2018
Học Hỏi từ Các Sứ Điệp Đại Hội Trung Ương (Năm 2018 và 2019)
Tháng Mười Một năm 2018


Học Hỏi từ Các Sứ Điệp Đại Hội Trung Ương (Năm 2018 và 2019)

Những lời giảng dạy của các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải tại thế có thể cung cấp sự hướng dẫn đầy soi dẫn cho công việc của các nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ. Vào những tuần khi các sứ điệp đại hội sẽ được học tập, chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ sẽ chọn ra một sứ điệp đại hội để sử dụng, dựa trên nhu cầu của các tín hữu. Đôi khi, vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu cũng có thể đề nghị một sứ điệp. Các vị lãnh đạo nên nhấn mạnh các sứ điệp từ các thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Tuy nhiên, các thành viên trong chủ tịch đoàn có thể chọn ra bất kỳ sứ điệp nào từ đại hội trung ương gần nhất, dựa trên nhu cầu của các Thánh Hữu địa phương và sự soi dẫn từ Thánh Linh.

Các vị lãnh đạo và giảng viên cần tìm ra những cách thức để khuyến khích các tín hữu đọc trước các sứ điệp đã được chọn ra. Họ nên khuyến khích các tín hữu đến các buổi họp với sự chuẩn bị để chia sẻ những lẽ thật phúc âm họ đã học được và những ý kiến của họ về cách để hành động theo những lẽ thật đó. Các sinh hoạt học tập được đề nghị dưới đây, dựa trên các nguyên tắc trong sách Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, có thể giúp các tín hữu học hỏi từ các sứ điệp đại hội trung ương.

Hình Ảnh
Anh Cả Quentin L. Cook

Quentin L.Cook, “Sự Cải Đạo Sâu Đậm và Lâu Dài theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô”

Các tín hữu có thể cảm thấy hứng thú để nghe lẫn nhau nói về những phản ứng đầu tiên của họ khi nghe những sự thay đổi được mô tả trong sứ điệp của Anh Cả Cook. Nếu một người bạn thuộc một tín ngưỡng khác hỏi họ tại sao Giáo Hội lại đưa ra những sự điều chỉnh này thì họ sẽ nói gì? Khuyến khích họ tìm kiếm các câu trả lời khả thi trong sứ điệp của Anh Cả Cook. Chúng ta có thể làm gì với tư cách là các cá nhân và gia đình, và với tư cách là một nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ, để đảm bảo rằng các thay đổi này hoàn thành những điều Chúa kỳ định? Như là một phần của cuộc thảo luận này, anh chị em cũng có thể chia sẻ những ý kiến từ lời mở đầu của Chủ Tịch Russell M. Nelson mà soi dẫn cho các tín hữu để “nhiệt tình chấp nhận” các thay đổi này.

Hình Ảnh
Anh Cả Ronald A. Rasband

Ronald A. Rasband, “Chớ Bối Rối”

Sứ điệp của Anh Cả Rasband làm nổi bật nhiều đoạn thánh thư mà có thể giúp chúng ta loại bỏ bất kỳ nỗi sợ hãi nào chúng ta có thể có về thời kỳ đầy nguy hiểm chúng ta đang sống. Yêu cầu các tín hữu tìm kiếm trong các đoạn thánh thư này lời khuyên dạy mà họ có thể chia sẻ với một ai đó đang cảm thấy sợ hãi về tương lai. Họ có thể chia sẻ những điều nào khác từ sứ điệp của Anh Cả Rasband? Làm thế nào nỗi sợ hãi có thể “[hạn chế] quan điểm của con cái của Thượng Đế”? Mời các tín hữu chia sẻ cách họ đã học được để vượt qua những nỗi sợ hãi của họ và sống với đức tin.

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

David A. Bednar, “Hội Hiệp Muôn Vật Lại trong Đấng Ky Tô”

Cân nhắc việc mang một sợi dây thừng và một bản liệt kê để trưng bày. Mời các tín hữu thảo luận về sự khác biệt giữa việc xem các lẽ thật phúc âm và các chương trình trong Giáo Hội như là một sợi dây thừng và việc xem những điều này như là một bản liệt kê các đề tài riêng rẽ và bổn phận. Khuyến khích các tín hữu tìm kiếm những sự hiểu biết trong các ví dụ trong sứ điệp của Anh Cả Bednar. “Hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì? (xin xem Ê Phê Sô 1:10). Chúng ta có thể làm gì để nhận được lời hứa trong phần kết thúc sứ điệp của Anh Cả Bednar?

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Dallin H. Oaks, “Lẽ Thật và Kế Hoạch”

Việc hiểu được “các lẽ thật của phúc âm phục hồi” giúp đỡ chúng ta như thế nào khi đối mặt với sự chống đối niềm tin và lối thực hành của chúng ta? Để trả lời câu hỏi này, các tín hữu có thể đọc lại các ví dụ về những lẽ thật căn bản trong phần II của sứ điệp của Chủ Tịch Oaks. Họ cũng có thể đọc lại các ví dụ về cách các lẽ thật này được áp dụng (xin xem phần III). Có thể có ích cho các tín hữu để đóng diễn cách họ sẽ sử dụng một số các lẽ thật căn bản này để phản ứng lại trước những lời chỉ trích những điều giảng dạy hay lối thực hành của Giáo Hội.

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

D. Todd Christofferson, “Vững Chắc và Kiên Trì trong Đức Tin Nơi Đấng Ky Tô”

Anh chị em có thể bắt đầu cuộc thảo luận sứ điệp này bằng cách vẽ một đường thẳng lên trên bảng với Ảnh Hưởng của Xã Hội ở một đầu và Sự Cam Kết Giống Như Đấng Ky Tô ở đầu kia. Mời các tín hữu đọc đoạn bắt đầu bằng “Chúng ta theo phúc âm …”, và suy ngẫm xem họ theo phúc âm là vì ảnh hưởng của xã hội hay vì sự cam kết giống như Đấng Ky Tô. Chúng ta học được điều gì từ các ví dụ trong sứ điệp của Anh Cả Christofferson mà soi dẫn chúng ta đứng vững chắc và kiên định trong sự thống khổ? (xin xem thêm An Ma 36:27–28). Khuyến khích các tín hữu chia sẻ những ví dụ về những người họ biết mà đã cho thấy sự cam kết giống như Đấng Ky Tô với phúc âm, ngay cả khi đang đối mặt với sự thống khổ.

Hình Ảnh
Anh Cả Ulisses Soares

Ulisses Soares, “Thảy Đều Làm Một trong Đấng Ky Tô”

Theo như Anh Cả Soares, Sông Amazon tượng trưng cho các tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Sự so sánh này giảng dạy cho chúng ta điều gì về ảnh hưởng mà các tín hữu mới có thể có lên Giáo Hội? Làm thế nào chúng ta, với tư cách là một nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ, có thể noi theo lời khuyên dạy của Anh Cả Soares để khích lệ, ủng hộ, và yêu thương những người mới cải đạo? (xin xem Mô Rô Ni 6:4–5). Có lẽ, một vài tín hữu có thể chia sẻ một số thử thách họ đã gặp phải với tư cách là các tín hữu mới của Giáo Hội và cách các tín hữu khác đã giúp đỡ họ. Anh chị em cũng có thể thảo luận các cách mà các tín hữu mới có thể đã củng cố tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của anh chị em.

Hình Ảnh
Anh Cả Gerrit W. Gong

Gerrit W. Gong, “Ngọn Lửa Đức Tin của Chúng Ta”

Cân nhắc việc trưng bày một bức tranh về một ngọn lửa trại và mời một ai đó chia sẻ một kinh nghiệm khi người đó biết ơn vì đã có một ngọn lửa trại. Yêu cầu các tín hữu thảo luận những điều Anh Cả Gong nói đến khi ông nói về một “ngọn lửa đức tin.” Sau đó, anh chị em có thể chia các tín hữu ra thành nhiều nhóm và mời mỗi nhóm đọc lại và chia sẻ một trong năm cách mà Anh Cả Gong đề nghị rằng một “ngọn lửa đức tin” có thể khích lệ chúng ta. Cho các tín hữu thời gian để suy ngẫm cách họ có thể củng cố đức tin của riêng họ hoặc đức tin của một ai đó họ biết.

Hình Ảnh
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf

Dieter F. Uchtdorf, “Tin Tưởng, Yêu Thương, Làm Theo”

Anh chị em có thể bắt đầu cuộc thảo luận sứ điệp này bằng cách viết lên trên bảng Sự Vô VọngNiềm Hạnh Phúc. Mời các tín hữu tra cứu sứ điệp để tìm các thái độ và niềm tin mà dẫn đến sự vô vọng và niềm hạnh phúc và liệt kê những điều này lên trên bảng. Mời các tín hữu chia sẻ những cách họ đã nhận được niềm hạnh phúc mà đến từ việc tin tưởng, yêu thương, và làm theo, như Anh Cả Uchtdorf giảng dạy. Khuyến khích các tín hữu tìm một câu trích dẫn khích lệ từ sứ điệp để trưng bày trong nhà họ hoặc chia sẻ với một người bạn.

Hình Ảnh
Chị Joy D. Jones

Joy D. Jones, “Vì Ngài”

Cân nhắc việc chia sẻ câu chuyện ở đầu sứ điệp của Chị Jones và yêu cầu các tín hữu hãy suy nghĩ về những lúc khi những nỗ lực phục vụ và phục sự của họ có thể dường như “bị làm ngơ hoặc … không được biết ơn hay thậm chí còn vô ích.” Sau khi thảo luận về câu chuyện, hãy cân nhắc việc viết lên trên bảng Tại sao chúng ta phục vụ? Mời các tín hữu trả lời câu hỏi này bằng cách đọc lại toàn bộ sứ điệp của Chị Jones, tìm kiếm ý kiến (xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 59:5). Lời khuyên dạy của Chị Jones có thể thay đổi cách chúng ta chăm sóc và phục sự lẫn nhau như thế nào?

Hình Ảnh
Chị Michelle D. Craig

Michelle D. Craig, “Chưa Hài Lòng về Nếp Sống Thuộc Linh của Mình”

Chị Craig nói về “một sự khác biệt giữa hiện trạng của con người chúng ta và trạng thái của con người mà chúng ta muốn trở thành.” Thượng Đế muốn chúng ta cảm thấy như thế nào về sự khác biệt này? Sa Tan muốn chúng ta cảm thấy như thế nào về sự khác biệt này? Mỗi tín hữu có thể tra cứu một trong ba phần trong sứ điệp của Chị Craig để tìm câu trả lời cho các câu hỏi này. Chúng ta có thể làm gì để bảo đảm rằng việc chúng ta “chưa hài lòng về nếp sống thuộc linh của mình” không trở thành “nản lòng đến mức không làm gì cả”?

Hình Ảnh
Chị Cristina B. Franco

Cristina B. Franco, “Niềm Vui của Sự Phục Vụ Vô Vị Kỷ”

Để giảng dạy rằng “tình yêu thương đó được trở nên thiêng liêng qua sự hy sinh,” Chị Franco chia sẻ hai câu chuyện—một về Victoria và một về một người góa phụ. Anh chị em có thể mời hai tín hữu chuẩn bị trước buổi họp để chia sẻ những điều họ học được về tình yêu thương và sự hy sinh qua các câu chuyện này. Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào khác mà giảng dạy cùng một nguyên tắc? Việc cho xem một đoạn video mô tả Đấng Cứu Rỗi phục vụ người khác có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về cách chúng ta có thể noi theo tấm gương của Ngài về “[sự phục vụ] kết hợp với tình yêu thương và sự hy sinh.”

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Henry B. Eyring, “Phụ Nữ và Việc Học Phúc Âm trong Nhà”

Các đoạn thánh thư và đoạn trích dẫn từ “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” mà Chủ Tịch Eyring sử dụng trong sứ điệp của ông cung cấp những sự hiểu biết về tầm quan trọng của ảnh hưởng của phụ nữ trong nhà. Các tín hữu có thể cùng nhau tìm kiếm các đoạn thánh thư và đoạn trích dẫn này và thảo luận những điều họ học được. Chủ Tịch Eyring đưa ra những lời mời nào? Ông đưa ra những lời hứa nào? Cân nhắc cách việc hát hoặc đọc lời một bài thánh về mái gia đình có thể nâng cao cuộc thảo luận.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Dallin H. Oaks, “Cha Mẹ và Con Cái”

Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy cân nhắc phần nào trong sứ điệp của Chủ Tịch Oaks là có liên quan nhất đến những người trong nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ của mình. Đây là những câu hỏi khả thi anh chị em có thể đặt ra để khuyến khích sự thảo luận về sứ điệp của ông: Làm thế nào các xu hướng hiện đại được đề cập đến trong phần I của sứ điệp của Chủ Tịch Oaks chống lại kế hoạch của Cha Thiên Thượng? Chúng ta có thể chia sẻ những ví dụ nào về những người phụ nữ trung tín mà minh họa cho những lời phát biểu về phụ nữ trong phần II? Làm thế nào chúng ta có thể khích lệ các thiếu nữ chúng ta biết noi theo lời khuyên dạy cụ thể của Chủ Tịch Oaks dành cho họ trong phần III?

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Russell M. Nelson, “Sự Tham Gia của Các Chị Em Phụ Nữ trong Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên”

Nếu anh chị em giảng dạy Hội Phụ Nữ thì hãy cân nhắc việc chia các chị em ra làm bốn nhóm và yêu cầu mỗi nhóm đọc một trong bốn lời mời trong sứ điệp của Chủ Tịch Nelson. Các nhóm có thể thảo luận điều gì gây ấn tượng cho họ về lời mời, những kinh nghiệm họ đã có khi hành động theo lời mời đó, và những ý tưởng về cách để hành động theo lời mời đó trong tương lai. Sau đó, mỗi nhóm có thể chia sẻ với mọi người những điều họ đã nói chuyện về. Nếu anh chị em giảng dạy những người nắm giữ chức tư tế thì anh chị em có thể yêu cầu họ tìm những lời phát biểu trong sứ điệp của Chủ Tịch Nelson mà cho thấy Cha Thiên Thượng cảm thấy như thế nào về các con gái của Ngài. Chúng ta có thể làm gì để ủng hộ và khích lệ sự tham gia của các chị em trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên?

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

M. Russell Ballard, “Khải Tượng về Sự Cứu Chuộc Người Chết”

Anh chị em có thể mời các tín hữu chấp nhận lời mời của Chủ Tịch Ballard và đọc Giáo Lý và Giao Ước 138 trước khi anh chị em thảo luận. Yêu cầu các tín hữu chia sẻ kinh nghiệm của họ và những sự hiểu biết từ tiết này trong suốt buổi họp. Các câu hỏi như sau đây có thể giúp các tín hữu hiểu được tầm quan trọng của điều mặc khải này: Làm thế nào điều mặc khải này mang đến cho chúng ta sự an ủi? Và điều mặc khải này chứa đựng những lẽ thật nào mà có thể ảnh hưởng ‘cách chúng ta sống cuộc sống hằng ngày của mình’?

Hình Ảnh
Chị Bonnie H. Cordon

Bonnie H. Cordon, “Trở Thành một Người Chăn”

Để giúp các tín hữu cân nhắc những cách họ có thể cải thiện trong những nỗ lực phục sự của họ, anh chị em có thể chia họ ra thành ba nhóm và yêu cầu mỗi nhóm đọc một trong ba phần có tiêu đề của sứ điệp của Chị Cordon. Mời họ chia sẻ các nguyên tắc về việc phục sự mà họ học được. Làm thế nào việc cố gắng tuân theo các nguyên tắc này có thể giúp chúng ta “trở thành những người chăn mà Chúa cần chúng ta trở thành”? Mời các tín hữu chia sẻ những kinh nghiệm khi sự phục sự của một người khác đã giúp họ cảm thấy được Chúa biết đến và yêu thương.

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Jeffrey R. Holland, “Chức Vụ Giảng Hòa”

Anh chị em có thể bắt đầu cuộc thảo luận về sứ điệp của Anh Cả Holland bằng cách mời các tín hữu hãy suy nghĩ về một mối quan hệ trong cuộc sống của họ mà cần sự chữa lành hoặc giảng hòa. Sau đó, họ có thể tra cứu sứ điệp của Anh Cả Holland, tìm kiếm cách Brad và Pam Bowen đã có thể giúp cha họ chữa lành. Những phước lành nào đã đến từ nỗ lực này? Các tín hữu nhận được những sự hiểu biết nào mà có thể giúp họ chữa lành những mối quan hệ của họ?

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Neil L. Andersen, “Bị Tổn Thương”

Để giới thiệu sứ điệp của Anh Cả Andersen, anh chị em có thể cùng nhau đọc Lu Ca 10:30–35. Tất cả chúng ta giống như người lâm vào kẻ cướp như thế nào? Theo như Anh Cả Andersen, về phương diện nào Chúa Giê Su Ky Tô là “Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành”? Làm thế nào chúng ta có thể chấp nhận sự chữa lành của Ngài? Có lẽ, anh chị em có thể mời các tín hữu chia sẻ những cách mà Đấng Cứu Rỗi đã chữa lành vết thương của họ hay của những người thân yêu. Họ cũng có thể tra cứu những lời của Anh Cả Andersen để tìm một sứ điệp khích lệ mà họ có thể chia sẻ với một ai đó bị tổn thương.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội”

Chúa Giê Su Ky Tô đã truyền lệnh rằng Giáo Hội phải được gọi theo danh của Ngài. Anh chị em có thể giúp các tín hữu gia tăng ước muốn của họ để tuân theo lời chỉ dẫn này bằng cách mời họ tra cứu sứ điệp của Chủ Tịch Nelson, tìm kiếm những lý do tại sao “không thể thay đổi tên của Giáo Hội được.” Sau đó, hãy mời họ tra cứu phần cuối sứ điệp của Chủ Tịch Nelson để tìm các lời hứa ông nói sẽ đến khi chúng ta làm việc để “phục hồi lại đúng tên của Giáo Hội của Chúa.” Chúng ta có thể làm gì để phụ giúp trong nỗ lực này?

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Henry B. Eyring, “Hãy Cố Gắng, Cố Gắng, Cố Gắng”

Chủ Tịch Eyring đặt ra “hai câu hỏi quan trọng”: “Tôi phải làm gì để mang danh [của Đấng Cứu Rỗi]?” và “Làm sao tôi biết được khi nào tôi đang tiến bộ?” Có lẽ, anh chị em có thể viết các câu hỏi này lên trên bảng và mời các tín hữu chia sẻ những sự hiểu biết họ có được về các câu hỏi này từ sứ điệp của Chủ Tịch Eyring và tấm gương của Chị Eyring. Chủ Tịch Eyring cũng đề cập đến bài hát “I’m Trying to Be like Jesus” (Children’s Songbook, trang 78–79). Những lời trong bài hát thêm điều gì vào trong cuộc thảo luận?

Hình Ảnh
Anh Cả Dale G. Renlund

Dale G. Renlund, “Ngày Nay Hãy Chọn Ai”

Các tín hữu có thể nghĩ về một ai đó họ muốn khích lệ để tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng, chẳng hạn như một người trong gia đình hoặc một ai đó họ phục sự. Sau đó, họ có thể đọc lại sứ điệp của Anh Cả Renlund để khám phá xem Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô cảm thấy như thế nào về chúng ta. Làm thế nào Hai Ngài giúp chúng ta chọn sự vâng lời? Tấm gương của Hai Ngài gợi lên điều gì về cách chúng ta có thể cải thiện nỗ lực của mình trong gia đình và trong việc phục sự của chúng ta như thế nào?

Hình Ảnh
Anh Cả Gary E. Stevenson

Gary E. Stevenson, “Chăm Nom Các Linh Hồn”

Những người anh chị em giảng dạy có thể đã hỏi một câu hỏi như câu hỏi sau đây từ sứ điệp của Anh Cả Stevenson: “Làm sao chúng ta biết mình đang phục sự theo cách của Chúa?” Họ có thể được lợi ích từ việc thảo luận các câu trả lời khả thi cho câu hỏi này mà họ tìm thấy trong sứ điệp này. Mặt khác, anh chị em có thể mang ra một bức hình của Đấng Cứu Rỗi là người chăn chiên (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm [năm 2009], số 64) và mời các tín hữu chia sẻ một lẽ thật từ sứ điệp của Anh Cả Stevenson mà bức hình tượng trưng cho. Sau đó, các tín hữu có thể chia sẻ những điều họ cảm thấy được ấn tượng để làm nhờ cuộc thảo luận này.

In