Hãy Đến Lắng Nghe Tiếng Nói của một Vị Tiên Tri
Khi chúng ta thiết lập trong cuộc sống mình cách thực hành việc lắng nghe và lưu tâm đến tiếng nói của các vị tiên tri tại thế, thì chúng ta sẽ nhận được các phước lành vĩnh cửu.
Khi nói về Vị Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa đã phán:
“Và lại nữa, bổn phận của Chủ Tịch chức phẩm của Chức Tư Tế Thượng Phẩm là chủ tọa toàn thể giáo hội, giống như Môi Se—
“… Phải, làm vị tiên kiến, vị mặc khải, vị phiên dịch, và vị tiên tri, với mọi ân tứ của Thượng Đế mà Ngài ban cho người đứng đầu giáo hội” (Giáo Lý và Giao Ước 107:91–92; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Tôi đã được phước để chứng kiến một số ân tứ của Thượng Đế được ban cho các vị tiên tri của Ngài. Tôi xin được chia sẻ một kinh nghiệm thiêng liêng như vậy với anh chị em. Trước khi có chức vụ kêu gọi hiện nay, tôi đã được phụ giúp trong việc nhận ra và đề nghị các địa điểm xây cất đền thờ tương lai. Sau ngày 11 tháng Chín năm 2001, việc đi qua biên giới Hoa Kỳ đã bắt đầu được kiểm soát nhiều hơn. Vì vậy, khi đi Đền Thờ Seattle Washington, nhiều tín hữu Giáo Hội đã phải mất hai đến ba giờ đồng hồ để đi qua biên giới từ Vancouver, Canada. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, Chủ Tịch của Giáo Hội vào lúc đó, đã đề nghị rằng một đền thờ ở Vancouver sẽ ban phước cho các tín hữu của Giáo Hội. Một địa điểm xây cất đã được cho phép tìm kiếm và sau khi chúng tôi đã xem xét một số đất đai do Giáo Hội sở hữu, thì các địa điểm khác không thuộc sở hữu của Giáo Hội cũng đã được nghiên cứu tỉ mỉ.
Một địa điểm tuyệt đẹp với quy hoạch dành cho tôn giáo gần Quốc Lộ Xuyên Canada đã được tìm thấy. Miếng đất này nằm ở vị trí rất dễ ra vào, với những cây thông Canada đẹp đẽ rải rác xung quanh, và có được một vị trí nổi bật mà sẽ làm cho hàng ngàn người lái xe ngang qua có thể nhìn thấy được.
Chúng tôi trình bày địa điểm đó với hình ảnh và bản đồ trong buổi họp hằng tháng của Ủy Ban Tìm Kiếm Địa Điểm Đền Thờ. Chủ tịch Hinckley đã cho phép chúng tôi ký hợp đồng mua địa điểm đó và hoàn tất các cuộc nghiên cứu cần thiết. Vào tháng Mười Hai năm đó, chúng tôi báo cáo lại cho ủy ban biết rằng các cuộc nghiên cứu đã hoàn tất và chúng tôi muốn được chấp thuận để tiến hành mua đất. Sau khi nghe báo cáo của chúng tôi, Chủ Tịch Hinckley nói: “Tôi cảm thấy là tôi nên đi xem địa điểm này.”
Cuối tháng đó, hai ngày sau lễ Giáng Sinh, chúng tôi đi Vancouver cùng với Chủ Tịch Hinckley; Chủ Tịch Thomas S. Monson; và Bill Williams, một kiến trúc sư đền thờ. Chúng tôi gặp Paul Christensen, chủ tịch giáo khu địa phương, là người đã chở chúng tôi đến địa điểm này. Hôm đó trời mưa phùn và sương mù, nhưng Chủ Tịch Hinckley nhảy ra khỏi xe và bắt đầu đi xung quanh địa điểm đó.
Sau khi dành thời gian xem xét địa điểm, tôi hỏi Chủ Tịch Hinckley là ông có muốn đi xem một số địa điểm khác đã được nghiên cứu để chọn không. Ông nói là có, ông rất thích đi xem. Anh chị em thấy đấy, bằng cách xem các địa điểm khác, chúng tôi có thể so sánh các ưu điểm của chúng.
Chúng tôi đánh xe một vòng lớn theo chiều kim đồng hồ quanh Vancouver để xem các miếng đất khác, cuối cùng quay trở lại địa điểm ban đầu. Chủ Tịch Hinckley nói: “Đây là một địa điểm đẹp.” Rồi ông hỏi: “Chúng ta có thể đi đến nhà hội do Giáo Hội sở hữu cách đây khoảng một phần tư dặm [0,4 kilômét] không?”
Chúng tôi đáp: “Dĩ nhiên rồi thưa Chủ Tịch.”
Chúng tôi trở lại xe và lái đến ngôi nhà hội gần đó. Khi chúng tôi đến giáo đường, Chủ Tịch Hinckley nói: “Hãy rẽ trái ở đây.” Chúng tôi rẽ trái và đi theo con đường như được chỉ dẫn. Con đường bắt đầu hơi lên dốc.
Ngay khi chiếc xe chạy lên đỉnh dốc, thì Chủ Tịch Hinckley nói: “Hãy dừng xe lại, dừng xe lại.” Rồi ông chỉ vào một thửa đất ở bên tay phải và nói: “Thế còn miếng đất này thì sao? Đây là nơi đền thờ phải được xây cất. Đây là nơi mà Chúa muốn xây đền thờ. Anh có thể mua miếng đất đó không? Anh có thể mua miếng đất đó không?”
Chúng tôi đã không xem tới miếng đất này. Nó ở sâu bên trong và cách xa con đường cái, và nó không được rao bán. Khi chúng tôi đáp là không biết, thì Chủ Tịch Hinckley chỉ vào miếng đất và nói một lần nữa: “Đây là nơi đền thờ phải được xây cất.” Chúng tôi ở lại một vài phút rồi ra sân bay để bay về nhà.
Ngày hôm sau, Anh Williams và tôi được gọi đến văn phòng của Chủ Tịch Hinckley. Ông đã vẽ ra các sơ đồ trên một tờ giấy: các con đường, ngôi giáo đường, rẽ trái ở đây, đánh dấu x vào vị trí cho ngôi đền thờ. Ông hỏi chúng tôi đã biết được điều gì. Chúng tôi nói với ông rằng ông không thể chọn một miếng đất nào khó hơn miếng đất đó cả. Nó thuộc sở hữu của ba người: một từ Canada, một từ Ấn Độ, và một từ Trung Quốc! Và nó không được quy hoạch dành cho tôn giáo.
Ông nói: “Chà, hãy cố hết sức vậy.”
Rồi các phép lạ xảy ra. Trong vòng vài tháng chúng tôi đã sở hữu miếng đất đó, và về sau thành phố Langley, British Columbia, đã cho phép xây cất đền thờ.
Khi suy nghĩ về kinh nghiệm này, tôi hạ mình để nhận ra rằng mặc dù Anh Williams và tôi có được học vấn chính thức và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản và thiết kế đền thờ, Chủ Tịch Hinckley không được huấn luyện chính thức như vậy, nhưng ông có một điều quan trọng hơn nhiều—ân tứ về khả năng tiên tri và tiên kiến. Ông đã có thể hình dung ra ngôi đền thờ của Thượng Đế phải được xây cất ở đâu.
Khi Chúa truyền lệnh cho Các Thánh Hữu ban đầu trong gian kỳ này phải xây cất một đền thờ, Ngài đã phán:
“Nhưng hãy để ngôi nhà được xây cất cho danh ta đúng theo kiểu mẫu ta sẽ cho họ thấy.
“Và nếu dân của ta không xây cất nhà ấy đúng theo kiểu mẫu ta sẽ cho thấy, thì ta sẽ không thu nhận nhà ấy từ tay họ” (Giáo Lý và Giao Ước 115:14–15).
Tình huống của chúng ta ngày nay cũng giống như tình huống của Các Thánh Hữu ban đầu: Chúa đã mặc khải và tiếp tục mặc khải cho Chủ Tịch của Giáo Hội những kiểu mẫu mà theo đó vương quốc của Thượng Đế phải được hướng dẫn theo trong thời kỳ chúng ta. Và, đối với cá nhân, Ngài cung cấp sự hướng dẫn cho mỗi người chúng ta về cách chúng ta nên hướng cuộc sống của mình như thế nào, để hành vi của chúng ta cũng có thể được Chúa chấp nhận.
Vào tháng Tư năm 2013, tôi đã nói chuyện về các nỗ lực liên quan đến việc chuẩn bị đặt nền móng cho mỗi ngôi đền thờ để bảo đảm rằng nó có thể chịu đựng được những cơn bão và thiên tai mà nó sẽ phải hứng chịu. Nhưng nền móng chỉ là khởi đầu thôi. Một đền thờ được xây cất từ nhiều khối gạch đúc, được xây khít khao chung với nhau theo các kiểu mẫu đã được thiết kế trước. Nếu cuộc sống của chúng ta phải trở thành đền thờ thì mỗi người chúng ta đang cố gắng xây dựng như đã được Chúa dạy (xin xem 1 Cô Rinh Tô 3:16–17), chúng ta có thể tự hỏi mình một cách hợp lý: “Chúng ta nên sắp đặt những khối gạch đúc nào cho đúng để làm cho cuộc sống của mình được tươi đẹp, tuyệt vời và sẵn sàng chống trả những cơn bão của thế gian?”
Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này trong Sách Mặc Môn. Khi đề cập đến biên sử này, Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Tôi đã nói với các anh em trong Giáo Hội rằng Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác” (lời giới thiệu Sách Mặc Môn). Trong lời giới thiệu Sách Mặc Môn này, chúng ta được dạy rằng “những ai nhận được sự làm chứng thiêng liêng từ Đức Thánh Linh [rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế] thì cũng sẽ nhờ bởi cùng một quyền năng như vậy mà tiến đến việc biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, rằng Joseph Smith là vị mặc khải và [vị tiên tri của Sự Phục Hồi], và rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Chúa một lần nữa đã được thiết lập lại trên thế gian.”
Như vậy, đây là một số khối gạch đúc thiết yếu để xây đắp đức tin và chứng ngôn cá nhân của chúng ta:
-
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian.
-
Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế.
-
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.
-
Joseph Smith là một vị tiên tri, và ngày nay chúng ta có các vị tiên tri tại thế.
Trong những tháng gần đây, tôi đã lắng nghe mỗi bài nói chuyện trong đại hội trung ương mà Chủ Tịch Nelson đã đưa ra kể từ khi ông mới được kêu gọi với tư cách là một Sứ Đồ. Việc này đã thay đổi cuộc sống của tôi. Khi tôi nghiên cứu và suy ngẫm về 34 năm thu thập sự khôn ngoan của Chủ Tịch Nelson, thì những đề tài rõ ràng và kiên định đã được làm rõ nét từ những lời dạy của ông. Mỗi một đề tài này liên quan đến những khối gạch đúc mới được đề cập hoặc một khối gạch đúc quan trọng khác cho ngôi đền thờ cá nhân của chúng ta. Các khối gạch đúc này gồm có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm để xá miễn tội lỗi, ân tứ Đức Thánh Linh, sự cứu chuộc người chết và công việc đền thờ, giữ ngày Sa Bát được thánh, bắt đầu với mục tiêu đã định trước, ở trên con đường giao ước. Chủ Tịch Nelson đã nói về tất cả những khối gạch đúc này bằng tình yêu thương và lòng tận tụy.
Viên đá góc nhà chính và khối gạch đúc của Giáo Hội và đối với cuộc sống của chúng ta là Chúa Giê Su Ky Tô. Đây là Giáo Hội của Ngài. Chủ Tịch Nelson là vị tiên tri của Ngài. Những lời dạy của Chủ Tịch Nelson làm chứng và tiết lộ về cuộc đời và thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô vì lợi ích của chúng ta. Ông nói một cách trìu mến và thấu đáo về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh của Ngài. Ông cũng đã chia sẻ chứng ngôn thường xuyên và nhiệt thành về chức vụ kêu gọi thiêng liêng của các vị tiên tri tại thế—Các Chủ Tịch của Giáo Hội—mà ông đã phục vụ dưới sự lãnh đạo của họ.
Hôm nay, bây giờ, chúng ta có đặc ân để tán trợ ông với tư cách là vị tiên tri tại thế của Chúa. Chúng ta quen thuộc với việc tán trợ các vị lãnh đạo Giáo Hội qua khuôn mẫu thiêng liêng bằng việc giơ cánh tay lên thành hình góc vuông để bày tỏ sự chấp nhận và ủng hộ của chúng ta. Chúng ta đã làm điều này chỉ cách đây một vài phút. Nhưng sự tán trợ thực sự còn có ý nghĩa nhiều hơn hành động giơ tay này. Như đã được ghi trong Giáo Lý và Giao Ước 107:22, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn phải được “tán trợ qua sự tín nhiệm, đức tin, cùng lời cầu nguyện của giáo hội.” Chúng ta tiến đến việc hoàn toàn và thực sự tán trợ vị tiên tri tại thế khi chúng ta phát triển mẫu mực tin tưởng nơi những lời nói của ông, có đức tin để hành động theo những lời nói đó, và rồi cầu nguyện để xin các phước lành của Chúa được tiếp tục ban cho ông.
Khi nghĩ về Chủ Tịch Russell M. Nelson, tôi được an ủi nơi những lời của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài phán: “Và nếu dân của ta biết nghe theo tiếng nói của ta, và tiếng nói của các tôi tớ của ta, là những người mà ta đã chỉ định để hướng dẫn dân của ta, này, thật vậy ta nói cho các ngươi hay, họ sẽ không bị dời khỏi chỗ của họ” (Giáo Lý và Giao Ước 124:45).
Việc nghe và để tâm làm theo các vị tiên tri tại thế sẽ có những tác động sâu đậm, thậm chí thay đổi cuộc đời chúng ta. Chúng ta được củng cố. Chúng ta được an tâm và tin tưởng hơn nơi Chúa. Chúng ta nghe lời của Chúa. Chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Chúng ta sẽ biết cách làm cho cuộc sống mình có mục đích.
Tôi yêu mến và tán trợ Chủ Tịch Russell M. Nelson và những người khác mà đã được kêu gọi với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Tôi làm chứng rằng ông có những ân tứ mà Chúa đã ban cho ông và tôi làm chứng rằng khi chúng ta thiết lập trong cuộc sống mình cách thực hành việc lắng nghe và lưu tâm đến tiếng nói của các vị tiên tri tại thế, thì cuộc sống của chúng ta sẽ được xây dựng theo mẫu mực thiêng liêng của Chúa dành cho chúng ta. Lời mời được đưa ra cho mọi người. Hãy đến lắng nghe tiếng nói của một vị tiên tri; phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô mà sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.