2018
Tên Đúng của Giáo Hội
Tháng Mười Một năm 2018


Tên Đúng của Giáo Hội

Chúa Giê Su Ky Tô đã chỉ thị chúng ta phải gọi Giáo Hội bằng danh Ngài bởi vì đó là Giáo Hội của Ngài, tràn đầy quyền năng của Ngài.

Anh chị em thân mến, vào ngày Sa Bát đẹp trời này, chúng ta cùng nhau hân hoan vì nhiều phước lành của chúng ta từ Chúa. Chúng tôi biết ơn về những chứng ngôn của anh chị em về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, về những hy sinh anh chị em đã có để ở lại hoặc trở về con đường giao ước của Ngài, và về sự phục vụ tận tâm của anh chị em trong Giáo Hội của Ngài.

Hôm nay tôi cảm thấy bắt buộc phải thảo luận với anh chị em một vấn đề quan trọng. Cách đây vài tuần, tôi đã đưa ra một lời tuyên bố về việc gọi đúng tên Giáo Hội.1 Tôi đã làm như vậy vì Chúa đã cho tôi biết về tầm quan trọng của cái tên mà Ngài đã đặt cho Giáo Hội của Ngài, chính là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.2

Như anh chị em mong đợi, những phản ứng thuận lợi lẫn bất lợi về lời tuyên bố này và về phần hướng dẫn mẫu đã được sửa lại3. Ngay lập tức nhiều tín hữu đã sửa tên của Giáo Hội trên blog của họ và các trang truyền thông xã hội. Những người khác muốn biết, với tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới, tại sao cần phải nhấn mạnh một cái gì đó quá “nhỏ nhặt.” Và một số người nói rằng việc sửa đổi đó không thể thực hiện được, vậy tại sao lại phải cố gắng chứ? Tôi xin giải thích lý do tại sao chúng tôi quan tâm rất nhiều đến vấn đề này. Nhưng trước hết tôi xin nói rõ nỗ lực này không phải:

  • Không phải thay đổi tên.

  • Không phải thay đổi danh hiệu.

  • Không phải chỉnh trang bề ngoài.

  • Không phải một ý thích chợt nảy ra.

  • Không phải là điều nhỏ nhặt tầm thường.

Thay vì thế đó một sự sửa đổi. Đó lệnh của Chúa. Joseph Smith không đặt tên cho Giáo Hội được phục hồi qua ông; Mặc Môn cũng không đặt tên cho Giáo Hội. Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy trong những ngày sau cùng, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.”4

Thậm chí trước đó, vào năm 34 sau Công Nguyên, Chúa phục sinh của chúng ta đã ban lời chỉ dẫn tương tự cho các tín hữu của Giáo Hội Ngài khi Ngài hiện đến cùng họ ở Châu Mỹ. Vào lúc đó Ngài đã phán:

“Vậy các ngươi phải gọi giáo hội bằng danh ta. …

“Làm sao mà giáo hội thuộc về ta nếu không được gọi bằng danh ta? Vì nếu một giáo hội có tên là Môi Se thì tức đó là giáo hội của Môi Se; hoặc nếu được gọi theo tên một người nào đó, thì giáo hội ấy sẽ thuộc về người đó; vậy nên, nếu giáo hội được gọi bằng danh ta thì đó là giáo hội của ta.”5

Do đó, không thể thay đổi tên của Giáo Hội được. Khi Đấng Cứu Rỗi nói rõ tên của Giáo Hội của Ngài phải là gì và thậm chí còn bắt đầu lời phán của Ngài với câu: “Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy,” Ngài rất nghiêm túc khi phán như vậy. Và nếu chúng ta cho phép biệt danh được sử dụng hoặc chấp nhận hay thậm chí còn tự quảng bá các biệt danh đó, thì Ngài bị xúc phạm.

Một cái tên, hoặc trong trường hợp này, một biệt danh có giá trị gì? Khi nói đến các biệt danh của Giáo Hội, như “Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau,” “Giáo Hội Mặc Môn,” hay “Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau,” thì điều quan trọng nhất trong các tên đó là không có tên của Đấng Cứu Rỗi. Việc loại bỏ tên của Chúa ra khỏi Giáo Hội của Chúa là một chiến thắng lớn cho Sa Tan. Khi loại bỏ tên của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta đang khéo léo chối bỏ tất cả những gì Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho chúng ta—ngay cả Sự Chuộc Tội của Ngài.

Hãy xem xét điều này từ quan điểm của Ngài: Trong cuộc sống tiền dương thế, Ngài là Đức Giê Hô Va, Thượng Đế của Kinh Cựu Ước. Dưới sự hướng dẫn của Cha Ngài, Ngài là Đấng sáng tạo thế giới này và các thế giới khác.6 Ngài đã chọn tuân phục theo ý muốn của Cha Ngài và làm một điều gì đó cho tất cả con cái của Thượng Đế mà không một ai khác có thể làm được! Ngài hạ cố để đến thế gian với tư cách là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha trong xác thịt, Ngài bị chửi rủa, bị nhạo báng, bị nhổ nước bọt, và bị đánh đập một cách tàn bạo. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã gánh chịu mọi đau đớn, mọi tội lỗi, và mọi thống khổ và khổ sở mà anh chị em và tôi và mọi người đã từng sống hoặc sẽ sống chưa hề trải qua. Dưới trọng lượng của gánh nặng đau đớn tột cùng đó, Ngài đã rướm máu từ mỗi lỗ chân lông.7 Tất cả nỗi thống khổ này gia tăng khi Ngài bị đóng đinh một cách tàn nhẫn trên thập tự giá ở Đồi Sọ.

Qua những kinh nghiệm đau đớn tột cùng này và Sự Phục Sinh tiếp theo sau đó—Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài—Ngài đã ban sự bất diệt cho tất cả mọi người, và chuộc mỗi người chúng ta khỏi những ảnh hưởng của tội lỗi, với điều kiện chúng ta phải hối cải.

Sau Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi và cái chết của Các Sứ Đồ của Ngài, thế gian đã chìm sâu vào nhiều thế kỷ tăm tối. Rồi vào năm 1820, Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith để khởi đầu Sự Phục Hồi Giáo Hội của Chúa.

Sau tất cả những gì Ngài đã chịu đựng—sau tất cả những gì Ngài đã làm cho nhân loại—tôi nhận thấy với niềm hối tiếc sâu xa rằng chúng ta đã vô tình chấp nhận việc Giáo Hội phục hồi của Chúa được gọi bằng những cái tên khác, mỗi cái tên đều loại bỏ thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô!

Mỗi Chủ Nhật khi dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, chúng ta lập lại lời hứa thiêng liêng của mình cùng với Cha Thiên Thượng của chúng ta rằng chúng ta sẵn lòng mang danh của Con Trai Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.8 Chúng ta hứa sẽ noi theo Ngài, hối cải, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, và luôn tưởng nhớ tới Ngài.

Khi loại bỏ tên Ngài ra khỏi Giáo Hội của Ngài, thì chúng ta đang vô tình loại bỏ Ngài, mà Ngài chính là trọng tâm chính yếu của cuộc sống chúng ta.

Việc chúng ta mang danh của Đấng Cứu Rỗi gồm có việc tuyên bố và làm chứng với người khác—qua hành động và lời nói của chúng ta—rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Chúng ta có rất sợ phải xúc phạm một người nào đó gọi chúng ta là “người Mặc Môn” đến nỗi chúng ta đã không bảo vệ chính Đấng Cứu Rỗi, để bênh vực Ngài ngay cả trong cái tên mà Giáo Hội của Ngài được gọi không?

Nếu chúng ta với tư cách là một dân tộc và các cá nhân muốn tiếp cận quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô—để thanh tẩy và chữa lành chúng ta, để củng cố và làm vinh hiển chúng ta, và cuối cùng để tôn cao chúng ta—thì chúng ta cần phải thừa nhận rõ rằng Ngài là nguồn gốc của quyền năng đó. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách gọi Giáo Hội của Ngài bằng cái tên mà Ngài đã đặt cho.

Đối với phần lớn thế giới, Giáo Hội của Chúa hiện nay được cải trang thành “Giáo Hội Mặc Môn.” Nhưng chúng ta là tín hữu của Giáo Hội của Chúa biết ai đứng đầu Giáo Hội: chính là Chúa Giê Su Ky Tô. Rủi thay, nhiều người nghe từ Mặc Môn lại có thể nghĩ rằng chúng ta thờ phượng Mặc Môn. Không phải vậy đâu! Chúng ta kính trọng và tôn trọng vị tiên tri người Mỹ vĩ đại thời xưa đó.9 Nhưng chúng ta không phải là các môn đồ của Mặc Môn. Chúng ta là các môn đồ của Chúa.

Trong những thời kỳ ban đầu của Giáo Hội phục hồi, các từ ngữ như Giáo Hội Mặc MônNgười Mặc Môn 10 thường được sử dụng như các tên hiệu—như các từ chỉ về sự độc ác, từ để chửi rủa—nhằm che giấu ảnh hưởng của Thượng Đế trong việc phục hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau này.11

Thưa các anh chị em, có nhiều cuộc tranh luận trên thế gian chống lại việc phục hồi tên đúng của Giáo Hội. Vì thế giới kỹ thuật số mà chúng ta đang sống trong đó, và với sự tối ưu hóa của công cụ tìm kiếm mà giúp tất cả chúng ta tìm thấy thông tin chúng ta cần hầu như ngay lập tức—kể cả thông tin về Giáo Hội của Chúa—các nhà phê bình nói rằng sự sửa đổi vào thời điểm này là không khôn ngoan. Những người khác cảm thấy rằng vì chúng ta thường được biết đến là “Người Mặc Môn” và là “Giáo Hội Mặc Môn,” thì tốt nhất chúng ta nên chấp nhận điều đó.

Nếu đây là một cuộc thảo luận về việc xây dựng thương hiệu của một tổ chức của con người, thì những lập luận đó có thể thắng được. Nhưng trong vấn đề quan trọng này, chúng ta trông cậy vào Ngài là Đấng mà Giáo Hội này thuộc vào và thừa nhận rằng đường lối của Chúa không phải, và sẽ không bao giờ là đường lối của con người. Nếu chúng ta chịu kiên nhẫn và làm giỏi phần vụ của mình, thì Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta qua nhiệm vụ quan trọng này. Xét cho cùng, chúng ta biết rằng Chúa giúp những người cố gắng làm theo ý muốn của Ngài, cũng giống như Ngài đã giúp Nê Phi hoàn thành nhiệm vụ đóng một con tàu để vượt qua biển cả.12

Chúng ta sẽ muốn lễ độ và kiên nhẫn trong các nỗ lực của mình để sửa đổi các lỗi lầm này. Phương tiện truyền thông có trách nhiệm sẽ thông cảm khi đáp ứng lời yêu cầu của chúng ta.

Trong một đại hội trung ương trước đây, Anh Cả Benjamín De Hoyos đã nói về một sự kiện như vậy. Anh ấy nói:

“Cách đây vài năm, trong khi phục vụ trong văn phòng ngoại vụ của Giáo Hội ở Mexico, [một người bạn đồng hành và tôi] được mời tham dự một chương trình hội luận trên đài phát thanh. … [Một trong số những vị giám đốc chương trình] hỏi [chúng tôi]: ‘Tại sao Giáo Hội có một cái tên dài như vậy? …’

“Người bạn đồng hành của tôi và tôi đều mỉm cười trước một câu hỏi lý thú như vậy và rồi tiếp tục giải thích rằng tên của Giáo Hội không phải do con người chọn. Cái tên đó do Đấng Cứu Rỗi đặt cho. … Vị giám đốc chương trình lập tức kính cẩn đáp: ‘Vậy thì, chúng tôi sẽ lặp lại cái tên đó với niềm hân hoan lớn lao.’”13

Bài tường trình đó cung cấp một mẫu mực. Từng nỗ lực một, những nỗ lực tốt nhất của chúng ta với tư cách là cá nhân sẽ được yêu cầu sửa đổi những lỗi lầm đã dần dần được chấp nhận qua nhiều năm tháng.14 Những người khác trên thế giới có thể hoặc không thể làm theo chúng ta để gọi chúng ta bằng cái tên đúng hay không. Nhưng thật là giả dối nếu chúng ta thất vọng khi hầu hết thế giới gọi Giáo Hội và các tín hữu của Giáo Hội bằng tên sai nếu chúng ta cũng làm như vậy.

Phần hướng dẫn mẫu được sửa lại của chúng ta thật là hữu ích. Phần ấy nói rằng: “Trong cách gọi đầu tiên, tên đầy đủ của Giáo Hội được ưa thích là: ‘Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.’ Khi cách gọi [thứ hai] được rút gọn là cần thiết, thì từ ngữ ‘Giáo Hội’ hoặc ‘Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô’ được khuyến khích nên sử dụng. Tên ‘Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô’ cũng là chính xác và được khuyến khích sử dụng.”15

Nếu một người nào đó có hỏi: “Bạn là người Mặc Môn à?” thì anh chị em có thể trả lời: “Nếu bạn hỏi tôi có phải là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không, thì vâng, đúng thế!”

Nếu một người nào đó hỏi: “Bạn là Thánh Hữu Ngày Sau à?”16 thì anh chị em có thể đáp: “Vâng, đúng thế. Tôi tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tôi là tín hữu của Giáo Hội được phục hồi của Ngài.”

Anh chị em thân mến, tôi hứa với anh chị em rằng nếu chúng ta cố gắng hết sức để phục hồi lại đúng tên của Giáo Hội của Chúa, thì Ngài là Đấng mà Giáo Hội này thuộc vào sẽ trút quyền năng và các phước lành của Ngài xuống đầu Các Thánh Hữu Ngày Sau,17 theo cách mà chúng ta chưa từng thấy bao giờ. Chúng ta sẽ có sự hiểu biết và quyền năng của Thượng Đế để giúp chúng ta mang các phước lành của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đến cho mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc và chuẩn bị thế gian cho Sự Tái Lâm của Chúa.

Vậy thì, một cái tên có giá trị gì? Khi nói đến tên của Giáo Hội của Chúa, thì câu trả lời phải là “Vô cùng quan trọng!” Chúa Giê Su Ky Tô đã chỉ thị chúng ta phải gọi Giáo Hội bằng danh Ngài bởi vì đó là Giáo Hội của Ngài, tràn đầy quyền năng của Ngài.

Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Ngài lãnh đạo Giáo Hội của Ngài ngày nay. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Chúa đã cho tôi biết về tầm quan trọng của cái tên mà Ngài đã mặc khải cho Giáo Hội của Ngài, chính là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có công việc trước mắt là làm cho mình trở nên hòa hợp với ý muốn của Ngài. Trong những tuần gần đây, nhiều vị lãnh đạo và phòng sở của Giáo Hội đã bắt đầu những bước cần thiết để làm như vậy. Sẽ có sẵn thêm thông tin về vấn đề quan trọng này trong những tháng tới” (Russell M. Nelson, trong “The Name of the Church” [lời tuyên bố chính thức, ngày 16 tháng Tám năm 2018], mormonnewsroom.org).

  2. Các Vị Chủ Tịch tiền nhiệm của Giáo Hội: cũng đã đưa ra những lời yêu cầu tương tự. Ví dụ, Chủ Tịch George Albert Smith nói: “Đừng làm buồn lòng Chúa bằng cách gọi đây là Giáo Hội Mặc Môn. Ngài không gọi Giáo Hội này là Giáo Hội Mặc Môn” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1948, trang 160).

  3. Xin xem “Style Guide—The Name of the Church,” mormonnewsroom.org.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 115:4.

  5. 3 Nê Phi 27:7–8.

  6. Xin xem Môi Se 1:33.

  7. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 19:18.

  8. Xin xem Mô Rô Ni 4:3; Giáo Lý và Giao Ước 20:37, 77.

  9. Mặc Môn là một trong bốn người viết chính của Sách Mặc Môn, những người khác là Nê Phi, Gia Cốp và Mô Rô Ni. Tất cả đều là những người chứng kiến tận mắt của Chúa, cũng như là dịch giả đầy soi dẫn của sách, Tiên Tri Joseph Smith.

  10. Ngay cả từ Mormonites cũng nằm trong số các từ chỉ sự nhạo báng đã được sử dụng (xin xem History of the Church, 2:62–63, trang 126).

  11. Các tên hiệu khác dường như đã xảy ra trong thời Tân Ước. Trong phiên tòa xử Sứ Đồ Phao Lô trước Phê Lít, Phao Lô bị cho là “làm đầu của phe người Na Xa Rét” (Công Vụ Các Sứ Đồ 24:5). Về việc sử dụng cụm từ “của phe người Na Xa Rét,” một nhà bình luận đã viết: “Đây là cái tên thường được gọi các Ky Tô hữu một cách khinh miệt. Họ bị gọi như vậy vì Chúa Giê Su chính là người Na Xa Rét” (Albert Barnes, Notes, Explanatory and Practical, on the Acts of the Apostles [1937], trang 313).

    Tương tự như vậy, một nhà bình luận khác nói rằng: “Vì Chúa chúng ta đã bị gọi một cách khinh miệt là ‘Người Na Xa Rét’ (Matt. xxvi. 71), nên dân Do Thái đã gọi các môn đồ của Ngài là ‘những người Na Xa Rét.’ Họ thường không thừa nhận rằng họ là Ky Tô hữu, có nghĩa là các môn đồ của Đấng Mê Si” (The Pulpit Commentary: The Acts of the Apostles, do H. D. M. Spence và Joseph S. Exell biên tập [năm 1884], 2:231).

    Tương tự như vậy, Anh Cả Neal A. Maxwell đã nhận xét: “Qua lịch sử thánh thư, chúng ta thấy những nỗ lực tái diễn theo định kỳ để hạ nhục các vị tiên tri nhằm loại bỏ họ— gán nhãn cho họ để giảm bớt uy tín của họ. Tuy nhiên, phần lớn họ hoàn toàn bị người đương thời của họ và lịch sử thế tục làm ngơ không biết tới. Xét cho cùng, các Ky Tô hữu thời xưa chỉ được gọi là ‘phe người Na Xa Rét.’ (Công Vụ Các Sứ Đồ 24:5.)” (“Out of Obscurity,” Ensign, tháng Mười Một năm 1984, trang 10).

  12. Xin xem 1 Nê Phi 18:1–2.

  13. Benjamín De Hoyos, “Được Kêu Gọi làm Thánh Hữu,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 106.

  14. Mặc dù không có quyền bắt buộc người khác có thể gọi chúng ta là gì, nhưng chúng ta có toàn quyền về cách chúng ta tự gọi mình. Làm thế nào chúng ta có thể kỳ vọng người khác kính trọng tên đúng của Giáo Hội nếu chúng ta với tư cách là tín hữu của Giáo Hội lại không làm như vậy?

  15. Style Guide—The Name of the Church,” mormonnewsroom.org.

  16. Từ thánh hữu thường được sử dụng trong Kinh Thánh. Ví dụ, trong Thư của Phao Lô gửi cho Người Ê Phê Sô, ông đã sử dụng từ thánh hữu ít nhất một lần trong mỗi chương. Thánh hữu là một người tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cố gắng noi theo Ngài.

  17. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:33.