Để Ánh Sáng của Chúng Ta Có Thể Là một Cờ Lệnh cho Các Quốc Gia
Phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội được phục hồi của Ngài mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để ánh sáng của chúng ta trở thành một phần của cờ lệnh vĩ đại cho các quốc gia.
Cách đây nhiều năm, trong khi đang phục vụ với tư cách là một giảng viên lớp giáo lý, tôi đã nghe một đồng nghiệp của mình yêu cầu học sinh của ông hãy suy ngẫm câu hỏi sau đây: Nếu được sống trong thời kỳ của Đấng Cứu Rỗi, các em nghĩ tại sao các em sẽ đi theo Ngài với tư cách là một môn đồ của Ngài? Các em này đã đi đến kết luận rằng những người đi theo Đấng Cứu Rỗi trong thời nay và cố gắng để trở thành môn đồ của Ngài chắc hẳn cũng sẽ làm như vậy vào thời kỳ đó.
Kể từ lúc đó, tôi đã suy ngẫm về câu hỏi đó và kết luận của các học sinh đó. Tôi thường tự hỏi tôi sẽ cảm thấy như thế nào khi nghe chính Đấng Cứu Rỗi phán những điều sau đây trong Bài Giảng Trên Núi:
“Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được:
“Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà.
“Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” (Ma Thi Ơ 5:14–16).
Các anh chị em có thể tưởng tượng được mình sẽ cảm thấy như thế nào khi nghe thấy tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi không? Thực sự, chúng ta không cần phải tưởng tượng. Việc nghe thấy tiếng nói của Chúa đã trở thành một kinh nghiệm liên tục cho chúng ta vì khi chúng ta nghe tiếng nói của các tôi tớ của Ngài thì cũng giống như vậy.
Vào năm 1838, tương tự với một sứ điệp được đưa ra trong Bài Giảng trên Núi, Chúa đã phán điều sau đây qua Tiên Tri Joseph Smith:
“Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy trong những ngày sau cùng, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.
“Thật vậy, ta nói với tất cả các ngươi rằng: Hãy đứng dậy và chiếu sáng, để ánh sáng của các ngươi có thể là một cờ lệnh cho các quốc gia” (GLGƯ 115:4–5).
Những thời kỳ của chúng ta thật là phi thường đến nỗi đã được cho thấy trong một khải tượng của tiên tri Ê Sai; ông cũng đã thấy và tiên tri về thời kỳ Phục Hồi này của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và mục đích của thời kỳ này khi nói rằng: “Chúa sẽ dựng một cây cờ cho các nước; nhóm những người Y Sơ Ra Ên bị đuổi, thâu những người Giu Đa lưu lạc, từ bốn góc đất” (Ê Sai 11:12).
Trong bối cảnh của thánh thư, một cờ hiệu, hoặc một cờ lệnh, là một lá cờ mà mọi người sẽ quy tụ lại trong sự đoàn kết trong mục đích. Thời xưa, một cờ lệnh là một điểm tập trung cho những người lính trong trận chiến. Nói theo cách biểu tượng, Sách Mặc Môn và Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là cờ lệnh cho tất cả các quốc gia. (Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cờ Hiệu/Cờ Lệnh,” scriptures.lds.org.)
Một trong những cờ lệnh vĩ đại trong những ngày sau này chắc chắn phải là đại hội trung ương kỳ diệu này, nơi mà công việc và kế hoạch vĩ đại của Cha Thiên Thượng “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39) đang tiếp tục được công bố.
Việc liên tục tổ chức đại hội trung ương là một trong những chứng ngôn quan trọng nhất cho sự thực rằng chúng ta, là Các Thánh Hữu Ngày Sau, “tin tất cả mọi điều Thượng Đế đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải, và chúng tôi tin rằng Ngài sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế” (Những Tín Điều 1:9).
Vậy thì, Chúa đã mặc khải điều gì qua Chủ Tịch Thomas S. Monson mà chúng ta cần tiếp tục thực hiện để ánh sáng của chúng ta có thể là một cờ lệnh cho các quốc gia? Một số điều quan trọng nào cần phải được thực hiện trong thời điểm rực rỡ này để xây đắp Si Ôn và quy tụ Y Sơ Ra Ên?
Chúa đã luôn mặc khải ý muốn của Ngài cho chúng ta “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít” (2 Nê Phi 28:30). Do đó, chúng ta không nên ngạc nhiên trước những điều dường như nhỏ nhặt vì tính chất đơn giản và lặp đi lặp lại của chúng, vì Chúa đã khuyên dạy chúng ta rồi, và phán với chúng ta rằng “phước thay cho những ai biết nghe những lời giáo huấn của ta, và để tai nghe lời khuyên răn của ta, vì những kẻ đó sẽ học được sự khôn ngoan; vì kẻ nào tiếp nhận, ta sẽ ban thêm cho” (2 Nê Phi 28:30).
Tôi làm chứng rằng, bằng cách học hỏi “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít” và bằng cách lắng nghe lời khuyên dạy của các vị lãnh đạo của mình, chúng ta sẽ có dầu cho đèn của mình mà sẽ làm cho chúng ta có thể chia sẻ ánh sáng với người khác như Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta.
Mặc dù có nhiều điều chúng ta có thể làm để trở thành một ánh sáng và một cờ lệnh cho người khác, nhưng tôi muốn tập trung vào ba điều sau đây: tuân giữ ngày Sa Bát, gấp rút làm công việc cứu rỗi ở cả hai bên tấm màn che; và giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi.
Ánh sáng mà chúng ta đang nói tới xuất phát từ sự tận tụy chúng ta dành cho việc tuân giữ ngày Sa Bát, trong Giáo Hội cũng như trong nhà; đó là ánh sáng tỏa chiếu rực rỡ hơn khi chúng ta giữ mình khỏi tì vết của thế gian; đó là ánh sáng đến từ việc dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của Ngài và trả sự ngoan đạo cho Đấng Tối Cao, tất cả những điều này làm cho chúng ta có thể luôn có Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Đó chính là ánh sáng tỏa chiếu rực rỡ hơn và trở nên rõ rệt hơn khi chúng ta trở về nhà với cảm giác tha thứ như Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nói tới trong đại hội trung ương tháng Mười vừa qua khi ông nói: “Trong tất cả các phước lành chúng ta có thể đếm được, phước lành tuyệt vời nhất cho đến bây giờ là cảm giác được tha thứ mà đến với chúng ta khi dự phần Tiệc Thánh. Chúng ta sẽ cảm thấy tình thương yêu và lòng biết ơn sâu sắc hơn dành cho Đấng Cứu Rỗi, mà qua sự hy sinh vô biên của Ngài chúng ta mới được thanh tẩy khỏi tội lỗi” (“Lòng Biết Ơn Vào Ngày Sa Bát,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, 100).
Khi giữ cho ngày Sa Bát được thánh và dự phần Tiệc Thánh, chúng ta không những được thanh tẩy, mà ánh sáng của chúng ta cũng trở nên rực rỡ hơn.
Ánh sáng của chúng ta cũng tỏa chiếu rực rỡ hơn khi chúng ta dành ra và dâng hiến thời giờ để tìm kiếm những tên của tổ tiên mình, mang tên của họ vào đền thờ, và dạy cho gia đình chúng ta và những người khác cũng làm như vậy.
Công việc đền thờ và lịch sử gia đình thiêng liêng này mà chúng ta chia sẻ với Các Thánh Hữu ở cả hai bên phía của bức màn che đang tiến triển hơn bao giờ hết khi các đền thờ của Chúa đang được xây cất. Giờ đây, các đền thờ có lịch trình đặc biệt cho các nhóm gia đình đến với thẻ tên gia đình của họ. Vợ chồng tôi đã có những kinh nghiệm thú vị khi chúng tôi phục vụ trong đền thờ cùng với con cháu chúng tôi.
Khi chúng ta tìm kiếm và đưa những cái tên vào đền thờ và cũng dạy cho người khác biết cách làm như vậy, chúng ta cùng nhau tỏa sáng như một cờ hiệu hoặc cờ lệnh.
Học cách giảng dạy như Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy là một cách khác mà chúng ta có thể vươn lên và tỏa sáng. Tôi vui mừng cùng với tất cả những ai đang học cách giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi. Xin cho phép tôi đọc từ bìa của sách hướng dẫn giảng dạy mới: “Mục tiêu của mỗi giảng viên phúc âm—mỗi người cha hay mẹ, mỗi giảng viên đã được chính thức kêu gọi, mỗi thầy giảng tại gia và mỗi giảng viên thăm viếng của Hội Phụ Nữ, và mỗi tín đồ của Đấng Ky Tô—là giảng dạy giáo lý thanh khiết của phúc âm, bằng Thánh Linh, … để giúp cho con cái của Thượng Đế xây đắp đức tin của họ nơi Đấng Cứu Rỗi và trở nên giống như Ngài hơn” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi [2016]).
Ngay bây giờ, hàng ngàn giảng viên trung tín của chúng ta đang giơ cao ánh sáng khi họ học cách giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi. Trong bối cảnh này, buổi họp hội đồng giảng viên mới là một cách để vươn lên và tỏa sáng khi các học sinh quy tụ lại xung quanh cờ lệnh của giáo lý của Đấng Ky Tô, vì “bí quyết để giảng dạy giống như Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy là sống theo như Đấng Cứu Rỗi đã sống” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, 4).
Khi chúng ta đều giảng dạy và học hỏi theo cách của Ngài và trở nên giống như Ngài hơn, thì ánh sáng của chúng ta sẽ chiếu tỏa rực rỡ hơn và không thể bị che giấu và trở thành một cờ lệnh cho những ai đang tìm kiếm ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi.
Các anh chị em thân mến, chúng ta không nên và không được che giấu ánh sáng của mình. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã truyền lệnh cho chúng ta phải để cho ánh sáng của chúng ta tỏa sáng giống như một tòa thành ở trên ngọn đồi hoặc giống như ánh sáng từ một ngọn nến. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ làm vinh danh Cha Thiên Thượng. Phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội phục hồi của Ngài mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để ánh sáng của chúng ta trở thành một phần của cờ lệnh vĩ đại cho các quốc gia.
Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là ánh sáng mà chúng ta cần phải cho thấy, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.