2018
Phụ Nữ và Việc Học Phúc Âm trong Nhà
Tháng Mười Một năm 2018


Phụ Nữ và Việc Học Phúc Âm trong Nhà

Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo của các chị em về cách mà các chị em sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc của Ngài để trở nên chú trọng nhiều hơn vào việc học phúc âm trong nhà.

Các chị em thân mến, thật là tuyệt vời được nhóm họp với các chị em. Đây là một thời điểm thú vị trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa đang trút sự hiểu biết xuống cho Giáo Hội của Ngài như Ngài đã hứa.

Các chị em còn nhớ lời Ngài phán: “Dòng nước lũ vẫn còn không tinh khiết bao lâu nữa? Quyền năng nào có thể cầm giữ được thiên thượng? Giống như một người với bàn tay yếu ớt của mình dang ra để ngăn dòng sông Missouri đang chảy, hay làm cho dòng sông này chảy ngược về nguồn, thì chẳng khác chi ngăn cản không cho Đấng Toàn Năng đổ sự hiểu biết từ trời lên đầu các Thánh Hữu Ngày Sau vậy.”1

Một phần của việc chia sẻ sự hiểu biết hiện tại của Chúa có liên quan đến việc nhanh chóng trút lẽ thật xuống trí óc và vào lòng của dân Ngài. Ngài đã nói rõ rằng các con gái của Cha Thiên Thượng sẽ đóng một vai trò chính yếu trong sự đẩy nhanh kỳ diệu đó. Một bằng chứng về phép lạ đó là Ngài hướng dẫn vị tiên tri của Ngài để nhấn mạnh nhiều hơn vào việc giảng dạy phúc âm trong nhà và trong gia đình.

Các chị em có thể hỏi: “Làm thế nào điều đó khiến cho các chị em trung tín trở thành một lực lượng chính yếu để giúp Chúa trút sự hiểu biết lên trên Các Thánh Hữu của Ngài?” Chúa ban cho câu trả lời trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Các chị em còn nhớ những lời này, nhưng các chị em có thể thấy được ý nghĩa mới mẻ và nhận ra rằng Chúa đã thấy trước những thay đổi thú vị này hiện đang xảy ra. Trong bản tuyên ngôn này, Ngài đã ban cho các chị em trách nhiệm phải là những người giảng dạy phúc âm chính trong gia đình bằng những lời này: “Những người mẹ có trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình.”2 Trách nhiệm này bao gồm việc nuôi dưỡng lẽ thật và sự hiểu biết phúc âm.

Bản tuyên ngôn này ghi tiếp: “Những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng.”3 Họ là những người bạn đời bình đẳng, bình đẳng trong tiềm năng của họ để phát triển phần thuộc linh và để đạt được sự hiểu biết, và do đó được hiệp nhất qua việc giúp đỡ nhau. Họ bình đẳng trong số mệnh thiêng liêng của họ để cùng được tôn cao với nhau. Trong thực tế, những người nam và người nữ không thể được tôn cao riêng một mình.

Vậy thì, tại sao một người con gái của Thượng Đế trong một mối quan hệ hiệp nhất và bình đẳng lại nhận lãnh trách nhiệm chính để nuôi dưỡng với sự hiểu biết thuộc linh quan trọng nhất mà tất cả mọi người phải nhận được, một sự hiểu biết về lẽ thật đến từ thiên thượng? Theo như tôi hiểu, đó là cách thức của Chúa kể từ khi các gia đình được tạo dựng trong thế gian này.

Ví dụ, chính Ê Va là người đã nhận được sự hiểu biết rằng A Đam cần phải ăn trái của cây hiểu biết điều thiện và điều ác để họ tuân giữ mọi giáo lệnh của Thượng Đế và thành lập một gia đình. Tôi không biết tại sao sự hiểu biết đó lại đến với Ê Va trước, nhưng A Đam và Ê Va đã hoàn toàn hiệp nhất khi sự hiểu biết được trút xuống cho A Đam.

Một ví dụ khác về việc Chúa sử dụng các ân tứ nuôi dưỡng của phụ nữ là cách Ngài đã củng cố các con trai của Hê La Man. Tôi đã xúc động khi đọc câu chuyện đó trong thánh thư và rồi nhớ tới những lời nói dịu dàng của mẹ tôi khi tôi rời nhà đi nhập ngũ.

Hê La Man đã ghi lại:

“Họ đã được mẹ của họ dạy rằng, nếu họ không nghi ngờ, Thượng Đế sẽ giải thoát họ.

“Và họ còn kể lại cho tôi nghe những lời của mẹ họ, và nói như vầy: Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc mẹ chúng tôi đã biết như vậy.”4

Mặc dù không biết được hết những lý do của việc Chúa ban trách nhiệm chính cho các chị em trung tín để nuôi dưỡng trong gia đình, nhưng tôi tin rằng trách nhiệm này liên quan đến khả năng yêu thương của các chị em. Trách nhiệm đó cần phải có một tình thương bao la để thấy được nhu cầu của người khác hơn là của chính mình. Đó là tình yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô dành cho người mà các chị em nuôi dưỡng. Cảm nghĩ bác ái đó đến từ người đã được chọn để làm người nuôi dưỡng và trở thành xứng đáng với các tác động của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Phương châm của Hội Phụ Nữ, mà chính mẹ tôi đã cho thấy bằng cách nêu gương, dường như đối với tôi là đầy soi dẫn: “Lòng Bác Ái Không Bao Giờ Hư Mất.”

Là con gái của Thượng Đế, các chị em có một khả năng bẩm sinh và tuyệt vời để cảm nhận được các nhu cầu của người khác và để yêu thương. Vì vậy, khả năng đó làm cho các chị em dễ nhạy cảm với những lời mách bảo của Thánh Linh. Sau đó, Thánh Linh có thể hướng dẫn những ý nghĩ, lời nói, và hành động của các chị em để nuôi dưỡng mọi người hầu cho Chúa có thể trút xuống sự hiểu biết, lẽ thật và lòng can đảm lên họ.

Mỗi chị em đang nghe tôi nói đều ở trong một hoàn cảnh riêng biệt trên cuộc hành trình của mình trong cuộc sống. Một số các em là các em gái lần đầu tiên tham dự phiên họp phụ nữ trung ương. Một số là các thiếu nữ đang chuẩn bị trở thành những người nuôi dưỡng mà Thượng Đế muốn các em trở thành. Một số mới kết hôn chưa có con;, những người khác là những người mẹ trẻ với một hoặc nhiều đứa con hơn. Một số là những người mẹ của các thanh thiếu niên và những người khác thì có con đang phục vụ truyền giáo. Một số có con cái đã có đức tin suy yếu và sống xa nhà. Một số sống một mình không có người bạn đời trung tín. Một số là các bà nội, bà ngoại.

Tuy thế, bất kể hoàn cảnh cá nhân của các chị em là như thế nào đi nữa, thì các chị em vẫn là một phần tử—một phần tử quan trọng—trong gia đình của Thượng Đế và trong gia đình mình, cho dù trong tương lai, trong thế giới này, hay trong thế giới linh hồn. Sự tin cậy của các chị em từ Thượng Đế là hết lòng nuôi dưỡng càng nhiều người trong gia đình của Ngài và của các chị em với tình yêu thương và đức tin của các chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Thử thách chung của các chị em là biết người nào, cách nào và khi nào để nuôi dưỡng. Các chị em cần sự giúp đỡ của Chúa. Ngài biết tấm lòng của người khác, và Ngài biết khi nào họ sẵn sàng chấp nhận sự nuôi dưỡng của các chị em. Lời cầu nguyện với đức tin của các chị em sẽ là bí quyết của các chị em để thành công. Các chị em có thể dựa vào việc tiếp nhận sự hướng dẫn của Ngài.

Ngài ban cho lời khuyến khích này: “Hãy cầu xin Đức Chúa Cha trong danh ta, với đức tin tin tưởng rằng các ngươi sẽ nhận được, rồi các ngươi sẽ có được Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ biểu lộ tất cả mọi sự việc mà cần thiết cho con cái loài người.”5

Ngoài lời cầu nguyện ra, việc nghiêm túc học thánh thư cũng sẽ là một phần khả năng nuôi dưỡng ngày càng gia tăng của các chị em. Đây là lời hứa: “Các ngươi cũng chớ nên nghĩ ngợi trước về những gì các ngươi sẽ nói; nhưng hãy luôn luôn tích trữ trong tâm trí mình những lời nói về cuộc sống, rồi chính trong giờ phút ấy các ngươi sẽ được ban cho phần đó là phần sẽ thích hợp cho từng người.”6

Vì vậy các chị em sẽ dành ra nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, suy ngẫm, và suy tư về các vấn đề thuộc linh. Các chị em sẽ có sự hiểu biết về lẽ thật được trút xuống cho các chị em và gia tăng trong khả năng nuôi dưỡng trong gia đình của mình.

Sẽ có những lúc mà các chị em cảm thấy rằng sự tiến bộ của mình trong việc học cách nuôi dưỡng tốt hơn bị chậm lại. Sẽ cần có đức tin để kiên trì chịu đựng. Đấng Cứu Rỗi đã gửi cho các chị em lời khuyến khích này:

“Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn.

“Này, Chúa đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí; và những kẻ có thiện chí và biết tuân lời sẽ hưởng sự tốt lành của đất Si Ôn vào những ngày sau cùng này.”7

Sự hiện diện của các chị em buổi tối hôm nay là bằng chứng cho thấy rằng các chị em sẵn lòng chấp nhận lời mời gọi của Chúa để nuôi dưỡng những người khác. Điều đó là đúng ngay cả đối với người trẻ tuổi nhất đang ở đây buổi tối hôm nay. Các chị em có thể biết người nào để nuôi dưỡng trong gia đình mình. Nếu các chị em cầu nguyện với ý định chân thành thì một cái tên hoặc một khuôn mặt sẽ đến với tâm trí của các chị em. Nếu cầu nguyện để biết phải làm gì hoặc phải nói gì, các chị em sẽ cảm nhận được một sự đáp ứng. Mỗi khi các chị em vâng lời thì khả năng nuôi dưỡng của các chị em sẽ gia tăng. Các chị em sẽ chuẩn bị cho cái ngày mà các chị em sẽ nuôi dưỡng con cái của mình.

Những người mẹ của các thanh thiếu niên có thể cầu nguyện để biết cách nuôi dưỡng một đứa con trai hoặc con gái mà dường như lãnh đạm đối với việc nuôi dưỡng. Các chị em có thể cầu nguyện để biết người nào có thể có ảnh hưởng thuộc linh mà đứa con của các chị em cần và sẽ chấp nhận. Thượng Đế lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện chân thành như vậy của những người mẹ đầy lo lắng, và Ngài sẽ giúp đỡ.

Ngoài ra, một người bà hiện diện ở đây buổi tối hôm nay có thể cảm thấy đau lòng vì những căng thẳng và khó khăn mà con cháu của bà gây ra. Bà ấy có thể lấy can đảm và sự hướng dẫn từ những kinh nghiệm của các gia đình trong thánh thư.

Từ thời Ê Va và A Đam, đến suốt thời Tổ Phụ Y Sơ Ra Ên, và tới mỗi gia đình trong Sách Mặc Môn, đều có một bài học chắc chắn về điều phải làm khi buồn lòng vì mấy đứa con lãnh đạm là: cứ tiếp tục yêu thương.

Chúng ta có tấm gương đầy khích lệ của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài nuôi dưỡng con cái linh hồn phản nghịch của Cha Thiên Thượng của Ngài. Cho dù họ và chúng ta có gây ra đau đớn thì tay của Đấng Cứu Rỗi vẫn dang rộng.8 Ngài phán trong 3 Nê Phi về các anh chị em linh hồn của Ngài là những người mà Ngài đã cố gắng nuôi dưỡng nhưng không thành công: “Hỡi … các ngươi thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên, đã biết bao lần ta quy tụ các ngươi lại như gà mái túc con mình ấp trong cánh, và đã nuôi dưỡng các ngươi.”9

Đối với các chị em trong mọi giai đoạn của cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh gia đình, và trong mọi nền văn hóa, Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo của các chị em về cách mà các chị em sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc của Ngài để trở nên chú trọng nhiều hơn vào việc học phúc âm trong nhà.

Các chị em sẽ mang cảm nghĩ bác ái vốn có của mình vào những thay đổi trong các sinh hoạt và những thực hành trong gia đình mình. Điều đó sẽ mang lại sự phát triển nhiều hơn về phần thuộc linh. Khi cầu nguyện cùng với và cho những người trong gia đình, các chị em sẽ cảm thấy tình yêu thương của mình và của Đấng Cứu Rỗi dành cho họ. Tình yêu thương đó sẽ càng ngày càng trở thành ân tứ thuộc linh của mình nhiều hơn khi các chị em tìm kiếm nó. Những người trong gia đình của các chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương đó khi các chị em cầu nguyện với đức tin lớn lao hơn.

Khi gia đình quy tụ lại đọc to thánh thư, thì các chị em đã đọc và cầu nguyện rồi về thánh thư để tự chuẩn bị cho mình. Các chị em sẽ tìm thấy những giây phút để cầu nguyện để cho Thánh Linh soi sáng tâm trí của các chị em. Rồi khi đến lượt các chị em đọc, thì những người trong gia đình sẽ cảm nhận được tình yêu thương của các chị em dành cho Thượng Đế và lời của Ngài. Họ sẽ được nuôi dưỡng bởi Ngài và bởi Thánh Linh của Ngài.

Cũng sự trút xuống đó có thể đến với bất cứ buổi họp mặt nào của gia đình nếu các chị em cầu nguyện và hoạch định cho buổi họp mặt đó. Điều đó có thể đòi hỏi nỗ lực và thời gian, nhưng sẽ mang đến phép lạ. Tôi còn nhớ một bài học mà mẹ tôi đã dạy khi tôi còn nhỏ. Tôi vẫn còn nhớ rõ tấm bản đồ tô màu mà bà đã làm về các chuyến hành trình của Sứ Đồ Phao Lô. Tôi tự hỏi làm thế nào bà đã tìm ra thời gian và sức lực để làm điều đó. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn được ban phước nhờ vào tình yêu thương của bà dành cho Vị Sứ Đồ trung tín đó.

Mỗi chị em sẽ tìm cách để đóng góp vào sự hiểu biết được gia tăng về lẽ thật của gia đình mình trong Giáo Hội được phục hồi của Chúa. Mỗi chị em sẽ cầu nguyện, học tập và suy ngẫm để biết sự đóng góp độc đáo của các chị em sẽ là gì. Nhưng tôi biết điều này: mỗi chị em, khi mang ách một cách bình đẳng với các con trai của Thượng Đế, sẽ là một phần quan trọng của một phép lạ trong việc học hỏi và sống theo phúc âm mà sẽ thúc đẩy sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên và sẽ chuẩn bị gia đình của Thượng Đế cho sự trở lại vinh quang của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.