Các bài học từ Sách Mặc Môn
Một Sự Thay Đổi Lớn Lao trong Lòng
Nhờ có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta không những có thể được tẩy sạch tội lỗi; mà chúng ta còn được chữa lành khỏi bản chất của tội lỗi.
Với Sự Sa Ngã của A Đam, bệnh tật và tội lỗi đến với thế gian. Cả hai đều mang đến tai ương trong mỗi khía cạnh tương ứng của chúng, về mặt thể xác hay về mặt thuộc linh. Trong tất cả các thể loại bệnh, có lẽ không có loại nào lan tràn hoặc tàn phá nghiêm trọng như ung thư. Tại một số quốc gia, hơn một phần ba dân số mắc phải một dạng ung thư nào đó, và căn bệnh này là nguyên nhân của gần một phần tư tổng số người chết.1 Ung thư thường bắt đầu với một tế bào đơn, quá nhỏ bé đến nỗi nó chỉ có thể được quan sát bằng kính hiển vi. Nhưng nó có khả năng phát triển và lan rộng nhanh chóng.
Các bệnh nhân ung thư phải được điều trị để làm thuyên giảm các tế bào ung thư. Việc hoàn toàn thuyên giảm có nghĩa là không còn phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của căn bệnh nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia nhanh chóng giải thích rằng mặc dù một bệnh nhân có thể đang trong giai đoạn thuyên giảm, không có nghĩa là người ấy đã được chữa lành.2 Do đó, mặc dù sự thuyên giảm mang lại hy vọng và cảm giác khuây khỏa, các bệnh nhân ung thư vẫn luôn luôn hy vọng một điều gì đó hơn cả sự thuyên giảm—họ hy vọng được chữa lành. Theo như một tài liệu: “Để đưa ra kết luận là một người được chữa khỏi ung thư, thì người đó phải chờ xem liệu tế bào ung thư có quay lại nữa không, vì vậy, thời gian là một yếu tố quyết định. Nếu một bệnh nhân vẫn ở trong tình trạng thuyên giảm trong một vài năm, thì bệnh ung thư có thể đã được chữa khỏi. Một số loại ung thư nhất định có thể tái phát sau nhiều năm thuyên giảm.”3
Bệnh Tật và Tội Lỗi
Như căn bệnh ung thư hủy hoại cơ thể, tội lỗi cũng hủy hoại linh hồn, thậm chí còn đáng sợ hơn. Tội lỗi thường bắt đầu nhỏ nhặt—đôi khi nhỏ đến mức không thể nhận thấy—nhưng nó có khả năng phát triển nhanh chóng. Nó làm mục nát, rồi làm suy yếu, và cuối cùng giết chết tâm hồn. Nó là nguyên nhân chính—thật ra, là nguyên nhân duy nhất—của cái chết thuộc linh trong mọi tạo vật. Cách chữa trị cho tội lỗi là sự hối cải. Sự hối cải thật sự có 100 phần trăm hiệu quả trong việc giúp người phạm tội được thuyên giảm, tức là mang đến sự xá miễn tội lỗi. Sự xá miễn này đem lại sự giải thoát và niềm vui cho tâm hồn. Tuy nhiên, việc nhận được sự xá miễn tội lỗi và dứt hẳn các triệu chứng cùng hậu quả của nó thường không nhất thiết có nghĩa là người phạm tội đã hoàn toàn được chữa lành. Có một điều gì đó trong tấm lòng của người sa ngã mà cho phép hoặc dễ mắc phải tội lỗi. Do đó, tội lỗi có thể tái diễn, thậm chí sau nhiều năm thuyên giảm. Việc tiếp tục được thuyên giảm, hay nói cách khác, giữ được sự xá miễn của tội lỗi, là quan trọng để hoàn toàn được chữa lành.
Được Thanh Sạch và Chữa Lành
Sự so sánh này giúp chúng ta hiểu rằng về phần thuộc linh, chúng ta không chỉ cần phải được thanh sạch khỏi tội lỗi mà còn được chữa lành khỏi bản chất của tội lỗi. Cuộc chiến giữa ước muốn làm điều tốt với bản chất thiên nhiên làm điều xấu của chúng ta có thể khiến chúng ta rất mệt mỏi. Nếu trung tín, thì chúng ta sẽ chiến thắng vẻ vang không chỉ vì đã dùng ý chí bắt buộc bản chất thiên nhiên, nhưng còn bởi vì chúng ta đã chịu theo ý muốn của Thượng Đế và Ngài đã thay đổi bản chất chúng ta.
Vua Bên Gia Min đã dạy, “Vì con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế, và từ lúc sự sa ngã của A Đam đến nay, và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, … nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa” (Mô Si A 3:19). Để đáp lại lời dạy này và những lời dạy khác, người dân của Vua Bên Gia Min đã cầu nguyện: “Xin hãy thương xót, và hãy áp dụng máu chuộc tội của Đấng Ky Tô để chúng tôi có thể nhận được sự tha thứ tội lỗi của chúng tôi, và trái tim chúng tôi có thể được thanh tẩy” (Mô Si A 4:2; sự nhấn mạnh được thêm vào). Sau khi họ cầu nguyện, Chúa đã đáp lại hai yêu cầu của họ. Đầu tiên, “Thánh Linh của Chúa giáng xuống trên họ, và họ tràn đầy hân hoan, vì đã nhận được sự xá miễn tội lỗi của mình và có được sự yên ổn trong lương tâm” (Mô Si A 4:3).
Khi thấy dân ông đang được “xá miễn tội lỗi,” Vua Bên Gia Min đã khẩn nài họ hướng đến sự chữa lành trọn vẹn qua việc dạy họ cách để ở trong sự xá miễn đó (xin xem Mô Si A 4:11–30). Ông hứa rằng: “Nếu các người làm được như vậy, thì các người luôn luôn được vui sướng, và được tràn đầy tình thương yêu của Thượng Đế, và luôn luôn được xá miễn các tội lỗi của mình” (Mô Si A 4:12).
Dân chúng đã tin và ràng buộc bản thân họ theo những lời của Vua Bên Gia Min, và rồi thì Chúa đáp ứng cho phần thứ hai trong lời cầu nguyện của họ—rằng “trái tim [của họ] có thể được thanh tẩy.” Với tinh thần biết ơn và tán dương, dân chúng hô to lên: “Thánh Linh của Chúa Vạn Năng đã đem lại một sự thay đổi lớn lao trong chúng tôi, hay trong lòng chúng tôi, khiến chúng tôi không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” (Mô Si A 5:2). Vua Bên Gia Min đã giải thích rằng sự thay đổi lớn lao này có nghĩa rằng họ đã được Thượng Đế sinh ra (xin xem Mô Si A 5:7).
“Làm Sao Điều Này Lại Có Thể Xảy Ra Được?”
Tiên tri An Ma đã dạy rằng chúng ta phải hối cải và cả được sinh lại—được Thượng Đế sinh ra, và thay đổi tấm lòng mình (xin xem An Ma 5:49). Khi chúng ta tiếp tục hối cải, Chúa sẽ cất đi tất cả tội lỗi của chúng ta và Ngài sẽ cất đi những gì vốn gây ra hoặc cho phép tội lỗi trong chúng ta. Nhưng, bằng lời của Ê Nót: “Lạy Chúa, làm sao điều này lại có thể xảy ra được? ” (Ê Nót 1:7). Câu trả lời thật đơn giản, nhưng sâu sắc và mang tính vĩnh cửu. Đối với những ai đã được chữa lành khỏi bất kỳ tình trạng nào, dù về mặt thể chất hay thuộc linh, Chúa phán rằng: “Đức tin của ngươi làm cho ngươi được trọn lành” (xin xem Mác 5:34; Ê Nót 1:8).
Sự thay đổi lớn lao trong lòng đã đến với An Ma “nhờ đức tin của ông,” và tấm lòng của những người đi theo ông đã được thay đổi khi họ “đặt tin cậy vào Đấng Thượng Đế chân thật và hằng sống” (An Ma 5:12, 13). Tấm lòng những người dân của Vua Bên Gia Min “đã thay đổi nhờ có đức tin nơi danh [Đấng Cứu Rỗi]” (Mô Si A 5:7).
Nếu chúng ta có loại đức tin này, để cho chúng ta có thể tin cậy Chúa với tất cả lòng mình, thì chúng ta phải làm điều mà sẽ dẫn đến đức tin và rồi làm điều mà đức tin đưa đến. Trong số những điều dẫn đến đức tin, trong bối cảnh của sự thay đổi trong lòng này, Chúa nhấn mạnh vào việc nhịn ăn, cầu nguyện, và lời của Thượng Đế. Và mặc dù đức tin dẫn đến nhiều điều, nhưng sự hối cải lại là thành quả đầu tiên của nó.
Hãy cân nhắc hai câu thánh thư sau đây từ sách Hê La Man mà tập trung vào các nguyên tắc này. Thứ nhất, chúng ta đọc về một dân tộc “thường nhịn ăn và cầu nguyện, và họ đã trở nên càng ngày càng … vững chắc hơn trong đức tin nơi Đấng Ky Tô, … phải, trái tim họ được trở nên thanh khiết và thánh hóa, mà sự thánh hóa này có được là nhờ họ đã hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế” (Hê La Man 3:35). Rồi, từ tiên tri Sa Mu Ên người La Man, chúng ta học rằng: “thánh thư, phải, … những lời tiên tri của các thánh tiên tri, … giúp họ có đức tin nơi Chúa và hối cải, mà đức tin và sự hối cải này đem lại cho họ một sự thay đổi trong lòng họ” (Hê La Man 15:7).
Nhờ Cậy Thượng Đế
Ở đây chúng ta nên ngừng lại và hiểu rằng sự thay đổi lớn lao này mà chúng ta đề cập xảy ra cho chúng ta nhờ Chúa; nó không xảy ra bởi việc làm của chúng ta. Chúng ta có thể hối cải, thay đổi hành vi, thái độ, kể cả mong muốn và niềm tin của chúng ta, nhưng nó vượt ra ngoài quyền năng và khả năng để thay đổi bản chất chúng ta. Để có được sự thay đổi lớn lao này, chúng ta cần nhờ cậy hoàn toàn vào Đấng Thượng Đế Toàn Năng. Chính Ngài là Đấng đầy ân điển để thanh tẩy tấm lòng chúng ta và thay đổi bản chất chúng ta “sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23). Lời mời của Ngài luôn liên tục và chắc chắn: “Hối cải, và đến cùng ta với một tấm lòng cương quyết, và ta sẽ chữa lành [cho các ngươi]” (3 Nê Phi 18:32; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Kết quả của việc được chữa lành khỏi bản chất của tội lỗi là chúng ta “được chuyển từ trạng thái trần tục và sa ngã qua trạng thái ngay chính … trở thành những con trai và con gái của Ngài; Và như vậy [chúng ta] trở thành những sinh linh mới” (Mô Si A 27:25, 26). Nét mặt của chúng ta tỏa ra Ánh Sáng của Đấng Ky Tô. Tuy nhiên, thánh thư cho chúng ta biết rằng “ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì hẳn chẳng phạm tội” (1 Giăng 5:18). Điều này không phải bởi vì chúng ta không có khả năng phạm tội, nhưng bởi vì giờ đây bản chất của chúng ta không còn muốn phạm tội nữa. Đó thật sự là một sự thay đổi lớn lao.
Chúng ta nên nhớ rằng sự thay đổi lớn lao trong lòng là một tiến trình qua thời gian, không phải xảy ra vào một thời điểm. Sự thay đổi này thường diễn ra từ từ, đôi khi chúng ta không thể nhận ra được, nhưng nó có thật, mạnh mẽ, và cần thiết.
Nếu anh chị em chưa trải qua một sự thay đổi lớn lao như vậy, tôi xin hỏi anh chị em: Anh chị em đã hối cải và nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình chưa? Anh chị em có học tập thánh thư không? Anh chị em có thường nhịn ăn và cầu nguyện, để mình được càng ngày càng vững chắc hơn trong đức tin nơi Đấng Ky Tô không? Anh chị em có đủ đức tin để tin cậy Chúa với trọn lòng mình không? Anh chị em có đang đứng vững trong đức tin đó không? Anh chị em có xem chừng những ý nghĩ, lời nói, và các việc làm của mình cùng tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế không? Nếu anh chị em làm những việc này, thì anh chị em sẽ luôn luôn được vui sướng và được tràn đầy tình thương yêu của Thượng Đế, và luôn luôn được xá miễn các tội lỗi của mình. Và nếu anh chị em ở trong sự xá miễn đó, thì anh chị em sẽ được chữa lành, và thay đổi!
Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để tẩy sạch tội lỗi của chúng ta và đồng thời chữa lành chúng ta khỏi bản chất của tội lỗi. Ngài có quyền năng cứu rỗi, và để đạt được mục đích đó, Ngài có quyền năng để thay đổi. Nếu chúng ta dâng tấm lòng mình cho Ngài, thực hành đức tin bằng cách thực hiện mọi sự thay đổi trong khả năng của chúng ta, thì Ngài sẽ sử dụng quyền năng của Ngài trong chúng ta để mang lại sự thay đổi lớn lao trong lòng (xin xem An Ma 5:14).