Chúng Ta Đồng Tâm Đoàn Kết
Các Thánh Hữu có thể hoàn thành bất cứ mục tiêu nào của Chúa khi đoàn kết trọn vẹn trong sự ngay chính.
Các anh chị em thân mến, thật là một niềm vui được quy tụ với các anh chị em buổi sáng Sa Bát này. Chúng ta sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta từ mọi quốc gia và nhiều chủng tộc sẽ đến Vương Quốc của Thượng Đế. Và sự quy tụ mà đã được tiên tri thì sẽ gia tăng nhanh.
Chúng ta thấy sự xung đột đang gia tăng giữa các dân tộc trên thế giới quanh chúng ta. Những cảnh chia rẽ và dị biệt đó có thể ảnh hưởng đến chúng ta. Đó là lý do tại sao sứ điệp của tôi về niềm hy vọng ngày hôm nay là một ngày đoàn kết trọng đại sẽ đến. Chúa Giê Hô Va sẽ trở lại sống với những người đã trở thành dân Ngài và sẽ thấy rằng họ đoàn kết, một lòng và một trí, hiệp một với Ngài và với Cha Thiên Thượng.
Các anh chị em đã nghe tôi nói hơn một lần về sứ điệp về tình đoàn kết. Trong tương lai có lẽ tôi sẽ nói nữa về tình đoàn kết. Tôi đã nghe đề tài này từ mỗi vị tiên tri của Thượng Đế trong suốt cuộc đời tôi. Một lời khẩn nài về tình đoàn kết là sứ điệp cuối cùng tôi còn nhớ đã đọc trong một quyển sách nhỏ của Chủ Tịch David O. McKay. Các vị tiên tri của Chúa đã luôn luôn kêu gọi tình đoàn kết. Sự cần thiết để có được ân tứ đó ban cho chúng ta và thử thách để duy trì ân tứ đó sẽ gia tăng thêm trong những ngày sắp tới, mà trong đó chúng ta sẽ được chuẩn bị với tư cách là một dân tộc cho vận mệnh vinh quang của chúng ta.
Sứ điệp của tôi là chúng ta đang làm khá hơn. Các bậc cha mẹ đang nài xin có sự đoàn kết trong nhà của mình và những lời cầu nguyện đó đã được đáp ứng. Những gia đình cùng cầu nguyện chung ngày và đêm. Tôi đã được mời cùng quỳ xuống cầu nguyện trước khi đi ngủ với một gia đình khi tôi là khách trong nhà của họ. Đứa con út được yêu cầu dâng lên lời cầu nguyện. Nó cầu nguyện giống như một vị tộc trưởng cho mỗi người trong gia đình, nêu rõ tên từng người. Tôi mở hé mắt ra để nhìn vào gương mặt của mấy đứa con khác và hai cha mẹ. Tôi có thể biết được rằng họ đều sử dụng đức tin của mình với tấm lòng được bày tỏ trong lời cầu nguyện của đứa bé trai đó.
Một vài chị em Hội Phụ Nữ đã cùng cầu nguyện chung khi họ chuẩn bị đi thăm viếng lần đầu tiên một người góa phụ trẻ có chồng vừa đột ngột qua đời. Họ muốn biết điều phải làm và cách để cùng nhau giúp chuẩn bị nhà cửa cho gia đình và bạn bè mà sẽ đến dự tang lễ. Họ cần phải biết những lời an ủi nào mà họ có thể nói thay cho Chúa. Một sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của họ đã đến. Khi họ vào đến căn nhà ấy, mỗi chị em phụ nữ nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Căn nhà ấy được chuẩn bị sẵn sàng nhanh đến nỗi một số chị em đã không thể làm thêm được việc gì nữa. Những lời an ủi thích hợp hoàn toàn đã được thốt ra. Họ đã hiệp một và đồng tâm thực hiện sự phục vụ của Chúa.
Các chị em đã thấy được bằng chứng, như tôi đã thấy, rằng chúng ta đang trở nên hiệp một. Phép lạ của tình đoàn kết đã được ban cho chúng ta khi chúng ta cầu nguyện và cố gắng xây đắp tình đoàn kết theo cách của Chúa. Chúng ta sẽ đồng tâm đoàn kết. Thượng Đế đã hứa phước lành đó với Các Thánh Hữu trung tín bất chấp những dị biệt trong lai lịch gốc gác của họ và bất chấp sự xung đột đang xảy ra dữ dội quanh họ. Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta cũng như cho các môn đồ của Ngài khi Ngài cầu xin Cha của Ngài cho chúng con được hiệp một.1
Lý do mà chúng ta cầu nguyện và cầu xin có được phước lành đó cũng là lý do mà Đức Chúa Cha ban nó cho chúng ta. Chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng niềm vui đến khi chúng ta được ban phước với tình đoàn kết. Với tư cách là con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng, chúng ta khao khát niềm vui đó mà chúng ta đã từng có với Ngài trong cuộc sống tiền dương thế. Ước muốn của Ngài là ban cho chúng ta nguyện vọng thiêng liêng đó cho tình đoàn kết vì tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta.
Ngài không thể ban nó cho chúng ta với tư cách là các cá nhân. Niềm vui của tình đoàn kết mà Ngài rất muốn ban cho chúng ta thì không phải chỉ có cá nhân mà thôi. Chúng ta cần phải tìm kiếm và hội đủ điều kiện để nhận được niềm vui đó với những người khác. Và cũng không ngạc nhiên gì khi Thượng Đế thúc giục chúng ta nhóm lại để Ngài có thể ban phước cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta phải tụ họp gia đình lại. Ngài đã thiết lập các lớp học, các tiểu giáo khu và chi nhánh và truyền lệnh cho chúng ta phải họp mặt với nhau thường xuyên. Chúng ta có cơ hội lớn lao trong những buổi nhóm họp đó mà Thượng Đế đã thiết lập cho chúng ta. Chúng ta có thể cầu nguyện và cố gắng xây đắp tình đoàn kết mà sẽ mang đến cho chúng ta niềm vui và gia tăng khả năng phục vụ của mình.
Đấng Cứu Rỗi đã hứa với Ba Người Nê Phi niềm vui đoàn kết với Ngài là phần thưởng cuối cùng của họ sau khi sự phục vụ trung tín của họ. Ngài phán: “Các ngươi sẽ có được niềm vui trọn vẹn, và các ngươi sẽ được ngồi trong vương quốc của Cha ta; phải, niềm vui của các ngươi sẽ trọn vẹn; như ta đã được Đức Chúa Cha ban cho niềm vui trọn vẹn vậy; và các ngươi sẽ như ta; và ta sẽ như Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Cha với ta là một.”2
Chúa đã ban cho chúng ta những sự hướng dẫn để biết điều phải làm nhằm nhận được phước lành và niềm vui về tình đoàn kết mãi mãi gia tăng. Sách Mặc Môn đã thuật lại thời kỳ thành công khi có tình đoàn kết. Đó là trong thời An Ma tại dòng Suối Mặc Môn. Những điều mà dân chúng đã làm trong những hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm đó mang đến cho chúng ta sự hướng dẫn lẫn niềm khích lệ.
Mọi điều mà An Ma và dân của ông được soi dẫn để làm thì đều nhằm giúp dân chúng chọn thay đổi tấm lòng của họ nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là cách duy nhất mà Thượng Đế có thể ban cho phước lành của việc hiệp một.
Trong sách Mô Si A, chúng ta đọc:
“Và kể từ đó họ được gọi là giáo hội của Thượng Đế, hay là giáo hội của Đấng Ky Tô. Và chuyện rằng, bất cứ ai đã được báp têm bởi quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế đều được tính vào số tín hữu của giáo hội của Ngài… .
“Và ông ra lệnh cho họ không được giảng dạy những điều gì ngoài các điều ông đã dạy, và những điều do từ miệng các thánh tiên tri đã nói ra.
“Phải, ông còn ra lệnh cho họ không được thuyết giảng những điều gì khác hơn là sự hối cải và đức tin nơi Chúa, là Đấng đã cứu chuộc dân Ngài.
“Và ông đã ra lệnh cho họ không được có sự tranh chấp lẫn nhau, mà họ phải nhìn thấy những sự việc một cách giống nhau, phải có một đức tin và một phép báp têm, phải đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau.
“Và ông đã ra lệnh cho họ phải thuyết giảng như vậy. Và cũng nhờ đó mà họ đã trở thành con cái của Thượng Đế.”3
Đó là lý do tại sao An Ma đã truyền lệnh cho dân chúng phải giảng dạy về đức tin và sự hối cải. Đó là lý do tại sao mấy đứa con của tôi đã tiến đến việc kỳ vọng vào mỗi bài học trong buổi họp tối gia đình rằng tôi sẽ kiếm cách để khuyến khích một ai đó làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh của Ngài. Đôi khi, các bậc cha mẹ đã chia sẻ chứng ngôn như vậy. Chúng tôi thành công nhất về điều này khi chúng tôi tìm cách khuyến khích mấy đứa con chia sẻ chứng ngôn như vậy, bằng cách trình bày bài học hoặc trả lời những câu hỏi. Khi chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi được đưa ra thì Đức Thánh Linh đã xác nhận điều đó. Vào những buổi tối đó, chúng tôi đều cảm thấy đồng tâm đoàn kết với nhau.
Ngoài các giáo lễ ra, còn có các nguyên tắc mà chúng ta đang tuân theo và đưa đến tình đoàn kết chặt chẽ hơn.
Một trong số các nguyên tắc đó là sự mặc khải. Sự mặc khải là cách duy nhất để chúng ta có thể cùng nhau biết cách tìm kiếm và tuân theo ý muốn của Chúa. Sự mặc khải đòi hỏi ánh sáng từ thiên thượng. Đức Thánh Linh sẽ làm chứng với tấm lòng chúng ta và của những người đang quy tụ cùng với chúng ta về điều gì Ngài muốn chúng ta làm. Và chính do việc giữ vững các giáo lệnh của Ngài, nên chúng ta có thể đồng tâm đoàn kết với nhau.
Nguyên tắc thứ nhì để hướng dẫn sự tiến triển của chúng ta nhằm trở nên hiệp một là sự hạ mình. Tính kiêu ngạo là kẻ đại thù của tình đoàn kết. Các anh chị em đã thấy và cảm nhận những hậu quả khủng khiếp của nó. Chỉ cách đây mấy ngày, tôi đã quan sát hai người nọ—là hai người tốt—bắt đầu một sự bất đồng ý kiến nhỏ. Điều đó bắt đầu với tính cách là một cuộc thảo luận về điều gì là đúng, nhưng rồi trở thành một cuộc tranh cãi về việc ai là đúng. Tiếng nói trở nên dần dần lớn hơn. Mặt mày trở nên hơi đỏ một chút. Thay vì nói về vấn đề thảo luận, hai người ấy bắt đầu nói về mình, dựa vào khả năng và lai lịch xuất sắc của mình, đưa ra bằng chứng tại sao quan điểm của họ có thể là đúng.
Các anh chị em chắc hẳn cũng đã cảm thấy lo sợ như tôi đã lo sợ. Chúng ta đã thấy những hậu quả hủy diệt tính mạng của tình trạng xung đột bi thảm như vậy. Các anh chị em và tôi biết rằng có những người đã cắt đứt quan hệ với Các Thánh Hữu chỉ vì bị chạm tự ái.
May mắn thay, tôi đang thấy càng ngày càng có nhiều người hòa giải khéo léo làm giảm bớt sự bất hòa trước khi đưa đến điều tai hại. Các anh chị em có thể là người hòa giải đó cho dù các anh chị em đang ở trong cuộc xung đột hay chỉ là người ngoài cuộc.
Một cách mà tôi đã thấy nó được thực hiện là tìm xem có bất cứ điều gì mà chúng ta đều đồng ý không. Để làm người hòa giải đó, các anh chị em cần phải có đức tin giản dị rằng với tư cách là con cái của Thượng Đế, với tất cả những dị biệt của mình, có lẽ trong tư thế vững chắc mà chúng ta chọn thì sẽ có những yếu tố của lẽ thật. Người hòa giải đại tài, người phục hồi tình đoàn kết, là người tìm ra cách để giúp những người khác thấy được sự thật mà họ chia sẻ. Sự thật đó mà họ chia sẻ thì luôn luôn lớn lao và quan trọng đối với họ hơn những dị biệt của họ. Các anh chị em có thể giúp mình và những người khác thấy được điểm tương đồng đó nếu các anh chị em cầu xin sự giúp đỡ từ Thượng Đế và rồi hành động theo thì Ngài sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của các anh chị em để giúp tái lập hòa bình giống như Ngài đã làm điều đó cho tôi.
Cùng một nguyên tắc đó áp dụng khi chúng ta xây đắp tình đoàn kết với những người có lý lịch gốc gác rất khác nhau. Các con cái của Thượng Đế có nhiều điểm tương đồng hơn là các điểm dị biệt. Và ngay cả những điểm dị biệt cũng có thể được xem như là một cơ hội. Thượng Đế sẽ giúp chúng ta thấy được điểm dị biệt của một người khác không phải là nguồn gốc gây khó chịu mà là một sự đóng góp. Chúa có thể giúp các anh chị em thấy và quý trọng điều mà người khác mang lại và các anh chị em thì thiếu sót điều đó. Hơn một lần, Chúa đã giúp tôi thấy được lòng nhân từ của Ngài trong việc cho tôi giao thiệp với một người nào đó mà sự khác biệt giữa người đó và tôi chính là sự giúp đỡ mà tôi cần. Đó luôn là cách của Chúa để thêm vào điều mà chúng ta thiếu sót để phục vụ Ngài hữu hiệu hơn.
Điều đó đưa đến một nguyên tắc đoàn kết khác. Đó là nói tốt về nhau. Nguyên tắc đó đã được thử nghiệm trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hãy nghĩ về lần cuối cùng các anh chị em được hỏi là các anh chị em nghĩ như thế nào về một người nào đó trong gia đình của mình hoặc trong Giáo Hội. Điều đó đã xảy ra cho tôi nhiều hơn một lần trong tuần qua. Giờ đây, có những lúc chúng ta cần phải đưa ra lời nhận xét về những người khác. Đôi khi chúng ta cần phải thốt ra lời nhận xét như vậy. Nhưng thường hơn, chúng ta có thể chọn lựa. Giả sử có một người nào đó hỏi các anh chị em nghĩ gì về vị giám trợ mới.
Vì đã xây đắp càng ngày càng vững mạnh tình đoàn kết nên chúng ta sẽ nghĩ đến một câu thánh thư khi chúng ta nghe về câu hỏi đó: “Và giờ đây, hỡi đồng bào, vì các người biết được sự sáng mà nhờ đó các người có thể xét đoán, sự sáng này là ánh sáng của Đấng Ky Tô, nên các người hãy lưu ý để khỏi xét đoán sai lầm; vì các người xét đoán thể nào, thì cũng bị xét đoán lại thể ấy.”4
Việc nhân ra rằng các anh chị em không hiểu rõ những người khác thì sẽ làm cho các anh chị em có lẽ có thêm một chút độ lượng trong điều mình nói. Ngoài câu thánh thư đó ra, các anh chị em có thể nhớ mẹ của mình đã nói—mẹ tôi đã nói như vậy—“Nếu con không thể nói điều gì tốt về một người thì đừng nói gì cả.”
Điều này sẽ giúp các anh chị em tìm kiếm điều gì là tốt nhất trong việc làm và cá tính của vị giám trợ. Đấng Cứu Rỗi, với tư cách là vị phán quan nhân từ của các anh chị em, chắc chắn sẽ làm điều đó khi Ngài phán xét việc làm của các anh chị em và của tôi. Câu thánh thư ở trên và điều mà các anh chị em nghe được từ mẹ của mình nói chắc có thể đưa các anh chị em đến việc mô tả điều gì là tốt nhất trong việc làm và ý định tốt của vị giám trợ. Tôi có thể hứa với các anh chị em rằng sẽ có một cảm nghĩ bình an và vui sướng khi các anh chị em rộng lượng nói về những người khác trong Ánh Sáng của Đấng Ky Tô. Chẳng hạn, các anh chị em sẽ cảm thấy đoàn kết với vị giám trợ đó và với người mà đã hỏi ý kiến của các anh chị em, không phải là vì vị giám trợ là toàn hảo, hoặc là vì người hỏi ý kiến các anh chị em sẽ đồng ý với sự đánh giá đầy độ lượng của các anh chị em. Mà vì Chúa sẽ để cho các anh chị em cảm thấy được sự hài lòng của Ngài về việc các anh chị em đã chọn không làm một điều gì mà có thể đưa đến tình trạng chia rẽ.
Chúng ta cần phải tuân theo cùng một nguyên tắc đó khi Chúa quy tụ lại càng ngày càng nhiều người khác với chúng ta hơn. Điều mà sẽ trở nên hiển nhiên hơn đối với chúng ta là Sự Chuộc Tội mang đến những thay đổi giống nhau cho tất cả chúng ta. Chúng ta trở thành các môn đồ nhu mì, nhân từ, dễ dạy và đồng thời can đảm cùng trung tín trong mọi việc. Chúng ta vẫn sống trong những quốc gia khác nhau, nhưng chúng ta gia nhập Giáo Hội qua một tiến trình mà thay đổi chúng ta. Bởi các ân tứ của Thánh Linh, chúng ta trở thành con người mà Sứ Đồ Phao Lô đã thấy:
“Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh.
“Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.”5
Với tình đoàn kết mà tôi thấy đang gia tăng, Chúa sẽ có thể thực hiện điều mà thế gian cho là phép lạ. Các Thánh Hữu có thể hoàn thành bất cứ mục tiêu nào của Chúa khi đoàn kết trọn vẹn trong sự ngay chính.
Các tổng thống của các quốc gia, các thống đốc, và các vị lãnh đạo của các tổ chức từ thiện trên toàn cầu đã ngợi khen chúng ta—mà tôi đã nghe được—với những lời như sau: “Giáo hội của quý vị là nhóm đầu tiên đến giúp đỡ khi tai họa xảy đến. Hằng trăm người của quý vị đã đến và mang mọi thứ mà những người sống sót cần. Họ còn mang đến lều và đồ tiếp liệu. Họ không mệt mỏi và luôn vui vẻ. Dường như họ biết nơi nào và lúc nào cần đi.” Rồi có một lời thường thì như sau: “Giáo hội của quý vị biết cách tổ chức để hoàn thành công việc.”
Tôi cám ơn họ mà không nói rằng phép lạ không nằm trong tổ chức không thôi, mà còn nằm trong tấm lòng của các tín hữu. Các Thánh Hữu đến trong danh của Chúa để giúp đỡ giống như Ngài đã giúp đỡ. Họ đến để lắng nghe lời hướng dẫn của các vị lãnh đạo đã được Chúa chọn. Vì họ đồng tâm đoàn kết nên họ đã được vinh danh trong khả năng của mình.
Tôi đưa ra lời chứng long trọng cùng các anh chị em rằng tình đoàn kết mà chúng ta hiện đang kinh nghiệm sẽ gia tăng. Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống. Ngài nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta trong tình yêu thương. Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, đã được phục sinh và đầy vinh quang, hằng sống và tìm đến chúng ta với lòng thương xót. Đây là Giáo Hội chân chính của Ngài. Chủ Tịch Monson là vị tiên tri tại thế của Thượng Đế. Nếu chúng ta đoàn kết trong việc hết lòng tán trợ ông, với sự sẵn lòng vâng lời làm điều mà Thượng Đế muốn chúng ta làm, thì chúng ta sẽ cùng nhau tiến bước trong quyền năng để đi đến nơi nào mà Thượng Đế muốn chúng ta đi và trở thành con người mà Ngài muốn chúng ta trở thành.
Tôi để lại cho các anh chị em phước lành của tôi để các anh chị em sẽ vui hưởng tình đoàn kết trong nhà của mình và trong Giáo Hội. Và tôi để lại cho các anh chị em lời hứa của Chúa rằng các anh chị em sẽ có được ước muốn ngay chính trong lòng mình để có được niềm vui trong tình đoàn kết đó. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.