2020
Cách Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi Đang Tạo Ra Khác Biệt trong Sự Phục Hồi Liên Tục
Tháng Tư năm 2020


Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi

Cách Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi Đang Tạo Ra Khác Biệt trong Sự Phục Hồi Liên Tục

Những người thành niên trẻ tuổi luôn luôn có một vai trò quan trọng trong công việc cứu rỗi.

young adults

Bất cứ khi nào nghe một lời mời từ một vị lãnh đạo Giáo Hội để tham gia vào Sự Phục Hồi liên tục hoặc để giúp quy tụ dân Y Sơ Ra Ên, anh chị em có từng nghĩ: “Tôi có thể làm gì? Tôi chỉ là một người mà thôi,” “Tôi còn quá trẻ,“ “Tôi chưa kết hôn nữa,” hoặc “Tôi không biết đủ. Vậy tôi có thể tạo ra sự khác biệt gì?”

Thỉnh thoảng, mỗi người chúng ta đều có những kiểu suy nghĩ như vậy đến trong tâm trí mình. Nhưng hãy cố gắng dập tắt nỗi nghi ngờ bản thân đó trong khi anh chị em đọc một vài thông tin sau đây:

  • Joseph Smith mới chỉ 22 tuổi khi ông bắt đầu phiên dịch Sách Mặc Môn.

  • Oliver Cowdery cũng mới 22 tuổi và John Whitmer thì 26 tuổi (và cả hai đều độc thân!) khi họ bắt đầu trở thành những người ghi chép cho Joseph.

  • Vào năm 1835, khi Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đầu tiên được kêu gọi, họ đều trong độ tuổi từ 23 đến 35.

  • Nhiều Thánh Hữu thời kỳ đầu mà đã gia nhập vào Giáo Hội và rao truyền phúc âm là những người thành niên trẻ tuổi.

Khi xem xét lại mọi điều, Thượng Đế tiến hành công việc qua những người thành niên trẻ tuổi trong thời kỳ đầu của Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Những người giống như anh chị em.

Hãy suy ngẫm về việc đó.

Giáo Hội có lẽ sẽ không được phát triển khắp thế gian ngày nay nếu mỗi người trong số họ nghĩ rằng họ không thể tạo ra sự khác biệt. Và anh chị em—đúng vậy, chính anh chị em!—là một phần của thế hệ đã được chọn để tiếp tục phục hồi và lãnh đạo Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô ngày nay.

Anh Chị Em Đã Được Gửi Xuống Đây. Bây giờ. Bởi một Lý Do.

Khi nói về thế hệ chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng: “[Anh chị em] đang sống trong ‘giờ thứ mười một.’ Chúa đã phán rằng đây là lần cuối Ngài sẽ kêu gọi những người làm công trong vườn nho của Ngài để quy tụ những người được chọn lọc từ bốn phương trời của thế gian. (Xin xem GLGƯ 33:3–6.) Và [anh chị em] đã được gửi đến để tham gia vào cuộc quy tụ này.”1

Hãy nghĩ về lực lượng gồm 65.000 người truyền giáo toàn thời gian đang chia sẻ phúc âm trọn mỗi ngày, trên khắp thế giới. Hãy nghĩ về tất cả những người thành niên trẻ tuổi đang lập giao ước trong đền thờ, nhờ vào chức tư tế và các phước lành đền thờ đã được phục hồi và giao ước đã lập để tiếp tục trung tín, để củng cố gia đình họ, và để xây dựng vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Hãy nghĩ về những người thành niên trẻ tuổi đang phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo trong Giáo Hội trên khắp thế giới. Hãy nghĩ về những người đang dấn bước đi theo Chúa Giê Su Ky Tô mặc cho mọi trở ngại ngăn cản họ. Những người thành niên trẻ tuổi là một phần quan trọng của Sự Phục Hồi kể từ lúc bắt đầu. Và Sự Phục Hồi liên tục là một phần quan trọng trong cuộc đời của vô số tín hữu thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội.

Sự Phục Hồi Có Ý Nghĩa Gì đối với Chúng Ta

Đối với nhiều người trong chúng ta, việc tham gia vào Sự Phục Hồi đến từ bài học mà Sự Phục Hồi mang lại cho chúng ta. Đối với Vennela Vakapalli, một thanh niên cải đạo đến từ Andhra Pradesh, Ấn Độ: “Sự Phục Hồi là để tìm kiếm sự mặc khải. Joseph Smith đã tìm kiếm sự mặc khải trong khu rừng. Ông đã hỏi xin lời khuyên từ Chúa, chờ đợi câu trả lời, và rất kiên nhẫn. Đó là điều tôi yêu thích.” Vennela giải thích: “Trước khi nghe về Sự Phục Hồi, tôi đã không biết nhiều về cách tìm kiếm sự mặc khải. Một trong những điều tuyệt vời nhất làm tôi kinh ngạc là ông ấy đã dành biết bao thời giờ của mình để có được sự mặc khải từ Thượng Đế. Đó là điều tôi học được từ Sự Phục Hồi.”

Emma và Jacob Roberts, một cặp vợ chồng trẻ từ Utah, Hoa Kỳ, đồng ý rằng Sự Phục Hồi là về “sự mặc khải liên tục”—cho chính chúng ta và cho cả thế giới—“rằng chúng ta có thể có một vị tiên tri, một người phát ngôn cho Thượng Đế trên trái đất này, đảm bảo rằng với bất kỳ thử thách nào mà chúng ta đối mặt trên thế gian này, thì chúng ta có một người nào đó đang nỗ lực, cầu nguyện, và trò chuyện với Thượng Đế để đảm bảo rằng chúng ta sẵn sàng và có thể đối mặt với bất cứ thử thách nào mà thế gian sẽ mang lại khi nó đổi thay.”

Jacob nói: “Có rất nhiều sự hiểu biết đến cùng với Sự Phục Hồi làm cho cuộc sống của tôi dễ chịu hơn và ít căng thẳng hơn”. Emma nói: Những hiểu biết đó đến với một sự cam đoan rằng “có một Thượng Đế yêu thương chúng ta và trông chừng chúng ta. Mục đích của Ngài là mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Là những người thành niên trẻ tuổi, chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy và noi theo Ngài bởi vì chúng ta biết mục tiêu của Ngài là niềm hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta biết rằng chúng ta là những bản thể vĩnh cửu, và điều đó cho tôi nhiều hy vọng và đức tin, rằng bất cứ điều gì tôi làm bây giờ và bất kể những lỗi lầm nào tôi phạm phải hiện tại, thì tôi vẫn có thể hối cải và có được thời gian trên trần thế này để tiến triển và học hỏi.”

Cảm giác an tâm đó cũng giúp Ramona Morris, một cô gái trẻ đến từ Barbodos, khi lần đầu tiên học về Sự Phục Hồi. Trong số những điều khác, Ramona đạt được một chứng ngôn rằng “Cha Thiên Thượng ở đó vì chúng ta. Sự Phục Hồi chỉ mang lại bình an cho những ai có thắc mắc về mục đích của cuộc đời họ và về kế hoạch mà Thượng Đế dành cho họ.”

Nhưng ngay cả khi sự hiểu biết về Sự Phục Hồi đã mang lại lời giải đáp rõ ràng về mục đích của mình trong đời, Ramona cũng thừa nhận rằng “việc ở quá xa trụ sở của Giáo Hội gây khó khăn để kết nối với phúc âm, nhưng bởi vì tôi có một chứng ngôn mạnh mẽ về phúc âm phục hồi, tôi biết rằng tuy ở xa trụ sở Giáo Hội, tôi vẫn cảm thấy mình là một phần của Sự Phục Hồi, rằng tôi không hề lẻ loi.”

Và cô ấy không hể lẻ loi. Những người thành niên trẻ tuổi khắp thế giới đang tham gia vào Sự Phục Hồi qua việc phục vụ trong đền thờ, lịch sử gia đình, và công việc truyền giáo. Với sự hiểu biết về sự mặc khải cá nhân mà chúng ta có được khi học về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith và Sự Phục Hồi, tất cả chúng ta có thể tiếp tục tìm kiếm để biết ý muốn của Thượng Đế và phần vụ mà chúng ta có thể đảm nhiệm trong Sự Phục Hồi liên tục.

world map

Bản đồ từ Getty Images

Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi Lãnh Đạo Giáo Hội

Chúng ta có lẽ còn trẻ tuổi, nhưng chúng ta có thể là những người lãnh đạo trong Giáo Hội ngay lúc này. Mặc dù là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong gia đình mình, Janka Toronyi đến từ Győr, Hungary, được củng cố bởi sự tham gia của bạn bè thành niên trẻ tuổi của mình trong mọi khía cạnh của Sự Phục Hồi: “Nhiều bạn bè tôi đã đi phục vụ truyền giáo, và thật tuyệt vời khi thấy họ tiến triển rồi trở về và đã trưởng thành hơn rất nhiều qua tất cả các kinh nghiệm của họ. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời cho tất cả chúng tôi. Và tôi luôn kinh ngạc khi thấy những người bạn trẻ tuổi độc thân của mình phục vụ trong những sự kêu gọi của họ và đôi khi cả những cơ hội mà họ tự tìm đến, như tình nguyện làm cố vấn tại các đại hội FSY (Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ). Tôi cảm thấy như Sự Phục Hồi không phải lúc nào cũng là để giảng dạy người khác về phúc âm—mà là để củng cố các tín hữu mà chúng ta có.”

Những người thành niên trẻ tuổi ở Hungary hiểu rằng họ là các lãnh đạo tương lai của Giáo Hội. Janka thừa nhận “Chúng tôi được cần đến và chúng tôi phải có khả năng hoàn thành các bổn phận đó, đôi khi hơi quá sức. Chúa đang xúc tiến công việc này và chúng tôi là một phần của nó. Đôi khi chúng tôi nghĩ: ‘Làm sao mà tôi làm được việc này?’ Nhưng thật tuyệt vời khi thấy các vị lãnh đạo của chúng tôi tin cậy chúng tôi rất nhiều. Đó là động lực thúc đẩy cho những ai yêu mến Giáo Hội và có một chứng ngôn mạnh mẽ, bởi vì chúng ta biết rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm. Chúng ta cần phải nhận lấy trách nhiệm cho sự tiến triển thuộc linh của riêng mình.”

Sean và Stefany Joseph đến từ Tây Úc tham gia vào Sự Phục Hồi bằng cách làm cố vấn cho giới trẻ trong tiểu giáo khu của họ. “Đối với tôi, việc tham dự vào Sự Phục Hồi tức là giúp cho các thế hệ tương lai hiểu rằng phúc âm là gì và làm cách nào phúc âm có thể giúp cho cuộc sống của họ và những người khác,” Stefany nói. “Chúng ta có thể giúp tạo ra một nền tảng vững mạnh hơn cho Giáo Hội tại quốc gia của chúng ta sau này.”

“Chúng tôi muốn giúp giới trẻ có được chứng ngôn về Sách Mặc Môn, về Joseph Smith và tự mình nhận ra rằng các em thật sự là con cái của Thượng Đế,” Sean giải thích. “Chúng tôi không muốn đó chỉ là bài hát các em hay hát trong Hội Thiếu Nhi—chúng tôi muốn các em thật sự biết điều đó là thật.”

Đối với Vennela, việc sống theo phúc âm tại Ấn Độ không phải luôn dễ dàng, nhưng cô ấy biết sức mạnh của các tín hữu thành niên trẻ tuổi tại đó sẽ truyền cảm hứng cho những người khác và giúp Sự Phục Hồi tiến triển. “Ở đây, tất cả những người thành niên trẻ tuổi đều rất trung tín. Họ tìm kiếm cơ hội để chia sẻ chứng ngôn của họ,” cô nói. “Chúng tôi giống như những người tiền phong tại Ấn Độ. Chúng tôi chuyển đến từ những nơi khác nhau và một vài người trong chúng tôi thậm chí rời khỏi gia đình mình. Cuộc sống có thể đầy thử thách ở đây, nhưng chúng tôi vẫn chọn sống theo phúc âm. Thánh thư cho tôi nhiều hy vọng, sức mạnh, và lòng can đảm.”

Cho dù chúng ta ở đâu, là những người thành niên trẻ tuổi, chúng ta có thể tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Sự Phục Hồi liên tục qua đức tin và cam kết của chúng ta với phúc âm.

Tương Lai của Giáo Hội: Tùy Thuộc vào Chúng Ta

Chúng ta là tương lai của Giáo Hội. Chúng ta đang ở trong trận chiến cuối cùng chống lại Sa Tan. Cha Thiên Thượng tùy thuộc vào chúng ta giúp làm công việc của Ngài—công việc thay đổi cuộc sống theo cách vĩnh cửu của Ngài. Ngài biết chúng ta đủ mạnh mẽ để tiếp tục tiến về phía trước và chiến đấu chống lại mọi điều mà kẻ nghịch thù cố gắng cám dỗ và lừa dối. Và Sa Tan đang trở nên bất chấp. Hắn biết hắn đang thất bại trong cuộc chiến này bởi vì công việc của Chúa sẽ thắng thế.

“Chúng ta biết rằng Chúa đang xúc tiến công việc này và không ai có thể ngăn chặn điều đó,” Janka nói. “Chúng ta biết rằng nó sẽ xảy ra dù bất cứ giá nào. Nhưng chúng ta phải chọn để tiếp tục là một phần của công việc này và giúp nó tiến triển hoặc chỉ đứng ngoài theo dõi. Chúng ta có quyền tự quyết để là một phần của công việc này, và chúng ta có chứng ngôn để có thể chọn điều đúng và chọn để đi theo Đấng Ky Tô. Chúng ta cần phải là một phần của công việc này.”

Vì vậy, chúng ta cần quyết định chọn đứng ở bên nào.

Chúng ta cần chọn có can đảm bênh vực cho điều mình tin tưởng.

Chúng ta cần chọn để tìm kiếm sự mặc khải cá nhân cho cuộc đời mình.

Chúng ta cần chọn để cho phép những thử thách khó khăn mà mình đối mặt giúp củng cố đức tin của chúng ta nơi Đấng Cứu Rỗi.

Chúng ta cần chọn để theo Ngài và làm mọi điều chúng ta có thể để mang những người khác đến cùng Ngài.

Chúng ta cần chọn để kiên trì đến cùng theo cách tốt nhất trong khả năng mình.

Chúng ta thật sự đang ở vào những ngày sau cùng. Và việc lãnh đạo Giáo Hội trong thời gian mà Chủ Tịch Nelson gọi là “gian kỳ quan trọng nhất của lịch sử thế gian”2 nghe có vẻ thật sự là một trách nhiệm nặng nề. Nhưng hãy nghĩ về điều này—Cha Thiên Thượng tin cậy chúng ta đủ và cho chúng ta đến thế gian này vào thời điểm cụ thể này, là thời kỳ mà chúng ta phải đối mặt với vô số cám dỗ và sự xao lãng và quá nhiều ý kiến phản bác.

Bằng cách gửi chúng ta đến đây trong gian kỳ then chốt này, Cha Thiên Thượng không định cho chúng ta thất bại. Ngài biết tiềm năng, sức mạnh, lòng can đảm của chúng ta, và hơn hết thảy, Ngài biết chúng ta có thể tạo ra một sự khác biệt trong Sự Phục Hồi của Giáo Hội, bất kể tuổi tác hay tình trạng hôn nhân của chúng ta. Cho dù thử thách của chúng ta khó vượt qua đến thế nào, hay dù việc lãnh đạo và chia sẻ phúc âm khắp thế gian có vẻ khó thực hiện ra sao, thì với Ngài ở bên cạnh, ai mà có thể chống lại chúng ta? Ngài sẽ giúp chúng ta làm được những việc tưởng chừng không thể.

Ghi Chú

  1. Russell M. Nelson, “Hãy Sống Đúng Theo Tiềm Năng của Mình Là Những Người của Thiên Niên Kỷ,” Liahona, tháng Mười năm 2016, trang 48.

  2. Russell M. Nelson, “Hãy Sống Đúng Theo Tiềm Năng của Mình Là Những Người của Thiên Niên Kỷ,” Liahona, tháng Mười năm 2016, trang 46.