2017
Kế Hoạch Vinh Quang của Cha Chúng Ta
May 2017


Kế Hoạch Vinh Quang của Đức Chúa Cha

Nhờ vào kế hoạch thiêng liêng của Thượng Đế nên chúng ta biết rằng sự ra đời và cái chết thật sự là những giây phút quan trọng trong cuộc hành trình của chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng.

Vào lúc bắt đầu thời gian tôi được đào tạo làm bác sĩ, tôi đã có đặc ân giúp đỡ một người mẹ trẻ sinh con đầu lòng. Cô ấy bình tĩnh, tập trung, và vui vẻ. Khi em bé được sinh ra, tôi đưa đứa bé sơ sinh quý báu cho cô ấy. Với những giọt lệ hạnh phúc chảy dài trên mặt, cô ấy ôm đứa bé sơ sinh và xem xét từ đầu đến chân nó. Cô ấy ôm chặt đứa bé và nâng niu nó theo cách mà chỉ người mẹ mới có thể làm được như vậy. Thật là một đặc ân được ở trong căn phòng đó với cô ấy.

Việc sinh nở như vậy là sự khởi đầu của cuộc sống đối với mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, sự ra đời của chúng ta có thật sự là sự khởi đầu không? Thế giới hiểu sự ra đời và cái chết như là sự khởi đầu và kết thúc. Nhưng nhờ vào kế hoạch thiêng liêng của Thượng Đế nên chúng ta biết rằng sự ra đời và cái chết thật sự là những giây phút quan trọng trong cuộc hành trình của chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng.1 Đó là những phần thiết yếu trong kế hoạch của Đức Chúa Cha—các giây phút thiêng liêng khi trần thế và thiên thượng giao nhau. Hôm nay, khi suy ngẫm về điều tôi đã học được từ việc quan sát sự ra đời và cái chết trong suốt những năm hành nghề y khoa và phục vụ Giáo Hội, tôi muốn làm chứng về kế hoạch vinh quang của Đức Chúa Cha.

“Trước khi chào đời, chúng ta đã sống với Thượng Đế, Cha linh hồn của chúng ta. Tất cả [chúng ta] trên thế gian đều là anh chị em với nhau trong gia đình của Ngài,2 và mỗi người trong chúng ta đều là quý báu đối với Ngài. Chúng ta đã sống với Ngài một thời gian rất lâu trước khi chúng ta chào đời trên trần thế—học hỏi, lựa chọn, và chuẩn bị.

Vì Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta nên Ngài muốn chúng ta có được ân tứ lớn lao nhất mà Ngài có thể ban cho, đó là ân tứ về cuộc sống vĩnh cửu.3 Ngài không thể chỉ đơn thuần ban cho chúng ta ân tứ này; chúng ta phải nhận ân tứ này bằng cách chọn Ngài và con đường của Ngài. Điều này đòi hỏi chúng ta phải rời bỏ nơi hiện diện của Ngài và bắt đầu một cuộc hành trình tuyệt vời và đầy thử thách với đức tin, sự tăng trưởng và thay đổi. Cuộc hành trình mà Đức Chúa Cha đã chuẩn bị cho chúng ta được gọi là kế hoạch cứu rỗi hay là kế hoạch hạnh phúc.4

Trong một đại hội ở tiền dương thế, Đức Chúa Cha đã cho chúng ta biết về kế hoạch của Ngài.5 Khi hiểu được điều đó, chúng ta đã rất vui mừng đến nỗi chúng ta đã cất tiếng reo mừng và “các sao mai đồng hát hòa nhau.”6

Kế hoạch đó được xây dựng trên ba nền tảng vĩ đại: nền tảng của sự vĩnh cửu.7

Nền tảng đầu tiên là Sự Sáng Tạo thế gian, bối cảnh cho cuộc hành trình trần thế của chúng ta.8

Nền tảng thứ hai là Sự Sa Ngã của cha mẹ trần thế đầu tiên của chúng ta, A Đam và Ê Va. Vì Sự Sa Ngã nên đã có một số điều kỳ diệu đã được ban cho chúng ta. Chúng ta có thể được sinh ra và nhận được một thể xác.9 Tôi sẽ vĩnh viễn biết ơn mẹ tôi đã mang mấy anh em tôi vào đời và dạy cho chúng tôi về Thượng Đế.

Thượng Đế cũng đã ban cho chúng ta quyền tự quyết về mặt đạo đức—khả năng và đặc ân để chọn lựa và hành động cho chính mình.10 Để giúp chúng ta chọn đúng, Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta các giáo lệnh. Mỗi ngày, khi tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, chúng ta cho Thượng Đế thấy rằng chúng ta yêu mến Ngài và Ngài ban phước cho cuộc sống của chúng ta.11

Vì biết rằng không phải lúc nào chúng ta cũng sẽ chọn đúng, hay nói cách khác là sẽ phạm tội, nên Đức Chúa Cha ban cho chúng ta nền tảng thứ ba—“Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Qua nỗi đau khổ của Ngài, Đấng Ky Tô đã trả cái giá cho cả cái chết thể xác lẫn tội lỗi.12 Ngài dạy: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”13

Chúa Giê Su Ky Tô đã sống một cuộc sống hoàn hảo, luôn luôn tuân giữ các lệnh truyền của Đức Chúa Cha. “Ngài bước đi trên những con đường ở Palestine,” giảng dạy các lẽ thật vĩnh cửu, “chữa lành người bệnh, làm cho người mù thấy được và người chết sống lại.”14 Ngài “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước ”15 và “khuyến khích tất cả mọi người nên noi theo gương Ngài.”16

Vào cuối cuộc sống trần thế của Ngài, Ngài đã quỳ xuống và cầu nguyện rằng:

“Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi! …

“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.”17

Đấng Ky Tô đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn mức độ đau khổ của Ngài khi Ngài phán cùng Tiên Tri Joseph Smith:

“Ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;

“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy;

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn.”18

Ở trong Vườn Ghết Sê Ma Nê đó, Ngài bắt đầu trả cái giá cho tội lỗi và bệnh tật của chúng ta, những nỗi đau đớn và yếu đuối của chúng ta.19 Vì Ngài đã làm thế nên chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn một mình trong những tình trạng yếu đuối đó nếu chúng ta chọn đi theo Ngài. “Ngài bị bắt và xét xử vì những điều vu cáo, bị buộc tội nhằm làm thỏa mãn một đám đông, và bị kết án tử hình trên cây thập tự ở Đồi Sọ.” Trên cây thập tự đó “Ngài đã phó mạng sống của Ngài để chuộc tội lỗi cho tất cả nhân loại trong một ân tứ lớn lao thay cho tất cả những ai đã từng sống trên thế gian.”20

Ngài phán:

“Này, ta là Giê Su Ky Tô, người mà các tiên tri đã làm chứng rằng sẽ đến với thế gian.

“Và này, ta là sự sáng và sự sống của thế gian; và ta đã uống cạn chén đắng mà Đức Chúa Cha đã ban cho ta, và ta đã tôn vinh Đức Chúa Cha bằng cách gánh lấy tội lỗi của thế gian.”21

Rồi, vào ngày thứ nhất trong tuần,22 Ngài đã sống lại từ mộ phần với một thể xác phục sinh hoàn hảo, không bao giờ chết nữa. Và vì Ngài đã phục sinh nên chúng ta cũng sẽ phục sinh.

Tôi làm chứng rằng Đấng Ky Tô quả thật đã sống lại từ mộ phần. Nhưng để sống lại từ mộ phần đó, Ngài đã phải chết trước hết. Và chúng ta cũng phải chết.

Một trong những phước lành lớn lao của cuộc đời tôi là cảm nhận được sự gần gũi với thiên thượng trong những giây phút khi tôi ngồi bên giường bệnh của những người sắp qua đời. Vào một buổi sáng sớm cách đây một vài năm, tôi bước vào phòng bệnh của một góa phụ Thánh Hữu Ngày Sau trung tín mắc bệnh ung thư. Hai cô con gái của bà đang ngồi với bà. Khi tôi đến bên giường bà thì tôi lập tức khám phá ra rằng bà ấy đã không còn đau đớn nữa, vì bà vừa qua đời.

Trong giây phút chết chóc đó, căn phòng được tràn ngập sự bình an. Hai người con gái của bà ấy buồn bã nhưng lòng họ tràn đầy đức tin. Họ biết rằng mẹ của họ đã không ra đi nhưng đã trở về nhà.23 Ngay cả trong những giây phút đau khổ sâu thẳm nhất của chúng ta, trong những giây phút mà thời gian đứng lại và cuộc sống dường như không công bằng, thì chúng ta cũng có thể tìm thấy sự an ủi nơi Đấng Cứu Rỗi của chúng ta vì Ngài cũng chịu đau khổ như vậy.24 Đó là một đặc ân đối với tôi để được có mặt trong căn phòng đó.

Khi chúng ta chết, linh hồn của chúng ta rời khỏi thể xác của mình và chúng ta đi đến giai đoạn kế tiếp của cuộc hành trình của mình, là thế giới linh hồn. Đó là một nơi học hỏi, hối cải, tha thứ, và là25 nơi chúng ta chờ đợi Sự Phục Sinh.26

Vào một ngày tuyệt vời nào đó trong tương lai, mọi người đã từng được sinh ra đều sẽ sống lại từ mộ phần. Linh hồn và thể xác của chúng ta sẽ được kết hợp lại trong hình thể toàn hảo của chúng. Mọi người đều sẽ được phục sinh, “cả già lẫn trẻ, … cả nam lẫn nữ, cả người tà ác lẫn người ngay chính,” và “tất cả mọi thứ sẽ được hoàn lại hình thể toàn hảo của nó.”27

Sau khi phục sinh, chúng ta sẽ có được phước lành cao cả khi được Đấng Cứu Rỗi của chúng ta phán xét. Ngài phán:

“Ta sẽ thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, để họ được phán xét theo những việc làm của mình.

“Và chuyện rằng, những ai hối cải và chịu phép báp têm trong danh ta thì sẽ được tràn đầy; và nếu kẻ đó kiên trì đến cùng, này, kẻ đó sẽ được xem như vô tội trước mặt Cha ta vào ngày ta đứng phán xét thế gian.”28

Và rồi, nhờ vào Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, tất cả những người nào chọn theo Ngài qua đức tin, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng,29 sẽ thấy rằng phần cuối của cuộc hành trình của họ là để nhận được vận mệnh thiêng liêng với tư cách là người thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Họ sẽ trở lại nơi hiện diện của Đức Chúa Cha để sống với Ngài vĩnh viễn.30 Cầu xin cho chúng ta chọn đúng.

Còn có rất nhiều điều cho cuộc sống của chúng ta hơn là chỉ những gì xảy ra giữa sự ra đời và cái chết. Tôi mời anh chị em hãy đến mà theo Đấng Ky Tô.31

Tôi mời tất cả các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mỗi ngày, hãy “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính, … [rằng] qua sự đổ máu của Đấng Ky Tô, … các người [có thể] được trở nên thánh thiện và không có tì vết.”32

Tôi mời các bạn nào chưa phải là tín hữu của Giáo Hội này hãy đến và đọc Sách Mặc Môn cùng nghe những người truyền giáo giảng dạy. Hãy đến và có đức tin cùng hối cải các tội lỗi của mình. Hãy đến và chịu phép báp têm cùng nhận được Đức Thánh Linh. Hãy đến và sống một cuộc sống vui vẻ, tràn đầy Đấng Ky Tô. Khi các bạn đến với Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, thì tôi hứa rằng các bạn có thể tìm thấy bình an và mục đích trong kinh nghiệm thường là khó khăn này và “cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.33

Đối với những người đã có những lẽ thật này và vì bất cứ lý do nào đó đã rời bỏ Giáo Hội, tôi xin mời các anh chị em hãy trở lại. Hãy trở lại hôm nay. Đức Chúa Cha và Đấng Cứu Rỗi yêu thương các anh chị em. Tôi làm chứng rằng Đấng Ky Tô có quyền năng để trả lời các câu hỏi của các anh chị em, chữa lành những nỗi đau đớn và buồn phiền của các anh chị em, và tha thứ cho tội lỗi của các anh chị em. Tôi biết điều này là đúng sự thật. Tôi biết rằng tất cả những điều này là đúng sự thật. Đấng Ky Tô hằng sống! Đây là Giáo Hội của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.