2018
Bị Tổn Thương
Tháng Mười Một năm 2018


Bị Tổn Thương

Trong những thử thách gắt gao trên trần thế, việc tiến bước một cách kiên nhẫn, và quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi sẽ mang đến cho anh chị em ánh sáng, sự hiểu biết, sự bình an, và niềm hy vọng.

Vào ngày 22 tháng Ba năm 2016, chỉ vài phút trước tám giờ sáng, hai quả bom khủng bố phát nổ ở Sân Bay Brussels. Anh Cả Richard Norby, Anh Cả Mason Wells, và Anh Cả Joseph Empey đã đưa Chị Fanny Clain ra sân bay để đáp chuyến bay đến phái bộ truyền giáo của chị ấy ở Cleveland, Ohio. Ba mươi hai người thiệt mạng, và tất cả những người truyền giáo đều bị thương.

Người bị thương nặng nhất là Anh Cả Richard Norby, 66 tuổi, đang phục vụ cùng vợ ông là Chị Pam Norby.

Anh Cả Norby nghĩ về khoảnh khắc đó:

“Ngay lập tức, tôi biết điều gì đã xảy ra.

“Tôi cố gắng chạy đến nơi an toàn, nhưng tôi lập tức ngã xuống. … Tôi có thể thấy rằng chân trái của tôi bị thương nặng. Tôi [nhận thấy] muội than trông giống như mạng nhện phủ xuống từ hai bàn tay tôi. Tôi kéo nhẹ nó xuống, nhưng nhận ra rằng nó không phải là muội than mà chính là da tôi đã bị cháy. Cái áo trắng của tôi biến thành màu đỏ do vết thương ở lưng tôi.

“Khi ý thức về điều gì vừa mới xảy ra tràn đầy tâm trí tôi, tôi [có] một ý nghĩ vô cùng mạnh mẽ này: … Đấng Cứu Rỗi biết tôi đang ở đâu, điều gì vừa xảy ra, và [điều gì] tôi đang trải qua vào khoảnh khắc đó.”1

Richard Norby đang trong trạng thái gây mê

Richard Norby và vợ ông là Pam đã đương đầu với những ngày khó khăn sau tai nạn đó. Ông được điều trị trong trạng thái gây mê, tiếp theo bởi những cuộc giải phẫu, nhiễm trùng, và hoang mang không rõ tương lai ra sao.

Richard Norby còn sống, nhưng cuộc đời ông sẽ không bao giờ giống như trước. Hai năm rưỡi sau, các vết thương của ông vẫn còn đang lành; một cái trụ chống thay thế cho phần bị mất ở chân ông; mỗi bước đi nay khác hơn kể từ khoảnh khắc đó ở Sân Bay Brussels.

Richard và Pam Norby

Tại sao điều này lại xảy đến với Richard và Pam Norby?2 Họ đã trung tín với các giao ước của họ, đã phục vụ truyền giáo trước đó ở Bờ Biển Ngà và nuôi dạy một gia đình tuyệt vời. Có thể dễ hiểu nếu một người nào đó nói: “Như thế là không công bằng! Như thế là không đúng! Họ đang cống hiến cuộc đời của họ cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô; làm sao điều này có thể xảy ra được?”

Đây Là Cuộc Sống Trần Thế

Mặc dù có những chi tiết khác nhau, nhưng những bi kịch, những khó khăn và thử thách bất ngờ, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, đều xảy đến với mỗi chúng ta bởi vì đây là cuộc sống trần thế.

Sáng nay khi nghĩ về những người nói chuyện trong chỉ phiên họp này của đại hội, tôi nhận thấy có con của hai người và cháu của ba người đã đột ngột ra đi trở về căn nhà thiêng thượng của họ. Không ai trong số họ được miễn khỏi bệnh tật và nỗi buồn, và như đã được nói đến, vào đúng tuần này, một thiên thần trên thế gian, người mà tất cả chúng tôi đều yêu mến, Chị Barbara Ballard, đã qua đời. Thưa Chủ Tịch Ballard, chúng tôi sẽ không bao giờ quên chứng ngôn của chủ tịch sáng hôm nay.

Chúng ta tìm kiếm niềm hạnh phúc. Chúng ta mong mỏi có được sự bình an. Chúng ta hy vọng có được tình yêu thương. Và Chúa ban xuống cho chúng ta vô số những phước lành dồi dào. Nhưng đi kèm với niềm vui và hạnh phúc, là một điều chắc chắn: sẽ có những khoảnh khắc, những giờ phút, những tháng ngày, đôi khi là những năm ròng mà tâm hồn chúng ta sẽ bị tổn thương.

Thánh thư dạy rằng chúng ta sẽ nếm trái đắng cay và ngọt bùi3 và rằng sẽ có “sự tương phản trong mọi sự việc.”4 Chúa Giê Su phán: “[Đức Chúa Cha của các ngươi] khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.”5

Vết thương trong tâm hồn không phải là duy nhất đối với người giàu sang hay người nghèo khó, đối với một nền văn hóa, một quốc gia, hay một thế hệ. Chúng đến với tất cả mọi người và là một phần của sự học hỏi chúng ta nhận được từ kinh nghiệm trần thế này.

Người Ngay Chính Không Được Miễn Khỏi

Sứ điệp của tôi ngày hôm nay đặc biệt dành cho những người đang tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, đang tuân giữ những lời hứa của họ với Thượng Đế, và giống như vợ chồng Norby hoặc nhiều người nam, người nữ, và trẻ em khác trong cử tọa toàn cầu này, phải đương đầu với những khó khăn và thử thách không lường trước và đầy đau đớn.

Vết thương của chúng ta có thể đến từ một thiên tai hoặc một tai nạn rủi ro. Chúng có thể đến từ một người chồng hoặc người vợ không trung tín, làm đảo lộn cuộc sống của một người phối ngẫu và con cái ngay chính. Những vết thương có thể đến từ sự tối tăm và mờ mịt của căn bệnh trầm cảm, từ một căn bệnh bất ngờ, từ nỗi đau khổ hoặc cái chết sớm của một người nào đó chúng ta yêu thương, từ nỗi buồn vì một người trong gia đình từ bỏ tín ngưỡng của mình, từ nỗi cô đơn khi hoàn cảnh không mang đến một người bạn đời vĩnh cửu, hoặc từ nhiều [nỗi buồn phiền] làm đau lòng và đau đớn khác nữa mà “mắt không thể thấy được.”6

Mỗi chúng ta hiểu rằng khó khăn là một phần của cuộc sống, nhưng khi nó đến với cá nhân chúng ta, nó có thể làm chúng ta choáng váng. Chúng ta cần phải sẵn sàng mà không cần phải sợ hãi. Sứ Đồ Phi E Rơ nói: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.”7 Kế hoạch của Cha chúng ta giống như một tấm vải được dệt từ những sợi chỉ màu sáng tượng trưng cho hạnh phúc và niềm vui, cùng với những sợi chỉ màu sẫm tượng trưng cho thử thách và nghịch cảnh. Những thử thách này, mặc dù khó khăn, thường dạy cho chúng ta những bài học quý giá.8

Khi kể câu chuyện kỳ diệu về 2.060 chiến sĩ trẻ của Hê La Man, chúng ta yêu thích câu thánh thư này: “Nhờ lòng nhân từ của Thượng Đế, và trước sự ngạc nhiên của chúng tôi và cả sự vui mừng của toàn quân đội chúng tôi, không có một người nào trong bọn họ bị giết cả.”

Nhưng câu này còn tiếp tục: “Và trong số bọn họ cũng không có một ai mà không bị thương tích nhiều.”9 Mỗi thiếu niên trong số 2.060 thiếu niên đều bị thương nhiều, và mỗi người trong chúng ta sẽ bị thương trong trận chiến của cuộc đời, dù đó là về phần thể chất hay thuộc linh, hay cả hai.

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành của Chúng Ta

Đừng bao giờ bỏ cuộc—cho dù vết thương của anh chị em có nặng đến đâu, bất kể vì lý do gì, bất kể chúng xảy ra ở đâu hay vào lúc nào, và dù có kéo dài lâu hay mau, thì điều đó không có nghĩa là anh chị em sẽ bị diệt vong về phần thuộc linh. Nó có nghĩa là anh chị em sẽ sống sót về mặt thuộc linh và phát triển trong đức tin của mình và tin cậy nơi Thượng Đế.

Thượng Đế đã không sáng tạo ra linh hồn của chúng ta mà không lệ thuộc vào Ngài. Chúa và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta, qua ân tứ không kể xiết của Sự Chuộc Tội của Ngài, không chỉ giải cứu chúng ta khỏi cái chết và ban cho chúng ta, qua sự hối cải, sự tha thứ các tội lỗi của chúng ta, nhưng Ngài cũng sẵn sàng giải cứu chúng ta khỏi nỗi buồn rầu và đau đớn của tâm hồn bị tổn thương của chúng ta.10

Người Sa Ma Ri Nhân Lành

Đấng Cứu Rỗi là Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành của chúng ta,11 được gửi đến “để chữa lành cho kẻ vỡ lòng.”12 Ngài đến với chúng ta trong khi những người khác không muốn giúp đỡ chúng ta. Với lòng trắc ẩn, Ngài xức dầu chữa lành lên những vết thương của chúng ta và hàn gắn chúng. Ngài nâng đỡ chúng ta. Ngài chăm sóc cho chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy đến cùng ta … và ta sẽ chữa lành cho [các ngươi].”13

“Và [Chúa Giê Su] sẽ … chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; … để cho … Ngài [có thể] mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài … nhận lấy [về Ngài] những sự yếu đuối của [chúng ta], [để] … tràn đầy sự thương xót.”14

Hãy đến, những kẻ phiền muộn, cho dù các ngươi có đang tuyệt vọng;

Hãy đến gần ngai thương xót, khẩn thiết quỳ trước Ngài.

Hãy mang tới Ngài tấm lòng đau thương; hãy cho Ngài biết nỗi thống khổ của mình.

Không có nỗi thống khổ nào trên trần gian mà thiên thượng không thể chữa lành được.15

Vào một thời điểm đau khổ khủng khiếp, Chúa đã phán với Tiên Tri Joseph, “Tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi.”16 Làm sao nghịch cảnh có thể là vì lợi ích cho chúng ta? Trong những thử thách gắt gao trên trần thế, việc tiến bước một cách kiên nhẫn, và quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi sẽ mang đến cho anh chị em ánh sáng, sự hiểu biết, sự bình an, và niềm hy vọng.17

Đừng Bao Giờ Bỏ Cuộc

Hãy hết lòng cầu nguyện. Hãy củng cố đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô, trong sự xác thực của Ngài, trong ân điển của Ngài. Hãy suy ngẫm lời Ngài: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.”18

Hãy nhớ rằng, sự hối cải là liều thuốc thuộc linh hữu hiệu.19 Hãy tuân giữ các giáo lệnh và xứng đáng với Đấng An Ủi, hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi đã hứa: “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi.”20

Sự bình an của đền thờ là dầu xoa dịu cho tâm hồn bị tổn thương. Hãy trở lại nhà của Chúa với tấm lòng bị tổn thương của anh chị em càng thường xuyên càng tốt mang theo tên của những người trong gia đình mình. Đền thờ giúp chúng ta hiểu về những gì xảy ra trong cuộc sống ngắn ngủi trên trần thế từ một quan điểm vĩnh cửu.21

Hãy nhìn lại quá khứ, hãy nhớ rằng anh chị em đã chứng tỏ sự xứng đáng của mình trong cuộc sống tiền dương thế. Anh chị em là một người con can đảm của Thượng Đế, và với sự giúp đỡ của Ngài, anh chị em có thể chiến thắng trong những thử thách trên thế giới sa đọa này. Anh chị em đã làm điều đó trước đây, và anh chị em có thể làm được điều đó một lần nữa.

Hãy hướng tới tương lai. Những nỗi lo âu và phiền muộn của anh chị em là có thực, nhưng chúng sẽ không kéo dài mãi mãi.22 Thời gian khó khăn và thử thách rồi sẽ trôi qua, bởi vì “Vị Nam Tử … [đã chỗi dậy] với sự chữa lành trong đôi cánh của Ngài.”23

Vợ chồng Norby nói với tôi: “Đôi lúc chúng tôi cảm thấy thất vọng nhưng chúng tôi không bao giờ để cho cảm giác đó tiếp tục.”24 Sứ Đồ Phao Lô nói: “Chúng tôi bị ép … nhưng không đến cùng; bị túng thế nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất.”25 Anh chị em có thể kiệt sức, nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc.26

Thậm chí với những vết thương đầy đau đớn của riêng mình, theo bản năng, anh chị em sẽ dang tay ra giúp đỡ những người khác, tin cậy vào lời hứa của Đấng Cứu Rỗi: “Ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại.”27 Người bị thương mà chăm sóc cho vết thương của người khác quả là thiên thần của Thượng Đế trên thế gian.

Trong chỉ một vài phút nữa, chúng ta sẽ lắng nghe vị tiên tri yêu quý của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, một người có đức tin không lay chuyển nơi Chúa Giê Su Ky Tô, một người tràn đầy hy vọng và sự bình an, được Thượng Đế yêu mến nhưng không được miễn khỏi vết thương của tâm hồn.

Vào năm 1995, con gái Emily của ông, đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong khi đang mang thai. Họ đã có những tháng ngày hy vọng và hạnh phúc khi đứa bé mạnh khỏe của cô ấy ra đời. Nhưng căn bệnh ung thư tái phát, và Emily yêu dấu của họ đã qua đời chỉ hai tuần trước sinh nhật lần thứ 37 của cô ấy, để lại một người chồng đầy yêu thương và năm đứa con thơ.

Chủ Tịch Nelson đang nói chuyện vào năm 1995

Trong đại hội trung ương, không lâu sau khi cô ấy qua đời, Chủ Tịch Nelson đã tâm sự: “Tôi đã khóc trong khổ đau cùng với mong ước rằng tôi có thể làm được nhiều hơn cho con gái chúng tôi. … Nếu tôi có quyền năng phục sinh, tôi sẽ bị cám dỗ để làm cho [con gái tôi] sống lại. … [Nhưng] Chúa Giê Su Ky Tô nắm giữ các chìa khóa và sẽ sử dụng chúng cho Emily … và cho tất cả mọi người vào thời điểm riêng của Chúa.”28

Chủ Tịch Nelson ở Puerto Rico

Tháng trước, trong khi đi thăm các Thánh Hữu ở Puerto Rico và nhớ lại trận bão tàn khốc năm ngoái, Chủ Tịch Nelson đã nói với tình yêu thương và lòng trắc ẩn:

“[Đây] là một phần của cuộc sống. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây. Chúng ta ở đây để có một thể xác và để được thử thách. Một số những thử thách này là về vật chất; một số là về tinh thần, và thử thách của anh chị em là cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.”29

“Anh chị em chưa bỏ cuộc. Chúng tôi [rất] tự hào về anh chị em. Các anh chị em, Các Thánh Hữu trung tín, đã mất mát rất nhiều, nhưng qua kinh nghiệm này, anh chị em đã nuôi dưỡng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”30

“Bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui thậm chí giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất của mình.”31

Tất Cả Những Giọt Lệ Rồi Sẽ Được Lau Khô

Thưa các anh chị em của tôi, tôi hứa rằng việc gia tăng đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang đến cho anh chị em thêm sức mạnh và niềm hy vọng lớn lao hơn. Đối với anh chị em, những người ngay chính, Đấng Chữa Lành tâm hồn chúng ta sẽ chữa lành tất cả các vết thương của anh chị em, vào thời điểm của Ngài và theo cách thức của Ngài.32 Không có sự bất công nào, không có sự ngược đãi nào, không có thử thách nào, không có nỗi buồn nào, không có nỗi đau khổ nào, không có nỗi đau đớn nào, không có vết thương nào—dù có sâu thẳm đến đâu, dù có lớn lao đến đâu, dù có đau đớn đến đâu—sẽ bị loại trừ khỏi sự an ủi, bình an, và niềm hy vọng cuối cùng của Ngài là Đấng mà cánh tay dang rộng của Ngài và bàn tay bị thương của Ngài sẽ chào đón chúng ta trở lại sự hiện diện của Ngài. Vào ngày đó, Sứ Đồ Giăng làm chứng, người ngay chính “là những kẻ [ra] khỏi cơn đại nạn”33 sẽ đứng “[mặc] áo dài trắng … trước ngôi Đức Chúa Trời.” Chiên Con sẽ “che chở [chúng ta] … và Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt [anh chị em].”34 Ngày đó sẽ đến. Tôi cũng làm chứng như thế, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Cuộc trò chuyện riêng, ngày 26 tháng Một năm 2018.

  2. Trong một cuộc gặp gỡ vào đầu năm nay, Richard Norby nói với tôi: “Chúng tôi đáp ứng với những gì được ban cho chúng tôi.” Ông chia sẻ điều này từ nhật ký của ông: “Những thử thách mà đến với mỗi chúng tôi cho chúng tôi cơ hội và đặc ân để biết rõ Đấng Cứu Rỗi hơn và hiểu rõ chi tiết hơn về sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Ngài là Đấng mà chúng tôi trông cậy vào. Ngài là Đấng mà chúng tôi tìm kiếm. Ngài là Đấng mà chúng tôi phụ thuộc vào. Ngài là Đấng mà chúng tôi tin tưởng. Ngài là Đấng mà chúng tôi yêu thương hết lòng, không có bất cứ hạn chế nào. Đấng Cứu Rỗi đã lấp đầy tất cả những nỗi đau đớn về thể xác và tình cảm mà là một phần của cuộc sống trần thế. Ngài cất bỏ nỗi đau đớn cho chúng tôi. Ngài nhận lấy hết mọi nỗi buồn của chúng tôi.”

  3. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:39.

  4. 2 Nê Phi 2:11.

  5. Ma Thi Ơ 5:45.

  6. “Lord, I Would Follow Thee,” Hymns, số 220.

  7. 1 Phi E Rơ 4:12.

  8. “Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng” (Áp Ra Ham 3:25; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 101:4–5).

  9. An Ma 57:25.

  10. Một người bạn viết cho tôi: “Gần năm năm chiến đấu với tình trạng ‘tối tăm và mờ mịt’ về mặt cảm xúc trong nhiều mức độ khác nhau mang ta đến đỉnh cao của khả năng, sức mạnh ý chí, đức tin, và sự kiên nhẫn. Sau nhiều ngày ‘chịu đựng,’ ta mệt mỏi. Sau nhiều tuần ‘chịu đựng,’ ta kiệt sức. Sau nhiều tháng ‘chịu đựng,’ ta bắt đầu yếu đuối. Sau nhiều năm ‘chịu đựng,’ ta chấp nhận khả năng là mình sẽ không bao giờ cảm thấy khá hơn nữa. Niềm hy vọng trở thành ân tứ quý báu, và khó đạt được. Nói tóm lại, tôi không chắc tôi biết mình đã vượt qua thử thách này như thế nào, ngoại trừ nhờ [Đấng Cứu Rỗi]. Đó là cách giải thích duy nhất. Tôi không thể giải thích bằng cách nào tôi biết được điều này, ngoại trừ tôi quả thật biết vậy. Nhờ Ngài nên tôi đã vượt qua được thử thách này.”

  11. Xin xem Lu Ca 10:30–35.

  12. Lu Ca 4:18; xin xem thêm Ê Sai 61:1.

  13. 3 Nê Phi 18:32.

  14. An Ma 7:11–12. “Ngài đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật, để qua đó Ngài hiểu thấu tất cả mọi vật” (Giáo Lý và Giao Ước 88:6).

  15. “Come, Ye Disconsolate,” Hymns, số 115.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 122:7.

  17. “Con đã biết được sự vĩ đại của Thượng Đế; và Ngài sẽ biệt riêng sự đau khổ của con thành lợi ích cho con” (2 Nê Phi 2:2). “Cha biết rằng, kẻ nào tin cậy nơi Thượng Đế thì sẽ được nâng đỡ trong những thử thách, trong những khó khăn và những thống khổ của mình, và sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng” (An Ma 36:3).

  18. 2 Cô Rinh Tô 12:9.

  19. Xin xem Neil L. Andersen, “The Joy of Becoming Clean,” Ensign, tháng Tư năm 1995, trang 50–53.

  20. Giăng 14:18.

  21. “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Ky Tô về đời này mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết” (1 Cô Rinh Tô 15:19).

  22. Trong câu đầu của Sách Mặc Môn, Nê Phi giải thích rằng ông đã “Trong những chuỗi ngày của đời tôi, tôi đã từng chứng kiến biết bao nỗi thống khổ” (1 Nê Phi 1:1). Về sau, Nê Phi nói: “Tuy nhiên, tôi đã hướng về Thượng Đế của tôi, và tôi đã ca ngợi Ngài suốt ngày; và tôi không hề ta thán Chúa vì những nỗi khổ đau của tôi” (1 Nê Phi 18:16).

  23. 3 Nê Phi 25:2.

  24. Cuộc trò chuyện riêng, ngày 26 tháng Một năm 2018.

  25. 2 Cô Rinh Tô 4:8–9.

  26. Chủ Tịch Hugh B. Brown, trong khi đang đi tham quan Y Sơ Ra Ên, đã được hỏi tại sao Áp Ra Ham được truyền lệnh phải hy sinh con trai mình. Ông đã trả lời: “Áp Ra Ham cần phải học được một điều gì đó về Áp Ra Ham” (trong Truman G. Madsen, Joseph Smith the Prophet [năm 1989], trang 93).

  27. Ma Thi Ơ 16:25.

  28. Russell M. Nelson, “Children of the Covenant,” Ensign, tháng Năm năm 1995, trang 32.

  29. Russell M. Nelson, trong bài của Jason Swensen, “Better Days Are Ahead for the People of Puerto Rico,” Church News, ngày 9 tháng Chín năm 2018, trang 4.

  30. Russell M. Nelson, trong bài của Swensen, “Better Days Are Ahead,” trang 3.

  31. Russell M. Nelson, trong bài của Swensen, “Better Days Are Ahead,” trang 4.

  32. Xin xem Russell M. Nelson, “Chúa Giê Su Ky Tô—Đấng Chữa Lành Bậc Thầy,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 85-88.

  33. Khải Huyền 7:14.

  34. Xin xem Khải Huyền 7:13, 15, 17.