Thư Viện
Giáo Vụ Trên Trần Thế của Chúa Giê Su Ky Tô


“Giáo Vụ trên Trần Thế của Chúa Giê Su Ky Tô,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô đang giảng dạy cho dân chúng

Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm

Giáo Vụ Trên Trần Thế của Chúa Giê Su Ky Tô

“Và Ngài sẽ được gọi là Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế” (Mô Si A 3:8)

Con cái linh hồn vĩ đại nhất của Cha Thiên Thượng là Con Trai Đầu Lòng của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Trước khi ngài sinh ra trên trần thế, Chúa Giê Su đã được biết đến với nhiều danh hiệu, chẳng hạn như Đức Giê Hô Va Vĩ Đại và Chúa Vạn Năng. Thượng Đế Đức Chúa Cha đã sai Vị Nam Tử của Ngài đến sống trên thế gian và tự dâng Ngài làm sự hy sinh chuộc tội vô hạn để làm cho sự cứu chuộc có thể thực hiện được cho tất cả con cái của Thượng Đế. Trong cuộc sống trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã giảng dạy phúc âm của Ngài, làm các phép lạ kỳ diệu, và thiết lập Giáo Hội của Ngài. Từ các câu chuyện trong thánh thư về cuộc đời Của Ngài, chúng ta biết được rằng Ngài đã hoàn toàn vâng lời Cha Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô chữa lành người bệnh và người khổ sở, mang đến hy vọng cho những người đau khổ, giảng dạy về tầm quan trọng của sự hối cải, và làm cho sự tha thứ có thể thực hiện được. Cuộc sống trần thế của Ngài nêu gương hoàn hảo cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng noi theo.

Giáo Vụ trên Trần Thế của Chúa Giê Su Ky Tô Là Gì?

Đức Chúa Cha đã gửi Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến thế gian để làm Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Qua những kinh nghiệm trần thế và sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Ngài đã tiến đến việc hoàn toàn hiểu biết điều mà mỗi người chúng ta trải qua ở trên thế gian này đây. Chúa Giê Su Ky Tô ban một tấm gương hoàn hảo cho chúng ta noi theo.

Khái quát về đề tài: Chúa Giê Su Ky Tô

Các sách hướng dẫn học tập phúc âm liên quan: Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Giáng Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa Giê Su Ky, Sự Phục Sinh

Tiết 1

Chúa Giê Su Ky Tô Luôn Luôn Làm Theo Ý Muốn của Cha Ngài

Hình Ảnh
Chúa Giê Su giảng dạy trong đền thờ

Các sự kiện kỳ diệu xung quanh sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô được ghi lại rất rõ trong thánh thư (xin xem ví dụ, Lu Ca 2:1–19). Về thời thơ ấu của Ngài, thánh thư chỉ chia sẻ rằng “con trẻ lớn lên, và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan; và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài” và rằng “Đức Chúa Giê Su khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu Ca 2:40, 52).

Khi Chúa Giê Su được 12 tuổi, Ngài đã cùng với gia đình Ngài đi đến Giê Ru Sa Lem để kỷ niệm Lễ Vượt Qua. Trên đường trở về nhà ở Na Xa Rét, Ma Ri và Giô Sép nhận ra rằng Chúa Giê Su không ở trong số những người trong gia đình đi cùng với họ. Cuối cùng họ đã tìm thấy Ngài tại đền thờ ở Giê Ru Sa Lem, đang giảng dạy và trả lời những câu hỏi của dân chúng (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Lu Ca 2:46 [trong Lu Ca 2:46, cước chú c]). Khi Ma Ri bày tỏ mối quan tâm về sự vắng mặt của Ngài, Chúa Giê Su thưa rằng: “Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” (Lu Ca 2:49). Ngay cả khi còn niên thiếu, Chúa Giê Su cũng tập trung làm công việc của Cha Ngài.

Trong suốt cuộc sống trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã yêu thương và phục vụ Thượng Đế Đức Chúa Cha. Ngài đã phán: “Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38). Chúa Giê Su Ky Tô muốn mỗi người chúng ta cũng làm như vậy. Ngài hứa rằng “chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời” mới là người sẽ bước vào vương quốc của Thượng Đế (Ma Thi Ơ 7:21).

Những điều để suy nghĩ

  • Đọc Giăng 8:25–30, trong đó Chúa Giê Su Ky Tô đã giải thích: “Ta hằng làm sự đẹp lòng [Đức Chúa Cha]” (câu 29). Anh chị em có thể làm gì để hiểu rõ hơn và tuân theo ý muốn của Đức Chúa Cha trong cuộc sống của mình?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Mời các thành viên trong nhóm đọc và suy ngẫm về những câu hỏi do Chủ Tịch Russell M. Nelson đặt ra trong lời phát biểu sau đây:

    Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có chịu để cho những lời của Ngài, các giáo lệnh của Ngài và các giao ước của Ngài ảnh hưởng đến điều anh chị em làm mỗi ngày không? Anh chị em có chịu để cho tiếng nói của Ngài được ưu tiên hơn bất cứ tiếng nói nào khác không? Anh chị em có sẵn lòng để cho bất cứ điều gì Ngài cần anh chị em làm phải quan trọng hơn mọi tham vọng khác không? Anh chị em có sẵn lòng để cho ý muốn của mình lọt vào trong ý muốn của Ngài không?”

    Làm thế nào các câu trả lời của anh chị em cho những câu hỏi này có thể dẫn anh chị em đến việc noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi trong việc luôn luôn làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha?

Tìm hiểu thêm

  • Lu Ca 22:42; Mô Si A 15:7

  • Chapter 24: Reflections on the Mission of Jesus Christ,” Teachings of Presidents of the Church: Lorenzo Snow (năm 2012), trang 277–284

Tiết 2

Cuộc Đời Hoàn Hảo của Chúa Giê Su Ky Tô Là một Tấm Gương cho Tất Cả Mọi Người

Hình Ảnh
Giăng Báp Tít làm phép báp têm cho Chúa Giê Su Ky Tô

Gần lúc bắt đầu công khai giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã đến với Giăng Báp Tít và chịu phép báp têm tại Sông Giô Đanh. Mặc dù Ngài không bao giờ phạm tội, nhưng Chúa Giê Su giải thích rằng Ngài cần phải chịu phép báp têm để “làm cho trọn mọi việc công bình.” Khi Chúa Giê Su bước ra khỏi nước, thì tiếng nói của Thượng Đế Đức Chúa Cha được nghe phán rằng: “Này là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” Đức Thánh Linh giáng xuống trên Chúa Giê Su, được cho thấy bởi dấu hiệu như chim bồ câu. (Xin xem Ma Thi Ơ 3:13–17.)

Chúa Giê Su Ky Tô sống một cuộc đời hoàn hảo. Sau phép báp têm của Ngài, Ngài nhịn ăn trong 40 ngày và 40 đêm để giao tiếp với Thượng Đế (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 4:2 [trong Ma Thi Ơ 4:2, cước chú c]). Sau đó, Sa Tan đến cám dỗ Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê Su Ky Tô đã kiên quyết chống lại những cám dỗ. Cuộc sống vô tội của Ngài đã chuẩn bị cho Chúa Giê Su Ky Tô để tự Ngài trở thành sự hy sinh vì tất cả các tội lỗi của con cái của Thượng Đế. Là Đấng hoàn hảo duy nhất trong số các con cái của Thượng Đế, Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương tột bậc cho mỗi người chúng ta trong nỗ lực của mình để noi theo Thượng Đế (xin xem 1 Phi E Rơ 2:21–22).

Những điều để suy nghĩ

  • Đọc Ma Thi Ơ 4:1–11, kể cả các cước chú trong Bản Dịch Joseph Smith mà mô tả điều đã xảy ra khi Sa Tan cố gắng cám dỗ Chúa Giê Su. Anh chị em có thể học được điều gì từ tấm gương của Đấng Ky Tô để đối phó với cám dỗ? Trong những phương diện nào việc nhịn ăn, cầu nguyện, và sự hiểu biết về thánh thư có thể chuẩn bị cho anh chị em để vượt qua cám dỗ?

  • Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh đã dạy mười hai môn đồ Nê Phi về vai trò của họ với tư cách là các phán quan của dân chúng. Đọc 3 Nê Phi 27:27 để xem lệnh truyền mà Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho các môn đồ của Ngài. Tại sao là điều quan trọng đối với các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô phải giống như Ngài?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Yêu cầu các thành viên trong nhóm của anh chị em xem xét lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô cần phải trải qua sự cám dỗ. Mời họ tìm kiếm những câu trả lời trong Hê Bơ Rơ 2:17–18; 4:15–16. Tại sao là điều quan trọng cho chúng ta để hiểu rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã trải qua những cám dỗ cũng giống như chúng ta ngày nay?

Tìm hiểu thêm

Tiết 3

Chúa Giê Su Dạy Chúng Ta Phải Yêu Thương và Phục Vụ Lẫn Nhau

Hình Ảnh
Chúa Giê Su chữa lành người què

Chúa Giê Su Ky Tô dạy rằng có hai giáo lệnh lớn. Giáo lệnh đầu tiên trong số này là phải hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Thượng Đế. Thứ hai là yêu thương người khác như chúng ta yêu thương bản thân mình. (Xin xem Ma Thi Ơ 22:36–39.) Chúa Giê Su thường xuyên giảng dạy những lẽ thật này trong các bài giảng và truyện ngụ ngôn (xin xem ví dụ trong Ma Thi Ơ 25:31–46; Lu Ca 10:25–37).

Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn là một tấm gương về cách noi theo Thượng Đế và yêu thương người khác. Ngài đích thân cho thấy tình yêu thương và lòng trắc ẩn của Ngài dành cho người khác khi Ngài phục sự với quyền năng lớn lao ở giữa con cái của Thượng Đế, chữa lành người bệnh và thực hiện nhiều phép lạ kỳ diệu (xin xem Ma Thi Ơ 11:4–5; Mô Si A 3:5–6).

Một phần quan trọng của giáo vụ trên trần thế của Đấng Ky Tô là thiết lập Giáo Hội của Ngài. Khi làm như vậy, Ngài đã kêu gọi mười hai môn đồ, cho phép họ thuyết giảng phúc âm, và ban cho họ quyền năng để chữa lành người bệnh (xin xem Ma Thi Ơ 10:1–8). Các môn đồ này tiếp tục công việc của Chúa sau cái chết và Sự Phục Sinh của Ngài khi họ giảng dạy sự hối cải và mời những người khác chịu phép báp têm cùng tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 2:22–24, 37–47). Bằng cách sử dụng quyền năng của chức tư tế để chữa lành, họ đã phục sự những người khác và tạo ra cơ hội để thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1–11).

Những điều để suy nghĩ

  • Giáo lệnh lớn thứ hai là phải yêu thương người lân cận của mình. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải là những tấm gương về cách giao tiếp với những người khác—nhất là khi chúng ta có những ý kiến khác nhau. Một trong những cách dễ dàng nhất để nhận ra một tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô là cách người đó đối xử nhân từ với người khác.” Việc ghi nhớ tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp đỡ anh chị em như thế nào khi khó để yêu thương người khác?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Cùng đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen:

    “Đừng bao giờ bỏ cuộc—cho dù vết thương trong tâm hồn của anh chị em có nặng đến đâu, bất kể vì lý do gì, bất kể chúng xảy ra ở đâu hay vào lúc nào, và dù có kéo dài lâu hay mau, thì điều đó cũng không có nghĩa là anh chị em sẽ bị diệt vong về phần thuộc linh. Nó có nghĩa là anh chị em sẽ sống sót về mặt thuộc linh và phát triển trong đức tin và sự tin cậy của mình nơi Thượng Đế.

    “Thượng Đế đã không tạo ra linh hồn của chúng ta mà không lệ thuộc vào Ngài. Chúa và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta, qua ân tứ không kể xiết của Sự Chuộc Tội của Ngài, không chỉ giải cứu chúng ta khỏi cái chết và ban cho chúng ta, qua sự hối cải, sự tha thứ các tội lỗi của chúng ta, nhưng Ngài cũng sẵn sàng giải cứu chúng ta khỏi nỗi buồn rầu và đau đớn của tâm hồn bị tổn thương của chúng ta.”

    Thảo luận quyền năng dành sẵn cho chúng ta nhờ vào khả năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi. Nếu thích hợp, hãy mời các thành viên trong nhóm cân nhắc việc chia sẻ những kinh nghiệm khi họ đã cảm nhận được quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của họ.

Tìm hiểu thêm

Tiết 4

Chúa Giê Su Ky Tô Đã Phó Mạng Sống của Ngài để Cứu Chuộc Con Cái của Thượng Đế

Hình Ảnh
Chúa Giê Su đang quỳ

Tiên tri A Bi Na Đi trong Sách Mặc Môn đã tiên tri rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ từ trời giáng xuống và bị nhạo báng, đánh đập, xua đuổi, bị đóng đinh và bị giết chết—tất cả để Ngài có thể cứu chuộc dân Ngài (xin xem Mô Si A 15:1–7). Nhu cầu lớn nhất trên thế gian ngày nay là cho tất cả mọi người học hỏi và hiểu được sứ mệnh trần thế của Chúa Giê Su Ky Tô, cách Ngài chịu đau khổ và trả giá cho tội lỗi của chúng ta để chúng ta có thể được cứu rỗi.

Một số sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế gian đã xảy ra trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời Chúa. Khi thời gian lễ Vượt Qua của người Do Thái đến gần, Chúa Giê Su dẫn các môn đồ của Ngài đến Vườn Ghết Sê Ma Nê, một vườn cây ô liu ở trên hoặc gần Núi Ô Li Ve ngay bên ngoài các bức tường thành của Giê Ru Sa Lem. Chính là ở đây mà Chúa Giê Su Ky Tô đã cầu nguyện và bắt đầu mang lấy tất cả những gì được đòi hỏi cho sự cứu chuộc của chúng ta. Vua Bên Gia Min đã tiên tri rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cảm thấy “nỗi đau đớn của thể xác, sự đói khát, sự mệt nhọc” và “nỗi lo âu của Ngài về sự độc ác và những sự khả ố của dân Ngài” (Mô Si A 3:7). Chúng ta không thể thấu hiểu được cường độ và phạm vi đau khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, nhưng nỗi thống khổ đã làm cho Chúa Giê Su đổ mồ hôi “như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu Ca 22:44; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 19:18).

Sau đó Chúa Giê Su đã bị một trong các môn đồ của Ngài phản bội, bị bắt giữ, nhạo báng, và bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái kết tội oan. Ngài bị người Rô Ma bắt, tra hỏi và đánh đập. (Xin xem Ma Thi Ơ 26:47–68; 27:1–31.) Những người lính bắt Chúa Giê Su Ky Tô và đóng đinh Ngài, có nghĩa là tay chân Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá (xin xem Lu Ca 23:33–38). Khi Ngài bị treo lên trên thập tự giá, nỗi đau đớn và đau khổ vì tội lỗi của chúng ta vẫn tiếp tục. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô gồm có việc Ngài đã trả trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá để khắc phục những hậu quả của tội lỗi cho tất cả những ai hối cải tội lỗi của mình (xin xem An Ma 5:48; 3 Nê Phi 9:22; Giáo Lý và Giao Ước 19:17).

Sau khi chết, xác của Ngài được đặt trong một ngôi mộ (xin xem Giăng 19:38–42). Vào ngày thứ ba sau khi Ngài bị đóng đinh, Đấng Ky Tô đã lấy lại thể xác của Ngài và trở thành Người đầu tiên được phục sinh (xin xem Ma Thi Ơ 28:1–8). Nhiều người đã chứng kiến Chúa phục sinh và làm chứng về tin vinh quang này. Vì Chúa Giê Su Ky Tô đã phục sinh, nên tất cả con cái của Thượng Đế sẽ được linh hồn tái hợp với thể xác của họ và nhận được phước lành của sự bất diệt (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:21–22; An Ma 11:44–45). Mọi điều Chúa Giê Su Ky Tô chịu đựng trong cuộc sống trần thế của Ngài được thực hiện vì tình yêu thương của Ngài dành cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng (xin xem 1 Nê Phi 19:9; Giáo Lý và Giao Ước 34:3).

Những điều để suy nghĩ

  • Trước khi đi đến Vườn Ghết Sê Ma Nê, Chúa Giê Su Ky Tô đã giới thiệu giáo lễ Tiệc Thánh cho các môn đồ của Ngài. Đọc Ma Thi Ơ 26:26–30. Anh chị em có thể làm gì để suy ngẫm nhiều hơn về cuộc đời và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô khi anh chị em dự phần Tiệc Thánh? Làm thế nào kinh nghiệm của anh chị em khi dự phần Tiệc Thánh có thể gia tăng tình yêu thương của anh chị em dành cho Chúa Giê Su Ky Tô?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Cùng đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson:

    “Ngài hạ cố để đến thế gian với tư cách là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha trong xác thịt, nên Ngài bị chửi rủa, nhạo báng, nhổ nước bọt và đánh đập một cách tàn bạo. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã gánh chịu mọi đau đớn, mọi tội lỗi, và mọi thống khổ và khổ sở mà anh chị em và tôi và mọi người đã từng sống hoặc sẽ sống chưa hề trải qua. Dưới trọng lượng của gánh nặng đau đớn tột cùng đó, Ngài đã rướm máu từ mỗi lỗ chân lông. Tất cả nỗi đau khổ này gia tăng khi Ngài bị đóng đinh một cách tàn nhẫn trên thập tự giá ở Đồi Sọ.

    “Qua những kinh nghiệm đau đớn tột cùng này và Sự Phục Sinh tiếp theo sau đó của Ngài—Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài—Ngài đã ban sự bất diệt cho tất cả mọi người và chuộc mỗi người chúng ta khỏi những ảnh hưởng của tội lỗi với điều kiện là chúng ta phải hối cải.”

    Thảo luận với nhóm lý do tại sao là điều quan trọng để học về nỗi đau khổ của Chúa Giê Su Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá, cái chết, và Sự Phục Sinh của Ngài. Làm thế nào việc hiểu thêm về những gì Chúa Giê Su Ky Tô đã trải qua có thể mang anh chị em đến gần Ngài hơn?

Tìm hiểu thêm

In