Họ Ngỏ Lời cùng Chúng Ta
Làm Đại Hội Thành Một Phần của Cuộc Sống Chúng Ta
Hãy cân nhắc việc sử dụng một số sinh hoạt và câu hỏi này để bắt đầu cuộc thảo luận trong gia đình hoặc suy ngẫm riêng cá nhân.
Dành cho Các Thiếu Nhi
-
Trang 86: Chủ Tịch Thomas S. Monson mời chúng ta đọc Sách Mặc Môn mỗi ngày và ông hứa rằng “Đức Thánh Linh sẽ biểu hiện lẽ thật của sách đó cho các anh chị em biết.” Ngoài việc học riêng của mình, các em có thể tạo thói quen học Sách Mặc Môn hàng ngày với gia đình của mình. Các em cũng có thể đóng diễn hoặc chơi trò chơi để giúp ghi nhớ các câu thánh thư và câu chuyện quan trọng. Hãy vào trang friend.lds.org và xem tạp chí Liahona năm 2016 về các câu chuyện trong Sách Mặc Môn, đọc các biểu đồ, và còn nhiều hơn nữa.
-
Trang 117: Anh Cả Gary E. Stevenson kể về cách mà cha của ông nghe theo Đức Thánh Linh và cứu ông khỏi bị rắn cắn. Hỏi xin cha mẹ của các em xem các em có thể có một cuộc thảo luận trong gia đình về câu hỏi: Đức Thánh Linh giúp đỡ các em bằng cách nào? Chia sẻ những lúc mà Đức Thánh Linh đã cảnh cáo, an ủi, hoặc làm chứng cho các em. Thậm chí các em còn có thể viết về những lúc đó và làm thành một cuốn sách nữa.
-
Trang 87: Chị Joy D. Jones đã dạy rằng các em có thể chuẩn bị để lập các giao ước thiêng liêng về sau khi học cách giữ những lời hứa bây giờ. Hãy đặt mục tiêu và hứa sẽ làm theo mục tiêu đó. Yêu cầu một người bạn kiểm tra các em và chắc chắn rằng các em đang giữ lời hứa của mình.
-
Trang 90: Anh Cả Yoon Hwan Choi chia sẻ một lời khuyên dạy từ cha của ông: “Đừng nhìn quanh mà hãy nhìn lên!” Đôi khi chúng ta trở nên xao lãng và quên tập trung vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Vậy thì hãy tự nhắc nhở mình phải nhìn lên! Các em có thể treo hình Chúa Giê Su trong phòng mình. Hãy đi ra ngoài và nhìn lên bầu trời. Hãy dành một giây lát yên tĩnh mỗi ngày để nghĩ về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su và cảm nhận Thánh Linh.
Dành cho Giới Trẻ
-
Trang 93 và 117: Các em có bao giờ tự hỏi mình: Làm thế nào tôi có thể luôn luôn có được Đức Thánh Linh ở cùng tôi không? Làm thế nào tôi có thể nhận ra Đức Thánh Linh? Đức Thánh Linh giúp đỡ tôi bằng cách nào? Hai Anh Cả Ronald A. Rasband và Gary E. Stevenson đã trả lời những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác nữa. Anh Cả Rasband nói: “Chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng để học cách nhận ra ảnh hưởng của Ngài trong cuộc sống của chúng ta và rồi đáp ứng.” Làm thế nào các em có thể đáp ứng được trách nhiệm đó?
-
Trang 33: Anh Cả Ulisses Soares trích dẫn một phần của chủ đề thánh thư của Hội Hỗ Tương: “Phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ. Vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó” (Gia Cơ 1:6). Làm thế nào các em giữ cho mình không nghi ngờ? Bắt đầu bằng cách củng cố đức tin của các em nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Học hỏi thêm về Ngài. Hãy nhớ lại những lúc các em đã cảm nhận được tình yêu thương và sự bình an của Ngài.
-
Trang 86 và 9: Chủ Tịch Thomas S. Monson mời chúng ta: “Nếu các anh chị em không đọc Sách Mặc Môn mỗi ngày, thì xin hãy đọc.” Và Chị Carol F. McConkie hỏi: “Chúng ta có để qua một bên cái điện thoại, bản liệt kê dài với đủ thứ việc phải làm, và những lo lắng của thế gian không? Việc cầu nguyện, nghiên cứu, và lưu tâm đến lời của Thượng Đế mời tình yêu thương thanh tẩy và chữa lành của Ngài vào tâm hồn chúng ta.” Hoạch định một khoảng thời gian mỗi ngày để đọc Sách Mặc Môn và viết một lời nhắc nhở trong sổ tay kế hoạch của các em hoặc cài đặt vào điện thoại của các em.
Dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi
-
Trang 62: Các em có các mục tiêu nào cho cuộc sống của mình? Các mục tiêu về sự nghiệp, gia đình, và thậm chí cả thể thao và sở thích của các em đều là tốt, nhưng “các mục tiêu quan trọng và ưu tiên nhất của chúng ta nên phù hợp với kế hoạch vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng,” Anh Cả M. Russell Ballard đã dạy như vậy. Các kế hoạch của các em phù hợp như thế nào với kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho các em? Làm thế nào các em có thể tập trung nhiều hơn vào mục tiêu sống vĩnh viễn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Trang 39: Đầu năm nay, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời những người thành niên trẻ tuổi “hãy hiến dâng một phần thời gian [của mình] mỗi tuần để nghiên cứu mọi điều mà Chúa Giê Su đã phán và làm theo như đã được ghi lại trong [các tác phẩm tiêu chuẩn]” (“Các Vị Tiên Tri, Sự Lãnh Đạo và Luật Pháp Thiêng Liêng” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 8 tháng Giêng năm 2017], broadcasts.lds.org). Ông lặp lại lời mời này tại đại hội trung ương là một trong bốn yếu tố chính trong việc nhận được quyền năng của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của chúng ta. Nghiên cứu bài nói chuyện của Chủ Tịch Nelson để học cách các em có thể tiếp cận “quyền năng đủ để đối phó với các gánh nặng, cản trở, và cám dỗ trong thời kỳ của chúng ta.”
-
Trang 100 và 26: Các em có muốn một bản đồ cho cuộc sống của mình không? Anh Cả Dallin H. Oaks dạy rằng: “Vì chúng ta có lẽ thật về Thiên Chủ Đoàn và mối quan hệ của chúng ta với các Ngài, mục đích của cuộc sống, và tính chất của vận mệnh vĩnh cửu của mình, nên chúng ta có bản đồ đường đi tốt nhất và bảo đảm cho cuộc hành trình của chúng ta trong suốt trần thế.” Ông và Anh Cả Weatherford T. Clayton đã dạy rằng sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi có thể giúp đỡ cho những thử thách của chúng ta ngày nay. Nghiên cứu những sứ điệp của họ và cầu vấn Cha Thiên Thượng cách mà các lẽ thật vĩnh cửu có thể cung cấp một bản đồ trong cuộc sống của các em.
-
Trang 104: Nỗi sợ hãi có thể thúc đẩy nhưng Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy rằng nỗi sợ hãi “sẽ không bao giờ biến chúng ta trở thành những người ưa chuộng điều ngay chính và muốn vâng theo Cha Thiên Thượng.” Làm thế nào tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô có thể là “liều thuốc chữa nỗi sợ hãi [của các em] do Chúa chỉ định”?
Dành cho Người Lớn
-
Trang 86: Chủ Tịch Thomas S. Monson nói rằng mỗi ngày, khi chúng ta thành tâm nghiên cứu và suy ngẫm về Sách Mặc Môn thì “chúng ta sẽ có khả năng nghe được tiếng nói của Thánh Linh, chống lại sự cám dỗ, khắc phục nỗi nghi ngờ và sợ hãi, và nhận được sự giúp đỡ của Thiên Thượng trong cuộc sống của chúng ta.” Hãy đặt ra mục tiêu để đọc Sách Mặc Môn riêng một mình và cùng chung với gia đình.
-
Trang 39: Hãy làm theo lời yêu cầu của Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra cho các thành niên trẻ tuổi (xin xem ở trên “Dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi”). Các anh chị em có thể thích nghi lời yêu cầu này cho bản thân và gia đình mình như thế nào? Thảo luận về các phước lành đến từ việc học hỏi thêm về Đấng Cứu Rỗi.
-
Trang 93 và 117: Khi các anh chị em đọc hai bài nói chuyện của Anh Cả Ronald A. Rasband và Anh Cả Gary E. Stevenson, hãy tìm ra những cách để luôn luôn có được Thánh Linh và cách mà Thánh Linh giúp đỡ các anh chị em. Nhận ra những cách để gia tăng ảnh hưởng của Ngài trong cuộc sống của các anh chị em.
-
Trang 39 và 62: Chủ Tịch Russell M. Nelson và Anh Cả M. Russell Ballard đã khuyến khích các tín hữu nên nghiên cứu “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ” (xin xem ở bên trong bìa trước). Anh Cả Ballard nói: “Hãy đặt một ấn bản đó ở nơi nào mà các anh chị em có thể nhìn thấy, và dành ra thời gian để xem lại từng lời phát biểu trong chứng ngôn đầy soi dẫn này về Đấng Ky Tô.” Hãy cùng với gia đình đọc “Đấng Ky Tô Hằng Sống” và thảo luận điều mà anh chị em học được.
-
Trang 127 và 97: Anh Cả Quentin L. Cook dạy rằng nền tảng của đức tin chúng ta được xây đắp “dần dần—từng lớp, từng kinh nghiệm, từng thử thách, từng sự thất bại, và từng sự thành công một.” Anh Cả L. Whitney Clayton nói: “Việc làm đúng các thói quen nhỏ nhặt hàng ngày của đức tin là một cách hay nhất để củng cố bản thân chúng ta chống lại những vấn đề rắc rối của cuộc sống cho dù chúng là gì đi nữa.” Các anh chị em có thể làm gì mỗi ngày để củng cố nền tảng đức tin của mình?