2018
Ngày Nay Hãy Chọn Ai
Tháng Mười Một năm 2018


Ngày Nay Hãy Chọn Ai

Tầm quan trọng của hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta chọn Thượng Đế hằng sống và tham gia với Ngài trong công việc của Ngài.

Nhân vật giả tưởng Mary Poppins là một bảo mẫu điển hình người Anh—ngoại trừ là bà có phép thuật.1 Bà cưỡi gió đông đến giúp gia đình Banks đang gặp khó khăn và họ đang sống tại Số 17, Đường Cherry Tree, ở Edwardian London. Bà ấy được giao trách nhiệm chăm nom những đứa trẻ, Jane và Michael. Bằng một cách thức nghiêm khắc nhưng nhân từ, bà ấy bắt đầu dạy cho chúng các bài học quý báu theo một cách thức độc đáo và diệu kỳ.

Jane và Michael đã đạt được sự tiến triển đáng ghi nhận, nhưng Mary quyết định rằng đã đến lúc bà phải ra đi. Trong vở kịch, người bạn quét dọn ống khói của Mary, là Bert, đã cố gắng khuyên ngăn Mary đừng đi khỏi nơi đó. Ông ấy tranh luận rằng: “Nhưng chúng là những đứa trẻ ngoan mà Mary.”

Mary trả lời: “Có phải tôi sẽ không dạy dỗ chúng nếu chúng không có ngoan? Nhưng tôi không thể giúp chúng được nếu chúng không cho tôi làm vậy, và không có ai lại khó dạy bảo hơn một đứa trẻ nghĩ nó biết tất cả mọi thứ.”

Bert hỏi lại “Vậy thì sao?”

Mary trả lời: “Vậy thì chúng phải tự mình học hỏi thêm mà không có sự giúp đỡ.”2

Thưa các anh chị em, giống như Jane và Michael Banks, chúng ta là “những đứa trẻ ngoan” đáng được dạy dỗ. Cha Thiên Thượng muốn giúp đỡ và ban phước cho chúng ta, nhưng chúng ta không luôn để Ngài làm như vậy. Đôi lúc, chúng ta thậm chí hành động như là mình đã biết mọi thứ. Và chúng ta cũng cần tự mình “học hỏi thêm mà không có sự giúp đỡ”. Đó là lý do tại sao chúng ta đến thế gian từ một mái nhà thiên thượng, tiền dương thế. “Việc học hỏi” của chúng ta liên quan tới việc đưa ra các chọn lựa.

Mục tiêu của Cha Thiên Thượng trong việc nuôi nấng con cái Ngài không phải là bảo con cái Ngài làm điều gì ngay chính; mà chính là bảo con cái Ngài chọn làm điều gì ngay chính và cuối cùng sẽ trở nên giống như Ngài. Nếu Ngài chỉ đơn giản muốn chúng ta vâng lời, thì Ngài sẽ dùng những phần thưởng và hình phạt mà ngay lập tức gây ảnh hưởng tới các hành vi của chúng ta.

Nhưng Thượng Đế không mong muốn con cái Ngài trở thành “những con vật cưng” được huấn luyện và biết vâng lời, là những con vật sẽ không làm hỏng những vật dụng của Ngài trong phòng thượng thiên.3 Không, Thượng Đế muốn con cái Ngài trưởng thành về mặt thuộc linh và tham gia với Ngài trong công việc gia đình này.

Thượng Đế đã thiết lập một kế hoạch mà qua đó chúng ta có thể trở thành những kẻ kế tự vương quốc của Ngài, một con đường giao ước mà dẫn dắt chúng ta để trở nên giống như Ngài, có được loại cuộc sống mà Ngài có, và sống mãi mãi với tư cách là gia đình ở nơi hiện diện của Ngài.4 Sự lựa chọn cá nhân đã—và đang—là thiết yếu trong kế hoạch này, là điều chúng ta đã học được trong cuộc sống tiền dương thế của mình. Chúng ta đã chấp nhận kế hoạch đó và lựa chọn để đến thế gian.

Nhằm đảm bảo rằng chúng ta sẽ thực hành đức tin và học cách sử dụng quyền tự quyết của mình một cách đúng đắn, một tấm màn lãng quên được trùm lên tâm trí chúng ta để chúng ta không nhớ được kế hoạch của Thượng Đế. Nếu không có tấm màn đó, các mục đích của Thượng Đế sẽ không đạt được bởi vì chúng ta có thể sẽ không tiến triển và trở thành những người thừa hưởng đáng tin cậy mà Ngài muốn chúng ta trở thành.

Tiên tri Lê Hi đã nói: “Vậy nên, Đức Chúa Trời đã cho loài người được hành động lấy một mình. Vậy nên, loài người không thể hành động lấy một mình nếu không bị xúi giục bởi bên này hay bên kia.”5 Ở một mức độ cơ bản, một lựa chọn được đại diện bởi Chúa Giê Su Ky Tô, Con Đầu Sinh của Cha Thiên Thượng. Sự lựa chọn kia được đại diện bởi Sa Tan, Lu Xi Phe, là kẻ muốn hủy hoại quyền tự quyết và chiếm đoạt quyền lực.6

Trong Chúa Giê Su Ky Tô, “chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha.”7 Sau khi hoàn thành sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Chúa Giê Su “đã thăng lên trời … để đòi Đức Chúa Cha quyền thương xót mà Ngài có trên con cái loài người.” Và, khi đòi quyền thương xót đó, “Ngài biện hộ cho chính nghĩa của con cái loài người.”8

Sự biện hộ của Đấng Cứu Rỗi với Cha Thiên Thượng thay cho chúng ta không phải là sự chống đối. Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng đã đặt ý muốn của mình vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha,9 sẽ không ủng hộ bất kỳ điều gì ngoài những điều mà Đức Chúa Cha muốn từ lúc bắt đầu. Cha Thiên Thượng vui mừng và khen ngợi những thành công của chúng ta mà không mảy may nghi ngờ.

Sự biện hộ của Đấng Ky Tô là, ít nhất là, để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài đã chuộc trả tội lỗi của chúng ta và sẽ không ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thượng Đế.10 Đối với những ai tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, chịu phép báp têm, và kiên trì đến cùng—một tiến trình mà dẫn đến sự hòa hiệp11—Đấng Cứu Rỗi sẽ tha thứ, chữa lành, và biện hộ. Ngài là Đấng Giúp Đỡ, Đấng An Ủi, Đấng Biện Hộ của chúng ta—làm chứng và ủng hộ cho sự hòa hiệp của chúng ta với Thượng Đế.12

Trong sự trái ngược hoàn toàn, Lu Xi Phe là một kẻ kiện cáo và chống đối. Giăng, Vị Mặc Khải, mô tả sự thất bại tột cùng của Lu Xi Phe: “Và tôi nghe trên trời có tiếng lớn nói rằng: Bây giờ sự cứu rỗi, sức mạnh, và vương quốc của Thượng Đế chúng ta cùng quyền năng của Đấng Ky Tô của Ngài đã đến.” Tại sao? Vì “kẻ kiện cáo anh em chúng ta, là kẻ ngày đêm kiện cáo họ trước mặt Thượng Đế của chúng ta, đã bị quăng xuống rồi. Chúng đã thắng nó bởi huyết Chiên Con và bởi lời làm chứng của mình.”13

Lu Xi Phe chính là kẻ kiện cáo này. Nó đã nói lời đối nghịch chúng ta trong cuộc sống tiền dương thế, và nó tiếp tục chỉ trích chúng ta trong cuộc sống này. Nó tìm cách kéo chúng ta xuống. Nó muốn chúng ta trải qua sự đau buồn bất tận. Nó là kẻ nói rằng chúng ta không thích đáng, là kẻ nói rằng chúng ta không đủ tốt, là kẻ nói với chúng ta rằng không có cách nào để phục hồi sau khi đã mắc lỗi lầm. Nó là kẻ xấu xa cùng cực, là kẻ sẽ đá vào chúng ta khi chúng ta ngã xuống.

Nếu Lu Xi Phe dạy một đứa trẻ tập đi và đứa trẻ đó xảy chân ngã, nó sẽ hét vào mặt đứa trẻ, trừng phạt đứa trẻ, và bảo đứa trẻ hãy ngừng cố gắng. Những cách làm của Lu Xi Phe sẽ mang đến sự thất vọng và chán nản—cuối cùng và luôn luôn là vậy. Cha đẻ của mọi lời dối trá này là kẻ khuấy động sự giả dối14 và làm những việc gian trá để lừa phỉnh và làm chúng ta xao lãng, “vì nó tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy.”15

Nếu Đấng Ky Tô dạy một đứa trẻ tập đi và đứa trẻ đó xảy chân ngã, Ngài sẽ giúp đứa trẻ đứng lên và khuyến khích bước tiếp.16 Đấng Ky Tô là Đấng Giúp Đỡ và Đấng An Ủi. Những cách làm của Ngài mang tới niềm vui và sự hy vọng—cuối cùng và luôn luôn là vậy.

Kế hoạch của Thượng Đế gồm có các chỉ dẫn dành cho chúng ta, được đề cập đến trong thánh thư, với tính cách là các lệnh truyền. Những lệnh truyền này không phải là một tập hợp các luật lệ khác thường hay mang tính áp đặt một cách phi lý nhằm chỉ để dạy chúng ta biết vâng lời. Chúng được nối kết với sự phát triển các thuộc tính về sự tin kính, việc trở về với Cha Thiên Thượng chúng ta, và tiếp nhận niềm vui vĩnh cửu. Việc vâng theo các lệnh truyền của Ngài không phải là mù quáng; chúng ta chủ tâm chọn Thượng Đế và con đường trở về nhà của Ngài. Mẫu mực dành cho chúng ta giống với mẫu mực dành cho A Đam và Ê Va, do đó “Thượng Đế ban cho họ các giáo lệnh, sau khi đã cho họ biết về kế hoạch cứu chuộc.”17 Mặc dù Thượng Đế muốn chúng ta ở trên con đường giao ước, nhưng Ngài ban cho chúng ta quyền lựa chọn.

Thực sự, Thượng Đế mong muốn, kỳ vọng, và chỉ thị rằng mỗi con cái của Ngài hãy chọn cho chính bản thân mình. Ngài sẽ không ép buộc chúng ta. Qua ân tứ của quyền tự quyết, Thượng Đế cho phép con cái Ngài “tự hành động lấy một mình, chứ không bị tác động.”18 Quyền tự quyết cho phép chúng ta lựa chọn để đi trên con đường đó, hoặc không đi trên con đường đó. Quyền đó cho phép chúng ta rời bỏ, hoặc không rời bỏ. Giống như chúng ta không thể bị ép buộc phải vâng lời, chúng ta cũng không thể bị ép buộc để không vâng lời. Không ai có thể, mà không có sự hợp tác của chính chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi con đường đó. (Giờ đây, không được lẫn lộn điều này với những người có quyền tự quyết bị xâm phạm. Họ không rời bỏ con đường; họ là nạn nhân. Họ nhận được sự hiểu biết, tình yêu thương, và lòng trắc ẩn của Thượng Đế.)

Nhưng khi chúng ta rời bỏ con đường đó, Thượng Đế buồn rầu vì Ngài biết điều này, cuối cùng và không có ngoại lệ, dẫn đến hạnh phúc bị giảm bớt và các phước lành bị mất đi. Trong thánh thư, việc rời bỏ con đường đó được đề cập đến như là tội lỗi, và kết quả cho sự suy giảm hạnh phúc và phước lành bị mất đi được gọi là sự trừng phạt. Trong khía cạnh này, Thượng Đế không phải đang trừng phạt chúng ta; sự trừng phạt là hậu quả từ những lựa chọn của chính chúng ta, chứ không phải do Ngài.

Khi chúng ta thấy mình đang không ở trên con đường đó, chúng ta có thể từ bỏ, hoặc nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể chọn để quay bước và tiếp tục bước đi trên con đường đó. Trong thánh thư, tiến trình quyết định thay đổi và quay trở lại con đường đó được đề cập là sự hối cải. Việc không hối cải có nghĩa rằng chúng ta chọn để loại bản thân mình ra khỏi những phước lành mà Thượng Đế mong muốn ban cho chúng ta. Nếu chúng ta “không muốn hưởng những gì mà đáng lẽ [chúng ta] đã có thể nhận được,” chúng ta sẽ “trở về vị trí riêng của mình để hưởng những gì [chúng ta] muốn nhận được”19—đó là sự lựa chọn của chúng ta, chứ không phải của Thượng Đế.

Bất kể chúng ta đã rời khỏi con đường đó bao lâu hoặc đã đi bao xa, thì vào khoảnh khắc mà chúng ta quyết định thay đổi, Thượng Đế sẽ giúp chúng ta trở về.20 Từ quan điểm của Thượng Đế, qua việc hối cải chân thành và tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, một khi chúng ta quay trở lại con đường đó, thì nó sẽ như thể chúng ta đã không bao giờ rời khỏi con đường đó.21 Đấng Cứu Rỗi chuộc trả các tội lỗi của chúng ta và giải cứu chúng ta khỏi sự suy giảm sẽ xảy đến với hạnh phúc và các phước lành của chúng ta. Điều này được đề cập đến trong thánh thư là sự tha thứ. Sau khi chịu phép báp têm, tất cả các tín hữu đều mắc lỗi lầm—một vài người trong chúng ta thậm chí còn quyết định rời khỏi Giáo Hội. Vì vậy, việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, tiếp nhận sự giúp đỡ từ Ngài, và được tha thứ không phải là những sự kiện một lần mà là những tiến trình suốt đời, tiến trình được lặp đi lặp lại. Đây là cách thức mà chúng ta “kiên trì đến cùng.”22

Chúng ta cần chọn ai mà mình muốn phục sự.23 Tầm quan trọng của hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta chọn Thượng Đế hằng sống và tham gia với Ngài trong công việc của Ngài. Khi chúng ta tự mình cố gắng để “học hỏi thêm mà không có sự giúp đỡ,” chúng ta thực hành việc sử dụng quyền tự quyết của mình một cách chính xác. Hai cựu Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Trung Ương đã nói rằng chúng ta không nên trở thành “các em bé luôn luôn cần được nuông chiều và sửa đổi.”24 Không, Thượng Đế muốn chúng ta trở thành những người trưởng thành và tự quản lý chính mình.

Việc chọn để tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng là cách duy nhất chúng ta có thể trở thành những người thừa hưởng trong vương quốc của Ngài; chỉ khi đó Ngài mới có thể tin cậy chúng ta sẽ không đòi hỏi những gì mà trái ý muốn của Ngài.25 Nhưng chúng ta cần nhớ rằng: “không ai có thể khó dạy hơn một đứa trẻ nghĩ rằng nó biết tất cả mọi thứ.” Vì thế, chúng ta cần sẵn lòng được Chúa và các tôi tớ của Ngài chỉ dạy theo cách thức của Chúa. Chúng ta có thể tin cậy rằng chúng ta là con cái yêu dấu của Cha Mẹ Thiên Thượng26 và chúng ta đáng được “giảng dạy” cùng được đảm bảo rằng ý muốn “của chính chúng ta” sẽ không bao giờ có nghĩa là “đơn độc.”

Như tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn đã nói:

“Vì vậy, hãy hoan hỷ lên đi, và nên nhớ rằng, các người là những người được tự do hành động cho chính mình—được tự do chọn lựa lấy con đường của sự chết vĩnh viễn hay là con đường của cuộc sống vĩnh cửu.

“Vì thế, hỡi đồng bào yêu dấu của tôi, hãy hòa mình thuận theo ý muốn của Thượng Đế, và chớ có làm theo ý muốn của quỷ dữ … ; và xin ghi nhớ rằng, sau khi các người đã hòa hiệp với Thượng Đế, chỉ trong và qua ân điển của Thượng Đế các người mới được cứu mà thôi.”27

Vì vậy, hãy chọn tin nơi Đấng Ky Tô; chọn hối cải; chọn chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh; chọn để chuẩn bị một cách chu đáo và xứng đáng dự phần Tiệc Thánh; chọn lập giao ước trong đền thờ; và chọn phục vụ Thượng Đế hằng sống và con cái của Ngài. Những lựa chọn của chúng ta sẽ xác định chúng ta là ai và chúng ta sẽ trở thành người như thế nào.

Tôi kết thúc bằng phần còn lại trong phước lành của Gia Cốp: “Vậy nên, cầu mong sao Thượng Đế nhấc các anh em ra khỏi cõi chết nhờ quyền năng phục sinh và luôn cả khỏi sự chết vĩnh viễn nhờ quyền năng chuộc tội, để các người có thể được thu nhận vào trong vương quốc vĩnh cửu của Thượng Đế.”28 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.