2008
Ngay Cả một Đứa Trẻ Cũng Có Thể Hiểu Được
Tháng Mười một năm 2008


Ngay Cả một Đứa Trẻ Cũng Có Thể Hiểu Được

Ngài đã bảo đảm rằng lẽ thật về Thượng Đế thì đều dễ hiểu đối với tất cả các con cái của Ngài, bất luận trình độ học vấn hoặc khả năng trí tuệ của họ như thế nào.

Elder Gérald Caussé

Các bậc cha mẹ thường sửng sốt trước những câu trả lời do con cái họ đưa ra đối với những câu hỏi của người lớn. Một buổi tối nọ, vợ tôi và tôi vắng nhà, người giữ con chúng tôi, tò mò trước lời cầu nguyện mà người ấy nghe chúng dâng lên, nên đã hỏi chúng câu hỏi sau đây: “Nhưng mà sự khác biệt giữa tôn giáo của em và của tôi là gì?” Đứa con gái tám tuổi của chúng tôi đáp ngay: “Gần giống như nhau, chỉ khác là chúng em học hỏi nhiều điều hơn chị!” Đứa con gái nhỏ của tôi không hề muốn làm phật lòng người giữ trẻ, nó chỉ muốn nhấn mạnh theo cách của nó về tầm quan trọng mà Các Thánh Hữu Ngày Sau tận tình tìm kiếm sự hiểu biết.

Joseph Smith đã tuyên bố: “Việc một người được cứu rỗi trong sự ngu dốt là không thể được” (GLGƯ 131:6). Ông nói thêm: “Nguyên tắc của sự hiểu biết là nguyên tắc cứu rỗi … và mọi người mà không nhận được sự hiểu biết đủ để được cứu rỗi thì sẽ bị đoán phạt” (History of the Church, 5:387). Sự hiểu biết này dựa trên sự hiểu biết về thiên tính của Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô, và kế hoạch cứu rỗi mà hai Ngài đã chuẩn bị để cho phép chúng ta trở lại nơi hiện diện của hai Ngài. “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).

Nguyên tắc hiểu biết thường bị con người hiểu lầm. “Vinh Quang của Thượng Đế là tri thức” (GLGƯ 93:36). Nó vượt qua tất cả những gì mà chúng ta có thể hiểu được với khả năng trí tuệ của mình. Những người nào cố gắng tìm kiếm Thượng Đế thì đôi khi nghĩ rằng họ phải tìm kiếm Ngài trong những khái niệm phức tạp về mặt trí tuệ.

Tuy nhiên, Cha Thiên Thượng của chúng ta luôn luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Ngài thích nghi với trình độ hiểu biết của chúng ta. “Nếu Ngài đến với một trẻ nhỏ, thì Ngài sẽ tự thích nghi với lời lẽ và khả năng của một trẻ nhỏ” (Joseph Smith, trong History of the Church, 3:392).

Quả thật, Thượng Đế sẽ rất bất công nếu chỉ có những người trí thức hoặc thông minh hơn tất cả những người khác mới có thể nhận được phúc âm. Trong sự nhân từ của Ngài, Ngài đã bảo đảm rằng lẽ thật về Thượng Đế thì đều dễ hiểu đối với tất cả các con cái của Ngài, bất luận trình độ học vấn hoặc khả năng trí tuệ của họ như thế nào.

Trong thật tế, việc một nguyên tắc có thể hiểu được ngay cả bởi một đứa trẻ là bằng chứng về quyền năng của nguyên tắc ấy. Chủ Tịch John Taylor đã nói: “Một người phải có trí thông minh thật sự để lấy một đề tài tự nó là bí ẩn và quan trọng, và phát triển cùng đơn giản hóa nó ngõ hầu một đứa trẻ cũng có thể hiểu được” (“Discourse,” Deseret News, ngày 30 tháng Chín năm 1857, 238). Thay vì giới hạn ảnh hưởng của nó, sự thanh khiết và giản dị của lời nói cho phép Đức Thánh Linh làm chứng với sự chắc chắn lớn lao đối với tâm hồn loài người.

Trong thời gian giáo vụ đầu tiên của Ngài, Chúa Giê Su đã thường so sánh sự giản dị và tính chất xác thật của những lời giảng dạy của Ngài với lập luận quanh co của người Pha Ri Si và các thầy dạy luật khác. Họ nhiều lần cố gắng thử Ngài với những câu hỏi phức tạp nhưng những câu trả lời của Ngài thì luôn luôn rõ ràng dễ hiểu và giống như một đứa trẻ trong sự giản dị của nó.

Một ngày nọ, các môn đồ của Chúa Giê Su đặt ra câu hỏi sau đây cho Ngài: “Ai là người lớn hơn hết trong nước thiên đàng?”

Chúa Giê Su gọi một đứa trẻ đến với Ngài, để ở giữa họ và phán rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.

Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng” (Ma Thi Ơ 18:1, 2–4).

Vào một dịp khác, Chúa Giê Su phán: “Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay” (Lu Ca 10:21).

Chắc hẳn Kinh Thánh là đề tài của những sự giải thích và những cuộc tranh luận về triết lý hơn bất cứ quyển sách nào khác. Tuy nhiên, một đứa trẻ khi đọc quyển sách này lần đầu thì ít nhất sẽ có nhiều cơ hội, nếu không muốn nói là thêm nhiều cơ hội, để hiểu giáo lý hơn đa số các chuyên gia về thánh thư. Những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi đều được thích nghi cho mọi người. Một đứa trẻ tám tuổi có thể có đủ hiểu biết để bước vào nước báp têm và lập giao ước với Thượng Đế với sự hiểu biết trọn vẹn.

Một đứa trẻ sẽ hiểu được điều gì khi đọc câu chuyện về phép báp têm của Chúa Giê Su? Chúa Giê Su được Giăng Báp Tít làm phép báp têm trong dòng sông Giọt Đăng. Đức Thánh Linh “lấy hình chim bồ câu” ngự xuống trên Ngài. Có tiếng nói phán rằng: “Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.” (Lu Ca 3:22). Đứa trẻ sẽ có thể thấy rõ ràng Thiên Chủ Đoàn là gì: ba Đấng riêng biệt trong một sự đoàn kết trọn vẹn—Thượng Đế Đức Chúa Cha, Vị Nam Tử Chúa Giê Su Ky Tô và Đức Thánh Linh.

Việc chối bỏ nguyên tắc giản dị và rõ ràng đã là nguồn gốc của nhiều sự bội giáo chung của nhiều người và riêng của cá nhân. Trong Sách Mặc Môn, tiên tri Gia Cốp lên án những người thời xưa “đã coi thường những lời nói minh bạch ấy, họ đã giết chết các vị tiên tri, và tìm kiếm những điều mà họ không thể hiểu được. Vậy nên, do sự mù quáng của họ, một sự mù quáng vì đã nhìn xa quá điểm nhắm, nên họ phải sa ngã; vì Thượng Đế đã cất đi sự minh bạch của Ngài khỏi họ, và trao cho họ nhiều điều mà họ không thể hiểu thấu được, vì họ muốn vậy” (Gia Cốp 4:14).

Đôi khi, chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng: “Thật là quá dễ dàng,” cũng giống như Na A Man, quan tổng binh người Sy Ri, là người có tính kiêu ngạo, đã ngần ngại để tuân theo lời khuyên dạy của Ê Li Sê, là lời khuyên dạy quá giản dị theo ý kiến của ông, để chữa lành bệnh phong của ông. Các tôi tớ của ông đã cho ông thấy sự điên rồ của ông:

“Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng: Hãy tắm, thì được sạch.

“Người bèn xuống sông Giô Đanh và tắm mình bảy lần, theo như lời truyền của người Đức Chúa Trời. Người liền được sạch, và thịt người trở nên như trước, giống như thịt của một đứa con nít nhỏ” (2 Các Vua 5:13–14).

Việc chữa lành của ông không những là về thể xác; phần linh hồn của ông cũng được thanh tẩy khi ông chấp nhận bài học tuyệt vời này trong sự khiêm nhường.

Các trẻ nhỏ có một khuynh hướng học hỏi kỳ diệu. Chúng có sự tin cậy hoàn toàn nơi người thầy của chúng, chúng có một tinh thần thanh sạch và một tấm lòng khiêm nhường lớn lao—nói cách khác, cũng những đức tính đó mà mở cửa cho Đức Thánh Linh. Ngài là con đường mà qua đó chúng ta nhận được sự hiểu biết về những sự việc thuộc linh. Phao Lô đã viết cho những người Cô Rinh Tô: “Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời” (1 Cô Rinh Tô 2:11).

Và ông nói thêm: “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (1 Cô Rinh Tô 2:14).

Chúng ta biết rằng con người xác thịt hoặc con người thiên nhiên chính là “một kẻ thù của Thượng Đế … trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh.” Để được như thế, con người phải trở thành “như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy” (Mô Si A 3:19).

Trong câu truyện ngắn “Hoàng Tử Bé” về triết lý của mình Antoine de Saint-Exupéry mô tả nỗi hoang mang của một đứa bé trai khi nó khám phá ra một bãi hoa hồng, thì nó nhận thức rằng đóa hoa mà nó có và nó đã chăm sóc với biết bao yêu mến, thì không phải là độc đáo mà lại rất tầm thường. Rồi nó dần dần nhận ra rằng điều mà làm cho đóa hoa hồng của nó trở thành độc đáo thì không phải là vẻ bề ngoài của đóa hoa mà chính là thời giờ và tình yêu mến mà nó đã dành ra để chăm sóc đóa hoa đó. Nó thốt lên:

“Người ta … trồng năm ngàn đóa hoa hồng trong cùng một khu vườn—và họ không thấy thứ mà họ đang tìm kiếm… .

“Tuy nhiên điều mà họ đang tìm kiếm thì có thể tìm thấy được trong chỉ một đóa hoa hồng với một chút nước… .

“Nhưng mắt họ đã mù. Ta cần phải tìm kiếm với tấm lòng của mình” ([1943], 79).

Trong cùng một cách thức đó, sự hiểu biết của chúng ta về Thượng Đế không tùy thuộc vào số thông tin mà chúng ta thu góp. Xét cho cùng, tất cả sự hiểu biết của phúc âm mà có ý nghĩa đối với sự cứu rỗi của chúng ta có thể được tóm lược trong một vài điểm của giáo lý , các nguyên tắc và những lệnh truyền thiết yếu, mà đã có sẵn nơi đó trong các bài học của người truyền giáo chúng ta nhận được trước khi chịu phép báp têm. Việc biết được Thượng Đế là một vấn đề mở rộng tâm hồn chúng ta để nhận được một sự hiểu biết thuộc linh và một chứng ngôn nhiệt thành về lẽ thật của một vài điểm cơ bản này của giáo lý . Việc biết được Thượng Đế là có được một chứng ngôn về sự hiện hữu của Ngài và cảm giác trong lòng của một người rằng Ngài yêu thương chúng ta. Đó là chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và có được ước muốn tha thiết để noi theo gương Ngài. Trong việc phục vụ Thượng Đế và người lân cận của mình, chúng ta làm chứng về Đấng Ky Tô và để cho những người chung quanh chúng ta có thể biết Ngài rõ hơn.

Các nguyên tắc này tìm ra sự áp dụng thực tiễn trong việc giảng dạy mà được đưa ra trong các tiểu giáo khu và các chi nhánh của chúng ta. Đối với các anh chị em là các giảng viên của Giáo Hội, mục tiêu chính yếu của bài học của các anh chị em là sự cải hóa tâm hồn. Phẩm chất của một bài học không được đo lường bằng con số những mẩu thông tin mới mà các anh chị em đưa ra cho các học viên của mình. Nó đến từ khả năng của các anh chị em để mời gọi sự hiện diện của Thánh Linh và thúc đẩy các học viên của các anh chị em lập giao ước. Chính là qua việc sử dụng đức tin của họ bằng cách thực hành các bài học đã được giảng dạy thì họ sẽ gia tăng sự hiểu biết thuộc linh của mình.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ biết cách mở rộng lòng mình giống như một trẻ nhỏ và vui thích trong việc lắng nghe và thực hành lời của Thượng Đế trong tất cả quyền năng của sự giản dị của nó. Tôi làm chứng rằng nếu chúng ta làm như vậy, thì chúng ta sẽ nhận được sự hiểu biết về “những điều kín nhiệm [của Thượng Đế], và những điều bình an—là những điều đem lại niềm vui và đem lại cuộc sống vĩnh cửu” (GLGƯ 42:61). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.