Có Được Đức Tin của Tôi Từng Chút Một
Việc có được một chứng ngôn cần thời gian. Thường chứng ngôn cần những kinh nghiệm nhỏ hợp lại với nhau.
Một trong những giây phút quyết định trong cuộc đời tôi đã đến với tôi vào năm lên 10 tuổi khi tôi dành hai tuần học giáo lý Công Giáo tại Loreto Roman Catholic Mission, cách ngôi nhà dân dã của tôi ở Silobela, Zimbabwe, chừng 32 km. Tôi biết và yêu thương Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô và tìm kiếm Chúa qua những bài học và ấn tượng ban đầu này.
Trong khi ở tại giáo đường Công Giáo, tôi đã thấy những bức tranh vẽ theo cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi được dán trên tường: cảnh Chúa Giê Su giáng sinh, giảng dạy trong đền thờ, cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, vác thập tự giá đến Đồi Sọ, và bị đóng đinh tại Gô Gô Tha, và Sự Phục Sinh của Ngài. Tôi thật sự cảm thấy rất buồn khi nhìn những cái đinh và gai nhọn đó. Trước khi xem đến bức tranh Ngài bị đóng đinh, mắt tôi đã nhòa lệ. Và mỗi lần như thế tôi đều khóc và nói: “Này, Ngài thật sự đã trải qua nhiều điều, vì tôi.”
Trong bí tích thêm sức, một trong những giáo sĩ đã nhìn vào mắt tôi và nói rằng: “Con là sự sáng của thế gian” (xin xem Ma Thi Ơ 5:14). Rồi, chỉ tay vào một cây đèn cầy đang cháy, ông trích dẫn lời của Đấng Cứu Rỗi: “Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma Thi Ơ 5:16).
Khi tôi học thêm về Chúa Giê Su, tôi bắt đầu muốn được phục vụ người khác. Ví dụ, chúng tôi sẽ phải đi lấy nước cách làng 8 km. Thường thì những người phụ nữ trong làng, kể cả mẹ tôi, sẽ đội một cái thùng 20 lít chứa đầy nước trên đầu. Sau kinh nghiệm của tôi tại học viện Công Giáo, tôi thường đẩy thùng chứa nước 200 lít để giúp mẹ tôi, và tôi cũng giúp hai góa phụ là hàng xóm của chúng tôi nữa. Tôi nhớ cảm giác tốt lành mà tôi đã cảm nhận sau mỗi lần giúp đỡ người khác.
Những kinh nghiệm này đã giúp phát triển đức tin của tôi nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và gián tiếp chuẩn bị cho tôi chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô khi tôi 22 tuổi.
Tiếp nhận Sách Mặc Môn
Tôi lớn lên trong một thời kỳ đầy đổi thay của đất nước. Bộ phận người da trắng thiểu số do Ian Smith lãnh đạo đã tuyên bố tách khỏi Anh Quốc vào năm 1965. Điều đó kéo theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và khơi mào cuộc nội chiến kéo dài trong nhiều năm cho đến năm 1980 đánh dấu nền độc lập của Zimbabwe. Khi học xong, tôi chuyển đến một thành phố để làm việc và không tham dự bất kỳ giáo hội nào trong vài năm.
Một ngày nọ tôi đang chơi đùa với mấy đứa con trai, một đứa chín tuổi và một đứa bảy tuổi của người chủ tôi. Chúng nói: “Anh biết không, cha của tụi em là chủ tịch chi nhánh trong Giáo Hội chúng em đó.” Chúng giải thích một chủ tịch chi nhánh có nghĩa là gì, và không chút suy nghĩ, tôi nói: “Cha của các em sẽ không được lên thiên đàng đâu.” Tôi nhận ra mình đã mắc một sai lầm lớn, và tôi tuyệt vọng nghĩ về điều tôi có thể nói với chúng để làm chúng quên đi lời nhận xét của tôi. Vào cuối ngày hôm đó, khi bọn trẻ thấy cha của chúng, chúng liền chạy lại và mách với ông điều tôi đã nói. Tôi nghĩ là tôi sẽ bị mất việc rồi.
Trước đó người chủ của tôi đã đưa cho tôi xem một cái áo khoác từ thời ông còn trong quân ngũ mà cho thấy rằng ông đã từng giết người. Đó là lý do tại sao tôi đã đưa ra lời nhận xét đó. Ông hỏi tôi một cách rất từ tốn lý do tại sao tôi nói vậy. Tôi nói: “Thưa ông, ông nhớ không, ông từng kể với tôi là ông đã giết người trong chiến tranh. Kinh Thánh nói rằng: ‘Ngươi chớ giết người.’”
Ông đã hỏi tôi tham dự nhà thờ nào. Tôi nói với ông rằng tôi từng tham gia Giáo Hội Công Giáo nhưng đã không đi trong bảy năm. Ông chia sẻ các kinh nghiệm trong Kinh Cựu Ước về chiến tranh và chiến sự, và rồi ông đưa cho tôi một quyển Sách Mặc Môn. Tôi rất phấn khởi khi không bị mất việc làm.
Ông đưa cho tôi Sách Mặc Môn vào năm 1981, nhưng tôi đã không đọc nó hoặc thậm chí không mở ra trong hai năm. Một ngày Chủ Nhật khi đang buồn chán vì bạn bè đã đi chơi xa, tôi cầm quyển sách lên và đi tới một trạm xe lửa gần đó rồi đọc. Khi đọc vào ngày hôm đó, tôi có thể cảm thấy được thúc đẩy để làm điều tốt, nhưng điều thật sự làm tôi cảm động sau đó từ những điều đọc được là 3 Nê Phi 11. Tôi đọc về những người Nê Phi sống sót qua chiến tranh và sự hỗn loạn, và rồi Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến với họ.
Đất nước của tôi đã trải qua cuộc nội chiến trong 15 năm. Một số người từng cùng tôi lớn lên tại ngôi làng của tôi đã tham gia chiến đấu và không quay trở về. Những người khác bị thương tật suốt đời.
Vì vậy, trong khi đọc về dân Nê Phi, tôi cảm thấy như thể Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô đang tìm đến tôi khi Ngài phán: “Hãy đứng dậy và tiến lại gần ta, để các ngươi có thể … rờ thấy vết đinh đóng trên tay ta và chân ta, để các ngươi biết được rằng ta là Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, và là Thượng Đế của cả thế gian này, và ta đã bị giết chết vì tội lỗi của thế gian” (3 Nê Phi 11:14).
Tôi cảm thấy như thể Ngài đang tìm đến cá nhân tôi, mời gọi tôi đến cùng Ngài. Tôi nhận ra mình có thể đến với Đấng Cứu Rỗi và có được chứng ngôn về Ngài. Nhận thức này đã thay đổi tất cả mọi điều.
Có Được Chứng Ngôn của Tôi
Phải mất vài tháng tôi mới có can đảm đi nhà thờ. Tôi biết nhà thờ ở đâu, nhưng không có người truyền giáo nào trong chi nhánh nhỏ của chúng tôi. Vào tháng Hai năm 1984, tôi bước vào giáo đường Kwekwe. Tôi đã muốn bước ra. Tôi không chắc tôi có thuộc về nơi đó không và đã ngồi ở phía sau, sẵn sàng rời đi nhanh chóng. Sau phần mở đầu, chủ tịch chi nhánh, Mike Allen, chia sẻ chứng ngôn của ông về Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô và Sách Mặc Môn. Tôi cảm thấy được kết nối. Người tiếp theo cũng làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và Sách Mặc Môn, và người thứ ba cũng vậy. Tôi cảm thấy vô cùng vui vẻ. Tôi không đủ can đảm đi lên bục, vì vậy tôi đứng lên tại chỗ và nói: “Tôi yêu thương Chúa Giê Su. Tôi đang đọc Sách Mặc Môn.” Và tôi ngồi xuống. Đó là sự khởi đầu của chứng ngôn của tôi.
Những chứng ngôn đó là cách của Chúa tìm đến tôi bởi vì nó giúp tôi cảm thấy rằng tôi thuộc về nơi đó. Tôi đã cảm thấy những người này là anh chị em của mình. Trong những ngày tiếp theo tôi cầu nguyện cho họ và xin được đón nhận. Tôi đã gặp các tín hữu vô cùng tử tế và đã giúp đỡ tôi.
Nhiều điều đã xảy ra vào ngày hôm đó khi tôi bước vào giáo đường. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu những tín hữu đó đã không chia sẻ chứng ngôn của họ. Các em không bao giờ biết được liệu có ai đó đang gặp khó khăn. Khi đứng lên và nói điều các em cảm nhận, thì đó có thể chính là điều một người nào đó cần được nghe.
Hãy thường xuyên chia sẻ chứng ngôn của các em. Khi làm như vậy, các em củng cố chính mình và những người xung quanh mình. Hãy đứng vững trong điều các em biết. Khi tuân theo lời khuyên bảo từ Sách Mặc Môn, các em sẽ đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn.
Đến Gần Đấng Cứu Rỗi
Khoảng thời gian mà tôi đã ở tại Loreto Roman Catholic Mission giúp tôi bắt đầu con đường trở thành một môn đồ của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Kể từ khi đó tôi đã biết rằng việc làm một môn đồ là một tiến trình và chúng ta cần phải tiếp tục tiến về phía trước bất kể những yếu kém và hạn chế của chúng ta. Khi đón nhận lời mời: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn” (Ma Thi Ơ 5:48), chúng ta sẽ tiến triển đến cuộc sống vĩnh cửu “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một” (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 98:12).
Chúng ta biết con đường sẽ không luôn luôn dễ dàng, và chúng ta sẽ trải qua nhiều khó khăn và đau buồn trong tiến trình này, nhưng hướng về Chúa là cách duy nhất để tìm được bình an trong cuộc đời chúng ta.
Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô là tất cả đối với tôi. Tôi biết rằng Đấng Cứu Rỗi đang tìm đến chúng ta. Chúng ta cần nhìn lên, noi theo Ngài, và tìm đến nâng đỡ người khác trong khi Ngài tìm đến và nâng đỡ chúng ta.