
“Nhưng người đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không biết các ngươi đâu.”4
Ý nghĩa của truyện ngụ ngôn này đối với mỗi người chúng ta được mở rộng bằng một phần sửa đổi đầy soi dẫn khác. Quan trọng hơn nữa, lời phán “Ta không biết các ngươi” như được ghi lại trong Bản Dịch King James của Kinh Thánh đã được làm cho rõ ràng trong Bản Dịch Joseph Smith thành “Các ngươi đâu biết ta.”5
Hai lời phán “Các ngươi chẳng biết ta bao giờ” và “Các ngươi đâu biết ta” cần phải là một nguyên nhân của việc tự xem xét kỹ lưỡng về phần thuộc linh đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ biết về Đấng Cứu Rỗi, hoặc chúng ta có càng ngày càng tiến đến việc biết Ngài không? Làm thế nào để chúng ta tiến đến việc biết Chúa? Những câu hỏi này của tâm hồn là trọng tâm của sứ điệp của tôi. Tôi chân thành mời Đức Thánh Linh giúp đỡ trong khi chúng ta cùng nhau xem xét lại đề tài quan trọng này.
Tiến Đến Việc Biết
Chúa Giê Su phán:
“Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.
“Ví bằng các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta.”6
Chúng ta tiến đến việc biết Đức Chúa Cha khi chúng ta tiến đến việc biết Con Trai Yêu Dấu của Ngài.
Một mục tiêu quan trọng của cuộc sống trần thế không phải chỉ là học hỏi về Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha mà còn cố gắng để biết Ngài nữa. Bốn bước cần thiết mà có thể giúp chúng ta tiến đến việc biết Chúa là thực hành đức tin nơi Ngài, đi theo Ngài, phục vụ Ngài, và tin Ngài.
Thực Hành Đức Tin nơi Ngài
Việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô gồm có trông cậy vào các công lao, lòng thương xót, và ân điển của Ngài.7 Chúng ta bắt đầu nhận biết Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta khơi dậy khả năng thiêng liêng của mình và thử nghiệm theo lời dạy của Ngài, ngay cả cho đến khi chúng ta có thể chừa một chỗ trong tâm hồn của mình cho một phần lời nói của Ngài.8 Khi đức tin của mình nơi Chúa gia tăng, chúng ta tin cậy Ngài và tin tưởng vào quyền năng của Ngài để cứu chuộc, chữa lành, và củng cố chúng ta.
Đức tin chân thật được tập trung vào Chúa và dựa vào Ngài và luôn luôn dẫn đến hành động ngay chính. “Đức tin nơi Đấng Ky Tô [là] nguyên tắc đầu tiên trong tôn giáo được mặc khải, … nền tảng của mọi sự ngay chính … và nguyên tắc hành động nơi tất cả những người thông minh.”9 Vì việc hành động theo các nguyên tắc đúng mà Đấng Cứu Chuộc đã rao giảng là chính yếu để tiếp nhận và thực hành đức tin chân thật, “đức tin không có việc làm là vô ích.”10 Chúng ta phải “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ.”11
Việc lắng nghe lời của Thượng Đế và việc nhận được ân tứ thuộc linh chính là đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi đều có liên quan chặt chẽ với nhau, vì “đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Ky Tô được rao giảng.”12 Chúng ta trở nên quen thuộc với Ngài và tiếng nói của Ngài khi chúng ta nghiên cứu và nuôi dưỡng lời nói của Ngài trong thánh thư,13 cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong tôn danh của Ngài với chủ ý thực sự,14 và tìm kiếm sự đồng hành thường xuyên của Đức Thánh Linh.15 Việc chúng ta học tập và áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô trong cuộc sống là một điều kiện tiên quyết để nhận được ân tứ về đức tin nơi Ngài.16
Việc thực hành đức tin nơi Chúa là một sự chuẩn bị cần thiết để đi theo Ngài.
Đi theo Ngài
“Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga Li Lê, thấy hai anh em kia, là Si Môn, cũng gọi là Phi E Rơ, với em là Anh Rê, đang thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá.
“Ngài phán cùng hai người rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.
“Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài.”17
Phi E Rơ và Anh Rê là hai tấm gương mạnh mẽ về việc nghe và đi theo Đức Thầy.
Đấng Cứu Rỗi cũng chỉ dạy cho các anh chị em và tôi: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.”18 Vác thập tự giá của mình tức là tự từ bỏ tất cả sự không tin kính và mọi ham muốn trần tục và tuân giữ các giáo lệnh của Chúa.19
Đấng Cứu Rỗi đã khuyên nhủ chúng ta hãy trở nên giống như Ngài.20 Như vậy, việc đi theo Chúa gồm có noi theo gương Ngài. Chúng ta tiếp tục tiến đến việc biết Chúa khi chúng ta tìm cách trở nên giống như Ngài qua quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài.
Trong giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su chỉ cho chúng ta con đường chúng ta phải đi, dẫn đường, và nêu tấm gương hoàn hảo. “Một ý nghĩ đúng đắn về cá tính, sự hoàn hảo, và thuộc tính của Ngài”21 mang đến mục đích lâu dài và hướng đi rõ ràng khi chúng ta đi theo Ngài trên con đường của người môn đồ tận tụy.
Việc đi theo Đấng Cứu Rỗi cũng cho phép chúng ta nhận được “một sự hiểu biết thực sự rằng cách sống của chúng ta là phù hợp với ý muốn của Thượng Đế.”22 Sự hiểu biết như vậy không phải là một điều bí ẩn không thể biết được và không tập trung chính yếu vào những theo đuổi vật chất của chúng ta hoặc các mối quan tâm bình thường của người trần thế. Thay vì thế, sự tiến triển vững vàng và kiên định dọc theo con đường giao ước là cuộc sống làm đẹp lòng Ngài.
Giấc mơ của Lê Hi trong Sách Mặc Môn xác định con đường mà chúng ta nên đi theo, những thử thách chúng ta sẽ gặp phải, và các nguồn thuộc linh có sẵn để phụ giúp chúng ta trong việc đi theo và đến cùng Đấng Cứu Rỗi. Việc cố gắng tiến bước trên con đường chật và hẹp là điều mà Ngài muốn chúng ta làm. Việc nếm trái của cây đó và trở nên hết lòng “cải đạo theo Chúa”23 là các phước lành mà Ngài mong muốn cho chúng ta nhận được. Do đó, Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy đến mà theo ta.”24
Việc thực hành đức tin lẫn đi theo Chúa Giê Su Ky Tô là những sự chuẩn bị cần thiết để phục vụ Ngài.
Phục Vụ Ngài
“Vì làm sao một người có thể nhận biết được chủ mà mình chưa bao giờ phục vụ, và là một người xa lạ đối với mình, xa lạ cả trong ý tưởng lẫn ý muốn trong tâm hồn mình?”25
Chúng ta tiến đến việc biết Chúa một cách trọn vẹn khi phục vụ Ngài và lao nhọc trong vương quốc của Ngài. Khi làm như vậy, Ngài sẽ ban phước rộng rãi cho chúng ta với sự giúp đỡ thiêng liêng, các ân tứ thuộc linh, và thêm nhiều khả năng. Chúng ta không bao giờ bị bỏ mặc một mình khi tham gia vào công việc của Ngài.
Ngài phán: “Vì ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng đỡ các ngươi.”26
Chúng ta tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta cố gắng hết sức mình để đi nơi Ngài muốn chúng ta đi, khi chúng ta cố gắng nói điều Ngài muốn chúng ta nói, và khi chúng ta trở thành con người mà Ngài muốn chúng ta trở thành.27 Khi chúng ta phục tùng để thừa nhận mình lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài, thì Ngài sẽ gia tăng khả năng của chúng ta để phục vụ hữu hiệu hơn bao giờ hết. Dần dần, những ước muốn của chúng ta trở nên hoàn toàn phù hợp với những ước muốn của Ngài, và các mục đích của Ngài trở thành các mục đích của chúng ta, đến mức chúng ta sẽ “không đòi hỏi những gì trái ý muốn của [Ngài].”28
Việc phục vụ Ngài đòi hỏi tất cả tâm hồn, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của chúng ta.29 Do đó, việc phục vụ người khác một cách vị tha khắc phục những khuynh hướng tự cho mình là trung tâm và ích kỷ của con người thiên nhiên. Chúng ta dần dần bắt đầu yêu thương những người mình phục vụ. Và vì phục vụ người khác tức là phục vụ Thượng Đế, nên chúng ta dần dần bắt đầu yêu mến Chúa và anh chị em của mình sâu đậm hơn. Tình yêu thương như vậy là một sự biểu hiện của ân tứ thuộc linh về lòng bác ái, chính là tình yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.30
“Các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô; ngõ hầu các người có thể trở thành con cái của Thượng Đế; để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy; ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy.”31
Chúng ta tiến đến việc biết Chúa khi lòng chúng ta được tràn đầy tình yêu thương của Ngài.
Tin Ngài
Có thể nào thực hành đức tin nơi Ngài, đi theo Ngài, phục vụ Ngài, mà lại không tin Ngài không?
Tôi có quen biết với các tín hữu Giáo Hội là những người chấp nhận giáo lý và các nguyên tắc trong thánh thư và được rao giảng từ bục giảng này là chân chính. Tuy nhiên, họ lại khó có thể tin rằng các lẽ thật phúc âm đó áp dụng riêng cho cuộc sống và hoàn cảnh của họ. Họ dường như có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, nhưng lại không tin rằng các phước lành đã được hứa của Ngài là có sẵn cho họ hoặc có thể có tác dụng trong cuộc sống của họ. Tôi cũng gặp các anh chị em là những người làm tròn chức vụ kêu gọi của họ một cách nghiêm túc nhưng đối với họ thì phúc âm phục hồi vẫn chưa trở thành một sự thực sôi nổi và biến đổi trong cuộc sống của họ. Chúng ta tiến đến việc biết Chúa khi chúng ta không những tin vào Ngài mà còn tin Ngài và những lời hứa của Ngài.
Trong Kinh Tân Ước, một người cha xin Đấng Cứu Rỗi chữa lành cho đứa con của mình. Chúa Giê Su đáp:
“Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.
“Tức thì cha đứa trẻ la lên rằng: Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!”32
Tôi đã nhiều lần suy ngẫm về lời cầu xin của người cha này: “Xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!” Tôi tự hỏi liệu ý định của lời van nài của người đàn ông đó có phải chủ yếu là để giúp người ấy tin nơi Chúa Giê Su là Đấng Cứu Chuộc và nơi quyền năng chữa lành của Ngài không. Người ấy có lẽ đã thừa nhận Đấng Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Nhưng có lẽ người ấy cần giúp đỡ để tin rằng quyền năng chữa lành của Đức Thầy quả thực có thể là rất riêng tư và cá nhân đến mức có thể ban phước cho con trai yêu quý của người ấy. Nói chung, người ấy có thể đã tin nơi Đấng Ky Tô nhưng bản thân người ấy không tin Đấng Ky Tô một cách cụ thể.
Chúng ta thường làm chứng về điều chúng ta biết là có thật, nhưng có lẽ câu hỏi thích hợp hơn cho mỗi người chúng ta là liệu chúng ta có tin điều mình biết không.
Các giáo lễ thiêng liêng được thẩm quyền chức tư tế thích hợp thực hiện là rất cần thiết để tin Đấng Cứu Rỗi, tiến đến việc biết Ngài, và cuối cùng, tin vào điều chúng ta biết.
“Và chức tư tế [Mên Chi Xê Đéc] điều hành phúc âm và nắm giữ chìa khóa về những điều kín nhiệm của vương quốc, tức là chìa khóa của sự hiểu biết về Thượng Đế.
“Vậy nên, trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.”33
Chúng ta tin và tiến đến việc biết Chúa khi chìa khóa của sự hiểu biết về Thượng Đế được điều hành qua Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc mở rộng cánh cửa và làm cho mỗi người chúng ta có thể nhận được quyền năng của sự tin kính trong cuộc sống của mình. Chúng ta tin và tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta đi theo Ngài bằng cách tiếp nhận và trung thành tuân giữ các giáo lệnh thiêng liêng và càng ngày càng cho thấy các thuộc tính thiêng liêng của Thượng Đế nơi chúng ta.34 Chúng ta tin và tiến đến việc biết Đấng Ky Tô khi bản thân chúng ta cảm nhận được quyền năng biến đổi, chữa lành, củng cố, và thánh hóa của Sự Chuộc Tội của Ngài. Chúng ta tin và tiến đến việc biết Đức Thầy khi “quyền năng của lời Ngài [bén rễ] ở trong chúng ta”35, và được ghi sâu vào trong tâm trí chúng ta36 và khi chúng ta “từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của [mình] để chỉ biết có Ngài.”37
Tin Ngài tức là tin cậy rằng các phước lành dồi dào của Ngài có sẵn và có thể áp dụng trong cuộc sống cá nhân và gia đình của chúng ta. Việc tin Ngài với tất cả tâm hồn mình38 đến khi chúng ta tiến bước dọc trên con đường giao ước, từ bỏ ý muốn của mình để theo ý Ngài, và tuân phục các ưu tiên và kỳ định của Ngài dành cho chúng ta. Việc tin Ngài—chấp nhận quyền năng và những lời hứa chân chính của Ngài—sẽ mời gọi triển vọng, sự bình an, và niềm vui vào cuộc sống của chúng ta.
Lời Hứa và Chứng Ngôn
Vào một ngày nào đó trong tương lai, “mọi đầu gối đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi đều phải thú nhận”39 rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Vào ngày vinh quang đó, chúng ta sẽ biết rằng Ngài biết rõ tên của mỗi người chúng ta. Và tôi làm chứng cùng hứa rằng chúng ta không những có thể biết về Chúa mà còn tiến đến việc biết Ngài khi thực hành đức tin, đi theo, phục vụ và tin Ngài. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.