2017
Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta
May 2017


Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô tràn đầy quyền năng của Ngài, dành sẵn cho mọi người con trai hay con gái của Thượng Đế đang thiết tha tìm kiếm.

Các anh chị em thân mến, chúng ta đang sống trong một gian kỳ vô cùng khó khăn. Những thử thách, những cuộc tranh luận và những vấn đề phức tạp vây quanh chúng ta. Những thời gian hỗn loạn này đã được Đấng Cứu Rỗi thấy từ trước. Ngài đã cảnh báo chúng ta rằng, trong thời kỳ của chúng ta, kẻ nghịch thù sẽ khích động trái tim loài người tức giận và dẫn dắt họ đi lạc đường.1 Tuy nhiên, Cha Thiên Thượng của chúng ta không hề dự định cho chúng ta tự mình đối phó với các vấn đề cá nhân và xã hội đầy hoang mang.

Thượng Đế yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã sai Con Trai Độc Sinh của Ngài2 đến giúp chúng ta.3 Và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã phó mạng sống của Ngài vì chúng ta. Hai Ngài làm tất cả những điều này để chúng ta có thể tiếp cận với quyền năng tin kính—là quyền năng đủ để đối phó với các gánh nặng, cản trở, và cám dỗ trong thời kỳ của chúng ta.4 Hôm nay, tôi muốn nói về cách chúng ta có thể nhận được quyền năng của Chúa và Đức Thầy của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta bắt đầu bằng cách học hỏi về Ngài.5 “Việc [chúng ta] được cứu rỗi trong sự ngu dốt là không thể được.”6 Chúng ta càng biết nhiều về giáo vụ và sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi7—và càng hiểu giáo lý của Ngài8 và điều Ngài đã làm cho chúng ta—thì chúng ta càng biết rằng Ngài có thể ban cho quyền năng mà chúng ta cần cho cuộc sống của mình.

Đầu năm nay, tôi đã yêu cầu những người thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội hiến dâng một phần thời gian của họ mỗi tuần để nghiên cứu mọi điều Chúa Giê Su đã phán và làm theo như đã được ghi lại trong các tác phẩm tiêu chuẩn.9 Tôi đã mời họ hãy để cho những đoạn trích dẫn trong thánh thư về Chúa Giê Su Ky Tô trong Topical Guide trở thành chương trình học tập chính yếu của cá nhân họ.10

Tôi đã đưa ra lời mời đó vì chính tôi cũng đã chấp nhận lời mời đó. Tôi đọc và gạch dưới mỗi câu trích dẫn về Chúa Giê Su Ky Tô, như đã được liệt kê dưới tiêu đề chính và 57 đề mục trong Topical Guide.11 Khi tôi hoàn tất sinh hoạt đầy hứng thú đó, vợ tôi hỏi điều này có ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi nói với vợ tôi: “Anh đã thành một người khác rồi!”

Tôi cảm thấy một lòng tận tụy mới mẻ đối với Ngài khi tôi đọc lại trong Sách Mặc Môn lời phán của Đấng Cứu Rỗi về sứ mệnh của Ngài trên trần thế. Ngài phán:

“Ta đến thế gian để thực hiện ý muốn của Cha ta, vì Cha ta đã sai ta đến.

“Và Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá.”12

Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta nói đến sứ mệnh của Ngài là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, mà làm cho sự phục sinh trở thành hiện thực cho tất cả mọi người và làm cho cuộc sống vĩnh cửu có thể đạt được đối với những người hối cải tội lỗi của họ và tiếp nhận cùng tuân giữ các giáo lễ thiết yếu và các giao ước của Ngài.

Thật là không đầy đủ về mặt giáo lý để nói về sự hy sinh chuộc tội của Chúa bằng các cụm từ viết cụt ngủn chẳng hạn như “Sự Chuộc Tội” hoặc “quyền năng làm cho có khả năng của Sự Chuộc Tội” hay “áp dụng Sự Chuộc Tội” hoặc “được củng cố bởi Sự Chuộc Tội.” Việc sử dụng những cụm từ này thật sự có nguy cơ làm chệch hướng đức tin bằng cách xem sự kiện này thể như tồn tại và có khả năng tách biệt khỏi Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Theo kế hoạch vĩnh cửu vĩ đại của Đức Chúa Cha, chính Đấng Cứu Rỗi đã chịu đau khổ. Chính Đấng Cứu Rỗi đã cắt đứt những dây trói buộc của sự chết. Chính Đấng Cứu Rỗi đã trả cái giá cho tội lỗi và sự phạm giới của chúng ta và loại bỏ chúng dựa vào điều kiện là chúng ta phải hối cải. Chính Đấng Cứu Rỗi đã giải thoát chúng ta khỏi cái chết thể xác và thuộc linh.

Không có một thực thể không có hình dạng nhất định nào tên là “Sự Chuộc Tội” mà chúng ta có thể kêu gọi để có được sự giúp đỡ, chữa lành, tha thứ, hoặc quyền lực cả. Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc. Các từ ngữ thiêng liêng như Sự Chuộc TộiSự Phục Sinh mô tả điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm, đúng theo kế hoạch của Đức Chúa Cha, để chúng ta có thể sống với hy vọng trong cuộc sống này và nhận được cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau. Sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi—hành động chính yếu trong suốt lịch sử nhận loại—được hiểu rõ nhất và biết ơn nhiều nhất khi chúng ta kết nối chính xác và rõ ràng với Ngài.

Tầm quan trọng của sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi đã được nhấn mạnh bởi Tiên Tri Joseph Smith, là người tuyên bố dứt khoát rằng “những nguyên tắc nền tảng của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri, về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài đã chết, được chôn cất và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là những phần phụ thêm vào chứng ngôn đó mà thôi.”13

Chính lời phát biểu này của Vị Tiên Tri đã tạo ra động lực cho 15 vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải công bố và ký tên vào chứng ngôn của họ để kỷ niệm ngày giáng sinh thứ 2000 của Chúa. Chứng ngôn lịch sử này có tựa đề là “Đấng Ky Tô Hằng Sống.”14 Nhiều tín hữu vẫn ghi nhớ những lẽ thật trong chứng ngôn đó. Những người khác hầu như không biết là có chứng ngôn đó. Khi các anh chị em tìm hiểu thêm về Chúa Giê Su Ky Tô, tôi khuyên nhủ các anh chị em hãy nghiên cứu “Đấng Ky Tô Hằng Sống.”

Khi dành thời gian vào việc học hỏi về Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài, chúng ta có khuynh hướng tham dự vào một yếu tố then chốt khác để tiếp cận quyền năng của Ngài: chúng ta chọn để có đức tin nơi Ngài và noi theo Ngài.

Các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô sẵn lòng đứng lên, mạnh dạn lên tiếng và khác biệt với mọi người trên thế gian. Họ đều quả cảm, tận tâm và can đảm. Tôi đã biết được các môn đồ như vậy trong một công việc chỉ định mới gần đây ở Mexico, ở đó tôi gặp gỡ các chức sắc chính phủ cũng như các vị lãnh đạo các giáo phái khác. Mỗi người đều đã cám ơn tôi về những nỗ lực quả cảm và thành công của các tín hữu chúng ta để bảo vệ và gìn giữ các cuộc hôn nhân và gia đình vững mạnh ở đất nước họ.

Không có điều gì dễ dàng hoặc tự động trong việc trở thành các môn đồ vững mạnh như vậy. Sự tập trung của chúng ta cần phải được dựa vào Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần để cố gắng hướng tới Ngài trong mọi ý nghĩ.15 Nhưng khi làm như vậy, những nỗi nghi ngờ và sợ hãi của chúng ta biến mất.16

Mới gần đây, tôi được biết về một em thiếu nữ lớp Laurel đầy dũng cảm. Em ấy được mời đại diện cho trường trung học của mình để tham dự một cuộc thi toàn tiểu bang diễn ra vào cùng một buổi tối mà em ấy đã cam kết tham dự một buổi họp của Hội Phụ Nữ giáo khu. Khi em ấy nhận thấy là hai sinh hoạt này đều trùng ngày trong lịch trình và giải thích với các chức sắc phụ trách cuộc thi rằng em ấy sẽ cần phải rời khỏi cuộc thi sớm để tham dự một buổi họp quan trọng, thì em ấy đã được cho biết là sẽ bị loại khỏi cuộc thi nếu làm như vậy.

Em thiếu nữ lớp Laurel Ngày Sau này đã làm gì? Em đã tuân giữ cam kết của mình để tham dự buổi họp của Hội Phụ Nữ. Như đã được cho biết, em đã bị loại ra khỏi cuộc thi toàn tiểu bang. Khi được hỏi về quyết định của mình, em ấy chỉ đáp: “Vâng, Giáo Hội quan trọng hơn, phải không?”

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô thúc đẩy chúng ta phải làm những điều mà chúng ta sẽ không làm nếu không có đức tin. Đức tin mà thúc đẩy chúng ta đến hành động cho chúng ta tiếp cận nhiều hơn với quyền năng của Ngài.

Chúng ta cũng gia tăng quyền năng của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình khi chúng ta lập các giao ước thiêng liêng và tuân giữ các giao ước đó một cách chính xác. Các giao ước của chúng ta ràng buộc chúng ta với Ngài và ban cho chúng ta quyền năng tin kính. Là các môn đồ trung tín, chúng ta hối cải và đi theo Ngài vào hồ nước báp têm. Chúng ta đi dọc theo con đường giao ước để nhận được các giáo lễ thiết yếu khác.17 Và chúng ta biết ơn về kế hoạch của Thượng Đế đã ban cho các phước lành để được làm thay cho các tổ tiên đã chết mà không có cơ hội nhận được các phước lành đó trong khi họ sống trên trần thế.18

Những người tuân giữ giao ước tìm cách giữ mình khỏi tì vết của thế gian, do đó sẽ không có điều gì ngăn cản sự tiếp cận của họ với quyền năng của Đấng Cứu Rỗi. Mới gần đây, một người vợ và người mẹ trung tín đã viết như sau: “Đây là thời kỳ khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi được phước để có được sự hiểu biết gia tăng về kế hoạch cứu rỗi và sự hướng dẫn đầy soi dẫn từ các vị tiên tri, sứ đồ, và các vị lãnh đạo nhân từ để giúp chúng ta an toàn vượt qua cơn bão tố trên biển đời. Chúng tôi đã ngừng thói quen vặn đài phát thanh vào buổi sáng. Thay vì thế, giờ đây chúng tôi lắng nghe một bài nói chuyện trong đại hội trung ương trên điện thoại di động mỗi sáng trong khi chúng tôi chuẩn bị mình cho một ngày nữa.”

Một yếu tố khác trong việc nhận được quyền năng của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của chúng ta là tìm đến với Ngài bằng đức tin. Sự tìm đến này đòi hỏi nỗ lực siêng năng đầy tập trung.

Người phụ nữ đang rờ vào áo của Đấng Cứu Rỗi

Anh chị em còn nhớ câu chuyện trong Kinh Thánh về người đàn bà đã chịu đựng trong 12 năm một căn bệnh mất huyết không?19 Người ấy đã thực hành đức tin lớn lao nơi Đấng Cứu Rỗi, và nói rằng: “Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành.”20

Người đàn bà trung tín đầy tập trung này cần phải vươn tay ra càng xa càng tốt để có thể tiếp cận được quyền năng của Ngài. Việc bà vươn tay ra tượng trưng cho sự vươn tới phần thuộc linh.

Nhiều người trong chúng ta đã thốt lên từ tận đáy sâu tâm hồn của mình câu nói giống như của người đàn bà này: “Nếu có thể vươn ra đủ về mặt thuộc linh để nhận được quyền năng của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của tôi, thì tôi sẽ biết cách giải quyết tình trạng đau lòng của mình. Tôi sẽ biết phải làm gì. Và tôi sẽ có khả năng để làm điều đó.”

Khi các anh chị em vươn tới được quyền năng của Chúa trong cuộc sống của mình với cùng một sức mạnh của một người đang chết đuối khi chộp lấy và thở không khí, thì quyền năng từ Chúa Giê Su Ky Tô sẽ thuộc về các anh chị em. Khi Đấng Cứu Rỗi biết các anh chị em thật sự muốn vươn tới Ngài—khi Ngài có thể cảm thấy rằng ước muốn lớn lao nhất trong lòng các anh chị em là nhận được quyền năng của Ngài vào cuộc sống của mình—các anh chị em sẽ được Đức Thánh Linh dẫn dắt để biết chính xác điều mình nên làm.21

Khi phần thuộc linh của các anh chị em vươn qua khỏi bất cứ điều gì mà các anh chị em đã từng làm trước đây, thì quyền năng của Ngài sẽ tuôn tràn vào anh chị em.22 Và sau đó các anh chị em sẽ hiểu được ý nghĩa sâu sắc của những lời chúng ta hát trong bài thánh ca “Thánh Linh của Thượng Đế”:

Giê Hô Va soi trí, thêm thông minh cho thánh đồ. …

Quyền oai như thông sáng Chúa yêu thương đang vang khắp nơi;

Bức màn che thế gian này cháy tiêu trong lửa thiêng.23

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô tràn đầy quyền năng của Ngài, dành sẵn cho mọi người con trai hay con gái đang thiết tha tìm kiếm của Thượng Đế. Tôi làm chứng rằng khi chúng ta nhận được quyền năng của Ngài vào cuộc sống của mình thì cả Ngài lẫn chúng ta đều sẽ vui mừng.24

Là một trong các nhân chứng đặc biệt của Ngài, tôi tuyên bố rằng Thượng Đế hằng sống! Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô! Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi trên thế gian! Vị tiên tri của Thượng Đế trên thế gian ngày nay là Chủ Tịch Thomas S. Monson, là người mà tôi hết lòng tán trợ. Tôi làm chứng như vậy với tình yêu thương và phước lành của tôi dành cho mỗi anh chị em, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem 2 Nê Phi 28:19–30.

  2. Xin xem Giăng 3:16.

  3. Chúa Giê Su là Đấng Đã Được Xức Dầu—đã được Cha Thiên Thượng xức dầu để trở thành Đấng đại diện riêng cho Ngài trong tất cả mọi sự việc liên quan đế sự cứu rỗi của nhân loại. Chúa Giê Su đã được xức dầu để trở thành Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Trước khi thế gian được tạo dựng, Chúa Giê Su đã được xức dầu để làm cho sự bất diệt trở thành sự thật và cuộc sống vĩnh cửu có thể thực hiện được cho tất cả các con cái của Thượng Đế (xin xem Giăng 17:24; 1 Phi E Rơ 1:20). Vì thế, Chúa Giê Su mang hai danh hiệu độc nhất vô nhị: Đấng Mê Si (Hê Bơ Rơ) và Đấng Ky Tô (Hy Lạp)—mỗi danh hiệu đều có nghĩa là “được xức dầu.” (Xin xem Bible Dictionary, “Anointed One.”)

  4. Chúng ta có thể tự bảo vệ mình bằng cách biết và sống theo lời của Thượng Đế (xin xem Ê Phê Sô 6:17–18; Giáo Lý và Giao Ước 27:18).

  5. Dưới sự hướng dẫn của Cha Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Sáng Tạo thế gian này (xin xem Giăng 1:2–3) và vô số thế giới khác (xin xem Môi Se 1:33). Rất lâu trước khi Ngài giáng sinh trên trần thế, Chúa Giê Su đã là Đức Giê Hô Va vĩ đại—Thượng Đế của Kinh Cựu Ước. Đó chính là Đức Giê Hô Va mà đã giao tiếp với Môi Se trên Núi Si Nai. Đó chính là Đức Giê Hô Va mà đã lập giao ước với Áp Ra Ham rằng tất cả mọi dân tộc trên thế gian đều sẽ được phước nhờ dòng dõi của Áp Ra Ham. Và đó chính là Đức Giê Hô Va mà đã lập giao ước với các gia đình trong gia tộc Y Sơ Ra Ên. Chúa Giê Su cũng là Đấng Em Ma Nu Ên, như đã được Ê Sai nói tiên tri (xin xem Ê Sai 7:14).

  6. Giáo Lý và Giao Ước 131:6.

  7. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:40–41.

  8. Xin xem 2 Nê Phi 31:2–21.

  9. Kinh Thánh, Sách Mặc Môn, Sách Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá.

  10. Xin xem Topical Guide, “Jesus Christ.” Ngoài những chữ dưới phần tiêu đề chính ra, còn có 57 tiêu đề phụ về Ngài. Đối với các ấn bản thánh thư không phải bằng tiếng Anh, hãy sử dụng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

  11. Có hơn 2.200 mục liệt kê là trích dẫn trong 18 trang Topical Guide này.

  12. 3 Nê Phi 27:13–14.

  13. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 49.

  14. Xin xem “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” Liahona, tháng Tư năm 2000, 2–3.

  15. Xin xem Hê La Man 8:15.

  16. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:36.

  17. Chúa Giê Su Ky Tô dạy chúng ta về tầm quan trọng của các giáo lễ thiêng liêng, chẳng hạn như phép báp têm (xin xem Giăng 3:5), tiệc thánh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:9), và các giáo lễ thiên ân và gắn bó của đền thờ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 124:39–42).

  18. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 124:29–32.

  19. Xin xem Lu Ca 8:43–44.

  20. Mác 5:28.

  21. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:63.

  22. Khi người phụ nữ trung tín rờ vào áo của Đấng Cứu Rỗi, Ngài lập tức phản ứng: “Ta nhận biết có quyền phép từ ta mà ra” (Lu Ca 8:46; sự nhấn mạnh được thêm vào).

  23. “Thánh Linh của Thượng Đế,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi trang 28.

  24. Xin xem 3 Nê Phi 17:20.