Càng Lúc Càng Sáng Tỏ cho Đến Ngày Hoàn Toàn
Ngay cả trong những thời gian khó khăn và tối tăm nhất, thì ánh sáng và sự tốt lành vẫn sẽ còn xung quanh chúng ta.
Phao Lô đã chia sẻ một sứ điệp tuyệt vời về niềm hy vọng với người Cô Rinh Tô:
“Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế nhưng không ngã lòng;
“Bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất.”1
Nguồn hy vọng của Phao Lô là gì? Hãy lắng nghe lời chính ông giải thích: “Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Giê Su Ky Tô.”2
Ngay cả trong những lúc khó khăn và tối tăm nhất, thì ánh sáng và sự tốt lành vẫn sẽ còn xung quanh chúng ta. Tháng Mười năm ngoái, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta được vây quanh bởi một số lượng lớn ánh sáng và lẽ thật kỳ diệu đến mức tôi tự hỏi liệu chúng ta có thực sự biết ơn điều mình có không.”3
Tuy nhiên, kẻ nghịch thù của chúng ta lại thường muốn chúng ta tập trung vào “đám sương mù tối đen … làm mù quáng và khiến lòng dạ … chai đá… , cùng dẫn dắt … lạc lối.”4
Tuy nhiên, với sự hiểu biết trọn vẹn về những thử thách của thời kỳ chúng ta, Chúa hứa: “Những gì của Thượng Đế đều là ánh sáng; và kẻ nào nhận được ánh sáng, và bền lòng nơi Thượng Đế, thì sẽ nhận được thêm ánh sáng; và ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn.”5
Chúng ta là con cái của Thượng Đế. Chúng ta được sáng tạo ra để tiếp nhận ánh sáng, tiếp tục ở trong Thượng Đế, và nhận được thêm nhiều ánh sáng hơn. Ngay từ lúc ban đầu, chúng ta đã đi theo ánh sáng; chúng ta đã tuân theo Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài. Việc tìm kiếm ánh sáng nằm trong con người thuộc linh của chúng ta.
Tôi đã được nghe lẽ thật vĩnh cửu này được giảng dạy tuyệt vời ở một nơi không ngờ. Trong khi tôi đang làm việc cho một ngân hàng lớn, tôi đã được mời tham dự một khóa học tại trường University of Michigan dành cho các doanh nhân. Trong khóa học này, Giáo Sư Kim Cameron đã giảng dạy khái niệm về sự lãnh đạo tích cực và bản năng của con người muốn được lãnh đạo một cách hiệu quả. Ông giải thích: “Điều này ám chỉ khuynh hướng trong tất cả các hệ thống sống đối với năng lượng cực dương [ánh sáng] và tránh xa năng lượng cực âm [bóng tối]. Từ các sinh vật đơn bào đến các hệ thống phức tạp của con người, mọi sinh vật đều có khuynh hướng cố hữu đối với năng lượng cực dương và tránh xa năng lượng cực âm.”6
Được hỗ trợ bởi rất nhiều cuộc nghiên cứu, ông đã tập trung vào ba thành phần quan trọng của một văn hoá làm việc thành công: lòng trắc ẩn, sự tha thứ, và lòng biết ơn.7 Thật là hoàn toàn hợp lý khi mọi người hướng tới năng lượng cực dương (ánh sáng), thì các thuộc tính được minh họa hoàn hảo bởi Ánh Sáng của Thế Gian, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ có mặt!
Thưa các anh chị em, xin hãy cảm thấy an ủi rằng ánh sáng có sẵn cho chúng ta. Tôi xin được đề nghị ba nơi mà chúng ta sẽ luôn luôn tìm thấy ánh sáng:
1. Ánh Sáng của Giáo Hội
Giáo Hội là ngọn hải đăng cho một thế giới tăm tối. Đây là thời điểm tuyệt vời để trở thành một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô! Giáo Hội đang vững mạnh hơn bao giờ hết8 và càng ngày càng vững mạnh hơn khi các tín hữu mới gia nhập với chúng ta, các giáo đoàn mới được thiết lập, những người truyền giáo mới được kêu gọi và các lãnh thổ mới được mở ra cho phúc âm. Chúng ta thấy những người đã rời bỏ Giáo Hội một thời gian giờ đây đang trở lại khi sự giải cứu mà Chủ Tịch Thomas S. Monson đã hình dung hiện đang mang lại những phép lạ hàng ngày.
Mới gần đây, tôi đã đến thăm giới trẻ ở Paraguay, Uruguay, Chile, và Argentina trong thời gian đại hội Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. Hàng ngàn thanh niên nam nữ đã dành một tuần để củng cố tình yêu mến của họ đối với Đấng Cứu Rỗi, rồi sau đó trở về nhà với gia đình và bạn bè của họ với gương mặt rạng rỡ ánh sáng và tình yêu thương của Đấng Ky Tô.
Lúc nào cũng sẽ có người chỉ trích Giáo Hội. Điều này đã từng là như vậy từ ban đầu và sẽ tiếp tục cho đến cuối cùng. Nhưng chúng ta không thể cho phép những lời chỉ trích như vậy làm giảm đi sự nhạy cảm của chúng ta đối với ánh sáng dành sẵn cho chúng ta. Việc nhận ra và tìm kiếm ánh sáng sẽ làm cho chúng ta đủ điều kiện để có thêm ánh sáng nữa.
Trong một thế giới tăm tối, ánh sáng của Giáo Hội sẽ càng lúc càng sáng tỏ cho đến khi sáng như giữa ban trưa.
2. Ánh Sáng Phúc Âm
Ánh sáng phúc âm là con đường “càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa,”9 và nó chiếu sáng nhất trong gia đình chúng ta và trong đền thờ trên khắp thế giới.
Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta dạy rằng: “Qua ánh sáng của phúc âm, gia đình có thể giải quyết được những hiểu lầm, những tranh chấp và thử thách. Gia đình xâu xé vì bất hòa có thể được hàn gắn qua sự hối cải, tha thứ, và đức tin trong quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”10 Giờ đây hơn bao giờ hết, gia đình chúng ta phải là nguồn ánh sáng chan hòa cho mọi người xung quanh. Gia đình có thêm ánh sáng khi họ gia tăng tình yêu thương và lòng nhân từ. Khi một gia đình được đặt trên nền tảng của “đức tin, … sự hối cải, sự tha thứ, kính trọng, yêu thương, [và] trắc ẩn,”11 thì chúng ta sẽ cảm thấy tình yêu thương gia tăng đối với Đấng Cứu Rỗi và đối với nhau. Gia đình sẽ tăng trưởng vững mạnh hơn, và ánh sáng nơi mỗi người chúng ta sẽ chiếu rực rỡ hơn nữa.
Chúng ta đọc trong phần Bible Dictionary (từ điển Kinh Thánh) trong phiên bản Kinh Thánh tiếng Anh của Thánh Hữu Ngày Sau: “Chỉ có nhà của chúng ta mới có thể so sánh với đền thờ về sự thiêng liêng.”12 Chúng ta hiện có 155 ngôi đền thờ hoạt động và sẽ sớm có thêm nhiều đền thờ nữa. Càng ngày càng có nhiều gia đình được làm lễ gắn bó cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu. Các tín hữu đang nộp tên của tổ tiên càng ngày càng nhiều hơn cho đền thờ để thực hiện các giáo lễ cứu rỗi của họ. Chúng ta thực sự đang cảm nhận được niềm vui lớn lao và sự ca tụng ở cả hai bên bức màn che!
Trong một thế giới tăm tối, ánh sáng phúc âm sẽ càng lúc càng sáng tỏ cho đến giữa ban trưa.
3. Ánh Sáng của Đấng Ky Tô
Các anh chị em không thể nói về ánh sáng trong thế gian mà lại không nói về Ánh Sáng của Thế Gian, Chúa Giê Su Ky Tô. Một biểu hiện của tình yêu thương của Cha Thiên Thượng là tất cả những ai đến với cuộc sống này đều được ban phước với Ánh Sáng của Đấng Ky Tô để giúp họ trở về nhà. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã dạy: “Thánh Linh của Đấng Ky Tô luôn luôn hiện diện. … Ánh Sáng của Đấng Ky Tô có ở khắp mọi nơi giống như chính ánh sáng mặt trời. Bất cứ nơi nào có con người, thì có Thánh Linh của Đấng Ky Tô.”13 Ánh Sáng của Đấng Ky Tô “luôn luôn mời mọc và thuyết phục loài người làm điều thiện”14 và chuẩn bị cho tất cả những người nào tìm kiếm sự tốt lành và lẽ thật để tiếp nhận Đức Thánh Linh.
Đấng Cứu Rỗi dạy rằng Ngài là ánh sáng “soi sáng mắt các [anh chị em],” “làm cho sự hiểu biết của các [anh chị em] được linh hoạt,” và “đem sự sống cho tất cả mọi vật.”15 Ánh Sáng của Đấng Ky Tô sẽ giúp chúng ta thấy người khác như Đấng Cứu Rỗi thấy họ. Chúng ta sẽ nhân từ và thông cảm hơn với những khó khăn của người khác. Ánh sáng này sẽ giúp chúng ta kiên nhẫn hơn với những người không thờ phượng hoặc phục vụ như chúng ta. Ánh sáng này sẽ giúp chúng ta hiểu trọn vẹn hơn kế hoạch hạnh phúc vĩ đại và thấy được làm thế nào chúng ta đều là một phần của kế hoạch yêu thương tuyệt vời này. Ánh sáng này mang lại sự sống, ý nghĩa và mục đích cho tất cả những gì chúng ta làm. Giờ đây, với tất cả niềm hạnh phúc sẽ đến với chúng ta khi chúng ta hiểu trọn vẹn hơn Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, niềm vui đó sẽ vẫn không so sánh được với niềm vui mà chúng ta cảm nhận khi thấy Ánh Sáng của Đấng Ky Tô tác động đến những người khác—gia đình, bạn bè, và thậm chí cả những người hoàn toàn lạ mặt nữa.
Tôi cảm nhận được niềm vui đó khi nghe về những nỗ lực của một nhóm lính cứu hỏa dũng cảm đã chiến đấu để cứu một trung tâm giáo khu đang cháy ở Miền Nam California năm 2015. Trong khi ngọn lửa đang hoành hành, thì một vị chỉ huy tiểu đoàn lính cứu hỏa đã gọi điện thoại cho một người bạn Thánh Hữu Ngày Sau để hỏi những di vật thiêng liêng và các chén đựng nước Tiệc Thánh đang được cất ở đâu để họ có thể đem những vật đó ra ngoài để khỏi bị cháy. Người bạn của vị ấy bảo đảm với vị ấy rằng không có di vật thiêng liêng nào cả cũng như các chén đựng nước Tiệc Thánh nếu bị cháy cũng có thể thực sự thay thế được cả. Nhưng vị chỉ huy cảm thấy mình nên làm nhiều hơn, nên ông đã gửi các lính cứu hỏa trở vào tòa nhà đang cháy để mang tất cả các bức tranh vẽ Đấng Ky Tô xuống từ trên tường để chúng không bị cháy. Thậm chí họ còn để một bức tranh trong một xe cứu hỏa với hy vọng rằng các lính cứu hỏa có thể được canh chừng nữa. Tôi thực sự cảm động trước lòng tử tế, nhân từ và sự nhạy cảm của vị chỉ huy đối với Ánh Sáng trong lúc nguy hiểm và khó khăn.
Trong một thế giới tăm tối, Ánh Sáng của Đấng Ky Tô sẽ càng lúc càng sáng tỏ cho đến giữa ban trưa!
Tôi lặp lại một lần nữa những lời của Sứ Đồ Phao Lô: “Chúng ta hãy mặc lấy áo giáp sáng láng.”16 Tôi làm chứng về Đấng Ky Tô. Ngài là Ánh Sáng của Thế Gian. Tôi cầu xin rằng chúng ta có thể được củng cố bởi ánh sáng có sẵn cho chúng ta qua việc tham dự tích cực hơn vào giáo hội và áp dụng thường xuyên hơn các nguyên tắc phúc âm trong gia đình của mình. Tôi cầu xin rằng chúng ta liên tục thấy Ánh Sáng của Đấng Ky Tô nơi những người khác và giúp họ nhìn thấy ánh sáng đó nơi bản thân họ. Khi nhận được ánh sáng đó, chúng ta sẽ được ban phước với thêm nhiều ánh sáng hơn, thậm chí cho đến giữa ban trưa khi chúng ta một lần nữa thấy được “Cha ánh sáng,”17 Cha Thiên Thượng của chúng ta. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Ánh Sáng của Thế Gian, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.