Tầng Lầu Thứ Tư, Cánh Cửa Cuối Cùng
Thượng Đế “hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài,” vì vậy chúng ta cần phải tiếp tục gõ cửa. Thưa các chị em phụ nữ, đừng bỏ cuộc. Hãy hết lòng tìm kiếm Thượng Đế.
Các chị em phụ nữ, các bạn thân mến, thật là một phước lành khi chúng ta được nhóm họp một lần nữa trong đại hội toàn cầu này dưới sự hướng dẫn và lãnh đạo của vị tiên tri và Chủ Tịch kính mến, Chủ Tịch Thomas S. Monson. Thưa Chủ Tịch, chúng tôi yêu mến và tán trợ chủ tịch! Chúng tôi biết là chủ tịch cũng yêu mến các chị em phụ nữ trong Giáo Hội.
Tôi thích tham dự phiên họp tuyệt vời này của đại hội trung ương dành cho các chị em phụ nữ của Giáo Hội.
Thưa các chị em, khi tôi nhìn vào các chị em, tôi đều không thể không nghĩ đến những người phụ nữ đã có ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống của tôi: bà ngoại và mẹ tôi, là những người đầu tiên chấp nhận lời mời để đến và tìm hiểu về Giáo Hội.1 Người vợ yêu quý của tôi là Harriet, người mà tôi đã yêu ngay từ giây phút đầu tiên tôi nhìn thấy bà ấy. Mẹ của Harriet, người đã gia nhập Giáo Hội không bao lâu sau khi chồng bà qua đời vì bệnh ung thư. Rồi chị gái của tôi, con gái tôi, cháu gái và chắt gái của tôi—tất cả những người này đều có ảnh hưởng tích cực đến tôi. Họ thật sự mang lại niềm vui cho cuộc sống của tôi. Họ soi dẫn tôi để trở thành một người tốt hơn và một người lãnh đạo Giáo Hội nhạy cảm hơn. Cuộc sống của tôi sẽ khác hẳn nếu không có họ!
Có lẽ điều làm tôi nhún nhường nhất là biết rằng cũng chính ảnh hưởng này đã được thấy lặp lại hàng triệu lần trong khắp Giáo Hội qua những khả năng, tài năng, trí tuệ, và chứng ngôn của những người phụ nữ có đức tin giống như các chị em.
Song, một số các chị em có thể không cảm thấy xứng đáng được khen ngợi cao như vậy. Các chị em có thể nghĩ rằng mình quá tầm thường để có được một ảnh hưởng đầy ý nghĩa đến những người khác. Có lẽ các chị em còn không nghĩ mình là một “người phụ nữ có đức tin” vì đôi khi các chị em vật lộn với nỗi nghi ngờ hay sợ hãi.
Hôm nay, tôi muốn nói chuyện với bất cứ ai đã từng cảm thấy như vậy—và có lẽ cũng gồm tất cả chúng ta vào lúc này hoặc lúc khác. Tôi muốn nói về đức tin—đức tin là gì, đức tin có thể và không thể làm gì được, và chúng ta phải làm gì để thúc đẩy quyền năng của đức tin trong cuộc sống của mình.
Đức Tin Là Gì
Đức tin là một sự tin chắc mãnh liệt về điều mà chúng ta tin—một sự tin chắc mãnh liệt đến mức thúc giục chúng ta phải làm những điều mà nếu không có sự tin chắc ấy thì chúng ta có thể đã không làm. “Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.”2
Mặc dù điều này có ý nghĩa đối với các Ky Tô hữu có niềm tin nhưng lại thường gây hoang mang cho những người không tin. Họ lắc đầu và hỏi: “Làm sao ai có thể chắc chắn được về điều mình không thể trông thấy?” Đối với họ, đây là bằng chứng về sự phi lý của tôn giáo.
Điều mà họ không hiểu được là có nhiều cách để trông thấy hơn là trông thấy bằng đôi mắt của mình, có nhiều cách để cảm thấy hơn là cảm thấy bằng đôi tay của mình, có nhiều cách để lắng nghe hơn là lắng nghe bằng đôi tai của mình.
Điều này giống như kinh nghiệm của một em gái đi bộ với bà ngoại. Tiếng hót của chim muông thật tuyệt vời đối với cô bé, và cô bé chỉ ra từng âm thanh cho bà ngoại nghe.
Cô bé hỏi đi hỏi lại: “Bà ơi, bà có nghe được không?” Nhưng bà ngoại của cô bé bị mất thính giác và không thể nghe được.
Cuối cùng, bà ngoại của cô bé quỳ xuống và nói: “Rất tiếc, cháu yêu ơi. Bà không nghe rõ được.”
Cô bé bực tức lấy tay ôm lấy mặt bà ngoại, nhìn chăm chú vào mắt bà và nói: “Bà ơi, bà cố gắng lắng nghe kỹ hơn nhé!”
Câu chuyện này mang đến những bài học cho cả người không tin lẫn người tin. Chỉ vì chúng ta không thể nghe thấy một điều gì đấy thì không có nghĩa là không có gì để nghe. Hai người có thể lắng nghe cùng một sứ điệp hoặc đọc cùng một câu thánh thư, nhưng một người có thể cảm nhận được sự làm chứng của Thánh Linh trong khi người kia thì không.
Mặt khác, trong các nỗ lực của chúng ta để giúp những người thân yêu của mình cảm nhận được tiếng nói của Thánh Linh và vẻ đẹp to lớn, vĩnh cửu, và sâu sắc của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, việc nói với họ phải “cố gắng lắng nghe kỹ hơn” có thể không phải là cách hữu ích nhất.
Có lẽ lời khuyên tốt hơn—cho bất cứ ai muốn gia tăng đức tin—là phải lắng nghe theo cách khác. Sứ Đồ Phao Lô khuyến khích chúng ta nên tìm kiếm tiếng nói phán với tâm linh của chúng ta chứ không phải chỉ với đôi tai. Ông dạy: “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.”3 Hoặc có lẽ chúng ta nên xem xét những lời của cậu Hoàng Tử Nhỏ của tác giả Saint-Exupéry, “Một người chỉ nhìn thấy một cách rõ rệt với con tim. Bất cứ điều gì cốt yếu đều vô hình trước mắt thường.”4
Quyền Năng và Giới Hạn của Đức Tin
Đôi khi, không phải là dễ dàng để phát triển đức tin nơi những sự việc thuộc linh trong khi sống trong một thế giới vật chất. Nhưng điều đó rất đáng để bỏ ra nỗ lực vì quyền năng của đức tin trong cuộc sống của chúng ta có thể là sâu sắc. Thánh thư dạy chúng ta rằng nhờ đức tin, các thế giới đã được tạo dựng, nước được rẽ ra, người chết được sống lại, sông núi được dời đổi.5
Tuy nhiên, một số người có thể hỏi: “Nếu đức tin mạnh mẽ như vậy, tại sao tôi không thể nhận được câu trả lời cho một lời cầu nguyện chân thành? Tôi không cần rẽ biển hoặc dời núi. Tôi chỉ cần lành bệnh hoặc cha mẹ tôi tha thứ cho nhau hoặc một người bạn đời vĩnh cửu xuất hiện trước cửa nhà tôi với một tay cầm bó hoa và tay kia cầm một chiếc nhẫn đính hôn. Tại sao đức tin của tôi không thể đạt được điều đó?”
Đức tin quả thật là mạnh mẽ, và thường dẫn đến các phép lạ. Nhưng cho dù chúng ta có đức tin mạnh mẽ đến đâu đi nữa thì cũng có hai điều mà đức tin không thể làm được. Thứ nhất, nó không thể vi phạm quyền tự quyết của người khác.
Một người phụ nữ đã cầu nguyện trong nhiều năm cho cô con gái ương ngạnh của mình sẽ quay trở lại với Đấng Ky Tô và cảm thấy chán nản khi những lời cầu nguyện của mình dường như đã không được đáp ứng. Điều này đặc biệt đau đớn khi chị nghe những câu chuyện về những đứa con lạc lối của những người khác đã hối cải về những hành động của họ.
Vấn đề không phải là thiếu cầu nguyện hoặc thiếu đức tin. Chị chỉ cần hiểu rằng, mặc dù điều đó cũng có thể là đau đớn đối với Cha Thiên Thượng nhưng Ngài sẽ không ép buộc bất cứ ai phải chọn con đường của sự ngay chính. Thượng Đế đã không ép buộc con cái của Ngài phải đi theo Ngài trong thế giới tiền dương thế. Chắc hẳn là Ngài sẽ không ép buộc chúng ta bây giờ ở nơi cuộc sống trần thế này đây?
Thượng Đế sẽ mời gọi và thuyết phục. Thượng Đế sẽ không ngừng tìm đến với tình yêu thương cùng sự soi dẫn và khuyến khích. Nhưng Thượng Đế sẽ không bao giờ ép buộc—điều đó sẽ phá hoại kế hoạch vĩ đại của Ngài cho sự tăng trưởng vĩnh cửu của chúng ta.
Điều thứ hai mà đức tin không thể làm được là ép buộc ý muốn của chúng ta lên Thượng Đế. Chúng ta không thể ép buộc Thượng Đế phải làm theo ước muốn của chúng ta—cho dù chúng ta nghĩ rằng mình đúng như thế nào hoặc chúng ta cầu nguyện chân thành như thế nào đi nữa. Hãy suy ngẫm kinh nghiệm của Phao Lô, là người đã cầu khẩn với Chúa rất nhiều lần để được giải cứu khỏi thử thách cá nhân, điều mà ông gọi là “một cái giằm xóc vào thịt.” Nhưng đó không phải là ý muốn của Thượng Đế. Cuối cùng Phao Lô nhận ra rằng thử thách của ông là một phước lành, và ông đã tạ ơn Thượng Đế đã không đáp ứng những lời cầu nguyện của ông theo cách mà ông đã hy vọng.6
Sự Tin Cậy và Đức Tin
Không, mục đích của đức tin không phải là thay đổi ý muốn của Thượng Đế mà là để cho phép chúng ta hành động theo ý muốn của Thượng Đế. Đức tin là sự tin cậy—tin cậy rằng Thượng Đế nhìn thấy điều chúng ta không thể nhìn thấy và rằng Ngài biết điều chúng ta không biết.7 Đôi khi, chỉ tin cậy vào sự hiểu biết và óc xét đoán riêng của bản thân không thôi là không đủ.
Tôi học được điều này khi còn là phi công cho hãng hàng không, vào những ngày mà tôi phải bay vào trong sương mù dày đặc hoặc những đám mây và chỉ có thể thấy xa được một vài mét đằng trước. Tôi đã phải dựa vào các công cụ và thiết bị để biết là tôi đang ở đâu và đang bay tới đâu. Tôi đã phải lắng nghe tiếng nói của kiểm soát viên không lưu. Tôi đã phải đi theo sự hướng dẫn của một người nắm thông tin chính xác hơn là mình có. Một người tôi không thể thấy nhưng tôi đã học cách để tin cậy. Một người có thể thấy những gì tôi không thể thấy được. Tôi đã phải tin cậy và hành động sao cho phù hợp để được an toàn đến nơi đã định.
Đức tin có nghĩa là chúng ta không những tin cậy nơi sự thông sáng của Thượng Đế mà chúng ta cũng còn tin cậy nơi tình yêu thương của Ngài. Đức tin có nghĩa là tin cậy rằng Thượng Đế hoàn toàn yêu thương chúng ta, rằng tất cả mọi điều Ngài làm—mọi phước lành Ngài ban cho và mọi phước lành Ngài giữ lại trong một thời gian—là vì hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta.8
Với loại đức tin này, mặc dù chúng ta cũng có thể không hiểu được lý do tại sao có một số việc phải nhất định xảy ra hoặc tại sao có những lời cầu nguyện không được đáp ứng, chúng ta có thể biết rằng cuối cùng mọi điều rồi cũng sẽ có ý nghĩa. “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại [sẽ] làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.”9
Tất cả mọi điều đều sẽ được làm cho đúng. Tất cả mọi điều đều sẽ được tốt lành.
Chúng ta có thể chắc chắn rằng những lời đáp ứng sẽ đến, và chúng ta có thể tin rằng không những chúng ta sẽ hài lòng với những lời đáp ứng, mà sẽ còn được tràn đầy ân điển, lòng thương xót, sự rộng lượng, và tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta, là con cái của Ngài.
Hãy Cứ Tiếp Tục Gõ Cửa
Cho đến lúc đó, chúng ta hành động theo bất cứ đức tin nào chúng ta có,10 luôn luôn tìm cách gia tăng đức tin của bản thân. Đôi khi, đây không phải là một nỗ lực dễ dàng. Những người thiếu kiên nhẫn, thiếu tính cam kết, hoặc hờ hững cũng có thể thấy rằng đức tin rất khó đạt được. Những người dễ chán nản hoặc bị sao lãng cũng có thể khó cảm nhận được đức tin. Đức tin đến với người khiêm nhường, siêng năng, chịu đựng.
Đức tin đến với những người cố gắng luôn trung tín.
Lẽ thật này được minh họa trong kinh nghiệm của hai người truyền giáo trẻ tuổi phục vụ ở Châu Âu, trong một khu vực mà có rất ít người cải đạo chịu phép báp têm. Tôi cho rằng chúng ta có thể hiểu được nếu họ nghĩ rằng những gì họ đã làm không mang lại nhiều khác biệt.
Nhưng hai người truyền giáo này đã có đức tin, và sự tận tâm trong công việc. Họ nghĩ rằng nếu không ai lắng nghe sứ điệp của họ, thì đó không phải là họ đã không cố cố gắng hết sức mình.
Một ngày nọ, họ cảm thấy cần phải đến nói chuyện với các cư dân của một tòa nhà chung cư bốn tầng đẹp đẽ. Họ bắt đầu với tầng thứ nhất và gõ từng cánh cửa, trình bày sứ điệp cứu rỗi của họ về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Phục Hồi của Giáo Hội của Ngài.
Không một ai ở tầng thứ nhất chịu lắng nghe họ nói.
Thật dễ dàng biết bao để họ nói: “Chúng ta đã cố gắng rồi. Hãy ngừng ngay tại đây đi. Chúng ta hãy đi thử một tòa nhà khác.”
Nhưng hai người truyền giáo này đã có đức tin và sự sẵn lòng với công việc, và vì vậy họ đã gõ từng cánh cửa ở tầng thứ hai.
Một lần nữa, không một ai chịu lắng nghe.
Tầng thứ ba cũng vậy. Và tầng thứ tư cũng thế—cho đến khi họ gõ cánh cửa cuối cùng của tầng thứ tư.
Khi cánh cửa mở ra, một thiếu nữ mỉm cười với họ và mời họ chờ trong khi cô ấy thưa chuyện với mẹ của mình.
Mẹ của cô, mới 36 tuổi, vừa mới mất chồng và không cảm thấy muốn nói chuyện với hai người truyền giáo Mặc Môn. Vì thế bà bảo con gái của mình nên nói họ đi về.
Nhưng cô gái nài xin với mẹ của mình. Cô ta nói: Hai thanh niên này thật tử tế. Và sẽ chỉ mất một vài phút thôi.
Bất đắc dĩ, người mẹ đồng ý. Hai người truyền giáo đã truyền tải sứ điệp của họ và đưa cho người mẹ một cuốn sách để đọc—Sách Mặc Môn.
Sau khi họ ra về, người mẹ quyết định là ít nhất sẽ đọc một vài trang.
Bà đã đọc hết cuốn sách trong vòng một vài ngày.
Không lâu sau đó, gia đình đơn chiếc tuyệt vời này bước vào hồ nước báp têm.
Khi gia đình nhỏ này tham dự chi nhánh ở địa phương của họ ở Frankfurt, Đức, thì một thầy trợ tế trẻ đã để ý đến sắc đẹp của một trong hai cô con gái và nghĩ thầm: “Hai người truyền giáo này làm việc giỏi thật!”
Người thầy trợ tế trẻ đó tên là Dieter Uchtdorf. Và cô thiếu nữ yêu kiều—là người đã nài xin mẹ lắng nghe những lời của hai người truyền giáo—có cái tên đẹp đẽ là Harriet. Bà được tất cả những ai đã từng gặp bà đều yêu mến khi đồng hành cùng tôi trong những chuyến viếng thăm. Bà đã ban phước cho cuộc sống của nhiều người qua tình yêu thương bà dành cho phúc âm và tính tình vui vẻ của mình. Bà ấy quả thật là nguồn hạnh phúc của đời tôi.
Biết bao lần tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với đức tin và công việc của họ. Biết bao lần tôi đã cảm tạ rằng họ đã tiếp tục đi—thậm chí lên đến tầng thứ tư, gõ vào cánh cửa cuối cùng.
Cửa Sẽ Mở Cho Các Chị Em
Trong công cuộc tìm kiếm đức tin bền bỉ của mình, trong nỗ lực để liên kết với Thượng Đế và những mục đích của Ngài, chúng ta nên ghi nhớ lời hứa của Chúa: “Hãy gõ cửa, sẽ mở cho.”11
Liệu chúng ta sẽ bỏ cuộc sau khi đã gõ vào một hoặc hai cánh cửa không? Đi lên một hoặc hai tầng lầu không?
Hoặc liệu chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi lên đến tầng thứ tư, gõ vào cánh cửa cuối cùng không?
Thượng Đế “hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài,”12 nhưng phần thưởng ấy thường không nằm ở đằng sau cánh cửa đầu tiên. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục gõ cửa. Thưa các chị em, đừng bỏ cuộc. Hãy hết lòng tìm kiếm Thượng Đế. Hãy thực hành đức tin. Hãy bước đi trong sự ngay chính.
Tôi hứa rằng nếu các chị em chịu làm theo điều này—thậm chí cho đến tầng thứ tư, cánh cửa cuối cùng—thì các chị em sẽ nhận được sự đáp ứng mà mình tìm kiếm. Các chị em sẽ tìm thấy đức tin. Và một ngày nào đó, các chị em sẽ được tràn đầy ánh sáng mà “càng lúc càng sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn.”13
Thưa các chị em phụ nữ yêu dấu của tôi trong Đấng Ky Tô, Thượng Đế là có thật.
Ngài hằng sống.
Ngài yêu thương các chị em.
Ngài biết các chị em.
Ngài thấu hiểu các chị em.
Ngài biết những lời khẩn cầu thầm trong lòng các chị em.
Ngài chưa từng bỏ rơi các chị em.
Ngài sẽ không từ bỏ các chị em.
Đây là chứng ngôn và phước lành của Sứ Đồ của tôi dành cho từng chị em để các chị em sẽ cảm nhận được trong tâm trí mình lẽ thật cao cả này cho bản thân mình. Các chị em thân mến, các bạn thân mến, hãy sống trong đức tin, và “Giê Hô Va Đức Chúa Trời [của chúng ta sẽ] khiến [các chị em] thêm lên gấp ngàn lần và ban phước cho, y như Ngài đã phán cùng các [chị em]!”14
Tôi chia sẻ với các chị em đức tin, sự tin chắc, và lời chứng chắc chắn và không thể lay chuyển của tôi rằng đây là công việc của Thượng Đế. Trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi yêu quý của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.