Bốn Hình Ảnh từ Tuần Lễ Phục Sinh
“Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian này” (Giăng 18:36).
Mão Gai
Xin xem Ma Thi Ơ 27:29; Mác 15:17; Giăng 19:2.
Những người lính La Mã đặt một cái mão gai lên đầu Đấng Cứu Rỗi. “Có lẽ hành động độc ác này là để ngang ngược bắt chước việc đặt vòng nguyệt quế của hoàng đế lên đầu Ngài. … Thật đau xót lắm thay, khi nghĩ rằng những cái gai đó biểu hiện cho sự tức giận của Thượng Đế khi Ngài rủa sả đất vì A Đam để từ đó về sau nó sẽ mọc ra gai góc. Nhưng bằng việc đội mão gai, Chúa Giê Su đã biến chuyển gai nhọn thành biểu tượng của vinh quang Ngài” (Chủ Tịch James E. Faust, đại hội trung ương tháng Tư năm 1991).
Áo Điều
Xin xem Ma Thi Ơ 27:28; Mác 15:17; Giăng 19:2.
Màu điều là một màu của vua chúa, và những người lính đã nhạo báng choàng chiếc áo này lên Chúa Giê Su Ky Tô bởi vì Ngài đã tuyên bố mình là vua của dân Giu Đa. Dĩ nhiên, thật sự Ngài còn vĩ đại hơn cả vậy—Ngài là “Vua của các vua, và Chúa của các chúa” (1 Ti Mô Thê 6:15; Khải Huyền 19:16).
“Máu sẽ chảy ra từ mọi lỗ chân lông, nỗi lo âu của Ngài … thật lớn lao thay” (Mô Si A 3:7).
Máy Ép Trái Ô Liu
Xin xem Ma Thi Ơ 26:36; Mác 14:32; Lu Ca 22:39–40; Giăng 18:1.
“Đây là biểu tượng sâu sắc với ‘máu [đã chảy ra] từ mọi lỗ chân lông’ [Mô Si A 3:7] trong khi Chúa Giê Su phải chịu đau đớn ở trong vườn Ghết Sê Ma Nê, nơi ép dầu ô liu. Để sản xuất dầu ô liu trong thời kỳ của Đấng Cứu Rỗi, trước hết quả ô liu được nghiền nát bằng cách lăn một hòn đá lớn lên trên. Kết quả là ‘xác ô liu’ được đặt vào mấy cái giỏ mềm, dệt thưa đã được chất đống lên nhau. Sức nặng của đống ô liu đó ép ra loại dầu thứ nhất và tốt nhất. Sau đó, người ta ép thêm bằng cách đặt một cái đòn hoặc khúc gỗ lên phía trên mấy cái giỏ xếp chồng lên nhau, để ép ra thêm dầu. Cuối cùng, để ép ra những giọt dầu ô liu cuối cùng, cái đòn với một đầu là đá được đè xuống để tạo ra sức nghiền tối đa. Và đúng vậy, khi mới ép ra thì dầu có màu đỏ như máu” (Anh Cả D. Todd Christofferson, đại hội trung ương tháng Mười năm 2016).
“Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại” (Lu Ca 24:6).
Ngôi Mộ Trống
Xin xem Ma Thi Ơ 28:1–8; Giăng 20:1–18.
“Ngôi mộ trống của buổi sáng lễ Phục Sinh đầu tiên đó là câu trả lời cho câu hỏi của Gióp: ‘Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?’ [Gióp 14:14]. Đối với tất cả những người đang nghe tôi nói, tôi tuyên bố: Nếu một người chết rồi thì sẽ sống lại. Chúng ta biết điều đó, vì chúng ta có được ánh sáng của lẽ thật được mặc khải” (Chủ Tịch Thomas S. Monson, “Ngài Đã Sống Lại!” đại hội trung ương tháng Tư năm 2010).