Thiên Chủ Đoàn và Kế Hoạch Cứu Rỗi
Vì chúng ta có lẽ thật về Thiên Chủ Đoàn và mối quan hệ của chúng ta với các Ngài, nên chúng ta có bản đồ đường đi tốt nhất và bảo đảm cho cuộc hành trình của chúng ta trong suốt trần thế.
I.
Tín điều thứ nhất của chúng ta nói rằng: “Chúng tôi tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và nơi Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Đức Thánh Linh.” Chúng ta cùng với các Ky Tô hữu khác đều có sự tin tưởng này nơi một Đức Chúa Cha và một Vị Nam Tử và một Đức Thánh Linh, nhưng điều mà chúng ta tin về các Ngài thì khác với niềm tin của những người khác. Chúng ta không tin vào những gì mà thế giới Ky Tô hữu gọi là giáo lý Chúa Ba Ngôi. Trong Khải Tượng Thứ Nhất của mình, Joseph Smith đã thấy hai nhân vật khác nhau, hai Đấng, như vậy làm sáng tỏ rằng những niềm tin phổ biến lúc bấy giờ về Thượng Đế và Thiên Chủ Đoàn là không đúng.
Trái với niềm tin rằng Thượng Đế là một nhân vật huyền bí không thể hiểu được và không thể biết được là sự thật rằng thiên tính của Thượng Đế và mối quan hệ của chúng ta với Ngài là có thể biết được và là chìa khóa cho mọi điều khác trong giáo lý của chúng ta. Kinh Thánh ghi lại lời cầu nguyện quan trọng thay cho loài người, mà trong đó Ngài nói rằng: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).
Nỗ lực để biết được Thượng Đế và công việc của Ngài đã bắt đầu trước khi cuộc sống trần thế và sẽ không kết thúc ở đây. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Sẽ là một thời gian khá lâu sau khi các anh chị em bước qua tấm màn che trước khi các anh chị em học được … tất cả các nguyên tắc về sự tôn cao.”1 Chúng ta tích lũy sự hiểu biết mình đã có được trong tiền dương thế linh hồn. Như vậy, trong khi cố gắng giảng dạy cho dân Y Sơ Ra Ên về thiên tính của Thượng Đế và mối liên hệ của Ngài với con cái của Ngài, tiên tri Ê Sai đã nói, như đã được chép trong Kinh Thánh:
“Vậy thì các ngươi có thể ví Đức Chúa Trời với ai, lấy ảnh tượng nào mà so sánh với Ngài được? …
“Các ngươi không biết sao? Vậy thì các ngươi không nghe sao? Người ta há chưa dạy cho các ngươi từ lúc ban đầu? Các ngươi há chẳng hiểu từ khi dựng nền đất?” (Ê Sai 40:18, 21).
Chúng ta biết rằng ba Đấng trong Thiên Chủ Đoàn đều là riêng biệt và khác nhau. Chúng ta biết điều này từ lời chỉ dạy của Tiên Tri Joseph Smith: “Đức Chúa Cha có một thể xác bằng xương và thịt hữu hình như loài người; và luôn cả Đức Chúa Con cũng vậy; nhưng Đức Thánh Linh thì không có thể xác bằng xương và thịt, nhưng là một Đấng Linh Hồn. Nếu không phải như vậy thì Đức Thánh Linh không thể ở trong chúng ta được” (GLGƯ 130:22).
Tiên Tri Joseph giải thích về vị trí tối cao của Thượng Đế Đức Chúa Cha trong Thiên Chủ Đoàn, cũng như các vai trò tương ứng mà mỗi Đấng đảm nhận:
“Bất cứ người nào đã nhìn thấy các tầng trời mở rộng đều biết có ba Đấng trên thiên thượng nắm giữ các chìa khóa của quyền năng, và một Đấng chủ tọa tất cả. …
“… Ba Đấng này … được gọi là Thượng Đế thứ nhất, Đấng Sáng Tạo; Thượng Đế thứ nhì, Đấng Cứu Chuộc; và Thượng Đế thứ ba, Đấng Làm Chứng.
“[Chính là] trong phạm vi thẩm quyền của Đức Chúa Cha để chủ tọa với tư cách là Đấng Lãnh Đạo hoặc Chủ Tịch, Chúa Giê Su là Đấng Trung Gian, và Đức Thánh Linh là Đấng Làm Chứng.”2
II. Kế Hoạch
Chúng ta hiểu mối liên hệ của chúng ta với các Đấng trong Thiên Chủ Đoàn từ những gì được mặc khải về kế hoạch cứu rỗi.
Những câu hỏi như “Chúng ta từ đâu đến?” “Tại sao chúng ta có mặt ở đây?” và “Chúng ta sẽ đi đâu?” đều được trả lời trong điều mà thánh thư gọi là “kế hoạch cứu rỗi,” “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại,” hoặc “kế hoạch cứu chuộc” (An Ma 42:5, 8, 11). Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của kế hoạch này.
Là con cái linh hồn của Thượng Đế, trong cuộc sống trước khi đến trần thế, chúng ta mong muốn một vận mệnh là có được cuộc sống vĩnh cửu nhưng đã tiến triển đến mức chúng ta không thể tiến triển được nữa nếu không có một kinh nghiệm trần thế trong một thể xác. Để cung cấp cơ hội đó, Cha Thiên Thượng của chúng ta đã chủ tọa Sự Sáng Tạo thế gian này, nơi mà khi không còn nhớ về điều đã xảy ra trước khi được sinh ra trên trần thế, chúng ta có thể chứng tỏ sự sẵn lòng để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, và trải qua kinh nghiệm cùng tăng trưởng qua những thử thách khác của cuộc sống trần thế. Nhưng trong tiến trình của kinh nghiệm trần thế đó, và vì Sự Sa Ngã của tổ phụ và tổ mẫu đầu tiên của mình, nên chúng ta phải chịu trải qua cái chết thuộc linh bằng cách bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế, bị ô uế bởi tội lỗi, và phải chịu trải qua cái chết thể xác. Kế hoạch của Đức Chúa Cha đã dự trù và cung cấp những cách để khắc phục tất cả những trở ngại đó.
III. Thiên Chủ Đoàn
Vì biết được mục đích của kế hoạch vĩ đại của Thượng Đế, nên bây giờ chúng ta hãy xem xét các vai trò tương ứng của ba Đấng trong Thiên Chủ Đoàn trong kế hoạch đó.
Chúng ta bắt đầu bằng một lời giảng dạy từ Kinh Thánh. Khi kết thúc lá thư thứ hai của mình viết cho người Cô Rinh Tô, Sứ Đồ Phao Lô đưa ra một sự chỉ dẫn mà gần như không chuẩn bị về Thiên Chủ Đoàn của Đức Chúa Cha, Vị Nam Tử và Đức Thánh Linh: “Nguyền xin ơn của Đức Chúa Giê Su Ky Tô, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông [hoặc tình thân hữu”3] của Đức Thánh Linh ở với anh em hết thảy.” (2 Cô Rinh Tô 13:14).
Câu trong Kinh Thánh này mô tả Thiên Chủ Đoàn và đề cập tới tình yêu thương được xác định rõ ràng và đầy động lực của Đức Chúa Cha, sứ mệnh thương xót và cứu rỗi của Chúa Giê Su Ky Tô, và tình bằng hữu của Đức Thánh Linh.
Đức Chúa Cha
Tất cả đều bắt đầu với Đức Chúa Cha. Trong khi chúng ta biết tương đối ít về Ngài, điều chúng ta biết là thiết yếu trong việc hiểu biết vị trí tối cao của Ngài, mối quan hệ của chúng ta với Ngài, và vai trò giám sát của Ngài trong kế hoạch cứu rỗi, Sự Sáng Tạo, và tất cả những điều khác đi kèm theo.
Như Anh Cả Bruce R. McConkie đã viết ngay trước khi qua đời: “Trong ý nghĩa tột bậc và quan trọng nhất của từ này, thì chỉ có một Thượng Đế chân thật và hằng sống. Ngài là Đức Chúa Cha, Đấng Toàn Năng Ê Lô Him, Đấng Tối Cao, Đấng Sáng Tạo và Đấng Trị Vì vũ trụ.”4 Ngài là Thượng Đế và là Cha của Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như tất cả chúng ta. Chủ Tịch David O. McKay đã dạy rằng “lẽ thật cơ bản đầu tiên được Chúa Giê Su Ky Tô ủng hộ là như thế này, Thượng Đế Đức Chúa Cha, Chúa của trời và đất chủ tọa tất cả.”5
Điều chúng ta biết về thiên tính của Thượng Đế Đức Chúa Cha phần lớn là điều chúng ta có thể học được từ giáo vụ và những lời giảng dạy của Con Trai Độc Sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Như Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy, một trong những mục đích tối cao của giáo vụ của Chúa Giê Su là mặc khải cho người trần thế biết “Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu là như thế nào … mặc khải và cho cá nhân chúng ta biết về thiên tính đích thực của Cha Ngài, Cha Thiên Thượng của chúng ta.”6 Kinh Thánh ghi lại lời chứng của các vị sứ đồ rằng Chúa Giê Su là “hình bóng của bản thể” của Cha Ngài (Hê Bơ Rơ 1:3), chỉ phát triển thêm lời giảng dạy của chính Chúa Giê Su rằng “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha.” (Giăng 14:9).
Thượng Đế Đức Chúa Cha là Cha linh hồn của chúng ta. Chúng ta là con cái của Ngài. Ngài yêu thương chúng ta, và tất cả những gì Ngài làm là vì lợi ích vĩnh cửu của chúng ta. Ngài sáng tạo kế hoạch cứu rỗi, và chính là qua quyền năng của Ngài mà kế hoạch của Ngài đạt được các mục đích của nó vì vinh quang tột bậc của con cái Ngài.
Vị Nam Tử
Đối với con người trần thế, Đấng hữu hình nhất trong Thiên Chủ Đoàn là Chúa Giê Su Ky Tô. Một lời phát biểu về giáo lý quan trọng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn năm 1909 tuyên bố rằng Ngài là “con đầu lòng trong số tất cả các con trai của Thượng Đế—con đầu sinh trong linh hồn, và con độc sinh trong xác thịt.”7 Vị Nam Tử, Đấng vĩ đại hơn hết, được Đức Chúa Cha chọn để thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Cha—sử dụng quyền năng của Đức Chúa Cha để tạo ra vô số thế giới (xin xem Môi Se 1:33) và cứu rỗi con cái của Thượng Đế khỏi cái chết nhờ vào Sự Phục Sinh của Ngài và khỏi tội lỗi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài. “Sự hy sinh cao quý” này được gọi chính xác là “hành động chính yếu trong suốt lịch sử nhân loại.”8
Vào những dịp độc nhất vô nhị và thiêng liêng đó khi Thượng Đế Đức Chúa Cha đích thân giới thiệu Vị Nam Tử, Ngài đã phán: “Đây là Con Trai yêu quý của ta: hãy nghe lời Người” (Mác 9:7, Lu Ca 9:35, xin xem thêm 3 Nê Phi 11:7; Joseph Smith—Lịch Sử 1:17). Vì thế, chính Chúa Giê Su Ky Tô, là Đức Giê Hô Va, Chúa Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, là Đấng phán bảo với và qua các vị tiên tri.9 Chính vì vậy, khi Chúa Giê Su hiện đến cùng dân Nê Phi sau khi Ngài phục sinh, Ngài đã tự giới thiệu là “Thượng Đế của cả thế gian này” (3 Nê Phi 11:14). Chính vì vậy, Chúa Giê Su thường phán bảo với các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn và với Các Thánh Hữu Ngày Sau với tư cách là “Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con,” một danh hiệu được giải thích trong bài thuyết giảng đầy soi dẫn về giáo lý của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai chỉ mới cách đây 100 năm trước.10
Đức Thánh Linh
Đấng thứ ba của Thiên Chủ Đoàn là Đức Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa và Đấng An Ủi. Ngài là Đấng trong Thiên Chủ Đoàn là tác nhân của sự mặc khải cá nhân. Là một Đấng linh hồn (xin xem GLGƯ 130: 22), Ngài có thể ngự trong chúng ta và thực hiện vai trò thiết yếu của Đấng truyền đạt giữa Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử cùng các con cái của Thượng Đế trên thế gian. Nhiều thánh thư dạy rằng sứ mệnh của Ngài là làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử (xin xem Giăng 15:26; 3 Nê Phi 28:11; GLGƯ 42:17). Đấng Cứu Rỗi đã hứa rằng Đấng An Ủi sẽ dạy dỗ mọi sự, nhắc lại cho chúng ta nhớ mọi điều, và hướng dẫn chúng ta đến với mọi lẽ thật (xin xem Giăng 14:26; 16:13). Như vậy, Đức Thánh Linh giúp chúng ta phân biệt giữa sự thật và sự giả mạo, hướng dẫn chúng ta trong những quyết định trọng đại của mình, và giúp chúng ta vượt qua những thử thách trên trần thế.11 Ngài cũng là phương tiện mà qua đó chúng ta được thánh hóa, nghĩa là được thanh tẩy và thanh sạch khỏi tội lỗi (xin xem 2 Nê Phi 31:17; 3 Nê Phi 27:20; Mô Rô Ni 6:4).
IV.
Vậy thì làm thế nào việc hiểu biết giáo lý thiêng liêng đã được mặc khải này về Thiên Chủ Đoàn và kế hoạch cứu rỗi giúp chúng ta với những thử thách của chúng ta ngày nay?
Vì chúng ta có lẽ thật về Thiên Chủ Đoàn và mối quan hệ của chúng ta với các Ngài, mục đích của cuộc sống, và tính chất của vận mệnh vĩnh cửu của mình, nên chúng ta có bản đồ đường đi tốt nhất và bảo đảm cho cuộc hành trình của chúng ta trong suốt trần thế. Chúng ta biết phải thờ phượng ai và tại sao chúng ta thờ phượng. Chúng ta biết mình là ai và con người mà chúng ta có thể trở thành (xem GLGƯ 93:19). Chúng ta biết ai làm cho tất cả mọi điều có thể thực hiện được, và chúng ta biết điều chúng ta phải làm để vui hưởng các phước lành tột bậc có được nhờ vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế. Làm thế nào để chúng ta biết được tất cả những điều này? Chúng ta biết được nhờ vào những điều mặc khải của Thượng Đế ban cho các vị tiên tri của Ngài và cho riêng mỗi người chúng ta.
Việc đạt được điều mà Sứ Đồ Phao Lô đã mô tả là “được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô (Ê Phê Sô 4:13) đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đạt được sự hiểu biết. Việc chúng ta được thuyết phục về phúc âm cũng chưa đủ; chúng ta còn phải hành động và suy nghĩ để được phúc âm cải đổi. Trái với các tổ chức trên thế giới, mà giảng dạy cho chúng ta biết một điều gì đó, thì kế hoạch cứu rỗi và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thử thách chúng ta trở thành một con người nào đó.
Như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta trong đại hội trung ương năm ngoái:
“Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô là thiết yếu trong kế hoạch [cứu rỗi]. Nếu không có sự hy sinh chuộc tội của Ngài, thì mọi người sẽ chết phần thuộc linh. Tuy nhiên, chỉ tin nơi Ngài và sứ mệnh của Ngài không thôi thì cũng không đủ. Chúng ta cần phải cố gắng, học hỏi, tìm kiếm và cầu nguyện, hối cải và cải thiện. Chúng ta cần phải biết và sống theo các luật pháp của Thượng Đế. Chúng ta cần phải tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi của Ngài. Chỉ bằng cách làm như vậy thì chúng ta mới có được hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. ”
Chủ Tịch Monson khẳng định: “Từ đáy sâu tâm hồn tôi, và với tất cả lòng khiêm nhường. Tôi làm chứng về ân tứ kỳ diệu, chính là kế hoạch của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta. Đây là một con đường hoàn hảo dẫn đến sự bình an và hạnh phúc ở nơi đây lẫn trong thế giới mai sau.”12
Tôi thêm chứng ngôn của tôi vào chứng ngôn của vị tiên tri và chủ tịch yêu dấu của chúng ta. Tôi làm chứng rằng chúng ta có một Cha Thiên Thượng, là Đấng yêu mến chúng ta. Tôi làm chứng rằng chúng ta có Đức Thánh Linh, là Đấng hướng dẫn chúng ta. Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, là Đấng làm cho mọi việc có thể thực hiện được, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.