2008
Chứng Ngôn là một Tiến Trình
Tháng Mười một năm 2008


Chứng Ngôn là một Tiến Trình

Việc nhận được sự làm chứng của “tiếng nói êm nhỏ” đôi khi có thể có được ảnh hưởng mạnh mẽ về chứng ngôn của chúng ta hơn là cuộc viếng thăm của một thiên sứ.

Carlos A. Godoy

Cách đây một vài năm, trong khi tôi phục vụ với tư cách là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng ở Brazil, gia đình tôi và tôi đi nghỉ hè ở thành phố Florianópolis xinh đẹp. Vào ngày Chúa Nhật, như thường lệ, chúng tôi đi đến nhà thờ gần nhất mà chúng tôi có thể tìm được. Vợ tôi và tôi cùng đứa con gái đầu lòng của chúng tôi tham dự một lớp học Trường Chúa Nhật nơi mà họ đang thảo luận chứng ngôn cá nhân của mình về phúc âm.

Vào một lúc nào đó trong khi học, người giảng viên hỏi các học viên họ có muốn chia sẻ một kinh nghiệm thuộc linh vững mạnh mà họ đã có trong khi phát triển chứng ngôn của họ về Giáo Hội không. Trong khi một số các anh chị em đang chia sẻ câu chuyện của họ, thì tôi thầm ôn lại những kinh nghiệm của mình với tư cách là người cải đạo về một điều mà tôi có thể chia sẻ với họ, nhưng tôi đã không thể nghĩ ra bất cứ điều gì thật đáng kể trong tiến trình đạt được một chứng ngôn của tôi.

Trong khi đang suy nghĩ và lắng nghe kinh nghiệm của những người khác thì tôi nhận thấy rằng người giảng viên kỳ vọng tôi sẽ tham dự. Chị ấy lắng nghe các tín hữu khác nói và chị ấy cho tôi biết rằng chị đang chờ đợi kinh nghiệm lớn lao của tôi mà sẽ được chia sẻ. Xét cho cùng, tôi là một Vị Thẩm Quyền Có Thẩm Quyền Giáo Vùng và tôi phải có một điều gì đó đầy ấn tượng để chia sẻ. Cảm thấy rằng thời gian đang trôi qua và chị ấy đang chờ đợi mình, tôi đã cố gắng nhiều hơn để tìm ra một điều gì đó mà sẽ thích hợp với sự kiện mạnh mẽ này, nhưng tôi đã không thể nghĩ ra bất cứ một điều gì cả trước sự thất vọng của người giảng viên. Mặc dù tôi đã muốn giúp nhưng tôi không thể thỏa mãn sự mong đợi của chị ấy.

May thay, đó là ngày Chúa Nhật nhịn ăn, và trong buổi lễ Tiệc Thánh, tôi đã lấy cơ hội để chia sẻ chứng ngôn của mình cùng giáo đoàn và nhất là cùng người chị em đó và lớp học Trường Chúa Nhật của chị. Đó không phải là một kinh nghiệm lớn lao mà tôi đã chia sẻ, nhưng đó là một chứng ngôn chân thành mà tôi có về các lẽ thật của phúc âm phục hồi.

Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng để có được chứng ngôn về Giáo Hội, thì chúng ta cần một kinh nghiệm lớn lao, mạnh mẽ nào đó, hoặc một sự kiện độc nhất mà sẽ xóa tan bất cứ nỗi nghi ngờ nào về việc chúng ta đã nhận được một sự đáp ứng hoặc một sự xác nhận.

Chủ Tịch Boyd K. Packer dạy: “Tiếng nói của Thánh Linh được mô tả trong thánh thư thì không ‘lớn’ cũng không ‘khàn.’ Đó ‘không phải là một tiếng sấm sét hay … một tiếng huyên náo ồn ào.’ Mà đúng hơn là ‘một tiếng nói hết sức dịu dàng, tựa hồ như một lời thì thầm,’ và nó có thể ‘xuyên thấu tận tâm hồn’ và ‘làm (tim) phải nóng cháy’ (3 Nê Phi 11:3; Hê La Man 5:30; GLGƯ 85:6–7). Hãy nhớ rằng Ê Li đã tìm thấy tiếng nói của Chúa không phải trong ngọn gió, trong cơn động đất, trong đám lửa, mà đó là ‘một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ’ (1 Các Vua 19:12).”

Chủ Tịch Boyd K. Packer nói tiếp: “Thánh Linh không làm cho chúng ta chú ý bằng tiếng la hét hoặc lay động chúng ta một cách mạnh mẽ. Thay vì thế, Thánh Linh thì thầm, nói với chúng ta rất nhỏ nhẹ đến nỗi nếu chúng ta lơ đãng thì chúng ta không thể nào cảm nhận được Thánh Linh… .

“Thỉnh thoảng, Thánh Linh nhấn đủ mạnh để chúng ta phải chú ý . Nhưng hầu như lúc nào cũng vậy, nếu chúng ta không lưu ý đến cảm tưởng dịu dàng, Thánh Linh sẽ rút lui và chờ cho đến khi chúng ta tìm đến và lắng nghe cùng nói trong cách thức và lời lẽ của chúng ta, giống như Sa Mu Ên của thời xưa: ‘Xin (Chúa) hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đương nghe’ (1 Sa Mu Ên 3:10)” (“The Candle of the Lord,” Ensign, tháng Giêng năm 1983, 53).

Những sự kiện lớn lao không phải là một bảo đảm rằng chứng ngôn của chúng ta sẽ được vững mạnh. La Man và Lê Mu Ên là những ví dụ điển hình cho điều này. Họ được thiên sứ đến viếng thăm và ngay cả lúc đó, hầu như trong giây phút kế tiếp, họ nghi ngờ ý muốn của Chúa. Một số các vị lãnh đạo cao trọng của những ngày sau cũng có thể dạy chúng ta về nguyên tắc này. Họ được giảng dạy từ trên cao, trong những thời kỳ đầu tiên của Sự Phục Hồi, và vẫn không được vững mạnh đủ để kiên trì đến cùng. Những kinh nghiệm này cho chúng ta thấy rằng việc nhận được sự làm chứng của “tiếng nói êm nhỏ” đôi khi có thể có được ảnh hưởng mạnh mẽ về chứng ngôn của chúng ta hơn là cuộc viếng thăm của một thiên sứ.

Là một thiếu niên ở Porto Alegre, Brazil, học hỏi về Giáo Hội từ hai chị truyền giáo, tôi nhớ đã tìm kiếm sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình—một điều đầy ý nghĩa hay không thể nghi ngờ được. Điều đó không bao giờ xảy ra. Điều đó không có nghĩa là tôi không phát triển đủ sự chắc chắn để gia nhập Giáo Hội phục hồi.

An Ma giảng dạy tiến trình nuôi dưỡng một chứng ngôn này: “Nhưng này, nếu các người muốn thức tỉnh và phát huy khả năng của mình, ngay cả trong việc trắc nghiệm những lời nói của tôi đây, và vận dụng một chút ít đức tin, phải, ngay cả nếu các người không thể làm gì khác hơn là muốn tin [và tôi nghĩ rằng đó chính là trường hợp của tôi với tư cách là một người tầm đạo], thì xin hãy để cho sự mong muốn này tác động trong các người, cho đến khi các người tin ngõ hầu các người có thể chừa được chỗ cho một phần nào những lời tôi nói” (An Ma 32:27).

Kể từ những ngày đó, đối với tôi là một người tầm đạo của Giáo Hội, và về sau là một người truyền giáo, và rồi là một người cha và một vị lãnh đạo, tất cả những kinh nghiệm này cùng nhau họp thành những kinh nghiệm và cảm nghĩ thường là rất nhỏ mà chắc chắn “phải là một hạt giống tốt” (xin xem An Ma 32:30).

An Ma tiếp tục sự giảng dạy của ông về chứng ngôn: “Giờ đây, chúng ta hãy so sánh lời của Thượng Đế như một hạt giống. Này, nếu các người chừa một chỗ để cho hạt giống có thể được trồng trong tim các người, này, nếu quả đó là một hạt giống chân thật hay một hạt giống tốt, nếu các người không liệng hạt giống ấy ra ngoài vì lòng không tin tưởng, khiến cho các người chống lại Thánh Linh của Chúa, này, hạt giống ấy sẽ bắt đầu nẩy nở trong lồng ngực các người; và khi các người cảm thấy sự nẩy nở ấy đang tiến triển thì các người sẽ bắt đầu tự nhủ với mình rằng: Chắc đây phải là một hạt giống tốt, hay là lời của Thượng Đế tốt, vì nó bắt đầu mở rộng tâm hồn ta; phải, vì nó bắt đầu soi sáng sự hiểu biết của ta; phải, nó bắt đầu trở thành ngon ngọt đối với ta” (An Ma 32:28).

Vậy thì một chứng ngôn đối với một số người có thể phát sinh từ một sự kiện độc đáo và không thể nghi ngờ được. Nhưng đối với những người khác, nó có thể đến từ một tiến trình kinh nghiệm, có lẽ không đáng kể lắm, nhưng khi được phối hợp, làm chứng trong một cách thức không thể tranh luận được rằng điều chúng ta đã học được và sống theo thì chân chính.

Ngày nay, sau nhiều năm làm tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi đã không thế nhớ được hầu hết tất cả các kinh nghiệm mà đã ảnh hưởng đến chứng ngôn của mình. Tuy nhiên, tất cả các kinh nghiệm này đã để lại ảnh hưởng của chúng và góp phần vào chứng ngôn của tôi về Giáo Hội phục hồi. Ngày nay, tôi có một sự chắc chắn tuyệt đối về các lẽ thật của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi muốn được kết thúc việc bày tỏ chứng ngôn này không những cho người chị em đã giảng dạy lớp học Trường Chúa Nhật mà còn cho tất cả các anh chị em. Tôi biết rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta hằng sống. Tôi biết Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta là con cái của Ngài. Ngài lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta. Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Ngài đã chết, được phục sinh và chuộc các tội lỗi của chúng ta. Sự Chuộc Tội của Ngài đã ban phước cho tôi mỗi ngày trong cuộc sống của mình.

Tôi làm chứng rằng Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được Tiên Tri Joseph Smith phục hồi trong những ngày sau. Ông là vị tiên tri của Thượng Đế. Tôi biết rằng ngày nay chúng ta được hướng dẫn bởi một vị tiên tri tại thế, Chủ Tịch Thomas S. Monson. Tôi biết rằng ông là vị tiên tri trong thời kỳ của chúng ta cũng giống như Môi Se, Áp Ra Ham và Ê Sai là các vị tiên tri trong thời kỳ của họ.

Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế cũng như Kinh Thánh và sách đó là một chứng thư khác về Đấng Cứu Rỗi. Tôi biết rằng quyền năng của chức tư tế đã được phục hồi và đang ban phước cho nhiều Thánh Hữu trên khắp thế gian. Và tôi làm chứng về điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.