2008
Chuyện Gì Đến Thì Cứ Để Cho Nó Đến và Hân Hoan Chấp Nhận Nó
Tháng Mười một năm 2008


Chuyện Gì Đến Thì Cứ Để Cho Nó Đến và Hân Hoan Chấp Nhận Nó

Cách mà chúng ta đối phó với nghịch cảnh thì có thể là một yếu tố trọng đại trong việc chúng ta làm thế nào để có được hạnh phúc và thành công trong đời.

Elder Joseph B. Wirthlin

Khi còn trẻ, tôi thích chơi thể thao và tôi có nhiều kỷ niệm thân ái về những ngày tháng đó. Nhưng không phải tất cả các kỷ niệm đó đều thú vị. Tôi nhớ một ngày nọ sau khi đội bóng bầu dục của tôi thua trong một cuộc thi đấu gay go, tôi về nhà mà lòng cảm thấy chán nản. Mẹ tôi có mặt ở đó. Bà lắng nghe câu chuyện buồn của tôi. Bà dạy con cái bà phải tin cậy nơi bản thân mình và tin cậy nhau, không đổ lỗi cho người khác về sự rủi ro của mình, và nỗ lực hết sức trong mọi điều mà chúng cố gắng làm.

Khi chúng tôi thất bại, bà kỳ vọng rằng chúng tôi lấy lại tinh thần và lại tiếp tục. Do đó lời khuyên của mẹ tôi cho tôi lúc bấy giờ không phải là điều hoàn toàn bất ngờ. Điều đó ở với tôi suốt cuộc đời.

Bà nói: “Joseph, chuyện gì đến thì cứ để cho nó đến và hân hoan chấp nhận nó.”

Tôi thường suy nghĩ về lời khuyên dạy đó.

Tôi nghĩ rằng bà có thể đã có ý nói rằng mỗi cuộc sống đều có những thăng trầm và có những lúc mà dường như không có hạnh phúc trong thế giới này. Tuy nhiên, dù có nản lòng và nghịch cảnh, nhưng những người nào vui sướng nhất thì dường như có một phương pháp học được từ những thời kỳ khó khăn, do đó trở nên vững mạnh hơn, khôn ngoan hơn, và vui vẻ hơn.

Có thể có một số người nghĩ rằng Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương hiếm khi trải qua nỗi đau đớn, đau khổ hoặc khổ sở. Tôi ước gì điều đó có thật. Mặc dù mỗi người nam và người nữ ngồi trên bục chủ tọa này ngày hôm nay đã trải qua một mức độ vui sướng lớn lao, nhưng mỗi người ấy cũng đều uống cạn chén thất vọng, buồn phiền, và mất mát. Chúa trong sự thông sáng của Ngài không che chở bất cứ ai khỏi nỗi sầu khổ hay buồn phiền.

Đối với tôi, Chúa đã mở cửa sổ trên trời và trút xuống tôi và gia đình tôi các phước lành vượt xa khả năng bày tỏ của tôi. Tuy nhiên giống như mọi người khác, cũng có những lúc trong cuộc sống của tôi dường như lòng tôi trĩu nặng nỗi buồn đau hơn là tôi có thể chịu đựng được. Trong những lúc đó, tôi nghĩ lại những ngày thơ dại của thời thơ ấu của mình khi mà những nỗi buồn phiền tột cùng đến với sự bại trận trong một cuộc thi đấu bóng bầu dục.

Lúc bấy giờ tôi đã không biết gì mấy về điều chờ đợi tôi trong những năm về sau. Nhưng bất cứ lúc nào tôi trải qua những thời kỳ buồn bã và đau khổ, thì những lời của mẹ tôi thường trở lại với tôi: “Chuyện gì đến thì cứ để cho nó đến và hân hoan chấp nhận nó.”

Làm thế nào chúng ta có thể ưa thích những ngày đầy đau khổ? Chúng ta không thể nào—ít nhất là trong giây phút đó. Tôi không nghĩ là mẹ tôi đề nghị rằng chúng ta phải ngăn cản nỗi thất vọng hoặc chối bỏ sự xác thật của nỗi đau đớn. Tôi không nghĩ là bà đề nghị rằng chúng ta che giấu sự thật phũ phàng bằng hạnh phúc giả vờ. Nhưng tôi tin rằng cách mà chúng ta đối phó với nghịch cảnh thì có thể là một yếu tố trọng đại trong việc chúng ta làm thế nào để có được hạnh phúc và thành công trong đời.

Nếu chúng ta đối phó với nghịch cảnh một cách khôn ngoan, thì những lúc khó khăn nhất của mình có thể là những lúc tăng trưởng nhiều nhất mà đối lại có thể đưa đến những lúc hạnh phúc lớn lao.

Qua những năm tháng, tôi đã học biết được một vài điều mà đã giúp tôi vượt qua những lúc thử thách và gian truân. Tôi xin chia sẻ những điều này với các anh chị em.

Hãy Tập Cười

Điều đầu tiên mà chúng ta có thể làm là tập cười. Có bao giờ các anh chị em thấy một người lái xe giận dữ khi một người nào khác làm một lỗi lầm mà người lái xe ấy phản ứng thể như người kia đã sỉ nhục danh dự, gia đình, con chó và tổ tiên của mình trở ngược đến thời A Đam không? Hoặc có bao giờ các anh chị em thấy một cánh cửa của tủ đựng chén bát lơ lửng mở ra ngoài không đúng chỗ và không đúng lúc và đã bị nguyền rủa, kết tội và trả thù bởi một nạn nhân bị u đầu không?

Có một giải pháp cho những lúc như vậy: hãy tập cười.

Tôi nhớ lúc chất con cái lên một chiếc xe hơi và lái đi Los Angeles. Có ít nhất là chín người chúng tôi trong xe và chúng tôi lúc nào cũng lạc đường. Thay vì tức giận, chúng tôi đã cười. Mỗi lần chúng tôi quẹo sai đường, chúng tôi lại cười càng to hơn.

Việc lạc đường là một sự kiện không hiếm đối với chúng tôi. Có lần, trong khi đi về hướng nam đến Cedar City, Utah, chúng tôi quẹo sai đường và không nhận biết cho đến khi hai giờ đồng hồ sau khi chúng tôi thấy tấm bảng “Chào Mừng Quý Vị đến Nevada”. Chúng tôi không tức giận. Chúng tôi cười và kết quả là cơn nóng giận và tức tối ít khi xảy đến. Tiếng cười của chúng tôi tạo ra những ký ức yêu dấu đối với chúng tôi.

Tôi nhớ khi một trong số mấy đứa con gái của tôi hẹn đi chơi với một người mà nó chưa biết mặt trước đó. Nó ăn mặc chỉnh tề và chờ cho người mà nó hẹn đi chơi đến thì có tiếng chuông cửa. Một người đàn ông dường như hơi lớn tuổi bước vào, nhưng nó cố gắng tỏ ra lịch sự. Nó giới thiệu người đó với tôi và vợ tôi và rồi, nó khoác áo choàng lên và đi ra cửa. Chúng tôi nhìn theo khi nó bước vào xe, nhưng chiếc xe không nhúc nhích. Cuối cùng, con gái tôi bước ra khỏi xe và, mặt đỏ bừng, nó chạy vào nhà lại. Người đàn ông mà nó tưởng là người nó hẹn hò đi chơi mà không biết mặt thì thật sự đến để chở một đứa con gái khác của chúng tôi là đứa đã đồng ý đến giữ con cho người đàn ông ấy và vợ ông ta.

Chúng tôi đều cười rất nhiều về việc đó. Quả thật, chúng tôi không thể ngưng cười được. Sau đó, khi người thật sự hẹn hò đi chơi với con gái tôi đến, thì tôi không thể ra gặp cậu ấy vì tôi vẫn còn đang cười ở trong nhà bếp. Bây giờ tôi nhận biết rằng đứa con gái của chúng tôi đáng lẽ đã cảm thấy bẽ bàng và ngượng nghịu. Nhưng nó đã cười với chúng tôi và kết quả là cho đến ngày nay, chúng tôi vẫn còn cười về việc ấy.

Lần sau nếu các anh chị em có bị cám dỗ để lầm bầm rên rỉ, thì thay vì thế các anh chị em có thể cố gắng cười. Điều ấy sẽ làm cho các anh chị em thọ thêm tuổi và làm cho cuộc sống của tất cả những người chung quanh mình thú vị hơn.

Tìm Kiếm Điều Có Giá Trị Vĩnh Cửu

Điều thứ nhì chúng ta có thể làm là tìm kiếm điều có giá trị vĩnh cửu. Các anh chị em có thể cảm thấy mình là người độc nhất gặp nghịch cảnh trong đời mình. Các anh chị em lắc đầu và tự hỏi: “Tại sao điều này xảy ra cho tôi?”

Nhưng nỗi buồn phiền rốt cuộc đều đến với mỗi người chúng ta. Vào lúc này hay lúc khác, mọi người đều phải trải qua nỗi buồn phiền. Không một ai được miễn trừ.

Tôi ưa thích thánh thư vì thánh thư cho thấy các tấm gương của các vĩ nhân, nam lẫn nữ, đầy cao quý như Áp Ra Ham, Sa Ra, Hê Nóc, Môi Se, Joseph, Emma và Brigham. Mỗi người trong số họ đã trải qua nghịch cảnh và nỗi buồn phiền mà thử thách, củng cố và cải tiến cá tính của họ.

Việc học cách chịu đựng những lúc thất vọng, đau khổ và buồn phiền là một phần của những điều thiết thực mà chúng ta học được từ cuộc sống. Những kinh nghiệm này, mặc dù thường rất khó để chịu đựng vào lúc ấy, nhưng lại chính là loại kinh nghiệm mà phát huy sự hiểu biết của chúng ta, xây đắp cá tính của chúng ta và gia tăng lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những người khác.

Vì Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau khổ cùng cực nên Ngài hiểu được nỗi đau khổ của chúng ta. Ngài hiểu nỗi buồn của chúng ta. Chúng ta trải qua những sự việc khó khăn để chúng ta cũng có thể gia tăng lòng trắc ẩn và sự hiểu biết đối với những người khác.

Hãy ghi nhớ những lời đầy soi dẫn của Đấng Cứu Rỗi ban cho Tiên Tri Joseph Smith khi ông chịu đau khổ với những người bạn đồng hành của mình trong bóng tối dày đặc của Ngục Thất Liberty: “Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi; Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao; ngươi sẽ chiến thắng tất cả các kẻ thù của mình.”1

Với triển vọng vĩnh cửu đó, Joseph đã được an ủi từ những lời này, và chúng ta cũng có thể được như vậy. Đôi khi, chính những giây phút mà dường như khắc phục chúng ta với nỗi đau khổ thì rốt cuộc lại là những giây phút chiến thắng vinh quang của chúng ta.

Nguyên Tắc Đền Bù

Điều thứ ba mà chúng ta có thể làm là hiểu được nguyên tắc đền bù. Chúa đền bù cho người trung tín mọi sự mất mát. Những gì cất khỏi những người yêu mến Chúa thì sẽ được thêm vào cho họ theo cách thức riêng của Ngài. Mặc dù điều đó có thể không đến vào lúc mà chúng ta mong muốn, nhưng người trung tín sẽ biết rằng mỗi giọt lệ ngày hôm nay thì rốt cuộc sẽ được đền bù gấp trăm lần với những giọt lệ vui mừng và cảm tạ.

Một trong các phước lành của phúc âm là sự hiểu biết rằng khi cái chết báo hiệu sự kết thúc của cuộc sống chúng ta trên trần thế, thì cuộc sống vẫn tiếp tục ở bên kia bức màn che. Nơi đó, chúng ta sẽ được ban cho những cơ hội mới. Ngay cả cái chết cũng không thể lấy đi của chúng ta các phước lành vĩnh cửu mà đã được hứa ban cho bởi Cha Thiên Thượng nhân từ.

Nhờ vào Cha Thiên Thượng đầy lòng thương xót mà đã có một nguyên tắc đền bù. Tôi đã thấy điều này trong chính cuộc sống của mình. Đứa cháu ngoại trai của tôi là Joseph mắc bệnh tự kỷ . Thật là điều đau lòng cho cha mẹ nó phải đối phó với những hệ quả của cơn hoạn nạn này.

Chúng biết rằng Joseph có lẽ sẽ không bao giờ giống như các đứa trẻ khác. Chúng hiểu ý nghĩa của điều đó không những cho Joseph mà còn cho gia đình nữa. Nhưng thật là một niềm vui mà nó mang đến cho chúng tôi. Các trẻ con mắc bệnh tự kỷ thường gặp khó khăn để cho thấy cảm xúc nhưng mỗi lần tôi ở bên nó thì Joseph đều ôm hôn tôi thật thân thiết. Mặc dù có những thử thách nhưng nó đã làm cho cuộc sống của chúng tôi đầy niềm vui.

Cha mẹ của nó đã khuyến khích nó chơi các môn thể thao. Khi mới bắt đầu chơi môn bóng chày, nó ở ngoài khu vực xa cửa thành. Nhưng tôi không nghĩ rằng nó hiểu sự cần thiết phải chạy theo bắt các quả bóng mà đã được đánh đi. Nó nghĩ về một cách khác có hiệu quả hơn để chơi môn đó. Khi quả bóng được đánh về phía nó, Joseph nhìn quả bóng đi thẳng và rồi lấy từ trong túi ra một quả bóng khác và ném quả bóng đó vào người cầu thủ ném bóng.

Bất cứ những mối quan tâm nào mà gia đình của nó có thể đã có trong việc nuôi nấng Joseph, bất cứ sự hy sinh nào mà cha mẹ nó đã thực hiện thì đều được đền bù gấp mười lần. Nhờ vào linh hồn chọn lọc này mà cha mẹ nó đã học được rất nhiều về các trẻ em bị khuyết tật. Chúng đã trực tiếp chứng kiến sự rộng lượng và lòng trắc ẩn của gia đình, hàng xóm và bạn bè. Chúng đã cùng hân hoan với nhau khi Joseph được tiến bộ. Chúng đã kinh ngạc trước sự tốt lành của nó.

Đặt sự tin cậy của mình nơi Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử

Điều thứ tư mà chúng ta có thể làm là đặt sự tin cậy của mình nơi Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài.”2 Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng cộng sự, giúp đỡ và biện hộ của chúng ta. Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc. Ngài muốn chúng ta được thành công. Nếu chúng ta làm phần vụ của mình thì Ngài sẽ giúp đỡ thêm.

Ngài là Đấng mà đã xuống bên dưới vạn vật thì sẽ đến để giúp đỡ chúng ta. Ngài sẽ an ủi và nâng đỡ chúng ta. Ngài sẽ củng cố chúng ta trong sự yếu kém và thêm sức cho chúng ta trong cảnh khốn cùng của mình. Ngài sẽ làm cho những điều yếu đuối trở nên mạnh mẽ.3

Một trong mấy đứa con gái của tôi, sau khi sinh con, thì bị bệnh nặng. Chúng tôi cầu nguyện cho nó, ban phước cho nó và hết sức giúp đỡ nó. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ nhận được một phước lành chữa lành, nhưng hết ngày này đến ngày nọ, hết tháng này đến tháng nọ, hết năm này đến năm nọ, nó vẫn không thuyên giảm. Có lúc tôi đã nói với nó rằng cơn hoạn nạn này có thể là một điều mà nó sẽ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời còn lại của nó.

Một buổi sáng nọ, tôi nhớ đã lấy ra một tấm thẻ nhỏ và đặt vào máy đánh chữ của tôi. Trong số những lời mà tôi đánh máy cho nó là những lời này: “Điều bí ẩn giản dị là như sau: đặt sự tin cậy của con nơi Chúa, hãy cố gắng hết sức mình và rồi để cho Ngài lo liệu phần còn lại.”

Nó quả có đặt sự tin cậy của mình nơi Thượng Đế. Nhưng cơn hoạn nạn của nó không biến mất. Nó đã chịu đựng trong nhiều năm, nhưng rồi cũng đến lúc, Chúa ban phước cho nó và cuối cùng nó có được sức khỏe lại.

Vì tôi biết rõ đứa con này, nên tôi tin rằng dù cho nó không bao giờ tìm được sự thuyên giảm, nhưng nó cũng sẽ tin cậy nơi Cha Thiên Thượng và “[để] phần còn lại cho Ngài lo liệu.”

Kết Luận

Mặc dù mẹ tôi đã qua đời từ lâu để tiếp nhận phần thưởng vĩnh cửu của bà, nhưng những lời của bà vẫn ở mãi với tôi. Tôi vẫn còn ghi nhớ lời khuyên dạy của bà cho tôi vào cái ngày xa xưa đó khi đội của tôi bị thua trong một trận đấu bóng bầu dục: “Chuyện gì đến thì cứ để cho nó đến và hân hoan chấp nhận nó.”

Tôi biết lý do tại sao cần phải có sự tương phản trong mọi việc. Nghịch cảnh nếu được đối phó một cách đúng, thì có thể là một phước lành trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể học được cách hân hoan để chấp nhận nghịch cảnh.

Khi chúng ta học cách luôn hóm hỉnh, tìm kiếm viễn cảnh vĩnh cửu, hiểu biết nguyên tắc về sự đền bù, và đến gần Cha Thiên Thượng, thì chúng ta có thể chịu đựng nỗi gian khổ và thử thách. Chúng ta có thể nói như mẹ tôi đã nói: “Chuyện gì đến thì cứ để cho nó đến và hân hoan chấp nhận nó.” Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. GLGƯ 121:7–8.

  2. Giăng 3:16.

  3. Xin xem Ê The 12:27.