Bây Giờ Đã Đến Lúc
Nếu có điều gì trong cuộc sống của anh chị em mà anh chị em cần phải xem xét lại thì bây giờ chính là lúc để làm điều đó.
Cách đây vài năm, trong khi chuẩn bị cho một chuyến công tác, tôi bắt đầu cảm thấy bị đau ngực. Vì quá lo lắng nên vợ tôi quyết định đi cùng tôi. Trong chặng đầu tiên của chuyến bay, cơn đau dữ dội đến mức làm tôi khó thở. Khi máy bay hạ cánh, chúng tôi rời sân bay và đi đến bệnh viện địa phương, nơi mà sau nhiều thử nghiệm, vị bác sĩ trực đã nói là chúng tôi an toàn để tiếp tục chuyến đi.
Chúng tôi trở lại sân bay và đáp chuyến bay tới điểm đến cuối cùng. Khi máy bay đang đáp xuống, thì người phi công nói qua hệ thống điện thoại nội bộ và yêu cầu tôi xưng danh tính của mình. Người tiếp viên hàng không đến gần, và nói rằng họ vừa nhận được một cú điện thoại khẩn cấp, và cho tôi biết rằng có một xe cứu thương đang chờ ở sân bay để đưa tôi đến bệnh viện.
Chúng tôi lên xe cứu thương và được đưa đến phòng cấp cứu địa phương. Ở đó, chúng tôi đã gặp hai bác sĩ đang lo lắng và giải thích rằng tôi đã bị chẩn đoán nhầm và thực sự tôi đã bị nghẽn mạch phổi nghiêm trọng, hay là cục máu đông trong phổi của tôi, mà cần phải được điều trị ngay lập tức. Các bác sĩ thông báo với chúng tôi rằng nhiều bệnh nhân không sống sót trong tình trạng này. Vì biết rằng chúng tôi ở xa nhà và không biết chắc là liệu chúng tôi có sẵn sàng cho những sự kiện thay đổi cuộc sống như vậy hay không, nên các bác sĩ nói rằng nếu có bất cứ điều gì trong cuộc sống mà chúng tôi cần xem xét lại thì bây giờ chính là lúc để làm điều đó.
Tôi còn nhớ rõ hầu như ngay lập tức trong giây phút lo âu ấy thì hết thảy quan điểm của tôi đã thay đổi. Điều mà dường như đã vô cùng quan trọng chỉ trong vài giây phút trước đó thì giờ đây đã không còn đáng bận tâm nữa. Tâm trí tôi nhanh chóng thay đổi từ những lo toan của cuộc đời này đến một viễn cảnh vĩnh cửu—những ý nghĩ về gia đình, con cái, vợ tôi, và cuối cùng là một sự đánh giá về chính cuộc sống của tôi.
Nếp sống thuộc linh của chúng tôi ra sao với tư cách là một gia đình và riêng cá nhân? Chúng tôi có đang sống cuộc sống của mình phù hợp với các giao ước mà mình đã lập và những kỳ vọng của Chúa, hay có lẽ chúng tôi đã vô tình cho phép những những nỗi lo lắng trần tục làm chúng tôi xao lãng khỏi những điều quan trọng nhất?
Tôi xin mời anh chị em suy nghĩ về một bài học quan trọng đã học được từ kinh nghiệm này: để ngừng tập trung vào những nỗi lo lắng trần tục và đánh giá cuộc sống của anh chị em. Hoặc theo như lời của vị bác sĩ là nếu có điều gì trong cuộc sống của anh chị em mà anh chị em cần phải xem xét lại thì bây giờ chính là lúc để làm điều đó.
Đánh Giá Cuộc Sống của Chúng Ta
Chúng ta đang sống trong một thế giới với quá nhiều thông tin, bị chi phối bởi những điều xao lãng càng ngày càng gia tăng khiến cho càng ngày càng khó khăn hơn để sắp xếp được sự hỗn loạn của cuộc sống này và tập trung vào những điều có giá trị vĩnh cửu. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta bị tấn công dồn dập bởi những hàng tít thu hút sự chú ý của chúng ta được mang lại bởi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.
Trừ khi chúng ta dành thời gian ra để suy ngẫm, còn không thì chúng ta có thể không nhận ra ảnh hưởng của môi trường có nhịp sống hối hả đối với cuộc sống hằng ngày của mình và những điều mà mình lựa chọn. Chúng ta có thể thấy cuộc sống của mình bị mòn mỏi bởi các số lượng nhỏ thông tin được truyền tải qua các trào lưu, video và các hàng tít giật gân. Mặc dù thú vị và có tính giải trí, nhưng hầu hết những thứ này không liên quan gì tới sự tiến bộ vĩnh cửu của chúng ta, mà chúng còn ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ về kinh nghiệm trần thế của mình nữa.
Những điều xao lãng này của thế gian có thể được so sánh với những điều xao lãng trong giấc mơ của Lê Hi. Khi tiến bước trên con đường giao ước với bàn tay của mình nắm chặt vào thanh sắt, chúng ta nghe thấy những người “có hành động chế giễu và chỉ trỏ” từ tòa nhà rộng lớn vĩ đại (1 Nê Phi 8:27). Chúng ta có thể không cố tình có ý định làm thế, nhưng đôi khi chúng ta tạm dừng chân và tập trung vào việc xem sự náo động đó là gì. Một số người trong chúng ta còn có thể buông thanh sắt ra và tiến lại gần hơn để nhìn rõ hơn nữa. Những người khác có thể hoàn toàn rời bỏ con đường giao ước “vì thấy những người kia đang chế nhạo mình” (1 Nê Phi 8:28).
Đấng Cứu Rỗi cảnh báo chúng ta “hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì … sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng” (Lu Ca 21:34). Điều mặc khải cận đại nhắc nhở chúng ta rằng có nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn. Họ không được chọn “vì lòng họ quá quan tâm đến những vật chất của thế gian này, và khát vọng đến danh lợi của loài người” (Giáo Lý và Giao Ước 121:35; xin xem thêm câu 34). Việc đánh giá cuộc sống của chúng ta cho chúng ta một cơ hội để ngừng tập trung vào những nỗi lo lắng trần tục, suy ngẫm về việc chúng ta đứng ở đâu trên con đường giao ước, và nếu cần thiết, thay đổi để bảo đảm đã bám thật chắc và nhìn về phía trước.
Mới gần đây, trong một buổi họp đặc biệt devotional của giới trẻ trên toàn cầu, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời giới trẻ ngừng tập trung vào những nỗi lo lắng trần tục, tạm ngừng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong bảy ngày. Và mới tối hôm qua, ông đã đưa ra một lời mời tương tự cho các chị em phụ nữ như là một phần của phiên họp đại hội của phụ nữ. Sau đó, ông yêu cầu giới trẻ lưu ý đến bất cứ sự khác biệt nào về cảm nghĩ của họ, điều họ suy nghĩ, hoặc thậm chí họ nghĩ như thế nào. Sau đó, ông mời họ “làm một cuộc đánh giá toàn diện với Chúa về cuộc sống … để chắc chắn rằng các em đứng vững vàng trên con đường giao ước.” Ông khuyến khích họ rằng nếu có những điều trong cuộc sống của họ cần được thay đổi, thì “thời điểm hoàn hảo để thay đổi chính là ngay bây giờ.”1
Khi đánh giá những điều trong cuộc sống của mình mà cần phải thay đổi, thì chúng ta có thể tự hỏi một câu hỏi thiết thực: Làm sao chúng ta vượt lên trên những điều xao lãng của thế gian này và luôn tập trung vào viễn cảnh vĩnh cửu trước mắt mình?
Trong một bài nói chuyện tại đại hội năm 2007 có tựa đề là “Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất,” Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy cách ưu tiên hóa những sự lựa chọn trong số nhiều đòi hỏi trần tục đầy xung đột của chúng ta. Ông dạy: “Chúng ta phải từ bỏ một số điều tốt để chọn những điều khác tốt hơn hoặc tốt nhất vì những điều này phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và củng cố gia đình của chúng ta.”2
Tôi xin đề nghị rằng những điều tốt nhất trong cuộc sống này là tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và sự hiểu biết về các lẽ thật vĩnh cửu rằng Ngài là ai và chúng ta là ai trong mối quan hệ của chúng ta với Ngài.
Tìm Kiếm Lẽ Thật
Khi tìm cách biết Đấng Cứu Rỗi, chúng ta không nên bỏ qua lẽ thật cơ bản rằng chúng ta là ai và tại sao chúng ta có mặt ở đây. A Mu Léc nhắc chúng ta nhớ rằng “cuộc sống này là thời gian … chuẩn bị để gặp Thượng Đế,” là thời gian mà “chúng ta được ban cho để chuẩn bị cho thời vĩnh cửu” (An Ma 34:32–33). Như câu châm ngôn nổi tiếng nhắc nhở chúng ta: “Chúng ta không phải là những con người có kinh nghiệm thuộc linh. Chúng ta là những linh thể có kinh nghiệm của con người.”3
Việc hiểu được nguồn gốc thiêng liêng của mình là thiết yếu cho sự tiến bộ vĩnh cửu của chúng ta và có thể giải thoát chúng ta khỏi những điều xao lãng của cuộc đời này. Đấng Cứu Rỗi đã dạy:
“Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta;
“Và các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:31–32).
Chủ Tịch Joseph F. Smith tuyên bố: “Thành tích vĩ đại nhất mà nhân loại có thể đạt được trong thế giới này là làm quen với lẽ thật thiêng liêng, thật trọn vẹn, thật hoàn toàn đến mức tấm gương hoặc hành vi của không một sinh vật nào trên thế gian có thể khiến cho họ nghi ngờ sự hiểu biết mà họ đã thu đạt được.”4
Trong thế giới ngày nay, cuộc tranh luận về lẽ thật đã đạt đến cường độ cao, với tất cả các bên cho rằng lẽ thật như thể nó là một khái niệm tương đối tùy thuộc vào cách giải thích của cá nhân. Thiếu niên Joseph Smith nhận thấy rằng “sự tranh chấp và sự hỗn loạn … quá lớn lao” trong cuộc sống của ông “nên [ông] không thể nào đi đến kết luận chắc chắn là ai đúng và ai sai” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:8). Chính là “ở giữa trận khẩu chiến và xung đột về quan điểm này” mà ông đã đi tìm sự hướng dẫn thiêng liêng bằng cách tìm kiếm lẽ thật (Joseph Smith—Lịch Sử 1:10).
Trong đại hội tháng Tư, Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Nếu chúng ta muốn có hy vọng để sàng lọc được vô số tiếng nói và triết lý loài người mà đả kích lẽ thật, thì chúng ta phải học cách nhận được sự mặc khải.”5 Chúng ta cần phải học cách dựa vào Thần Lẽ Thật mà “thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài” (Giăng 14:17).
Trong khi thế giới này mau chóng chuyển sang ủng hộ những thật tế khác ngoài lẽ thật, chúng ta phải nhớ tới những lời của Gia Cốp rằng “Thánh Linh chỉ nói sự thật và không nói dối. Vậy nên, Thánh Linh nói lên những điều đúng với sự thật hiện hữu, và đúng với sự thật mà những điều ấy sẽ có; vậy nên, những điều này đã được biểu hiện cho chúng ta thấy một cách rõ ràng, vì sự cứu rỗi linh hồn của chúng ta” (Gia Cốp 4:13).
Khi chúng ta ngừng tập trung vào những lo lắng trần tục và đánh giá cuộc sống của mình thì giờ đây chính là lúc để xem xét những điều chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta có thể có nhiều hy vọng khi biết rằng Đấng Gương Mẫu của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, một lần nữa đã dẫn đường. Trước khi Ngài chết và phục sinh, trong khi Ngài đang lao nhọc để giúp những người xung quanh Ngài hiểu được vai trò thiêng liêng của Ngài, Ngài nhắc nhở họ rằng “các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Tôi làm chứng về Ngài trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.