Đền Thờ Thánh, Giao Ước Thiêng Liêng
Đền thờ là chỗ thiêng liêng, là chốn thánh. Đền thờ là nguồn quyền năng và sức mạnh thuộc linh, là chỗ mặc khải.
Lòng tôi tràn đầy niềm vui và sự biết ơn khi tôi nhìn thấy cảnh quy tụ độc nhất vô nhị của các phụ nữ trên khắp thế giới. Thật là một đặc ân để được làm phần tử của tổ chức phụ nữ vĩ đại này, đoàn kết trong ước muốn của chúng ta để củng cố đức tin trong Chúa Giê Su Ky Tô và xây đắp vương quốc của Ngài. Tôi cầu nguyện rằng tôi có thể được Thánh Linh hướng dẫn trong khi tôi ngỏ lời cùng các chị em về một đề tài rất thiêng liêng về sự thờ phượng trong đền thờ.
Nơi chí thánh trên thế gian là đền thờ. Trong đền thờ, các tín hữu xứng đáng của Giáo Hội tiếp nhận các phước lành lớn nhất mà bất cứ ai cũng có thể khao khát có được khi chúng ta lập các giao ước thiêng liêng với Thượng Đế. Chúng ta cũng giúp cho các phước lành đó có sẵn cho các tổ tiên của mình là những người đã qua đời mà không nhận được các giáo lễ cứu rỗi cần thiết.
Tôi sẽ đề cập đến ý nghĩa sâu xa của việc xây cất đền thờ, lý do tại sao các giáo lễ được thực hiện trong đền thờ thì thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta, và làm thế nào để chuẩn bị vào đền thờ.
Tôi đã chứng kiến và cảm kích rất nhiều trước những sự hy sinh mà nhiều tín hữu đã chịu đựng để vào đền thờ. Tôi xin chia sẻ một câu chuyện về sự hy sinh đó.
Năm 1976, khi chúng tôi sống ở Costa Rica, vị chủ tịch phái bộ truyền giáo yêu cầu chồng tôi giúp tổ chức một chuyến đi đầu tiên từ phái bộ truyền giáo đến một đền thờ. Phái Bộ Truyền Giáo Trung Mỹ lúc bấy giờ gồm có Costa Rica, Panama, Nicaragua, và Honduras. Ngôi đền thờ gần nhất lúc bấy giờ là Đền Thờ Mesa Arizona. Chuyến đi này đòi hỏi chúng tôi phải hành trình năm ngày mỗi lượt, vượt ngang sáu vùng biên giới. Sự hy sinh về tài chính đối với hầu hết mọi người thì rất lớn. Họ bán máy truyền hình, xe đạp, giầy trượt băng và bất cứ thứ gì mà họ có thể bán được. Chúng tôi hành trình ngày và đêm trong hai chiếc xe đò thiếu tiện nghi. Một số tín hữu đã phải dùng tất cả số tiền họ có để trả tiền cho vé xe đò và chỉ mang theo bánh quy giòn và bơ thực vật để ăn dọc đường.
Tại sao các tín hữu Giáo Hội lại sẵn lòng và vui vẻ thực hiện những hy sinh lớn lao như vậy để đi đền thờ?
Tôi không hề quên sự trút xuống dồi dào của Thánh Linh mà chúng tôi trải qua trong ba ngày chúng tôi ở tại Đền Thờ Mesa. Lòng tôi cảm động sâu xa khi tôi nhìn những người trong gia đình ôm ghì lấy nhau với nước mắt chan hòa trên mặt họ sau khi đã được làm lễ gắn bó cho thời vĩnh cửu.
Hai mươi bốn năm sau, đền thờ ở San José, Costa Rica được làm lễ cung hiến. Trong số những người hiện diện tại phiên họp mà tôi đã tham dự là nhiều gia đình đã ở trong chuyến đi đền thờ đầu tiên đó. Họ đã trung tín và xứng đáng chờ đợi giây phút thiêng liêng này. Giờ đây họ đều có thể tham dự đền thờ thường xuyên nhờ vào một đền thờ ở Panama mới vừa được làm lễ cung hiến và một đền thờ ở Honduras đã được loan báo sẽ xây cất.
Chúa luôn luôn phán bảo dân Ngài phải xây cất đền thờ. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Se: “Họ sẽ làm cho ta một đền thánh và ta sẽ ở giữa họ.”1 Đền tạm mà họ xây cất dùng làm chỗ thờ phượng chính của dân Y Sơ Ra Ên trong thời gian họ hành trình đến đất hứa. Mô hình và cấu trúc của đền tạm này được Chúa mặc khải cho Môi Se. Đó phải là ngôi nhà thánh của Chúa.
Về sau, Vua Sa Lô Môn xây cất đền thờ ở Giê Ru Sa Lem đã sử dụng những vật liệu xây cất thượng hạng có sẵn.2
Trong thời gian giáo vụ của Ngài trên trần thế, Chúa đã xem đền thờ là một chỗ thiêng liêng và đã giảng dạy về sự tôn kính trong đền thờ.
Dân Nê Phi cũng xây cất đền thờ cho Chúa ở Mỹ Châu. Họ quy tụ quanh đền thờ khi Đấng Ky Tô hiện đến cùng họ sau khi Ngài phục sinh.3
Chẳng bao lâu sau khi Giáo Hội được phục hồi trong gian kỳ này, Chúa đã truyền lệnh cho Các Thánh Hữu phải xây cất một đền thờ: “Hãy tự tổ chức; hãy chuẩn bị mọi điều cần thiết; và hãy thiết lập một ngôi nhà, đó là ngôi nhà cầu nguyện, ngôi nhà nhịn ăn, ngôi nhà của đức tin, ngôi nhà của sự học hỏi, ngôi nhà của sự vinh quang, ngôi nhà của sự trật tự, ngôi nhà của Thượng Đế.”4
Để đáp lại, Các Thánh Hữu đã xây cất Đền Thờ Kirtland với một sự hy sinh đáng kể. Trong ngôi đền thờ thánh này, các chìa khóa quan trọng của chức tư tế đã được phục hồi và Đấng Cứu Rỗi đã hiện đến.5
Hiện nay, có 128 đền thờ đang hoạt động trên khắp thế giới và nhiều ngôi đền thờ nữa đang xây cất.
Chúng ta được chỉ thị phải xây cất đền thờ để các giáo lễ thiêng liêng có thể được thực hiện cho người sống lẫn người chết. Các giáo lễ này gồm có các giáo lễ mở đầu, các lễ thiên ân, lễ hôn phối, lễ gắn bó, phép báp têm cho người chết và lễ sắc phong.
Các giáo lễ đầu tiên cung ứng cho chúng ta các phước lành cụ thể ngay bây giờ và trong tương lai.
Lễ thiên ân bao gồm các giao ước thiêng liêng, kể cả việc tiếp nhận lời chỉ dẫn, quyền năng từ trên cao, và lời hứa về các phước lành với điều kiện là chúng ta phải trung tín với các giao ước mà chúng ta lập.
Chủ Tịch Brigham Young định nghĩa lễ thiên ân như sau:
“Lễ thiên ân của các [anh] chị em là nhằm tiếp nhận tất cả các giáo lễ trong nhà của Chúa, là những giáo lễ cần thiết cho các [anh] chị em, sau khi các [anh] chị em lìa trần, để các [anh] chị em có thể trở về nơi hiện diện của Đức Chúa Cha … và đạt được sự tôn cao vĩnh cửu của các [anh] chị em.”6
Các giáo lễ gắn bó, chẳng hạn lễ hôn phối đền thờ, ràng buộc gia đình vĩnh viễn.
Các giao ước mà chúng ta lập qua các giáo lễ liên hệ nhận được trong đền thờ trở thành bằng chứng hiển nhiên về điều kiện hội đủ để được vào nơi hiện diện của Thượng Đế. Các giao ước này nâng chúng ta lên khỏi giới hạn của quyền năng và viễn ảnh của chúng ta. Chúng ta lập giao ước để cho thấy sự tận tâm của mình để xây đắp vương quốc. Chúng ta trở thành dân giao ước khi chúng ta được đặt dưới giao ước với Thượng Đế. Tất cả các phước lành đã được hứa thuộc về chúng ta qua sự trung tín của chúng ta đối với các giao ước này.
Đền thờ là ngôi nhà của sự học hỏi. Đa số những lời chỉ dẫn ban cho trong đền thờ là thuộc vào biểu tượng và được học hỏi qua Thánh Linh. Điều này có nghĩa là chúng ta được giảng dạy từ trên cao. Các giao ước và các giáo lễ đền thờ là biểu tượng đầy tác động về Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Chúng ta đều nhận được lời chỉ dẫn tương tự nhưng sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của các giáo lễ và các giao ước sẽ gia tăng khi chúng ta trở lại đền thờ thường xuyên với ước muốn học hỏi và suy ngẫm các lẽ thật vĩnh cửu đã được giảng dạy.
Sự thờ phượng trong đền thờ cung ứng cơ hội để phục vụ người chết bằng cách thực hiện các giáo lễ thay cho họ. Việc tra cứu lịch sử gia đình có thể được thực hiện bởi bất cứ người nào ở bên ngoài đền thờ, nhưng các giáo lễ thiêng liêng mà các tổ tiên đã qua đời của chúng ta cần cho sự tôn cao của họ thì chỉ có thể thực hiện trong đền thờ mà thôi.
Đền thờ là nhà của Chúa. Ngài hướng dẫn những điều kiện mà theo đó đền thờ có thể được sử dụng, các giáo lễ cần phải được thực hiện, và các tiêu chuẩn mà chúng ta phải hội đủ để vào và tham gia vào việc thờ phượng trong đền thờ.
Chúa phán bảo cùng Môi Se: “Hãy cởi giày ngươi ra, vì chỗ ngươi đương đứng là đất thánh.”7 Trong Thi Thiên, chúng ta đọc: “Ai sẽ được lên núi Đức Giê Hô Va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài?
“Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết, chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không, cùng chẳng thề nguyện giả dối.”8 Ngôi nhà của Ngài là thiêng liêng và không một vật gì không thanh sạch được phép vào.9
Chúa đã chỉ định cho vị giám trợ và chủ tịch giáo khu phải chịu trách nhiệm trong việc xác định sự xứng đáng của cá nhân để nhận được một giấy giới thiệu vào ngôi nhà thánh của Ngài. Chúng ta phải hoàn toàn thành thật với vị giám trợ và chủ tịch giáo khu của mình khi họ phỏng vấn chúng ta trước khi cấp giấy giới thiệu đi đền thờ. Món quà mà chúng ta mang đến đền thờ là một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối. Sự xứng đáng cá nhân là một đòi hỏi thiết yếu để vui hưởng các phước lành của đền thờ.
Chúng ta chuẩn bị bằng cách tuân theo các lệnh truyền và tìm cách làm theo ý muốn của Thượng Đế. Nếu các chị em mà chưa đi đền thờ, thì từ bây giờ hãy bắt đầu chuẩn bị để khi cơ hội đến thì các chị em sẽ được sẵn sàng và xứng đáng.
Khi đi đền thờ, chúng ta phải giữ cho tâm trí của mình tránh khỏi những ý tưởng và cảm nghĩ mà có thể không phù hợp với những kinh nghiệm thiêng liêng của đền thờ. Chúng ta cũng ăn mặc trang nhã, thích hợp và đàng hoàng. Quần áo và sự chỉnh tề của chúng ta cho dịp thiêng liêng này là dấu hiệu tôn kính và kính trọng Chúa và ngôi nhà thánh của Ngài. Một khi đã ở bên trong đền thờ, chúng ta thay quần áo màu trắng, mà tượng trưng cho sự trong sạch và thanh khiết. Rồi chúng ta sẵn sàng tham dự vào sự thờ phượng nghiêm trang và đơn giản trong đền thờ. Phước lành vĩnh cửu này dành sẵn cho tất cả những người nào xứng đáng để tiếp nhận.
Các phụ nữ của Giáo Hội có thể làm gì để thỉnh cầu các phước lành của đền thờ?
Qua các vị tiên tri của Ngài, Chúa mời gọi những người nào chưa nhận được các phước lành của đền thờ phải làm bất cứ điều gì cần thiết để cho họ hội đủ điều kiện nhằm tiếp nhận các phước lành đó. Ngài mời gọi những người mà đã nhận được các phước lành này trở lại càng thường xuyên càng tốt để vui hưởng một lần nữa kinh nghiệm đó và gia tăng tầm nhìn và sự hiểu biết của họ về kế hoạch vĩnh cửu của Ngài.
Chúng ta hãy sống xứng đáng để có được một giấy giới thiệu đi đền thờ có hiệu lực. Chúng ta hãy đi đền thờ để làm lễ gắn bó với gia đình chúng ta vĩnh viễn. Chúng ta hãy trở lại đền thờ càng thường xuyên càng tốt khi hoàn cảnh của chúng ta cho phép. Chúng ta hãy cho họ hàng thân thích của chúng ta mà đã qua đời có được cơ hội tiếp nhận các giáo lễ của sự tôn cao. Chúng ta hãy vui hưởng sức mạnh thuộc linh và sự mặc khải mà chúng ta nhận được khi chúng ta tham dự đền thờ thường xuyên. Chúng ta hãy sống trung tín và thiết lập cùng tuân giữ các giao ước để nhận được các phước lành trọn vẹn của Sự Chuộc Tội.
Tôi làm chứng với các chị em rằng đền thờ là chỗ thiêng liêng, là chốn thánh. Đền thờ là nguồn quyền năng và sức mạnh thuộc linh, là chỗ mặc khải, là nhà của Chúa. Trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.