Thư Viện
Nhìn nhận học viên như cách Thượng Đế nhìn nhận họ.


“Nhìn nhận học viên như cách Thượng Đế nhìn nhận họ,” Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Nhìn nhận học viên như cách Thượng Đế nhìn nhận họ,” Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên

Yêu Mến Những Người mà Anh Chị Em Giảng Dạy

Nhìn nhận học viên như cách Thượng Đế nhìn nhận họ.

Kỹ năng: Ngừng lại, suy ngẫm, và trả lời những câu hỏi mà chúng ta tự hỏi để mời gọi một tinh thần sáng suốt, yêu thương, và đồng cảm giống như Đấng Ky Tô trong các mối tương tác của chúng ta.

Buổi huấn luyện này trình bày kỹ năng đầu tiên trong số ba kỹ năng được kết nối với nhau mà sẽ giúp chúng ta hiểu rằng học viên có thể thấy các lẽ thật vĩnh cửu từ một tiền đề khác với chúng ta. Khi hiểu rõ hơn về học viên của mình, chúng ta sẽ có nhiều khả năng hơn để đáp lại họ bằng tình yêu thương và sự đồng cảm khi chúng ta giúp họ xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Những buổi huấn luyện này sẽ gồm có:

  1. Nhận ra tiền đề của một học viên bằng cách tạm ngừng, suy ngẫm, và trả lời các câu hỏi mà chúng ta tự hỏi trong lúc chuẩn bị bài học lẫn khi chúng ta tập trung vào những lời phát biểu hoặc câu hỏi của học viên trong lớp;

  2. Tìm cách làm rõ nghĩa và hiểu được chủ ý thực sự của các câu hỏi, cảm nghĩ cùng niềm tin của học viên; và

  3. Giúp học viên xem xét hoặc điều chỉnh lại tiền đề của họ bằng một quan điểm vĩnh cửu.

*Các buổi huấn luyện thứ hai và thứ ba sẽ được cung cấp sau đó.

Buổi huấn luyện này sẽ tập trung vào kỹ năng sau:

  • Nhận ra tiền đề của một học viên bằng cách tạm ngừng, suy ngẫm, và trả lời các câu hỏi mà chúng ta tự hỏi mình trong lúc chuẩn bị bài học lẫn khi chúng ta tập trung vào những lời phát biểu hoặc câu hỏi của học viên trong lớp.

Định nghĩa

Mỗi học viên có những kinh nghiệm sống khác nhau và các mối quan hệ mà định hình cách họ suy nghĩ và cảm nhận về các lẽ thật phúc âm. Những quan điểm này tạo ra điểm xuất phát, thường được gọi là tiền đề, cho suy nghĩ của một cá nhân. Việc nhận ra tiền đề của một cá nhân có thể giúp chúng ta giảng dạy lẽ thật bằng sự đồng cảm và tình yêu thương, như Chúa Giê Su Ky Tô đã làm. Các tiền đề khác nhau không làm thay đổi giáo lý; thay vì thế, chúng cho phép chúng ta nhìn nhận quan điểm của người khác theo cách mà giúp gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về nhu cầu của mỗi học viên để từ đó lần lượt gia tăng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong lúc chuẩn bị bài học, giảng viên có thể cân nhắc các lẽ thật vĩnh cửu khi họ ngừng lại, suy ngẫm, và trả lời các câu hỏi sau đây:

  • Làm thế nào mà những kinh nghiệm và mối quan hệ của học viên có thể định hình cách họ suy nghĩ, cảm nhận, và sống theo các lẽ thật này?

  • Khi chúng ta nghiên cứu lẽ thật này, liệu có học viên nào của tôi có thể cảm thấy bị tẩy chay, bối rối, hoặc bị tổn thương vì hoàn cảnh của họ không?

Trong khi tập trung vào lời phát biểu hoặc câu hỏi của một học viên trong lớp học hoặc trong một cuộc trò chuyện, giảng viên có thể tự hỏi:

  • “Những kinh nghiệm và mối quan hệ nào học viên này có thể có mà sẽ khiến em ấy có suy nghĩ khác với tôi?”

  • “Tôi cần phải biết thêm điều gì nữa để hoàn toàn hiểu rõ quan điểm của em ấy?”

Những câu hỏi này có thể mời Đức Thánh Linh đến và mời gọi một tinh thần sáng suốt, yêu thương, và đồng cảm giống như Đấng Ky Tô trong các mối tương tác của chúng ta. Những câu hỏi này cũng có thể giúp chúng ta tránh phản ứng với học viên theo một cách thô bạo, đầy phán xét, hoặc phòng vệ. Chúng có thể giúp chúng ta giảng dạy lẽ thật theo cách mà có thể ban phước cho lớp học và giúp người khác xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Mẫu (trong khi chuẩn bị bài học)

Trong khi chuẩn bị một bài học về việc tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh, tôi suy ngẫm về những câu hỏi sau đây: “Làm thế nào những kinh nghiệm và mối quan hệ của học viên của tôi có thể định hình cách họ suy nghĩ, cảm nhận, và sống theo các lẽ thật này?” và “Khi chúng ta nghiên cứu lẽ thật này, liệu có bất kỳ học viên nào của tôi có thể gặp khó khăn hoặc cảm thấy bị tẩy chay, bối rối, hoặc bị tổn thương vì hoàn cảnh của họ không được lý tưởng khi đề cập đến giáo lý này không?”

Rồi tôi trả lời: “Tôi có thể có những học viên cảm thấy rằng họ chưa bao giờ nhận được một sự thúc giục trước đây, hoặc họ không cảm nhận được rằng Đức Thánh Linh ngỏ lời cùng họ. Tôi có thể có một số học viên cảm thấy họ không xứng đáng. Có thể có những lúc học viên của tôi không chắc rằng liệu sự thúc giục có đến từ Đức Thánh Linh hay không. Có thể có những học viên cảm thấy mệt mỏi khi nghe những câu chuyện từ những người khác về việc tuân theo Thánh Linh bởi vì chúng dường như luôn quá kỳ diệu và những điều đó không bao giờ xảy ra với họ.”

Thực Tập (trong lúc chuẩn bị bài học)

Trong lúc chuẩn bị một bài học về 1 Nê Phi 3:7, “Con sẽ đi là làm những gì Chúa đã truyền lệnh”:

  • Suy ngẫm và trả lời: “Làm thế nào những kinh nghiệm và mối quan hệ của học viên có thể định hình cách họ suy nghĩ, cảm nhận, và sống theo các lẽ thật này?” và “Khi chúng ta nghiên cứu lẽ thật này, liệu có bất kỳ học viên nào của tôi có thể gặp khó khăn hoặc cảm thấy bị loại trừ, bối rối, hoặc tổn thương vì hoàn cảnh của họ không được lý tưởng khi đề cập đến giáo lý này không?”

Trong khi chuẩn bị một bài học về giới tính như là một đặc điểm thiết yếu của danh tính và mục đích vĩnh cửu của chúng ta trong bài học có tựa đề “Giới Tính và Nguồn Gốc Vĩnh Cửu”:

  • Suy ngẫm và trả lời: “Làm thế nào những kinh nghiệm và mối quan hệ của học viên có thể định hình cách họ suy nghĩ, cảm nhận, và sống theo các lẽ thật này?” và “Khi chúng ta nghiên cứu lẽ thật này, liệu có bất kỳ học viên nào của tôi có thể gặp khó khăn hoặc cảm thấy bị loại trừ, bối rối, hoặc tổn thương vì hoàn cảnh của họ không được lý tưởng khi đề cập đến giáo lý này không?”

Mẫu (trong suốt buổi học)

Khi thảo luận về giáo lý của ngày Sa Bát, một học viên phát biểu rằng: “Gia đình em thích xem các sự kiện thể thao vào ngày Chủ Nhật.” Khi anh chị em tập trung vào lời phát biểu của học viên của mình, anh chị em nghĩ: “Em học viên này có những kinh nghiệm và mối quan hệ nào mà có thể khiến em ấy suy nghĩ khác với tôi?” hoặc “Tôi cần biết thêm điều gì khác nữa để hoàn toàn hiểu quan điểm của em ấy?”

Thực Tập (trong suốt buổi học)

Trong khi thảo luận về công việc truyền giáo, một học viên hỏi: “Điều quan trọng nhất đối với mỗi thiếu niên đang phục vụ truyền giáo là gì?”

  • Thầm nghĩ: “Em học viên này có những kinh nghiệm và mối quan hệ nào có thể khiến em ấy suy nghĩ khác với tôi?” và “Tôi cần phải biết thêm điều gì nữa để hoàn toàn hiểu quan điểm của em ấy?”

Trong một cuộc thảo luận về các vị tiên tri và sự mặc khải, một học viên hỏi: “Khi nào Giáo Hội sẽ thay đổi chính sách để phù hợp hơn với thế giới?”

  • Thầm nghĩ: “Em học viên này có những kinh nghiệm và mối quan hệ nào có thể khiến em ấy suy nghĩ khác với tôi?” và “Tôi cần phải biết thêm điều gì nữa để hoàn toàn hiểu quan điểm của em ấy?”

Bấm vào đây để xem video của mẫu này.

Thảo Luận hoặc Suy Ngẫm

  • Anh chị em đang học được điều gì về việc giảng dạy lẽ thật với sự đồng cảm khi anh chị em luyện tập cách nhận ra các tiền đề của học viên trước và trong buổi học?

  • Làm thế nào mà cách thực tập này có thể giúp anh chị em giảng dạy giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

Kết Hợp

Chọn một trong những cách thực tập ở trên để tập trung vào trong hai tuần tới. Hoạch định cách anh chị em sẽ tiếp tục thực hành các kỹ năng này. Ví dụ:

  • Với mỗi lẽ thật mà mình chuẩn bị, anh chị em có thể chọn dành ra năm phút để ngừng lại, suy ngẫm, và trả lời các câu hỏi mà giúp anh chị em nhận ra tiền đề của một học viên.

  • Trước buổi học, hãy xác định một học viên và nghĩ về một lời phát biểu hoặc câu hỏi mà em ấy có thể có với mỗi lẽ thật. Rồi thầm nghĩ: “Em học viên này có những kinh nghiệm và mối quan hệ nào mà có thể khiến em ấy suy nghĩ khác với tôi?” và “Tôi cần phải biết thêm về điều gì nữa để hoàn toàn hiểu quan điểm của em ấy?” Việc này sẽ chuẩn bị anh chị em để làm như thế trong lớp học khi anh chị em tập trung vào lời phát biểu và câu hỏi của học viên đó.

Muốn Thêm Thông Tin?

  • Chad H. Webb, “Empathy” (Buổi Phát Sóng Chương Trình Huấn Luyện Thường Niên của S&I, ngày 26 tháng Một năm 2021), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org

  • Jean B. Bingham, “Teaching Truth in the Language of Love” (Buổi Phát Sóng Chương Trình Huấn Luyện Thường Niên của S&I, ngày 19 tháng Một năm 2021), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org

In