2008
Hỡi Các Ngươi Là Kẻ Bắt Tay Vào
Tháng Mười một năm 2008


Hỡi Các Ngươi Là Kẻ Bắt Tay Vào

Khả năng của chúng ta để mang những gánh nặng có thể được gia tăng nhiều hơn mức độ cần đến để đền bù vào sự phục vụ gia tăng mà chúng ta đã được yêu cầu.

President Henry B. Eyring

Các anh em thân mến, buổi tối hôm nay tôi muốn động viên những người nắm giữ chức tư tế mà đôi khi cảm thấy quá dồn nén vì các trách nhiệm của mình. Đó là một thử thách mà tôi đã đề cập đến trước đây. Tôi muốn nói lại lần nữa về thử thách này bởi vì nó thường xảy đến trong cuộc sống của những người tôi yêu thương và phục vụ.

Đa số các anh em đã nhận ra rằng các bổn phận chức tư tế của mình sẽ đòi hỏi nhiều hơn sức mình có thể làm được. Điều này có thể xảy ra khi các anh em được yêu cầu nói chuyện trước hằng trăm người tại một đại hội giáo khu. Đối với người mới cải đạo thì điều đó có thể là được yêu cầu dâng lời cầu nguyện trước công chúng hay dạy một lớp học lần đầu tiên. Đối với một số người, điều đó có thể là việc cố gắng học một ngôn ngữ trong trung tâm huấn luyện truyền giáo. Nếu điều đó chưa thử thách đủ khả năng của các anh em thì nó chắc chắn đã xảy ra trên đường phố của một thành phố xa lạ khi vị chủ tịch phái bộ truyền giáo bảo các anh em phải nói chuyện với mỗi người các anh em gặp để làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và Sự Phục Hồi phúc âm.

Lúc đó, các anh em có thể nghĩ: “Một khi mình phục vụ truyền giáo xong, thì việc làm một người trung tín nắm giữ chức tư tế sẽ dễ dàng hơn.” Nhưng trong một vài năm sau, khi các anh em thấy mình ngay cả không đủ ngủ ban đêm, trong khi cố gắng nuôi vợ và đứa con sơ sinh, ân cần và trìu mến, vất vả học hành, dang tay giúp đỡ các tín hữu trong nhóm túc số các anh cả, có lẽ còn giúp họ dọn đồ đạc, và cố gắng tìm ra thời giờ phục vụ tổ tiên của mình trong đền thờ. Các anh em có thể mỉm cười với ý nghĩ: “Khi mình già hơn chút nữa thì việc làm một người trung tín nắm giữ chức tư tế sẽ không đòi hỏi nhiều lắm. Sẽ dễ dàng hơn.”

Các anh em lớn tuổi hơn thì đang mỉm cười bởi vì các anh em biết một điều gì đó về sự phục vụ của chức tư tế. Đó chính là: khi mình càng phục vụ trung tín, thì Chúa càng đòi hỏi mình nhiều hơn. Nụ cười của các anh em là nụ cười hạnh phúc vì các anh em biết rằng Ngài gia tăng khả năng của chúng ta để có thể mang gánh nặng hơn.

Tuy nhiên, cái phần khó của sự thật đó là để Ngài ban cho các anh em khả năng gia tăng đó thì các anh em phải tiếp tục phục vụ và sống trung tín vượt quá khả năng của mình.

Điều đó giống như tăng cường sức mạnh cơ bắp. Ta cần phải khổ công tập luyện nhằm tăng cường sức mạnh cho cơ bắp. Ta tập luyện cơ bắp cho đến khi mệt nhoài. Sau đó các cơ bắp tự hồi phục và phát triển mạnh hơn. Sức mạnh thuộc linh là một ân tứ từ Thượng Đế mà Ngài có thể ban cho khi chúng ta đẩy mạnh công việc phục vụ Ngài trong khả năng của mình. Qua quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, bản tính của chúng ta có thể thay đổi. Rồi khả năng của chúng ta để mang những gánh nặng có thể được gia tăng nhiều hơn mức độ cần đến để đền bù vào sự phục vụ gia tăng mà chúng ta đã được yêu cầu.

Điều đó giúp tôi hiểu được khi tôi thấy một người nào khác làm cho việc phục vụ chức tư tế trông dễ dàng. Tôi biết rằng họ có thể đã vượt qua trắc nghiệm gay go hoặc trắc nghiệm đó chưa đến với họ. Vì thế thay vì ghen tị với họ, tôi sẵn sàng giúp đỡ khi trách nhiệm của họ trở nên khó hơn đối với họ, vì điều đó chắc chắn sẽ xảy ra.

Trắc nghiệm đó về giới hạn của chúng ta trong sự phục vụ của chức tư tế là thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế nhằm hội đủ điều kiện cho con cái của Ngài để sống với Ngài mãi mãi một lần nữa. Cha Thiên Thượng yêu thương con cái của Ngài. Ngài ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu, để sống với Ngài một lần nữa trong gia đình và trong vinh quanh đời đời. Để chúng ta hội đủ điều kiện nhận được ân tứ đó, Ngài đã ban cho chúng ta một thể xác hữu diệt, cơ hội để bị cám dỗ bởi tội lỗi, và một đường lối để được tẩy sạch khỏi tội lỗi đó và để được sống lại trong Lần Phục Sinh đầu tiên. Ngài ban cho chúng ta Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Đức Giê Hô Va, làm Đấng Cứu Rỗi ngõ hầu điều đó có thể thực hiện được. Đấng Cứu Rỗi được sinh ra trong cuộc sống trần thế, bị cám dỗ nhưng chưa bao giờ phạm tội, rồi ở trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên Gô Gô Tha, Ngài đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta ngõ hầu chúng ta có thể được tẩy sạch. Sự thanh sạch chỉ có thể đến với những người có đủ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để hối cải tội lỗi, được tẩy sạch thông qua giáo lễ báp têm, cùng lập và tuân giữ các giao ước nhằm vâng theo tất cả các giáo lệnh của Ngài. Và phải có một kẻ nghịch thù ác liệt của linh hồn chúng ta, là Lu Xi Phe, mà cùng với đội quân của nó sẽ không ngừng lôi kéo mỗi người con của Thượng Đế nhằm giữ họ không cho nhận được niềm vui của Cuộc Sống Vĩnh Cửu.

Do lòng nhân từ của Ngài và trong sự tin cậy lớn lao, Cha Thiên Thượng với Đấng Cứu Rỗi đã cho phép một số người con trai chọn lọc của Ngài trên thế gian được nắm giữ chức tư tế. Chúng ta có thẩm quyền và quyền năng để hành động trong danh Thượng Đế, để mang phúc âm chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô và các giáo lễ phúc âm này đến càng nhiều con cái của Cha Thiên Thượng càng tốt. Vậy thì các anh em có thể hiểu được tính chất trọng đại về sự tin cậy của Thượng Đế đối với chúng ta. Và các anh em có thể hiểu được tầm quan trọng tột bực của chức tư tế và sự chống đối mà chúng ta gặp phải.

Tất nhiên là thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy gần như quá sức chịu đựng của mình. Ý nghĩ rằng: “Mình không chắc có thể làm nổi việc này,” là bằng chứng rằng các anh em hiểu ý nghĩa của việc nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế. Sự thật là các anh em không thể tự mình làm được. Trách nhiệm thì quá khó khăn và quá quan trọng đối với quyền năng hữu diệt của các anh em và của tôi. Nhận thức được điều đó là nền tảng của sự phục vụ tận tình của chức tư tế.

Khi những cảm giác không thích đáng đó tấn công chúng ta, thì đây là lúc để nhớ tới Đấng Cứu Rỗi. Ngài trấn an chúng ta để chúng ta không làm công việc này một mình. Có những câu thánh thư để dán lên gương và để nhớ đến trong những giây phút các anh em nghi ngờ khả năng của mình.

Chẳng hạn, Chủ Tịch Thomas S. Monson nhớ đến những lời hứa của Đấng Cứu Rỗi khi ông ban phước cho tôi cách đây sáu tháng để can đảm đứng vững trong sự kêu gọi của tôi khi nó dường như quá khó khăn. Những lời này của Đấng Cứu Rỗi mà Ngài đã ban cho nhóm nhỏ những người nắm giữ chức tư tế của Ngài trong gian kỳ này, đã đến với tâm trí của vị tiên tri khi ông đặt tay lên đầu tôi:

“Và kẻ nào tiếp nhận các ngươi thì ta cũng sẽ ở đó, vì ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng đỡ các ngươi.”1

Lời hứa mà Chủ Tịch Monson nhớ đến và được trích dẫn đã được làm tròn cho tôi. Sự tin tưởng thay thế cho nỗi nghi ngờ, Thánh Linh đến, những nhân viên y tế đã được soi dẫn, mạng sống của tôi được bảo tồn, và tôi đã được cứu sống. Chính nhờ phước lành đó của Chủ Tịch Monson mà tôi sẽ luôn luôn dễ dàng để nhớ đến Đấng Cứu Rỗi và tin vào lời hứa của Ngài rằng Ngài đi trước và bên cạnh chúng ta trong sự phục vụ Ngài.

Tôi biết rằng lời hứa về các thiên sứ sẽ nâng đỡ chúng ta là có thật. Các anh em có thể muốn nhớ lại lời trấn an của Ê Li Sê dành cho tôi tớ đầy sợ hãi của mình. Lời trấn an đó là dành cho chúng ta khi chúng ta cảm thấy gần như quá sức chịu đựng trong sự phục vụ của mình. Ê Li Sê đã đương đầu với đối phương thật sự và khủng khiếp:

“Tôi tớ của người Đức Chúa Trời chỗi dậy sáng sớm đi ra, thấy một đạo binh cùng ngựa và xe đương vây thành. Người nói với Ê Li Sê rằng: Hỡi ôi! chúa, chúng ta sẽ làm sao?

“Ê Li Sê đáp rằng: Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.

“Đoạn, Ê Li Sê cầu nguyện mà rằng: Đức Giê Hô Va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giê Hô Va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở chung quanh Ê Li Sê.”2

Giống như người tôi tớ đó của Ê Li Sê, có nhiều người ở cùng với các anh em hơn những người các anh em có thể nhìn thấy chống lại mình. Một số người cùng với các anh em thì không thấy được qua con mắt trần của các anh em. Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta và sẽ thỉnh thoảng làm điều đó bằng cách kêu gọi những người khác hỗ trợ chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có các nhóm túc số. Đó là lý do tại sao các vị lãnh đạo nhóm túc số nhìn vào những khuôn mặt và ánh mắt trong các buổi họp nhóm túc số. Đó là lý do tại sao vị giám trợ làm nhiều việc hơn là chỉ chủ tọa trong nhóm túc số các thầy tư tế. Vị ấy đang quan sát vẻ mặt của các thầy tư tế. Các anh em sẽ có một vị giám trợ như thế hoặc một vị chủ tịch nhóm túc số các anh cả như thế hoặc một vị chủ tịch phái bộ truyền giáo như thế. Và vị ấy sẽ đến giúp đỡ các anh em và kêu gọi những người khác hỗ trợ các anh em. Điều đó có thể là kêu gọi người bạn đồng hành thích hợp để phục vụ cùng với các anh em trong lúc các anh em cần.

Điều đó ám chỉ ít nhất hai việc. Việc thứ nhất là nhận ra và chào đón những người mà Chúa gửi đến để giúp đỡ chúng ta. Việc kia là chắc chắn rằng trong mỗi nhiệm vụ đều có cơ hội để củng cố một người khác. Có một lần, một vị chủ tịch phái bộ truyền giáo kể cho tôi nghe về một người truyền giáo mà vị ấy chỉ định cho hơn 12 hay 13 người bạn đồng hành. Vị ấy nói với tôi: “Mỗi một người bạn đồng hành này sắp đi về nhà sớm hoặc bị gửi trả về nhà. Nhưng chúng tôi đã không mất một ai trong số họ.”

Về sau khi tôi nói về sự kiện phi thường đó với người bạn đồng hành mà đã giúp cứu rất nhiều người vào lúc họ cảm thấy quá sức chịu đựng, thì câu trả lời làm tôi ngạc nhiên và đã dạy cho tôi. Câu trả lời là: “Em không nghĩ rằng chuyện đó là có thật. Em chưa bao giờ có một người bạn đồng hành nào thất bại cả.”

Tôi có thể thấy rằng một vị chủ tịch phái bộ truyền giáo đã được soi dẫn để gửi đến thiên sứ thích hợp, hết lần này đến lần khác. Trong sự phục vụ của mình, chúng ta có thể trông mong có sự trợ giúp gửi đến cho chúng ta vào đúng lúc là người sẽ thấy được sức mạnh nơi chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Và chúng ta có thể trông mong làm người được Chúa gửi đến để động viên những người khác.

Tôi có thể kể cho các anh em nghe từ kinh nghiệm về cách giúp đỡ nếu các anh em là người được gửi đi. Không lâu sau khi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai, tôi nhận được điện thoại từ Chủ Tịch Faust, cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Ông yêu cầu tôi đến văn phòng của ông. Tôi đến với đôi chút băn khoăn không hiểu tại sao ông lại bỏ ra thời giờ để gặp tôi.

Sau vài lời nhận xét lịch sự, ông nhìn tôi và nói: “Điều đó đã xảy ra chưa?” Khi tôi trông có vẻ lúng túng, ông tiếp tục nói: “Tôi đã quan sát anh trong các buổi họp. Dường như đối với tôi, anh đang cảm thấy sự kêu gọi của anh quá khó khăn đối với anh, rằng anh không đủ khả năng.”

Tôi nói rằng nỗi nghi ngờ đã đến với tôi, thể như tôi không chắc mình có thể vượt qua được. Tôi trông mong rằng ông sẽ trấn an tôi. Tôi nói với ông rằng tôi rất cảm kích trước mối quan tâm của ông về nỗi nghi ngờ của tôi và hỏi xin ông giúp đỡ. Nhưng tôi thật ngạc nhiên trước câu trả lời tử tế và kiên quyết của ông. Ông nói: “Đừng hỏi tôi. Hãy đi đến Ngài.” Rồi ông chỉ lên trời. Giờ đây, nhiều năm về sau, tôi cũng ngồi trong văn phòng đó. Khi tôi bước vào phòng, tôi nhìn lên và nhớ đến ông và cách mà ông đã dạy tôi qua tấm gương về cách giúp đỡ những người đang cảm thấy quá sức chịu đựng trong việc phục vụ Chúa. Hãy tìm cách gửi họ đến với Ngài với sự tin tưởng. Nếu họ nghe theo lời khuyên của các anh em, thì họ sẽ đã đạt được sức mạnh mà họ cần, và còn dư thêm nữa.

Nhiều lần trong cuộc sống của các anh em, Chúa đã ban cho các anh em kinh nghiệm để xây đắp sức mạnh, lòng can đảm, và quyết tâm. Ngài biết các anh em cần kinh nghiệm đó biết bao để phục vụ Ngài. Một số kinh nghiệm đó có thể đã đến, như nó đã đến với tôi, khi các anh em đứng cùng những người nắm giữ chức tư tế khác và cất tiếng nói lớn những lời sau:

“Vậy, hỡi các ngươi là kẻ bắt tay vào công việc phục vụ Thượng Đế, các ngươi hãy chú tâm phục vụ Ngài với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh, để các ngươi có thể đứng vô tội trước mặt Thượng Đế vào ngày sau cùng.”3

Khi các anh em cam kết và đạt được tiêu chuẩn cao đó, thì Chúa đang xây đắp một sự tin cậy và sức mạnh nơi các anh em mà sẽ ở đó khi các anh em cần đến nó bất cứ lúc nào các anh em được kêu gọi để phục vụ một mục đích quan trọng hơn là quyền lợi của chính bản thân. Tôi đã cảm thấy như vậy trên sân cỏ vào một ngày xuân đẹp trời. Tôi đang được ban quyền để bảo vệ quốc gia của tôi. Lúc đó chúng ta không có chiến tranh nhưng tôi đang tiến tới một sự phục vụ lạ lùng mà tôi biết sẽ đòi hỏi tất cả những gì tôi có, có lẽ cả mạng sống của tôi. Tôi giơ tay phải lên cùng với những người khác để thề rằng tôi sẽ bảo vệ đất nước tôi với “lời cam kết thật sự và lòng trung thành” và rằng “Tôi tự nguyện gánh lấy bổn phận này, không có bất cứ ngờ vực gì trong lòng hay mục đích trốn tránh; và tôi sẽ thi hành tốt cùng trung thành với các bổn phận của cấp bậc mà tôi sắp nhận; Xin Thượng Đế giúp tôi.”4

Tôi không hề nghi ngờ rằng quyền năng để giữ lời hứa đó, mà tôi đã giữ , đã được củng cố trong tôi từ khi tôi còn là một thầy trợ tế. Trong những năm đầu nắm giữ chức tư tế, tôi đã nhiều lần ngồi trong buổi họp mà lúc đó gọi là “buổi họp chia tay người truyền giáo.” Hiện nay có rất nhiều người chấp nhận sự kêu gọi phục vụ đến mức chúng ta chỉ cho phép họ nói chuyện ngắn gọn trong buổi lễ Tiệc Thánh trước khi họ ra đi. Nhưng vào lúc đó thì toàn bộ buổi lễ đều tập trung vào người truyền giáo đang chuẩn bị lên đường. Chương trình thường bao gồm một số phần âm nhạc chọn lọc. Tôi vẫn còn có thể cảm thấy được điều mà tôi cảm thấy lúc đó trong khi một nhóm tứ ca gồm những người truyền giáo được giải nhiệm trở về hát:

“Con sẽ đi nơi nào Ngài sai con, hỡi Chúa,” và tiếp tục đến lời cam kết: “Con sẽ nói những gì Chúa muốn con nói,” và cuối cùng: “Sẽ làm những gì Ngài bảo con làm.”5 Lòng tôi đã rất xúc động vào lúc đó cũng như bây giờ với sự tin chắc rằng lời hứa đó là đúng đối với tôi và với chúng ta trong tất cả sự phục vụ của chức tư tế của mình. Chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui để đi bất cứ nơi nào Chúa muốn chúng ta phục vụ. Chúng ta sẽ được ban cho sự mặc khải để nói những lời của Ngài nhằm mời gọi con cái của Cha Thiên Thượng thay đổi nhờ vào Sự Chuộc Tội và xứng đáng để trở về nhà và sống với Ngài. Và tôi cảm thấy vào lúc đó, cũng như bây giờ, rằng sự phục vụ trung tín của chúng ta sẽ để cho Ngài thay đổi tấm lòng chúng ta để chuẩn bị cho chúng ta có được sự đồng hành của Ngài và phục vụ Ngài mãi mãi.

Tôi xin chia sẻ lời chứng của tôi rằng khi chúng ta bỏ hết sức mình trong sự phục vụ của chức tư tế thì Chúa sẽ ban cho chúng ta lòng can đảm mà chúng ta cần và sự bảo đảm rằng Ngài sẽ đi cùng với chúng ta và các thiên sứ sẽ nâng đỡ chúng ta.

Tôi làm chứng rằng chúng ta được Thượng Đế kêu gọi. Đây là Giáo Hội chân chính của Ngài và các anh em đang nắm giữ chức tư tế trường cửu của Ngài. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson nắm giữ và sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế trên thế gian ngày nay. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. GLGƯ 84:88.

  2. 2 Các Vua 6:15–17.

  3. GLGƯ 4:2.

  4. “Oaths of Enlistment and Oaths of Office,” http://www.army.mil/CMH/faq/oaths.htm.

  5. “I’ll Go Where You Want Me to Go,” Hymns, số 270.