2008
Quyền Năng Vô Tận của Niềm Hy Vọng
Tháng Mười một năm 2008


Quyền Năng Vô Tận của Niềm Hy Vọng

Niềm hy vọng nơi Thượng Đế, lòng nhân từ và quyền năng của Ngài khơi dậy nơi chúng ta lòng can đảm trong những lúc thử thách khó khăn.

President Dieter F. Uchtdorf

Thưa các anh chị em, thật là một ngày tuyệt vời cho chúng ta để chứng kiến lời thông báo của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta về năm ngôi đền thờ mới. Thật là một ngày tuyệt vời cho tất cả chúng ta.

Vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, cha tôi phải nhập ngũ vào quân đội Đức và được gửi đi mặt trận miền tây, bỏ lại mẹ tôi một mình phải chăm sóc gia đình của chúng tôi. Mặc dù chỉ mới ba tuổi, tôi vẫn còn nhớ được thời gian đầy sợ hãi và đói khát này. Chúng tôi sống ở nước Séc và, với mỗi ngày trôi qua, chiến tranh càng đến gần hơn và nguy hiểm càng ngày càng gia tăng.

Cuối cùng, vào mùa đông lạnh lẽo của năm 1944, mẹ tôi quyết định bỏ trốn đến Đức, nơi mà ông bà ngoại của tôi đang sống. Bà dắt díu chúng tôi và bằng cách nào đó đã xoay xở để chúng tôi lên được một trong các chiếc xe lửa cuối cùng chở người tị nạn hướng về miền tây. Đi lại trong thời gian đó rất nguy hiểm. Khắp nơi chúng tôi đi thì tiếng nổ, các gương mặt lo âu căng thẳng, và cái đói triền miên nhắc chúng tôi nhớ rằng chúng tôi đang ở trong vùng chiến.

Dọc đường, chiếc xe lửa thỉnh thoảng ngừng lại để lấy đồ tiếp tế. Một đêm nọ, tại một trong những trạm xe lửa này, mẹ tôi vội vã bước xuống xe lửa để đi tìm thức ăn cho bốn đứa con của bà. Khi trở lại, bà kinh hoàng thấy rằng chiếc xe lửa và mấy đứa con của bà đã đi rồi!

Lòng bà trĩu nặng lo âu; những lời cầu nguyện tuyệt vọng tràn ngập tâm hồn của bà. Bà cuống cuồng tìm kiếm trong cái trạm xe lửa rộng lớn và tối tăm, vội vã đi qua đi lại vô số đường rầy xe lửa trong khi hết lòng hy vọng rằng chiếc xe lửa chưa rời khỏi nơi đó.

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được tất cả những gì xuyên qua tâm trí của mẹ tôi vào cái đêm tối tăm đó khi bà lục soát khắp trạm xe lửa tối tăm để kiếm ra mấy đứa con bị lạc của bà. Tôi không nghi ngờ rằng bà đã rất kinh hãi. Tôi chắc chắn bà đã nghĩ rằng nếu bà không tìm ra chiếc xe lửa này thì có lẽ bà sẽ không bao giờ thấy lại con cái của bà nữa. Tôi biết chắc điều này: đức tin của bà khắc phục nỗi sợ hãi của bà, và niềm hy vọng của bà khắc phục nỗi tuyệt vọng của bà. Bà không phải là một phụ nữ ngồi cam chịu và than vãn về thảm cảnh. Bà hành động. Bà đặt đức tin và hy vọng của mình vào hành động.

Và như vậy bà chạy từ đường rầy này đến đường rầy khác, từ chiếc xe lửa này đến chiếc xe lửa kia cho đến cuối cùng bà tìm ra chiếc xe lửa của chúng tôi. Chiếc xe lửa đó đã bị dời đến một khu vực hẻo lánh của trạm xe lửa. Nơi đó, cuối cùng bà đã tìm lại được mấy đứa con của mình.

Tôi thường nghĩ về cái đêm đó và điều mà mẹ tôi đã phải chịu đựng. Nếu tôi có thể quay ngược lại thời gian và ngồi bên bà, tôi sẽ hỏi làm thế nào mà bà đã xoay xở để tiếp tục tìm kiếm trong nỗi sợ hãi của mình. Tôi sẽ hỏi về đức tin và niềm hy vọng và làm thế nào mà bà đã khắc phục được nỗi tuyệt vọng.

Mặc dù đó là điều khó có thể xảy ra, nhưng có lẽ ngày hôm nay, tôi có thể ngồi cạnh bên các anh chị em và cạnh bên bất cứ ai mà có thể cảm thấy thất vọng, lo âu hay cô đơn. Ngày hôm nay, tôi muốn ngỏ lời với các anh chị em về quyền năng vô tận của niềm hy vọng.

Tầm Quan Trọng của Hy Vọng

Hy vọng là một trong ba cái chân của cái ghế đẩu, cùng với đức tin và lòng bác ái. Ba điều này ổn định cuộc sống của chúng ta bất kể những gian khổ hay gay go mà chúng ta có thể gặp phải vào lúc đó. Thánh thư đã nói rõ ràng và chắc chắn về tầm quan trọng của niềm vui. Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng thánh thư được viết nhằm mục đích để chúng ta “có thể có hy vọng.”1

Hy vọng có được quyền năng để làm cuộc sống của chúng ta tràn đầy hạnh phúc.2 Thiếu nó—khi ước muốn này trong lòng chúng ta bị trì hoãn—thì nó có thể làm cho chúng ta “đau lòng.”3

Hy vọng là một ân tứ của Thánh Linh.4 Đó là một niềm hy vọng mà thông qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ được nâng lên đến cuộc sống vĩnh cửu, và điều này chính là do đức tin của chúng ta nơi Đấng Cứu Rỗi.5 Loại hy vọng này là một nguyên tắc của lời hứa cũng như một lệnh truyền,6 và cũng như với tất cả các lệnh truyền, chúng ta có trách nhiệm làm cho niềm hy vọng thành một phần tích cực của cuộc sống chúng ta và khắc phục cám dỗ làm mất hy vọng. Hy vọng nơi kế hoạch hạnh phúc đầy thương xót của Cha Thiên Thượng đưa đến sự bình an,7 lòng thương xót,8 nỗi hân hoan,9 và sự vui mừng.10 Hy vọng về sự cứu rỗi cũng giống như một cái mũ an toàn,11 nó là nền tảng của đức tin của chúng ta.12 và là chiếc neo đối với linh hồn của chúng ta.13

Mô Rô Ni trong cảnh cô độc của mình—ngay cả sau khi chứng kiến sự hủy diệt hoàn toàn dân của ông—đã tin vào hy vọng. Trong thời kỳ suy tàn của dân Nê Phi, Mô Rô Ni đã viết rằng, nếu không có niềm hy vọng, thì chúng ta không thể nhận được sự thừa hưởng trong vương quốc của Thượng Đế.14

Vậy Thì Tại Sao Lại Có Nỗi Tuyệt Vọng?

Thánh thư nói rằng cần phải có “sự tương phản trong mọi sự việc.”15 Điều đó cũng giống như vậy với đức tin, niềm hy vọng và lòng bác ái. Nỗi nghi ngờ, tuyệt vọng, và thất bại để chăm sóc cho đồng bào mình đưa chúng ta đến cám dỗ mà có thể khiến cho chúng ta đánh mất các phước lành chọn lọc và quý báu.

Kẻ nghịch thù sử dụng nỗi tuyệt vọng để trói buộc tâm trí trong bóng tối ngột ngạt. Nỗi tuyệt vọng làm tiêu hao tất cả những gì đầy sức sống và vui sướng của chúng ta và bỏ lại những mảnh thừa vụn vặt trống trải của điều mà đáng lẽ cuộc sống phải nhận được. Nỗi tuyệt vọng giết chết ước mơ, gia tăng bệnh hoạn, làm vẩn đục linh hồn và làm chai đá tâm hồn. Nỗi tuyệt vọng có thể dường như là một cái cầu thang mà chỉ và mãi mãi dẫn đi xuống mà thôi.

Trái lại, hy vọng giống như tia nắng mặt trời ló ra nơi chân trời của hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Nó chiếu xuyên qua bóng tối với một bình minh rạng ngời. Nó khuyến khích và soi dẫn chúng ta để đặt sự tin tưởng của mình vào sự chăm sóc yêu thương của Cha Thiên Thượng vĩnh cửu là Đấng đã chuẩn bị con đường cho những ai tìm kiếm lẽ thật vĩnh cửu trong thế giới của thuyết tương đối, đầy dẫy sự hoang mang và sợ hãi.

Vậy Thì Hy Vọng Là Gì?

Những phức tạp của ngôn ngữ mang đến vài sự thay đổi và cường độ của từ hy vọng. Ví dụ, một đứa bé có thể hy vọng có được cái điện thoại đồ chơi, một thanh thiếu niên có thể hy vọng nhận được điện thoại từ một người bạn đặc biệt; và một người lớn có thể chỉ hy vọng rằng cái điện thoại sẽ ngừng reo luôn.

Ngày hôm nay, tôi muốn nói chuyện về niềm hy vọng mà vượt quá điều tầm thường và tập trung vào Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên,16 niềm hy vọng lớn lao của loài người, chính là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Hy vọng không phải là sự hiểu biết,17 nhưng đúng ra, là sự tin cậy bền vững rằng Chúa sẽ làm tròn những lời hứa của Ngài với chúng ta. Đó là sự tin tưởng rằng nếu chúng ta sống theo các luật pháp của Thượng Đế và những lời của các tiên tri của Ngài bây giờ, thì chúng ta sẽ nhận được các phước lành mong muốn trong tương lai.18 Đó là tin tưởng và kỳ vọng rằng những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp ứng. Đó là sự biểu lộ trong sự tin tưởng, lạc quan, nhiệt tình và bền bỉ kiên trì.

Trong ngôn ngữ của phúc âm, niềm hy vọng này là chắc chắn, vững vàng và tích cực. Các vị tiên tri thời xưa nói về một “hy vọng vững chắc”19 và một “sự trông cậy sống.”20 Đó là niềm hy vọng mà làm vinh hiển Thượng Đế qua những việc thiện. Cùng với hy vọng là niềm vui và hạnh phúc.21 Với hy vọng, chúng ta có thể “có kiên nhẫn, và chịu đựng mọi nỗi thống khổ của mình.”22

Những Điều Mà Chúng Ta Hy Vọng Được, Những Điều Mà Chúng Ta Hy Vọng Vào

Những điều mà chúng ta hy vọng có được thường là những sự kiện tương lai. Nếu chúng ta chỉ có thể nhìn vượt khỏi cuộc sống trần thế để nhìn vào những gì đang chờ đợi chúng ta sau cuộc sống này. Có thể nào tưởng tượng được một tương lai vinh quang hơn tương lai mà đã được Cha Thiên Thượng chuẩn bị sẵn cho chúng ta không? Nhờ vào sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô nên chúng ta không cần phải sợ hãi, vì chúng ta sẽ sống mãi, không bao giờ trải qua cái chết một lần nữa.23 Nhờ vào Sự Chuộc Tội vô tận của Ngài nên chúng ta có thể được tẩy sạch tội lỗi và đứng thanh sạch và thánh thiện trước rào phán xét.24 Đấng Cứu Rỗi là Cội Rễ của Sự Cứu Rỗi.25

Và cuộc sống nào mà chúng ta có thể hy vọng có được? Những người nào đến cùng Đấng Ky Tô, hối cải tội lỗi của họ, và sống trong đức tin thì sẽ ở mãi mãi trong sự bình an. Hãy nghĩ đến giá trị của ân tứ vĩnh cửu này. Được bao quanh bởi những người mà mình yêu thương, chúng ta sẽ biết được ý nghĩa của niềm vui tột bậc khi chúng ta tiến triển trong sự hiểu biết và trong hạnh phúc. Bất luận giai đoạn sống của chúng ta có thể đen tối đến đâu đi nữa ngày hôm nay, thì nhờ vào cuộc sống và sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô mà chúng ta có thể hy vọng và được bảo đảm rằng phần kết thúc quyển sách của cuộc đời mình sẽ vượt qúa những kỳ vọng lớn lao nhất của chúng ta. “Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”26

Những điều mà chúng ta hy vọng vào thì hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống hằng ngày của mình. Chúng giữ vững chúng ta qua những thử thách, cám dỗ và buồn phiền. Mỗi người đều trải qua sự nản lòng và khó khăn. Quả thật, có những lúc mà bóng tối dường như không thể chịu đựng nổi nữa. Chính trong những lúc này mà các nguyên tắc thiêng liêng của phúc âm phục hồi mà chúng ta hy vọng vào có thể giữ vững chúng ta và chống đỡ chúng ta cho đến khi chúng ta bước đi trong ánh sáng một lần nữa.

Chúng ta hy vọng nơi Chúa Giê Su Ky Tô, nơi lòng nhân từ của Thượng Đế, nơi những biểu hiện của Đức Thánh Linh, nơi sự hiểu biết rằng những lời cầu nguyện đều được nghe thấu và đáp ứng. Vì Thượng Đế đã từng trung tín và giữ những lời của Ngài trong quá khứ thì chúng ta có thể hy vọng với sự tin tưởng rằng Thượng Đế sẽ giữ lời hứa của Ngài cho chúng ta trong hiện tại và tương lai. Trong lúc đau khổ, chúng ta có thể nắm chặt lấy niềm hy vọng rằng mọi việc “sẽ hiệp lại làm lợi ích cho [chúng ta]”27 khi chúng ta tuân theo lời khuyên bảo của các vị tiên tri của Thượng Đế. Loại hy vọng này nơi Thượng Đế, lòng nhân từ và quyền năng của Ngài khơi dậy nơi chúng ta lòng can đảm trong những lúc thử thách khó khăn và mang đến sức mạnh cho những người cảm thấy bị đe dọa bởi những bức tường bao quanh của nỗi sợ hãi, nghi ngờ và thất vọng.

Niềm Hy Vọng Đưa Đến Những Việc Làm Thiện Lành

Chúng ta học cách trau giồi hy vọng giống như cách chúng ta tập đi, từng bước một mỗi lần. Khi chúng ta học thánh thư, thưa chuyện với Cha Thiên Thượng hằng ngày, cam kết tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, như Lời Thông Sáng, và đóng tiền thập phân trọn vẹn, thì chúng ta đạt được niềm hy vọng.28 Chúng ta tăng trưởng trong khả năng của mình để “nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy”29 khi chúng ta sống theo phúc âm một cách hoàn hảo hơn.

Có thể có những lúc mà chúng ta cần phải chọn một quyết định can đảm để hy vọng mặc dù mọi việc chung quanh chúng ta mâu thuẫn với hy vọng này. Giống như Tổ Phụ Áp Ra Ham, chúng ta sẽ “cậy trông khi chẳng còn lẽ trông cậy.”30 Hoặc, như một nhà văn đã nói: “Ở giữa mùa đông, [chúng ta thấy] bên trong [mình] một mùa hè rực rỡ.”31

Đức tin, hy vọng và lòng bác ái bổ sung cho nhau, và khi một điều gia tăng, thì hai điều kia cũng gia tăng theo. Hy vọng có được từ đức tin32 vì nếu không có đức tin, thì không hy vọng.33 Tương tự như vậy, đức tin từ hy vọng mà ra, vì đức tin là “sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong.”34

Niềm hy vọng là thiết yếu đối với đức tin lẫn lòng bác ái. Khi sự bất tuân, nỗi thất vọng và sự trì hoãn xoi mòn đức tin, thì có niềm hy vọng nơi đó để giữ vững đức tin của mình. Khi sự bực bội và thiếu kiên nhẫn thách đố đức tin thì niềm hy vọng chống đỡ quyết tâm của chúng ta và thúc đẩy chúng ta chăm sóc cho đồng bào mình dù không trông mong được tưởng thưởng. Niềm hy vọng của chúng ta càng sáng lạn, thì đức tin chúng ta càng vững vàng hơn. Niềm hy vọng của chúng ta càng vững mạnh, thì lòng bác ái của chúng ta càng thanh khiết hơn.

Những điều mà chúng ta hy vọng có được đưa chúng ta đến đức tin trong khi những điều mà chúng ta hy vọng vào thì đưa chúng ta đến lòng bác ái. Ba đức tính—đức tin, hy vọng và lòng bác ái35—liên kết với nhau, dựa trên lẽ thật và ánh sáng của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, đưa chúng ta đến việc làm nhiều điều thiện.36

Niềm Hy Vọng từ Kinh Nghiệm Cá Nhân

Mỗi khi một niềm hy vọng đạt được thì nó tạo ra sự tin tưởng và đưa đến hy vọng lớn lao hơn. Tôi có thể nghĩ về nhiều trường hợp trong cuộc sống của tôi khi tôi học biết một cách trực tiếp về quyền năng của niềm hy vọng. Tôi nhớ rõ những ngày thơ ấu của mình ở giữa những nỗi kinh hoàng và thất vọng của một cuộc thế chiến, việc thiếu cơ hội học hành, những vấn đề sức khỏe hiểm nghèo trong thời niên thiếu, và những kinh nghiệm thử thách và kinh tế gây nản lòng khi là người tị nạn. Tấm gương của mẹ chúng tôi, ngay cả trong những lúc tệ hại nhất, để tiến bước và đặt đức tin và hy vọng thành hành động, không chỉ lo lắng hay ý nghĩ mơ hồ, đã giúp đỡ gia đình chúng tôi và tôi và mang đến sự tin tưởng rằng những hoàn cảnh hiện tại sẽ nhường bước cho các phước lành tương lai.

Tôi biết từ những kinh nghiệm này rằng chính phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và các tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã củng cố đức tin, mang đến một niềm hy vọng sáng lạn, và đưa chúng ta đến lòng bác ái.

Niềm hy vọng hỗ trợ chúng ta qua nỗi tuyệt vọng. Niềm hy vọng dạy rằng có một lý do để hân hoan ngay cả khi tất cả dường như tối tăm chung quanh chúng ta.

Tôi xin tuyên bố cùng với Giê Rê Mi: “Đáng chúc phước thay là kẻ … lấy Đức Giê Hô Va làm sự trông cậy mình.”37

Tôi làm chứng với Giô Ên rằng “Đức Giê Hô Va là nơi ẩn náu cho dân mình, là đồn lũy cho con cái Y Sơ Ra Ên.”38

Tôi xin nói cùng với Nê Phi: “Phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.”39

Đây là đặc tính của hy vọng mà chúng ta cần phải trân quý và phát triển. Một niềm hy vọng chín chắn như vậy đến nhờ vào Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô vì “ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch.”40

Chúa đã ban cho chúng ta một sứ điệp hy vọng làm yên lòng: “Chớ sợ hãi, hỡi đàn chiên bé nhỏ.”41 Thượng Đế sẽ chờ đợi “dang tay tiếp nhận các người”42 là những người từ bỏ tội lỗi của mình và tiếp tục sống trong đức tin, hy vọng và lòng bác ái.

Và cùng tất cả những người đang đau khổ—cùng tất cả những người cảm thấy nản lòng, lo âu hoặc cô đơn—tôi nói với tình yêu thương và mối quan tâm sâu xa đối với các anh chị em, đừng bao giờ bỏ cuộc.

Đừng bao giờ đầu hàng.

Đừng bao giờ để cho nỗi thất vọng khắc phục tinh thần của các anh chị em.

Hãy chấp nhận và trông cậy vào Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên, vì tình yêu thương của Vị Nam Tử của Thượng Đế xuyên thủng tất cả mọi bóng tối, làm nguôi ngoai tất cả nỗi buồn phiền, và làm cho mỗi tâm hồn được vui mừng.

Tôi làm chứng về điều này và để lại phước lành của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Rô Ma 15:4.

  2. Xin xem Thi Thiên 146:5.

  3. Châm Ngôn 13:12.

  4. Xin xem Mô Rô Ni 8:26.

  5. Xin xem Mô Rô Ni 7:41.

  6. Xin xem Cô Lô Se 1:21–23.

  7. Xin xem Rô Ma 15:13.

  8. Xin xem Thi Thiên 33:22.

  9. Xin xem Rô Ma 12:12.

  10. Xin xem Châm Ngôn 10:28.

  11. Xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:8.

  12. Xin xem Hê Bơ Rơ 11:1; Mô Rô Ni 7:40.

  13. Xin xem Hê Bơ Rơ 6:19; Ê The 12:4.

  14. Xin xem Ê The 12:32; Xin xem thêm Rô Ma 8:24.

  15. 2 Nê Phi 2:11.

  16. Xin xem Giê Rê Mi 17:13.

  17. Xin xem Rô Ma 8:24.

  18. Xin xem GLGƯ 59:23.

  19. An Ma 34:41.

  20. 1 Phi E Rơ 1:3.

  21. Xin xem Thi Thiên 146:5.

  22. An Ma 34:41.

  23. Xin xem An Ma 11:45.

  24. Xin xem 2 Nê Phi 2:6–10.

  25. Xin xem Hê Bơ Rơ 5:9.

  26. 1 Cô Rinh Tô 2:9.

  27. GLGƯ 90:24.

  28. Xin xem Rô Ma 15:14.

  29. Rô Ma 15:13.

  30. Rô Ma 4:18.

  31. Albert Camus, trong John Bartlett, biên soạn, Familiar Quotations, xuất bản lần thứ 17 (2002), 790.

  32. Xin xem Ê The 12:4.

  33. Xin xem Mô Rô Ni 7:42.

  34. Hê Bơ Rơ 11:1.

  35. Xin xem Mô Rô Ni 10:20.

  36. Xin xem An Ma 7:24.

  37. Giê Rê Mi 17:7.

  38. Giô Ên 3:16.

  39. 2 Nê Phi 31:20.

  40. 1 Giăng 3:3.

  41. GLGƯ 6:34.

  42. Xin xem Mặc Môn 6:17.