2018
Niềm Vui của Sự Phục Vụ Vô Vị Kỷ
Tháng Mười Một năm 2018


Niềm Vui của Sự Phục Vụ Vô Vị Kỷ

Chúng ta đã hứa với Cha Thiên Thượng rằng chúng ta sẽ phục vụ Ngài và những người khác bằng tình yêu thương và làm theo ý muốn của Ngài trong mọi sự.

Sau đại hội trung ương lần trước, nhiều người đã hỏi tôi với cùng một câu hỏi: “Những cái ghế đó ngồi có thoải mái không?” Mỗi lần như vậy, câu trả lời của tôi đều giống nhau: “Những cái ghế đó ngồi rất thoải mái nếu mình không phải nói chuyện.” Đúng thế phải không? Cái ghế của tôi đã không ngồi được thoải mái trong đại hội này, nhưng tôi thực sự biết ơn về phước lành và vinh dự được nói chuyện với các chị em buổi tối hôm nay.

Đôi khi chúng ta ngồi ở những chỗ khác nhau khi phục vụ. Một số người được khá thoải mái và một số người khác thì không, nhưng chúng ta đã hứa với Cha Thiên Thượng rằng chúng ta sẽ phục vụ Ngài và những người khác bằng tình yêu thương và làm theo ý muốn của Ngài trong mọi sự.

Cách đây một vài năm, giới trẻ trong Giáo Hội đã học được rằng “ khi ta ‘bắt tay vào công việc phục vụ Thượng Đế’ [Giáo Lý và Giao Ước 4:2], thì ta đang tham gia cuộc hành trình vĩ đại nhất từ trước tới nay. Ta đang giúp Thượng Đế gấp rút làm công việc của Ngài, và đó là một kinh nghiệm tuyệt vời, vui vẻ và kỳ diệu.”1 Đó là một cuộc hành trình dành cho tất cả mọi người—đủ mọi lứa tuổi—và cũng là một cuộc hành trình đưa chúng ta đi cùng với những gì mà vị tiên tri yêu quý của chúng ta đã nói đến “con đường giao ước.”2

Tuy nhiên, rủi thay, chúng ta sống trong một thế giới ích kỷ nơi mà mọi người thường hỏi: “Điều này mang lại lợi lộc gì cho tôi?” thay vì hỏi: “Tôi có thể giúp đỡ ai ngày hôm nay?” hoặc “Làm thế nào tôi có thể phục vụ Chúa hữu hiệu hơn trong chức vụ kêu gọi của mình?” hay “Tôi có dành hết nỗ lực của mình cho Chúa không?”

Anh Chị Antonietti
Victoria Antonietti

Một tấm gương tuyệt vời trong cuộc đời tôi về sự phục vụ vô vị kỷ là Chị Victoria Antonietti. Victoria là một trong những giảng viên Hội Thiếu Nhi trong chi nhánh của tôi khi tôi lớn lên ở Argentina. Mỗi chiều thứ Ba, khi chúng tôi quy tụ lại để tham dự Hội Thiếu Nhi, chị ấy mang cho chúng tôi một ổ bánh sô cô la. Mọi người đều ưa thích loại bánh ấy—vâng, mọi người ngoại trừ tôi. Tôi ghét bánh sô cô la! Và mặc dù chị ấy cố gắng chia sẻ ổ bánh đó với tôi, tôi vẫn luôn từ chối lời mời của chị.

Một ngày nọ sau khi chị ấy đã chia sẻ ổ bánh sô cô la với mấy đứa trẻ kia, tôi hỏi chị: “Tại sao chị không mang một ổ bánh với hương vị khác—như cam hay vani?”

Sau khi cười một chút, chị ấy hỏi tôi: “Tại sao em không thử ăn một miếng nhỏ xem sao? Ổ bánh này được làm bằng một nguyên liệu đặc biệt, và tôi hứa rằng nếu em ăn thử em sẽ thích đó!”

Tôi nhìn quanh, và trước sự ngạc nhiên của tôi, mọi người dường như đang thưởng thức ổ bánh. Tôi đồng ý ăn thử. Các chị em có thể đoán điều gì đã xảy ra không? Tôi thích bánh đó! Đó chính là lần đầu tiên tôi đã thích ăn bánh sô cô la.

Mãi cho đến nhiều năm sau tôi mới biết được nguyên liệu bí mật trong ổ bánh sô cô la của Chị Antonietti là gì. Tôi và các con đến thăm mẹ tôi mỗi tuần. Trong một lần đến thăm, Mẹ tôi và tôi đang thưởng thức một miếng bánh sô cô la, và tôi kể cho mẹ tôi nghe lần đầu tiên tôi đã bắt đầu thích bánh sô cô la như thế nào. Rồi Mẹ tôi tiết lộ cho tôi biết về phần còn lại của câu chuyện.

Mẹ tôi nói: “Cris này, con phải hiểu là Victoria và gia đình của chị ấy không có nhiều tiền, và mỗi tuần chị ấy phải chọn giữa việc trả tiền xe buýt đưa chị ấy và bốn đứa con của mình đến Hội Thiếu Nhi hoặc mua nguyên liệu để làm ổ bánh sô cô la cho lớp học trong Hội Thiếu Nhi của chị ấy. Chị ấy luôn chọn làm bánh sô cô la thay vì đi xe buýt, và mẹ con chị ấy đi bộ hơn ba kilômét, mỗi chiều, bất kể thời tiết như thế nào.”

Ngày hôm đó tôi đã biết ơn nhiều hơn đối với ổ bánh sô cô la của chị ấy. Quan trọng hơn nữa, tôi đã biết được rằng nguyên liệu bí mật trong ổ bánh của Victoria là tình yêu thương mà chị ấy đã dành cho những người chị phục vụ và sự hy sinh vô vị kỷ của chị ấy dành cho chúng tôi.

Việc nghĩ lại ổ bánh của Victoria giúp tôi ghi nhớ một sự hy sinh vô vị kỷ trong các bài học bất hủ do Chúa giảng dạy cho các môn đồ của Ngài khi Ngài bước về phía kho bạc của đền thờ. Các chị em biết câu chuyện này mà. Anh Cả James E. Talmage dạy rằng có 13 cái rương, “và người ta bỏ những phần đóng góp của họ vào mấy cái rương này vì các mục đích [khác nhau] được nêu ra bởi các chữ khắc trên mấy cái thùng.” Chúa Giê Su đã nhìn xem hàng người hiến tặng gồm có tất cả các hạng người khác nhau. Một số người hiến tặng với “mục đích chân thành” trong khi những người khác bỏ vào “nhiều tiền bạc và vàng,” hy vọng được nhìn thấy, được nhận thấy, và được ca ngợi vì những đóng góp của họ.

“Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền; cũng có một mụ góa nghèo kia đến bỏ hai đồng tiền ăn một phần tư xu; phần đóng góp của mụ ấy còn ít hơn nửa xu tiền Mỹ. Chúa kêu các môn đồ của Ngài lại, hướng sự chú ý của họ đến người đàn bà góa nghèo khổ và hành động của bà ấy, mà phán rằng: ‘Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào. Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình’ [Mác 12:43–44].”3

Đồng tiền của người đàn bà góa

Người đàn bà góa này dường như không nắm giữ một địa vị quan trọng trong xã hội của thời bà. Bà thực sự nắm giữ một cái gì đó quan trọng hơn: ý định của bà là chân thành, và bà đã dâng tất cả những gì bà có. Có lẽ bà ấy đã dâng ít hơn những người khác, âm thầm hơn những người khác, và khác biệt hơn những người khác. Trong mắt của một số người, những gì mà bà ấy dâng là không đáng kể, nhưng trong mắt của Đấng Cứu Rỗi, là Đấng “có thể nhận thức những tư tưởng và những ý định trong lòng,”4 bà đã dâng tất cả những gì bà có.

Thưa các chị em, chúng ta có do dự để dâng tất cả những gì mình có lên Chúa không? Liệu chúng ta có hy sinh thời gian và tài năng của mình để thế hệ đang vươn lên có thể học cách yêu mến Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài không? Chúng ta có đang phục sự những người xung quanh mình lẫn những người chúng ta được chỉ định phục sự một cách tận tình và siêng năng—hy sinh thời gian và năng lực mà có thể được sử dụng theo những cách khác không? Chúng ta có đang sống theo hai giáo lệnh lớn—yêu mến Thượng Đế và yêu thương con cái của Ngài không?5 Thường thì tình yêu thương đó được thể hiện với tính cách là sự phục vụ.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy: “Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã hy sinh để phục vụ vô vị kỷ. Ngài dạy rằng mỗi người chúng ta cần phải noi theo Ngài bằng cách tự chối bỏ những mối quan tâm ích kỷ để phục vụ những người khác.”

Ông nói tiếp:

“Một ví dụ quen thuộc về việc tham gia tích cực vào việc phục vụ những người khác … là sự hy sinh mà cha mẹ đã dành cho con cái của họ. Những người mẹ chịu đau đớn và mất các ưu tiên cá nhân và sự an nhàn để sinh ra và nuôi dạy mỗi đứa con. Những người cha sửa đổi cuộc sống và các ưu tiên của mình để cấp dưỡng cho một gia đình. …

“… Chúng ta cũng hân hoan nơi những người chăm sóc cho những người trong gia đình bị tàn tật và cha mẹ già. Không một ai phục vụ như vậy mà lại hỏi rằng điều này mang lại lợi lộc gì cho tôi? Tất cả những điều này đòi hỏi phải để qua một bên sự tiện lợi cá nhân cho sự phục vụ không vị kỷ. …

“[Và] tất cả những điều này minh họa nguyên tắc vĩnh cửu rằng chúng ta được hạnh phúc và được mãn nguyện hơn khi chúng ta hành động và phục vụ vì điều chúng ta ban phát, chứ không phải về điều mà chúng ta nhận được.

“Đấng Cứu Rỗi của chúng ta dạy chúng ta phải noi theo Ngài bằng cách thực hiện những sự hy sinh cần thiết để tự cống hiến vào sự phục vụ vô vị kỷ cho những người khác.”6

Chủ Tịch Thomas S. Monson cũng đã dạy rằng “có lẽ khi diện kiến Đấng Sáng Tạo của mình thì chúng ta sẽ không được hỏi: ‘Ngươi có được bao nhiêu địa vị?’ mà thay vì thế là: ‘Ngươi đã giúp đỡ bao nhiêu người?’ Thật ra, (anh) chị em có thể không bao giờ thực sự yêu mến Chúa cho đến khi (anh) chị em phục vụ Ngài bằng cách phục vụ dân Ngài.”7

Thưa các chị em, nói cách khác, việc chúng ta ngồi thoải mái trong ghế hoặc nếu chúng ta ngồi chịu đựng trong suốt buổi họp trên một cái ghế xếp bị gỉ sét trong hàng ghế ở ngoài sau thì cũng không quan trọng. Thậm chí cũng sẽ không quan trọng nếu chúng ta cần phải bước vào phòng đợi để dỗ một em bé đang khóc. Điều quan trọng là chúng ta đến với ước muốn để phục vụ, là chúng ta lưu tâm tới những người mà chúng ta phục sự và vui vẻ chào đón họ, và chúng ta tự giới thiệu mình với những người ngồi cạnh mình trong hàng ghế xếp của chúng ta—tìm đến với tình bạn mặc dù chúng ta không được chỉ định để phục sự họ. Và chắc chắn sẽ là quan trọng để chúng ta làm hết khả năng của mình với nguyên liệu phục vụ đặc biệt kết hợp với tình yêu thương và sự hy sinh.

Tôi đã bắt đầu biết rằng chúng ta không cần phải làm một ổ bánh sô cô la để là một giảng viên thành công hoặc tận tụy trong lớp Hội Thiếu Nhi, vì đó không phải là về ổ bánh. Mà đó là tình yêu thương thúc đẩy hành động.

Tôi làm chứng rằng tình yêu thương đó được trở nên thiêng liêng qua sự hy sinh—sự hy sinh của một giảng viên và thậm chí còn nhiều hơn thế nữa qua sự hy sinh tối thượng và vĩnh cửu của Vị Nam Tử của Thượng Đế. Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống! Tôi yêu mến Ngài và mong muốn dẹp bỏ những ham muốn ích kỷ để yêu thương và phục sự như Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Niên, “This Marvelous Work,” Liahona, tháng Một năm 2015, trang 49.

  2. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 7.

  3. James E. Talmage, Jesus the Christ (năm 1916), trang 561.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 33:1.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 22:37, 39.

  6. Dallin H. Oaks, “Sự Phục Vụ Vô Vị Kỷ,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 93, 96.

  7. Thomas S. Monson, “Great Expectations” (Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 11 tháng Một năm 2009), trang 6, speeches.byu.edu.