Các Phước Lành của Sự Thờ Phượng
Sự thờ phượng là điều cần thiết và phải là trọng tâm trong cuộc sống thuộc linh của chúng ta. Đó là một điều mà chúng ta nên khao khát, tìm kiếm, và cố gắng để cảm nhận.
Sự Hiện Đến của Ngài
Một trong những kinh nghiệm phi thường và tuyệt vời nhất đã được ghi trong thánh thư là phần tường thuật sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi cùng dân chúng ở châu Mỹ tiếp theo cái chết và Sự Phục Sinh của Ngài. Dân chúng đã chịu đựng một sự hủy diệt rất lớn đến mức làm cho “mặt đất bị đổi dạng.”1 Biên sử về những sự kiện đó kể lại rằng sau thảm họa đó tất cả mọi người đã khóc than liên tục,2 và ở giữa mối đau thương sâu thẳm của họ, họ đã khao khát có được sự chữa lành, bình an, và giải thoát.
Khi Đấng Cứu Rỗi giáng xuống từ trời, dân chúng đã hai lần phủ phục xuống chân Ngài. Lần thứ nhất xảy ra sau khi Ngài tuyên phán với thẩm quyền thiêng liêng:
“Này, ta là Giê Su Ky Tô, người mà các tiên tri đã làm chứng rằng sẽ đến với thế gian.
“Và này, ta là sự sáng và sự sống của thế gian.”3
Rồi Ngài mời những người hiện diện “đứng dậy và tiến lại gần ta, để các ngươi có thể đặt tay lên hông ta, và cũng để các ngươi có thể rờ thấy vết đinh đóng trên tay ta và chân ta, để các ngươi biết được rằng ta là Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, và là Thượng Đế của cả thế gian này, và ta đã bị giết chết vì tội lỗi của thế gian. …
“Và khi tất cả mọi người đều được tiến lên và được tận mắt chứng kiến, họ bèn cùng nhau cất tiếng hô to lên rằng:
“Hô Sa Na! Phước thay danh Thượng Đế Tối Cao!”4
Và rồi lần thứ hai, “họ đồng phủ phục xuống chân Chúa Giê Su.” Nhưng lần này với mục đích, vì chúng ta biết được rằng họ “thờ lạy Ngài.”5
Thời Kỳ Hiện Nay
Hồi đầu năm nay tôi đã được chỉ định đến thăm một giáo khu ở miền tây Hoa Kỳ. Đó là một ngày Chủ Nhật bình thường. Một buổi lễ bình thường, với các tín hữu bình thường của Giáo Hội. Tôi nhìn mọi người bước vào giáo đường và nghiêm trang đến những chỗ trống để ngồi. Những cuộc trò chuyện vội vã, thì thầm vang dội khắp hội trường. Các cha mẹ đã cố gắng—đôi khi thất bại—để làm cho con cái hiếu động phải im lặng. Điều đó cũng bình thường thôi.
Nhưng rồi, trước khi buổi lễ bắt đầu, những lời đầy soi dẫn từ Thánh Linh đến với tâm trí tôi.
Các tín hữu này đã không đến chỉ để làm tròn bổn phận hoặc lắng nghe những người nói chuyện.
Họ đã đến vì một lý do sâu sắc và quan trọng hơn nhiều.
Họ đã đến để thờ phượng.
Khi buổi lễ tiếp tục, tôi quan sát thấy nhiều tín hữu khác nhau trong giáo đoàn. Họ đã có một vẻ mặt gần như thánh thiện, một thái độ tôn kính và bình an. Có một điều gì đó về họ làm ấm lòng tôi. Kinh nghiệm mà họ đã có vào ngày Chủ Nhật đó là một điều gì đó khá phi thường.
Họ đang thờ phượng.
Họ đang cảm nhận được thiên thượng.
Tôi có thể thấy điều đó trong diện mạo của họ.
Và tôi vui mừng và thờ phượng với họ. Và khi tôi làm như vậy, thì Thánh Linh nói cùng tâm hồn tôi. Và vào ngày hôm đó, tôi đã học được một điều gì đó về bản thân mình, về Thượng Đế, và về vai trò thờ phượng đích thực trong cuộc sống của chúng ta.
Thờ Phượng trong Cuộc Sống Hàng Ngày của Chúng Ta
Các Thánh Hữu Ngày Sau thật là đặc biệt khi phục vụ trong các chức vụ của Giáo Hội. Nhưng đôi khi chúng ta có thể đi làm công việc thường lệ của mình, như thể chúng ta chỉ đang làm việc. Đôi khi việc tham dự các buổi họp và buổi lễ của chúng ta trong vương quốc có thể thiếu yếu tố thờ phượng thiêng liêng. Và nếu không có điều đó, thì chúng ta đang thiếu một cuộc gặp gỡ thiêng liêng không thể so sánh được với Đấng vô hạn—một cuộc gặp gỡ mà chúng ta được quyền có với tư cách là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ.
Vì không phải là một sự việc tình cờ, vui vẻ, nên sự thờ phượng là điều cần thiết và phải là trọng tâm trong cuộc sống thuộc linh của chúng ta. Đó là một điều mà chúng ta nên khao khát, tìm kiếm, và cố gắng để cảm nhận.
Sự Thờ Phượng Là Gì?
Khi thờ phượng Thượng Đế, chúng ta tiếp cận Ngài bằng tình yêu thương tôn kính, lòng khiêm nhường, và sự kính mến. Chúng ta thừa nhận và chấp nhận Ngài là vị vua tối cao, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đức Chúa Cha yêu quý và vô cùng nhân từ của chúng ta.
Chúng ta kính trọng và tôn kính Ngài.
Chúng ta tuân phục Ngài.
Chúng ta nâng cao tâm hồn của mình trong lời cầu nguyện mãnh liệt, trân quý lời Ngài, vui mừng trong ân điển của Ngài, và cam kết noi theo Ngài với lòng trung thành tận tụy.
Sự thờ phượng Thượng Đế là một yếu tố thiết yếu trong cuộc sống của một người môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đến mức mà nếu tâm hồn chúng ta không tiếp nhận Ngài, thì chúng ta sẽ không có được hiệu quả khi tìm kiếm Ngài trong các hội đồng, nhà thờ và đền thờ của chúng ta.
Các môn đồ chân chính được soi dẫn để “thờ phượng Đấng đã dựng nên trời, đất, biển cả, và suối nước—hãy cầu gọi danh Chúa ngày và đêm.”6
Chúng ta có thể học hỏi nhiều về sự thờ phượng đích thực bằng cách xem xét cách mà những người khác—những người mà có lẽ không quá khác biệt với chúng ta—gặp gỡ, cư xử, và thờ phượng trong sự hiện diện của Thượng Đế.
Nỗi Kinh Ngạc, Lòng Biết Ơn, và Hy Vọng
Vào đầu thế kỷ thứ 19, thế giới Ky Tô giáo đã hầu hết từ bỏ quan niệm rằng Thượng Đế vẫn nói chuyện với loài người. Nhưng vào mùa xuân năm 1820, quan niệm đó đã thay đổi vĩnh viễn khi một thiếu niên nông dân khiêm nhường bước vào khu rừng cây và quỳ xuống cầu nguyện. Từ ngày đó trở đi, một loạt khải tượng phi thường, những điều mặc khải và sự hiện đến của các Đấng trên trời đã tràn ngập thế gian, mang đến cho dân cư trên thế gian sự hiểu biết quý báu về thiên tính và mục đích của Thượng Đế cùng mối quan hệ của Ngài với loài người.
Oliver Cowdery mô tả những ngày đó là “những ngày mà tôi không bao giờ có thể quên được. … Mừng thay! Kỳ diệu thay! Ngạc nhiên thay!”7
Những lời của Oliver truyền đạt các yếu tố đầu tiên mà đi kèm với việc đích thực thờ phượng Thượng Đế—một cảm giác kính phục đầy uy nghi và tạ ơn chân thành.
Mỗi ngày, nhưng đặc biệt là vào ngày Sa Bát, chúng ta có cơ hội phi thường để cảm nhận điều kỳ diệu và kính phục của thiên thượng và dâng những lời khen ngợi của chúng ta lên Thượng Đế vì lòng nhân từ đầy ơn phước và lòng thương xót tràn ngập của Ngài.
Điều này sẽ dẫn chúng ta đến hy vọng. Đây là những yếu tố đầu tiên của sự thờ phượng.
Ánh Sáng, Sự Hiểu Biết và Đức Tin
Vào ngày được phước của Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh ngự vào tâm trí của các môn đồ của Đấng Ky Tô, làm cho họ tràn đầy ánh sáng và sự hiểu biết.
Cho đến ngày đó, họ đã đôi khi không biết chắc về điều nên làm. Giê Ru Sa Lem đã trở thành một nơi nguy hiểm cho tín đồ của Đấng Cứu Rỗi, và chắc hẳn họ đã phải tự hỏi điều gì sẽ xảy đến cho họ.
Nhưng khi Đức Thánh Linh chan hòa trong lòng họ, thì nỗi nghi ngờ và sự miễn cưỡng biến mất. Qua kinh nghiệm siêu việt của sự thờ phượng đích thực, Các Thánh Hữu của Thượng Đế đã nhận được ánh sáng thiên thượng, sự hiểu biết, và một chứng ngôn được củng cố. Và điều đó dẫn đến đức tin.
Kể từ lúc đó trở đi, các Sứ Đồ và các Thánh Hữu đã quyết tâm đạt được mục tiêu của họ. Họ mạnh dạn thuyết giảng về Chúa Giê Su Ky Tô cho khắp thế gian.
Khi chúng ta thờ phượng với phần thuộc linh, chúng ta mời ánh sáng và lẽ thật vào tâm hồn chúng ta, là những điều củng cố đức tin của chúng ta. Những điều này là các yếu tố cần thiết của sự thờ phượng đích thực.
Tư Cách Môn Đồ và Lòng Bác Ái
Trong Sách Mặc Môn, chúng ta biết rằng từ lúc mà An Ma Con được giải thoát khỏi nỗi đau khổ về hậu quả của sự phản nghịch của mình, ông đã không bao giờ còn giống như xưa nữa. Ông đã mạnh dạn “hành trình khắp chốn … và đến cùng mọi sắc dân … , cố gắng với đầy lòng nhiệt thành để sửa chữa những tổn hại mà [ông] đã gây ra cho giáo hội.”8
Việc ông liên tục thờ phượng Thượng Đế Toàn Năng cho thấy mẫu mực của vai trò môn đồ tràn đầy nhiệt huyết.
Sự thờ phượng đích thực biến đổi chúng ta thành các môn đồ chân thành và tha thiết của Đức Thầy và Đấng Cứu Rỗi yêu quý, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta thay đổi và trở nên giống như Ngài hơn.
Chúng ta trở nên hiểu biết hơn và chu đáo hơn, dễ tha thứ hơn, yêu thương hơn.
Chúng ta hiểu rằng chúng ta không thể nào nói là yêu mến Thượng Đế, trong khi cùng một lúc ghét bỏ, xua đuổi, hoặc coi thường những người khác xung quanh mình.9
Sự thờ phượng đích thực dẫn đến một quyết tâm kiên định để đi theo con đường của người môn đồ. Và điều đó chắc chắn dẫn đến lòng bác ái. Đây cũng là những yếu tố cần thiết của sự thờ phượng.
Bước Vào Cánh Cửa của Ngài với Lòng Tạ Ơn
Khi tôi suy ngẫm lại điều đã bắt đầu như là một buổi sáng Chủ Nhật bình thường, trong ngôi nhà hội bình thường đó, trong giáo khu bình thường đó, thì thậm chí đến ngày nay tôi cũng cảm động trước kinh nghiệm thiêng liêng phi thường đó mà sẽ ban phước vĩnh viễn cho cuộc sống của tôi.
Tôi biết được rằng cho dù chúng ta biết sắp xếp thời gian, những chức vụ kêu gọi, và công việc chỉ định của mình—cho dù chúng ta đã đánh dấu kiểm tra tất cả các ô trong bản liệt kê của mình về những cá nhân, gia đình, hoặc người lãnh đạo “hoàn hảo” —nhưng nếu chúng ta không tôn thờ Đấng Giải Thoát đầy lòng thương xót, Vua trên trời, và Thượng Đế vinh quang của mình thì chúng ta cũng đang thiếu rất nhiều niềm vui và sự bình an của phúc âm.
Khi thờ phượng Thượng Đế, chúng ta thừa nhận và tiếp nhận Ngài với cùng sự tôn kính giống như những người thời xưa ở châu Mỹ. Chúng ta đến gần Ngài với những cảm giác kỳ diệu và kinh ngạc mà không thể hiểu được. Chúng ta kinh ngạc với lòng biết ơn trước lòng nhân từ của Thượng Đế. Và như vậy chúng ta có được niềm hy vọng.
Chúng ta suy ngẫm về lời của Thượng Đế, và làm tràn đầy tâm hồn mình với sự sáng và lẽ thật. Chúng ta thấu hiểu khung cảnh thuộc linh mà chỉ có thể thấy được qua sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.10 Và như vậy chúng ta có được đức tin.
Khi thờ phượng, tâm hồn của chúng ta được cải thiện và chúng ta cam kết noi gương của Đấng Cứu Rỗi yêu quý của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Và từ quyết tâm này, chúng ta có được lòng bác ái.
Khi chúng ta thờ phượng, tâm hồn của chúng ta được tràn đầy lời ngợi khen Thượng Đế đầy ơn phước của chúng ta cả ngày lẫn đêm.
Chúng ta liên tục thánh hóa và tôn vinh Ngài—trong các nhà hội, nhà cửa, đền thờ, và tất cả các công việc của mình.
Khi thờ phượng, chúng ta mở rộng tấm lòng của mình cho quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Cuộc sống của chúng ta trở thành dấu hiệu và biểu hiện về sự thờ phượng của chúng ta.
Thưa anh chị em, những kinh nghiệm thuộc linh không liên quan nhiều đến điều đang xảy ra xung quanh chúng ta nhưng liên quan chặt chẽ đến điều đang xảy ra trong tâm hồn chúng ta. Tôi làm chứng rằng sự thờ phượng đích thực sẽ biến đổi các buổi họp bình thường của Giáo Hội thành những buổi lễ thuộc linh phi thường. Sự thờ phượng đó sẽ làm phong phú cuộc sống của chúng ta, mở rộng sự hiểu biết của chúng ta, và củng cố chứng ngôn của chúng ta. Giống như khi chúng ta hướng lòng mình đến Thượng Đế, giống như tác giả Thi Thiên thời xưa, chúng ta “Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài, Hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài. [Chúng ta] cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài.
“Vì Đức Giê Hô Va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi, Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời.”11
Qua sự thờ phượng chân thành và thành tâm, chúng ta phát triển và chín chắn trong niềm hy vọng, đức tin, và lòng bác ái. Và qua tiến trình đó, chúng ta thu thập ánh sáng thiêng liêng vào tâm hồn mình để lấp đầy cuộc sống của chúng ta với ý nghĩa thiêng liêng, sự bình an lâu dài và niềm vui trường cửu.
Đó là phước lành của sự thờ phượng trong cuộc sống của chúng ta. Tôi khiêm nhường làm chứng về điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.