Học Hỏi, Làm, Trở Thành
Cầu xin cho chúng ta học được điều chúng ta cần học, làm điều chúng ta cần làm, và trở thành người mà chúng ta cần phải trở thành
Buổi tối hôm nay, các anh em đã chứng kiến sức mạnh của hai vị cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn này. Tôi đứng trước mặt các anh em và tuyên bố rằng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn này được hiệp một dưới sự chỉ dẫn của Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi muốn đặc biệt cám ơn ca đoàn của những người truyền giáo này. Tôi đã có một kinh nghiệm mà tôi nghĩ rằng họ có thể thích nghe, và các anh em cũng có thể thấy nó thú vị. Cách đây nhiều năm, tôi nhận được một cú điện thoại đầy tuyệt vọng từ vị lãnh đạo trung tâm huấn luyện truyền giáo. Vị ấy nói: “Thưa Chủ Tịch Monson, có một người truyền giáo sắp đi về nhà. Không có điều gì có thể ngăn cản người ấy bỏ ý định đó được.”
Tôi đáp: “Vâng, điều đó thì cũng không có gì là khác thường. Nó đã xảy ra trước đây. Người ấy có vấn đề gì thế?”
Vị ấy đáp: “Người ấy được kêu gọi phục vụ truyền giáo nói tiếng Tây Ban Nha, và người ấy nhất định là mình không thể nói được tiếng Tây Ban Nha.”
Tôi nói: “Tôi có một đề nghị cho anh nhé. Sáng mai, anh hãy để cho người ấy đi học lớp tiếng Nhật. Và rồi bảo người ấy đến báo cáo cho anh vào lúc 12 giờ trưa.”
Sáng hôm sau, vị ấy gọi điện thoại cho tôi vào lúc 10 giờ! Vị ấy nói: “Người thanh niên ấy hiện đang có mặt với tôi bây giờ, và người ấy muốn tôi biết rằng người ấy chắc chắn có thể học được tiếng Tây Ban Nha.”
Có chí thì nên mà.
Bây giờ, khi tôi nói chuyện với các anh em buổi tối hôm nay, các anh em quả thật là một chức tư tế hoàng gia đã tụ họp lại ở nhiều nơi nhưng trong tình đoàn kết. Rất có thể đây là sự tụ họp những người mang chức tư tế lớn nhất từ trước đến nay. Lòng tận tụy của các anh em đối với sự kêu gọi thiêng liêng của mình thật đầy soi dẫn. Lòng khát khao học hỏi trách nhiệm của các anh em thì thật hiển nhiên. Sự trong sạch của tâm hồn các anh em mang thiên thượng đến gần các anh em và gia đình mình hơn.
Nhiều nơi trên thế giới đang trải qua những thời kỳ khó khăn về kinh tế. Các doanh nghiệp thất bại, công việc làm bị mất và vốn đầu tư đang gặp nguy hiểm. Chúng ta cần phải chắc chắn rằng những người chúng ta có trách nhiệm lo lắng thì sẽ không bị thiếu ăn, thiếu mặc hoặc không có nơi nương tựa. Khi chức tư tế của Giáo Hội này cùng hiệp một nhằm đáp ứng những trường hợp khó khăn này, thì những phép lạ xảy ra.
Chúng tôi khuyên nhủ Các Thánh Hữu Ngày Sau hãy thận trọng trong các dự định của mình, dè dặt trong lối sống của mình, và tránh nợ nần quá mức hoặc không cần thiết. Các vấn đề tài chính của Giáo Hội đều được quản lý theo cách này, vì chúng tôi nhận biết rằng tiền thập phân và các đóng góp khác của các anh em không thể có được mà không có sự hy sinh và là khoản tiền thiêng liêng.
Chúng ta hãy làm cho nhà của mình là nơi trú ẩn của sự ngay chính, nơi cầu nguyện, và nơi tình yêu thương ngự trị, để chúng ta có thể xứng đáng với những phước lành mà chỉ có thể đến từ Cha Thiên Thượng của chúng ta. Chúng ta cần sự hướng dẫn của Ngài trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Trong đám người đông đảo này là quyền năng của chức tư tế và khả năng để dang tay ra và chia sẻ phúc âm vinh quang với những người khác. Như đã được đề cập, chúng ta có bàn tay để nâng đỡ những người khác khỏi tính tự mãn và sự kém tích cực. Chúng ta có tấm lòng để phục vụ trung tín trong những sự kêu gọi chức tư tế của mình và do đó soi dẫn những người khác bước đi trên vùng đất cao hơn và tránh khỏi đầm lầy tội lỗi mà đe dọa nhận chìm rất nhiều người. Giá trị của linh hồn quả thật lớn lao dưới mắt của Thượng Đế. Đặc ân quý báu của chúng ta, được trang bị bởi sự hiểu biết này, là để tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người khác. Những lời được tìm thấy trong Ê Xê Chi Ên có thể phù hợp đối với tất cả chúng ta là những người tuân theo Đấng Cứu Rỗi trong công việc thiêng liêng này:
“Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi… .
Ta sẽ đặt thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi tuân theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lệnh ta và làm theo.
“Các ngươi sẽ ở trong đất mà ta đã ban cho tổ phụ các ngươi; các ngươi sẽ làm dân ta, ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi.”1
Chúng ta có thể xứng đáng với lời hứa này như thế nào? Điều gì sẽ làm cho chúng ta hội đủ điều kiện nhằm nhận được phước lành này? Có chỉ dẫn nào để tuân theo không?
Tôi xin đề nghị ba mệnh lệnh để chúng ta xem xét. Chúng cũng áp dụng cho các thầy trợ tế cũng như các thầy tư tế thượng phẩm. Chúng nằm trong khả năng của chúng ta. Cha Thiên Thượng nhân từ sẽ giúp chúng ta trong công cuộc tìm kiếm của mình.
Thứ nhất, Học điều chúng ta cần học.
Thứ nhì, Làm điều chúng ta cần làm.
Và thứ Ba, Trở thành người chúng ta cần trở thành.
Chúng ta hãy thảo luận ba mục tiêu này, ngõ hầu chúng ta có thể là những người tôi tớ có ích dưới mắt của Chúa.
Thứ nhất, Học điều chúng ta cần học. Sứ Đồ Phao Lô khẩn nài nỗ lực của chúng ta để học hỏi. Ông nói với người dân Phi Líp: “Tôi cứ làm một điều, quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ.”2 Còn đối với người Hê Bơ Rơ ông khuyên nhủ: “Quăng hết … tội lỗi; … lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, Nhìn xem Đức Chúa Jesus là cội rễ và cuối cùng của đức tin.”3
Chủ tịch Stephen L Richards, là người đã phục vụ nhiều năm trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và rồi sau đó trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, thường nói với những người nắm giữ chức tư tế và nhấn mạnh triết lý của ông liên quan đến chức tư tế. Ông nói: “Chức Tư Tế thường được định nghĩa đơn giản là ‘quyền năng của Thượng Đế được ủy nhiệm cho người nam.’ Định nghĩa này, theo tôi, là chính xác.”
Ông nói tiếp: “Nhưng đối với các mục đích thiết thực thì tôi muốn định nghĩa Chức Tư Tế theo ngôn ngữ của sự phục vụ, và tôi thường gọi chức đó là ‘kế hoạch lý tưởng về sự phục vụ.’ Tôi nói thế bởi vì dường như đối với tôi thì chỉ qua sự sử dụng quyền năng thiêng liêng được truyền cho người nam thì họ mới có thể hy vọng để hiểu rõ tầm quan trọng hoàn toàn và chức năng của phước lành thiên ân này. Đó là một công cụ của sự phục vụ … và người nam nào không sử dụng chức đó thì sẽ có khả năng mất nó, vì chúng ta đã được cho biết rõ qua sự mặc khải rằng ai bỏ bê chức tư tế thì ‘không được tính là xứng đáng để nắm giữ.’”4
Chủ Tịch Harold B. Lee, Chủ Tịch thứ mười một của Giáo Hội và một trong các bậc thầy đại tài trong Giáo Hội, đã đưa ra lời khuyên của mình một cách dễ hiểu. Ông nói: “Khi một người trở thành người nắm giữ chức tư tế, thì người ấy trở thành người đại diện của Chúa. Người ấy cần phải nghĩ về sự kêu gọi của mình thể như người ấy đang làm công việc của Chúa.”5
Giờ đây, một số anh em có thể có bản tính nhút nhát hoặc tự thấy mình không thích đáng để chấp nhận một sự kêu gọi. Hãy nhớ rằng công việc này không chỉ thuộc về các anh em và tôi không mà thôi. Đó là công việc của Chúa, và khi chúng ta làm công việc của Chúa, thì chúng ta được quyền có được sự giúp đỡ của Chúa. Hãy nhớ rằng Chúa sẽ giúp cho chúng ta có thể gánh vác trách nhiệm của mình.
Mặc dù đôi khi lớp học chính thức thì có lẽ thật đáng sợ, nhưng lại có một số sự giảng dạy hữu hiệu nhất xảy ra ở bên ngoài giáo đường hoặc lớp học. Tôi còn nhớ rõ rằng cách đây mấy năm, các tín hữu nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn đã hăm hở trông chờ một buổi đi chơi ngoài trời thường niên để kỷ niệm sự phục hồi Chức Tư Tế A Rôn. Các thiếu niên của giáo khu chúng tôi ngồi đầy trên chuyến xe buý t hành trình 150 kilômét lên miền bắc đến Nghĩa Trang Clarkston nơi mà chúng tôi xem mộ của Martin Harris, một trong Ba Nhân Chứng của Sách Mặc Môn. Trong khi các em đứng chung quanh tấm bia làm bằng đá granit xinh đẹp đánh dấu mộ của ông, thì một vị ủy viên hội đồng thượng phẩm trình bày lai lịch cuộc sống của Martin Harris, đọc chứng ngôn của ông từ quyển Sách Mặc Môn, và rồi chia sẻ chứng ngôn của vị ấy về lẽ thật. Các thiếu niên chăm chú lắng nghe, sờ tay vào tấm mộ bia bằng đá granit, và suy ngẫm về những lời mà các em đã nghe và những cảm nghĩ mà các em đã có.
Tại một công viên ở Logan, mọi người vui vẻ ăn trưa. Rồi sau đó, nhóm các thiếu niên nằm xuống trên bãi cỏ tại Đền Thờ Logan và ngước nhìn lên các ngọn tháp cao sừng sững của đền thờ. Thỉnh thoảng một ngọn gió nhẹ thổi những đám mây trắng xinh đẹp bay nhanh ngang các ngọn tháp. Mục đích của đền thờ đã được giảng dạy. Các giao ước và các lời hứa trở thành có ý nghĩa hơn là những lời nói. Ước muốn được xứng đáng để bước vào các cánh cổng đền thờ đó len vào lòng của những người trẻ tuổi đó. Thiên thượng thật gần. Việc học hỏi điều mà chúng ta cần học hỏi đã được bảo đảm.
Thứ nhì, Làm điều chúng ta cần làm. Trong một điều mặc khải về chức tư tế, ban cho qua Tiên Tri Joseph Smith, được ghi lại với tính cách là tiết 107 của sách Giáo Lý và Giao Ước, “học hỏi” đổi thành “làm” khi chúng ta đọc: “Vậy nên, giờ đây mọi người phải học hỏi bổn phận của mình, và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định.”6
Mỗi người nắm giữ chức tư tế tham dự phiên họp này buổi tối hôm nay đều có một sự kêu gọi để phục vụ, để đem hết các nỗ lực tốt nhất của mình vào công việc đã được chỉ định cho người ấy. Không có một sự chỉ định nào bị xem là thấp kém trong công việc của Chúa, vì mỗi sự chỉ định đều có những kết quả vĩnh cửu. Chủ Tịch John Taylor đã cảnh cáo chúng ta: “Nếu ta không làm vinh hiển sự kêu gọi của mình, thì Thượng Đế sẽ bắt ta chịu trách nhiệm về những người mà đáng lẽ ta đã có thể cứu được nếu ta làm tròn bổn phận của mình.”7 Và ai trong chúng ta có đủ sức để chịu trách nhiệm cho sự trì hoãn về cuộc sống vĩnh cửu của linh hồn con người như vậy? Nếu niềm vui lớn lao là phần thưởng cho việc cứu vớt một linh hồn, thì sẽ khủng khiếp biết bao khi nỗi hối hận của những người mà các nỗ lực nhút nhát của họ đã để cho một người con của Thượng Đế không được báo cho biết trước hoặc không được giúp đỡ đến nỗi người ấy phải chờ cho đến lúc một tôi tớ đáng tin cậy của Thượng Đế đến.
Câu châm ngôn xưa thì luôn luôn đúng: “Điều tốt nhất là hãy thi hành bổn phận của mình; rồi Chúa sẽ làm những gì còn lại.”
Đa số sự phục vụ của những người nắm giữ chức tư tế thì được thực hiện một cách âm thầm và không phô trương ầm ỹ. Một nụ cuời thân thiện, một cái bắt tay chặt, một lời chứng ngôn chân thành về lẽ thật đều có thể thật sự nâng đỡ cuộc sống, thay đổi bản tính con người và cứu vớt những linh hồn quý báu.
Một tấm gương phục vụ như vậy là kinh nghiệm truyền giáo của Juliusz và Dorothy Fussek, là những người được kêu gọi để đi truyền giáo hai năm ở Ba Lan. Anh Fussek sinh ở Ba Lan. Ông nói được tiếng Ba Lan. Ông yêu mến dân tộc đó. Chị Fussek là người Anh và không biết nhiều về nước Ba Lan và dân tộc đó.
Với sự tin cậy Chúa, họ bắt đầu công việc chỉ định của mình. Hoàn cảnh sống thì rất thô sơ, họ làm việc đơn độc một mình, nhiệm vụ của họ rất nặng nề. Vào lúc ấy, phái bộ truyền giáo chưa được thiết lập ở Ba Lan. Công việc được chỉ định cho hai anh chị Fussek là chuẩn bị con đường để một phái bộ truyền giáo có thể được thiết lập hầu cho những người truyền giáo khác có thể được kêu gọi để phục vụ, dân chúng có thể được giảng dạy, những người cải đạo có thể được làm phép báp têm, các chi nhánh có thể được thành lập, và các giáo đường có thể được xây lên.
Anh Cả và Chị Fussek có thất vọng vì tầm cỡ của công việc chỉ định cho mình không? Không chút nào. Họ biết sự kêu gọi là từ Thượng Đế. Họ cầu nguyện để có được sự giúp đỡ thiêng liêng của Ngài, và họ đã hết lòng tự hiến dâng cho công việc của mình. Họ ở lại Ba Lan không phải hai năm mà là năm năm. Tất cả những mục tiêu đã đề cập đến đều được thực hiện.
Các Anh Cả Russell M. Nelson, Hans B. Ringger, và tôi, cùng đi với Anh Cả Fussek, đã họp với Tổng Trưởng Adam Wopatka của chính quyền Ba Lan, và chúng tôi đã nghe ông nói: “Giáo hội của quý vị được hoan nghênh ở đây. Quý vị có thể xây cất nhà cửa, quý vị có thể gửi đến những người truyền giáo. Quý vị được hoan nghênh ở Ba Lan. Người này,” chỉ vào Juliusz Fussek, “đã phục vụ hữu hiệu cho giáo hội của quý vị. Quý vị có thể biết ơn tấm gương và công việc của người này.”
Giống như hai anh chị Fussek, chúng ta hãy làm điều mà chúng ta cần làm trong công việc của Chúa. Rồi chúng ta có thể, cùng với Juliusz và Dorothy Fussek, lặp lại câu trong sách Thi Thiên: “Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê Hô Va, là Đấng đã dựng nên trời và đất … ; Đấng gìn giữ ngươi không hề buồn ngủ. Đấng gìn giữ Y Sơ Ra Ên không hề nhắp mắt, cũng không buồn ngủ.”8
Thứ ba, Hãy trở thành người mà chúng ta cần phải trở thành. Phao Lô đã khuyên dạy người bạn và người cộng sự thân quý của mình: “Phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.”9
Tôi xin khuyến khích tất cả chúng ta nên cầu nguyện về những sự chỉ định của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ thiêng liêng, để chúng ta có thể được thành công trong việc hoàn thành điều mà chúng ta được kêu gọi để làm. Một người nào đó đã nói rằng “sự nhìn nhận một quyền năng cao hơn con người thì không hề có nghĩa là hạ thấp giá trị của con người.”10 Người ấy cần phải tìm kiếm, tin tưởng, cầu nguyện và hy vọng rằng mình sẽ tìm ra. Không có nỗ lực chân thật, thành tâm nào như vậy mà không được đáp ứng: đó chính là nền tảng của triết lý về đức tin. Ân huệ thiêng liêng sẽ phù trợ những người khiêm nhường tìm kiếm điều đó.
Có một lời khuyên dạy từ Sách Mặc Môn đã nói rõ về điều đó. Chúa phán: “Vậy nên, các ngươi nên là những người như thế nào? Quả thật, ta nói cho các người hay, các ngươi phải giống như ta vậy.”11
Và Ngài là người như thế nào? Ngài đã nêu gương nào trong sự phục vụ của Ngài? Từ Giăng, chương 10, chúng ta biết được:
“Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình.
“Kẻ chăn thuê chẳng phải là người chăn, và chiên không phải thuộc về nó, nếu thấy muông sói đến, thì nó bỏ chiên chạy trốn; muông sói cướp lấy chiên và làm cho tản lạc.
“Ấy vì nó là kẻ chăn thuê, chẳng lo lắng chi đến chiên.”
Chúa phán: “Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta,
“Cũng như Cha biết ta, và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình.”12
Thưa các anh em, cầu xin cho chúng ta học được điều chúng ta cần học, làm điều chúng ta cần làm, và trở thành người mà chúng ta cần phải trở thành. Khi làm như vậy, các phước lành của thiên thượng sẽ phù trợ. Chúng ta sẽ biết rằng chúng ta không đơn độc một mình. Ngài là Đấng lưu ý đến con chim sẻ rơi xuống đất thì sẽ theo cách của Ngài mà lưu tâm đến chúng ta.
Cách đây mấy năm, tôi đã nhận được một lá thư của một người bạn lâu năm. Anh ấy chia sẻ chứng ngôn của mình trong lá thư đó. Tôi muốn chia sẻ một phần lá thứ đó với các anh em trong buổi tối hôm nay, vì nó minh họa sức mạnh của chức tư tế nơi một người đã học được điều mà người ấy cần phải học, đã làm điều mà người ấy cần phải làm, và luôn luôn cố gắng trở thành con người mà người ấy cần phải trở thành. Tôi sẽ đọc đoạn trích từ lá thư đó của người bạn của tôi tên là Theron W. Borup, là người đã qua đời cách đây ba năm thọ 90 tuổi:
Lúc tám tuổi, khi tôi chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh, thì tôi có nhiều ấn tượng về việc ngoan ngoãn và có được Đức Thánh Linh để làm một sự giúp đỡ trong suốt cuộc đời mình. Tôi được cho biết rằng Đức Thánh Linh chỉ đồng hành với những người tốt mà thôi và rằng khi điều xấu xa hiện diện trong cuộc sống của chúng ta thì Đức Thánh Linh sẽ rút lui. Vì không biết lúc nào tôi sẽ cần đến sự thúc giục và hướng dẫn của Ngài, nên tôi cố gắng sống sao cho tôi sẽ không bị mất ân tứ này. Có một dịp nọ, ân tứ đó đã cứu mạng tôi.
“Trong Đệ Nhị Thế Chiến, tôi là pháo thủ của oanh tạc cơ B-24 ở vùng Nam Thái Bình Dương … Một ngày nọ có thông báo rằng một chuyến đi dội bom dài nhất chưa từng có sẽ nhằm đánh sập một nhà máy lọc dầu. Những lời thúc giục của Thánh Linh cho tôi biết rằng tôi sẽ được chỉ định trên chuyến bay này nhưng tôi sẽ không bị mất mạng. Vào lúc ấy, tôi đang là chủ tịch của nhóm Thánh Hữu Ngày Sau.
“Trận đánh diễn ra ác liệt trong khi chúng tôi bay trên bầu trời Borneo. Máy bay của chúng tôi bị các chiếc máy bay khác tấn công và chẳng bao lâu bốc cháy và người phi công bảo chúng tôi phải chuẩn bị để nhảy ra ngoài. Tôi là người cuối cùng nhảy ra. Chúng tôi bị các phi công địch bắn trong khi chúng tôi đang lơ lửng trên không. Tôi gặp khó khăn trong khi bơm phồng cái bè cứu đắm của mình. Vì bị nhồi lên nhồi xuống trong nước, tôi bắt đầu chìm và ngất đi. Tôi tỉnh dậy trong giây lát và kêu lên: ‘Thượng Đế ơi cứu con!’ … Một lần nữa tôi cố gắng bơm phồng cái bè cứu đắm và lần này thì thành công. Với chỉ vừa đủ không khí trong cái bè mà giúp tôi nổi trên nước, tôi lăn lên nằm trên cái bè và quá mệt mỏi để cử động.
“Trong ba ngày chúng tôi trôi lềnh bềnh trong vùng địch với tàu chung quanh chúng tôi và máy bay trên đầu chúng tôi. Lý do tại sao họ đã không thể thấy được một nhóm bè màu vàng trôi trên nước trong xanh thật là một điều huyền bí.” Ông viết. “Một cơn bão nổi lên và các ngọn sóng cao mười mét gần như xé rách bè của chúng tôi. Ba ngày trôi qua mà không có thức ăn hay nước uống. Những người khác hỏi tôi có cầu nguyện không. Tôi đáp rằng tôi có cầu nguyện và rằng chúng tôi sẽ thật sự được giải cứu. Vào buổi chiều đó, chúng tôi thấy tàu ngầm của mình ở đó để cứu chúng tôi nhưng nó đã đi ngang qua chúng tôi. Sáng hôm sau, nó cũng làm như vậy. Chúng tôi biết rằng đây là ngày cuối cùng nó ở trong khu vực này. Rồi có sự thúc giục của Đức Thánh Linh: ‘Ngươi có chức tư tế. Hãy truyền lệnh cho chiếc tàu ngầm đó đến vớt ngươi lên.’ Tôi cầu nguyện thầm: “Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô và bằng quyền năng của chức tư tế, hãy quay lại và vớt chúng tôi lên.” Trong một vài phút sau, họ đã ở bên chúng tôi. Khi lên trên boong tàu, vị thuyền trưởng … nói: ‘Tôi không biết làm thế nào mà chúng tôi lại tìm ra các anh, vì chúng tôi đâu có đi kiếm các anh đâu.’ Nhưng tôi thì biết.”13
Tôi để lại với các anh em chứng ngôn của tôi rằng công việc này mà chúng ta dự phần vào là chân chính. Chúa đang hướng dẫn. Cầu xin cho chúng ta luôn luôn noi theo Ngài là lời cầu nguyện chân thành của tôi, và tôi dâng lên lời cầu nguyện này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.