2008
Hãy Đến Với Si Ôn
Tháng Mười một năm 2008


Hãy Đến Với Si Ôn

Trong gia đình và trong các giáo khu cùng các giáo hạt của mình, chúng ta hãy tìm cách xây đắp Si Ôn qua tình đoàn kết, sự tin kính, và lòng bác ái.

Elder D. Todd Christofferson

Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Việc xây dựng Si Ôn là một chính nghĩa mà làm cho dân của Thượng Đế quan tâm trong mọi thời đại; đó là một đề tài mà các vị tiên tri, các thầy tư tế và các vị vua đã đề cập đến với niềm thích thú đặc biệt; họ đã trông đợi với sự tiên đoán đầy vui mừng thời kỳ mà chúng ta đang sống; và phấn khởi với sự tiên đoán đầy vui mừng nên họ đã ca hát, viết và tiên tri về thời kỳ này của chúng ta; nhưng họ đã qua đời mà không thấy được những sự kiện đó trong thời kỳ của chúng ta; chúng ta là dân tộc được ưu đãi mà Thượng Đế đã chọn để mang đến vinh quang Ngày Sau” (Teachings of the Presidents of the Church: Joseph Smith, [khóa học dành cho Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Hội Phụ Nữ, 2007], 186).

Si Ôn là một nơi chốn lẫn một dân tộc. Si Ôn là cái tên được ban cho thành phố cổ xưa của Hê Nóc trong thời kỳ trước nạn Đại Hồng Thủy. “Và chuyện rằng trong thời của ông, ông có xây dựng một thành phố gọi là Thành Phố Thánh Thiện, tức là Si Ôn” (Môi Se 7:19). Si Ôn này đã tồn tại khoảng 365 năm (xin xem Môi Se 7:68). Thánh thư chép rằng: “Và Hê Nóc cùng tất cả dân ông bước đi với Thượng Đế, và Ngài ngự giữa Si Ôn; và chuyện rằng Si Ôn không còn nữa, vì Thượng Đế đã nhận nó vào lòng Ngài; và từ đó người ta nói rằng: Si Ôn đã qua đi” (Môi Se 7:69). Về sau, Giê Ru Sa Lem và đền thờ của nó được gọi là Núi Si Ôn, và thánh thư tiên đoán về một Tân Giê Ru Sa Lem tương lai nơi mà Đấng Ky Tô sẽ trị vì với tư cách là “Vua của Si Ôn” khi “thế gian sẽ an nghỉ trong thời gian một ngàn năm” (Môi Se 7:53, 64).

Chúa gọi dân của Hê Nóc là Si Ôn “vì họ đồng một lòng và một trí, và sống trong sự ngay chính; và không có một người nào nghèo khó trong số họ” (Môi Se 7:18). Ngài phán ở một nơi khác: “Đây là Si Ôn—những kẻ có tấm lòng thanh khiết” (GLGƯ 97:21).

Sự tương phản và kẻ thù của Si Ôn là Ba Bi Lôn. Thành Ba Bi Lôn lúc đầu là Ba Bên, Tháp Ba Bên rất nổi tiếng, và về sau trở thành thủ đô của đế quốc Ba Bi Lôn. Dinh thự chính của thành này là đền thờ Bên hoặc Ba Anh, thần tượng được các vị tiên tri thời Cựu Ước nói đến như là “Vật Xấu Hổ” vì những sự trụy lạc nhục dục liên hệ với sự thờ phượng (xin xem Bible Dictionary, “Assyria and Babylonia” 615–16; và “Baal,” 617–18; “Babylon, or Babel,” 618). Tính chất trần tục, sự thờ phượng điều xấu xa và sự bắt giữ Giu Đa của nó nơi đó tiếp theo sự xâm chiếm vào năm 587 trước Công Nguyên, tất cả hợp lại để làm Ba Bi Lôn trở thành biểu tượng cho các xã hội suy đồi và sự nô lệ thuộc linh.

Đây là bối cảnh lịch sử khi Chúa phán với các tín hữu của Giáo Hội của Ngài: “Các ngươi hãy ra khỏi Ba Bi Lôn; các ngươi hãy quy tụ lại từ các quốc gia, từ khắp bốn phương, từ cuối phương trời này cho đến tận phương kia” (GLGƯ 133:7). Ngài kêu gọi các anh cả của Giáo Hội của Ngài phải được gửi đi ra khắp thế gian để thực hiện sự quy tụ này, bắt đầu một nỗ lực mà tiếp tục một cách hoàn toàn mạnh mẽ trong ngày nay. “Và này, và trông kìa, đây là tiếng nói kêu gào của họ, tiếng nói của Chúa nói với tất cả mọi người: Hãy đi đến đất Si Ôn, để cho các ranh giới của dân ta có thể được mở rộng, và để cho những giáo khu của Si Ôn được tăng cường, và để cho Si Ôn có thể lan ra những vùng phụ cận” (GLGƯ 133:9).

Vậy nên, ngày nay, dân của Chúa đang quy tụ lại “từ các quốc gia” khi họ quy tụ lại trong các giáo đoàn và giáo khu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô nằm rải rác ở khắp các quốc gia. Nê Phi đã thấy trước rằng “quyền thống trị” này rất nhỏ nhoi nhưng quyền năng của Chúa sẽ “giáng xuống trên các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con, … đã bị phân tán khắp mặt đất; và họ [sẽ] được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quanh vĩ đại” (xin xem 1 Nê Phi 14:12–14).

Chúa kêu gọi chúng ta phải là các tấm gương ngay chính để hướng dẫn những người tìm kiếm sự an toàn và các phước lành của Si Ôn: “Thật vậy, ta nói với tất cả các ngươi rằng:

Hãy đứng dậy và chiếu sáng, để ánh sáng của các ngươi có thể là một cờ lệnh cho các quốc gia;” Và để cho sự quy tụ lại trên đất Si Ôn, và trên các giáo khu của nó có thể để phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian” (GLGƯ 115:5–6).

Dưới sự hướng dẫn của Tiên Tri Joseph Smith, các tín hữu đầu tiên của Giáo Hội đã cố gắng thiết lập trung tâm Si Ôn ở Missouri, nhưng họ không hội đủ điều kiện để xây đắp thành thánh. Chúa đã giải thích một trong số các lý do thất bại của họ:

“Họ đã không biết tuân theo những điều mà ta đòi hỏi nơi tay họ, trái lại đầy dẫy mọi cách thức tà ác, và không chia sẻ tài sản của mình cho người nghèo khó và khốn khổ như một thánh hữu có bổn phận phải làm;

Và không hòa hợp với nhau theo sự đoàn kết mà luật pháp vương quốc thượng thiên đòi hỏi” (GLGƯ 105:3–4).

“Đã có nhiều cuộc cãi vã và tranh chấp, đố kỵ, gây gổ, và những ham muốn tham lam và dục vọng trong bọn chúng; vậy nên bởi những điều này chúng đã làm ô uế những phần thừa hưởng của mình” (GLGƯ 101:6).

Tuy nhiên, thay vì phê phán nghiêm khắc Các Thánh Hữu đầu tiên này, chúng ta cần phải tự xem xét mình để xem chúng ta có làm tốt hơn không.

Si Ôn là Si Ôn nhờ vào đặc điểm, thuộc tính và sự trung tín của dân cư của Si Ôn. Hãy nhớ rằng “Chúa gọi dân Ngài là Si Ôn, vì họ đồng một lòng và một trí, và sống trong sự ngay chính; và không có một người nào nghèo khó trong số họ” (Môi Se 7:18). Nếu chúng ta muốn thiết lập Si Ôn trong nhà, chi nhánh, tiểu giáo khu và giáo khu của mình, thì chúng ta phải đạt được tiêu chuẩn này. Chúng ta sẽ cần (1) trở nên đồng một lòng và một trí, (2) trở thành một dân tộc thánh, riêng cá nhân và tập thể, và (3) chăm sóc cho người nghèo túng và người túng thiếu hữu hiệu đến nỗi chúng ta xóa bỏ cảnh nghèo nàn ở giữa chúng ta. Chúng ta không thể chờ cho đến khi Si Ôn đến rồi những điều này mới xảy ra—Si Ôn chỉ sẽ đến khi những điều này đã xảy ra rồi.

Sự Đoàn Kết

Khi chúng ta thấy rằng sự đoàn kết đòi hỏi Si Ôn phải được thịnh vượng, thì chúng ta cần phải tự hỏi là chúng ta đã khắc phục những “cuộc cãi vã, tranh chấp, đố kỵ và gây gổ” (xin xem GLGƯ 101:6) chưa. Chúng ta, với tư cách là cá nhân và toàn thể các tín hữu, có còn gây gổ và tranh chấp và “theo sự đoàn kết mà luật pháp vương quốc thượng thiên đòi hỏi” không? (GLGƯ 105:4). Sự tha thứ cho nhau là điều thiết yếu cho sự đoàn kết này. Chúa Giê Su phán: “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người” (GLGƯ 64:10).

Chúng ta sẽ trở nên đồng một lòng và một trí khi mỗi người chúng ta đặt Đấng Cứu Rỗi làm trọng tâm của cuộc sống mình và tuân theo những người mà Ngài đã chỉ định để hướng dẫn chúng ta. Chúng ta có thể đoàn kết với Chủ Tịch Thomas S. Monson trong tình yêu thương và mối quan tâm lẫn cho nhau. Trong đại hội trung ương tháng Tư vừa qua, Chủ Tịch Monson đã ngỏ lời cùng những người rời bỏ Giáo Hội và cùng tất cả chúng ta khi ông nói. “Trong thâm tâm riêng của một người có sẵn tinh thần đó, có quyết tâm đó để từ bỏ con người cũ, nhằm đạt được tiềm năng thật sự của mình một cách thành công. Trong tinh thần này, một lần nữa chúng tôi đưa ra lời mời gọi chân thành đó: Hãy quay trở lại. Chúng tôi đến với các anh chị em bằng tình thương yêu thuần túy nơi Đấng Ky Tô và bày tỏ mong muốn của mình nhằm giúp đỡ và mời gọi các anh chị em đến với tình bằng hữu trọn vẹn. Đối với những ai bị tổn thương về mặt tinh thần, hay những ai đang gặp khó khăn và sợ hãi, chúng tôi xin nói: Hãy để cho chúng tôi nâng đỡ và cổ vũ các anh chị em cùng làm nguôi đi nỗi sợ hãi của các anh chị em” (Thomas S. Monson, “Nhìn Lại và Tiến Bước,” Liahona, tháng Năm năm 2008, 90).

Vào cuối tháng Bảy năm nay, những người thành niên trẻ độc thân từ nhiều quốc gia ở đông Âu đã quy tụ lại ở một nơi gần Budapest, Hungary, để tham dự một đại hội. Trong số nhóm này, có 20 thanh niên và thiếu nữ từ Moldova là những người đã dành ra nhiều ngày để có được hộ chiếu và dấu đóng trên hộ chiếu và hành trình hơn 30 giờ đồng hồ bằng xe buý t để đến đó. Chương trình đại hội gồm có khoảng 15 lớp giáo lý . Mỗi người cần phải chọn hai hoặc ba lớp mà người ấy muốn tham dự. Thay vì chỉ tập trung riêng đến sở thích của mình, những người thành niên trẻ Moldova này cùng họp nhau lại và lập ra kế hoạch để ít nhất có một người trong nhóm họ có mặt trong mỗi lớp và ghi chép tỉ mỉ. Rồi họ sẽ chia sẻ điều mà họ đã học với nhau và sau này với những thành niên trẻ ở Moldova mà đã không thể tham dự được. Trong hình thức giản dị nhất của nó, tấm gương này cho thấy tình đoàn kết và yêu thương cho nhau nếu được lặp lại hằng ngàn lần trong nhiều cách khác nhau, sẽ “trở về Si Ôn” (Ê Sai 52:8).

Sự Thánh Thiện

Đa số công việc phải được thực hiện trong việc thiết lập Si Ôn thì gồm có trong các nỗ lực cá nhân của mình để trở thành “tấm lòng thanh khiết” (GLGƯ 97:21). Chúa phán: “Si Ôn không thể được xây dựng trừ phi theo những nguyên tắc của luật pháp vương quốc thượng thiên; bằng không thì ta [là Chúa] không thể nhận nó thuộc về ta được” (GLGƯ 105:5). Dĩ nhiên, luật pháp của vương quốc thượng thiên là luật pháp và các giao ước của phúc âm mà gồm có việc chúng ta luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và chúng ta cam kết vâng lời, hy sinh, dâng hiến và trung thành.

Đấng Cứu Rỗi phê phán Các Thánh Hữu đầu tiên về “những ham muốn dục vọng” của họ (GLGƯ 101:6; xin xem thêm GLGƯ 88:121). Đây là những người sống trong một thế giới không có truyền hình, phim ảnh, mạng Internet, iPod. Trong thế giới ngày nay tràn ngập hình ảnh và âm nhạc gợi dục, chúng ta có tránh xa những ham muốn dục vọng và những điều xấu xa đi kèm theo chúng không? Chẳng những không cố gắng bào chữa cho việc ăn mặc trang nhã có thể chấp nhận được của mình hoặc dự phần vào sự đồi bại của những người khác qua việc xem hình ảnh sách báo khiêu dâm, mà chúng ta còn cần phải đói khát sự ngay chính. Để đến Si Ôn, việc các anh chị em hoặc tôi chỉ phần nào ít tà ác một chút hơn những người khác thì không đủ. Chúng ta không những phải trở thành người tốt mà còn phải là những người nam và người nữ thánh thiện. Bằng việc nhớ đến những lời của Anh Cả Neal A. Maxwell, chúng ta hãy dứt khoát tự dâng hiến cho phúc âm mà không quyến luyến một điều gì với những sự việc của thế gian (xin xem Neal A. Maxwell, A Wonderful Flood of Light [1990], 47).

Chăm Sóc Người Nghèo

Trong suốt lịch sử, Chúa đã phán xét các xã hội và những cá nhân về mức độ mà họ chăm sóc người nghèo như thế nào. Ngài đã phán:

“Vì trái đất tràn đầy, và nó đầy đủ và còn dư nữa; phải, ta đã chuẩn bị tất cả mọi vật và ban cho con cái loài người quyền tự quản lý chính mình.

Vậy nên, nếu có kẻ nào lấy quá nhiều những vật ta đã làm ra, mà không chia bớt phần của mình theo luật pháp của phúc âm ta cho người nghèo khổ và túng thiếu, thì kẻ đó sẽ phải cùng với kẻ tà ác đưa mắt nhìn lên trong ngục giới, trong khi đang bị đau đớn” (GLGƯ 104:17–18; xin xem thêm 56:16–17).

Ngài còn phán thêm: “Trong những việc thế tục, các ngươi cần phải bình đẳng, và việc này phải không miễn cưỡng, bằng không thì những sự biểu hiện dồi dào của Thánh Linh sẽ bị rút lại” (GLGƯ 70:14; xin xem thêm GLGƯ 49:20; 78:5–7).

Chúng ta kiềm chế sự sử dụng các phương tiện và của cải của mình, nhưng chúng ta báo cáo với Thượng Đế về chức vụ quản lý những vật chất thế gian này. Thật là điều phấn khởi để chứng kiến lòng rộng lượng của các anh chị em khi các anh chị em đóng góp của lễ nhịn ăn và các dự án nhân đạo. Trong những năm qua, nỗi đau khổ của hằng triệu người, đã được nguôi ngoai, và vô số những người khác đã có thể tự giúp đỡ mình qua sự rộng lượng của Các Thánh Hữu. Tuy nhiên, khi chúng ta theo đuổi chính nghĩa của Si Ôn, thì mỗi người chúng ta cần phải thành tâm xem mình có đang làm điều mà mình phải làm không, và tất cả những gì mà Chúa kỳ vọng chúng ta làm đối với người nghèo khổ và túng thiếu.

Chúng ta có thể tự hỏi, vì nhiều người chúng ta sống trong các xã hội quý trọng của cải và lạc thú, chúng ta có đang tránh xa sự tham lam và dục vọng để đạt được càng ngày càng nhiều thêm của cải vật chất của thế gian này không. Sự ham mê vật chất chỉ là một sự biểu lộ thêm về việc thờ hình tượng và tính kiêu ngạo mà tiêu biểu cho Ba Bi Lôn. Có lẽ chúng ta có thể học cách hài lòng với những gì đủ cho nhu cầu của mình.

Sứ Đồ Phao Lô đã cảnh cáo Ti Mô Thê về những người đã cho rằng “sự tin kính như là nguồn lợi” (1 Ti Mô Thê 6:5).

Ông nói: “ Chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời chẳng đem gì đi được.

Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (1 Ti Mô Thê 6:5, 7–8).

Trong hầu hết các nơi trên thế giới, chúng ta đang bước vào một thời kỳ kinh tế bất ổn. Chúng ta hãy hết lòng chăm sóc cho nhau. Tôi còn nhớ câu chuyện về một gia đình Việt Nam bỏ chạy khỏi Sài Gòn vào năm 1975 và cuối cùng đến sống trong một căn nhà lưu động nhỏ ở Provo, Utah. Một thiếu niên trong gia đình tị nạn ấy trở thành người bạn đồng hành giảng dạy tại gia với Anh Johnson là người sống gần gia đình đông người của anh ấy. Người thiếu niên ấy đã kể lại câu chuyện như sau:

“Một ngày nọ, Anh Johnson thấy rằng gia đình của chúng tôi không có bàn ăn. Ngày hôm sau, anh ấy đến với một cái bàn trông kỳ quặc nhưng rất thực dụng và vừa vặn với khoảng cách của bức tường của cái nhà di động ngang qua cái bồn rửa chén trong bếp và bàn bếp. Tôi nói kỳ quặc vì hai cái chân bàn thì ăn khớp với mặt bàn và hai cái chân kia thì không. Ngoài ra, vài cái móc nhỏ bằng gỗ chìa ra dọc theo bìa của mặt bàn đã mòn.

“Chẳng bao lâu chúng tôi sử dụng cái bàn độc đáo ấy hằng ngày để chuẩn bị thức ăn và cho những bữa ăn nhanh. Chúng tôi vẫn còn ăn chung với gia đình mình trong khi chúng tôi ngồi dưới sàn nhà … theo kiểu Việt Nam chính cống.

“Một buổi chiều nọ, tôi đứng bên trong cửa trước của nhà Anh Johnson trong khi tôi chờ anh trước một buổi hẹn đi giảng dạy tại gia. Nơi đó trong căn nhà bếp gần đó—tôi rất ngạc nhiên khi thấy nó—một cái bàn khá giống cái bàn mà họ đã cho gia đình tôi. Sự khác biệt duy nhất là cái bàn của chúng tôi thì có mấy cái móc còn cái bàn của gia đình Johnson thì có lỗ! Rồi tôi nhận ra rằng vì thấy nhu cầu của chúng tôi nên người đàn ông đầy lòng bác ái này đã cắt cái bàn ăn của mình ra làm đôi và đã đóng hai cái chân vào mỗi nửa của cái bàn.

“Hiển nhiên là gia đình Johnson đã không thể có đủ chỗ để ngồi quanh cái bàn nhỏ này—có lẽ họ còn không có đủ chỗ để ngồi quanh cái bàn khi nó còn nguyên vẹn… .

“Trong suốt đời tôi, hành động nhân từ này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự thành tâm ban phát (Sơn Quang Lê kể lại cho Beth Ellis Lê, “Two-of-a-Kind Table,” Liahona, tháng Bảy năm 2004, 43).

Tiên Tri Joseph Smith nói: “Chúng ta cần phải có sự xây dựng Si Ôn làm mục tiêu lớn nhất của mình” (Teachings: Joseph Smith, 186). Trong gia đình và trong các giáo khu cùng các giáo hạt của mình, chúng ta hãy tìm cách xây đắp Si Ôn qua tình đoàn kết, sự tin kính, và lòng bác ái, để chuẩn bị cho ngày trọng đại đó khi mà Si Ôn, Tân Giê Ru Sa Lem sẽ xuất hiện. Trong những lời của bài thánh ca của chúng ta:

Y Sơ Ra Ên Chúa đang kêu gọi,

Người từ những vùng đất khổ đau.

Đế Quốc Ba By Lôn bị hủy diệt;

Vì Ngài trút xuống cơn thịnh nộ.

Hãy mau mau đi đến nơi Si Ôn,

Để đón lấy niềm vui chan hòa.

Hãy mau mau đi đến nơi Si Ôn,

Vì ngày tái lâm đã gần kề.

(“Israel, Israel, God Is Calling,” Hymns, số 7)

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Vua của Si Ôn, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.