2018
Hãy Ngẩng Đầu Lên và Vui Vẻ
Tháng Mười Một năm 2018


Hãy Ngẩng Đầu Lên và Vui Vẻ

Khi chúng ta đối phó với những việc khó khăn theo cách của Chúa, cầu xin cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên và vui vẻ.

Năm 1981, cha tôi, hai người bạn thân, và tôi đã đi một chuyến phiêu lưu ở Alaska. Chúng tôi phải đáp xuống một hồ nước xa xôi và trèo lên vùng núi non hùng vĩ. Để giảm bớt đồ đạc nặng nề mà mình sẽ đích thân mang theo, chúng tôi gói đồ đạc vào trong các thùng, bọc chúng lại bằng bao xốp, gắn những nhãn hiệu lớn màu sắc sặc sỡ, và ném chúng ra ngoài cửa sổ máy bay xuống địa điểm chúng tôi dự định đến.

Sau khi đến nơi, chúng tôi đã tìm kiếm khắp nơi, nhưng với nỗi thất vọng, chúng tôi không thể tìm thấy cái thùng nào cả. Cuối cùng chúng tôi tìm thấy một cái thùng. Nó chứa một cái bếp ga nhỏ, một tấm bạt, một ít kẹo, và hai gói Hamburger Helper để trộn với thịt—nhưng không có thịt bằm. Chúng tôi không có cách nào để giao tiếp với thế giới bên ngoài và lịch trình máy bay đến đón chúng tôi là một tuần sau đó.

Tôi đã học được hai bài học có giá trị từ kinh nghiệm này: Một là không ném thức ăn của mình ra ngoài cửa sổ. Hai là đôi khi chúng ta phải đối phó với những việc khó khăn.

Thông thường, phản ứng đầu tiên của chúng ta khi gặp những việc khó khăn là hỏi “Tại sao khó khăn này lại xảy ra cho tôi?” Tuy nhiên, câu hỏi tại sao không bao giờ lấy đi việc khó khăn cả. Chúa đòi hỏi chúng ta khắc phục những thử thách, và Ngài đã phán rằng “những điều này sẽ đem lại cho [chúng ta] một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho [chúng ta].”1

Đôi khi Chúa phán bảo chúng ta phải làm một việc khó khăn, và đôi khi những thử thách của chúng ta được tạo ra bởi việc sử dụng quyền tự quyết của chúng ta hoặc của người khác. Nê Phi đã trải qua cả hai tình huống này. Khi bảo các con trai của mình trở lại để lấy các bảng khắc từ La Ban, Lê Hi đã nói: “Này, các anh con ta thán, bảo rằng cha đã đòi hỏi chúng một việc quá khó khăn; nhưng này, đâu phải cha đòi hỏi chúng làm việc ấy, mà đó là một lệnh truyền của Chúa.”2 Vào một dịp khác, các anh của Nê Phi đã sử dụng quyền tự quyết của họ để hạn chế quyền tự quyết của ông: “Họ túm lấy tôi, vì này, họ tức giận tôi quá sức, họ lấy dây thừng trói tôi lại, vì họ muốn tìm cách lấy mạng sống của tôi.”3

Joseph Smith đương đầu với một việc khó khăn trong Ngục Thất Liberty. Vì không thấy là mình sẽ được giải cứu và lòng đầy tuyệt vọng, Joseph đã kêu lên: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?”4 Chắc chắn là một số người trong chúng ta cũng đã cảm thấy như Joseph vậy.

Mọi người đều phải đương đầu với những việc khó khăn: cái chết của người thân, ly dị, một đứa con bướng bỉnh, bệnh tật, thử thách đức tin, bị mất việc làm, hoặc bất cứ khó khăn nào khác.

Tôi đã vĩnh viễn thay đổi khi nghe những lời này của Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai, ông đã nói trong khi đang chiến đấu với căn bệnh bạch cầu. Ông nói: “Tôi đang ngẫm nghĩ cặn kẽ thì những lời giải thích và trấn an này đến với tâm trí tôi: ‘Ta đã cho ngươi bệnh bạch cầu để ngươi có thể giảng dạy cho dân của ta với tính xác thực.’” Sau đó, ông tiếp tục cho biết là kinh nghiệm này đã ban phước cho ông như thế nào với “viễn cảnh về những thực tế tuyệt vời của cõi vĩnh cửu. … Những hiểu biết như vậy về cõi vĩnh cửu có thể giúp chúng ta tiếp tục tiến triển mặc dù điều đó có thể rất khó khăn.”5

Để giúp chúng ta tiến triển và khắc phục trong những thời gian khó khăn của mình với những hiểu biết như vậy về cõi vĩnh cửu, tôi xin đề nghị hai điều. Chúng ta phải đối phó với những việc khó khăn, trước hết, bằng cách tha thứ cho người khác và thứ hai, bằng cách thuận theo ý muốn của Cha Thiên Thượng.

Có thể rất khó để tha thứ cho những người có thể đã gây ra khó khăn cho chúng ta và hòa mình “thuận theo ý muốn của Thượng Đế”6. Điều có thể làm tổn thương nhất là khi việc khó khăn của chúng ta do một người trong gia đình, một người bạn thân, hoặc thậm chí còn là chính chúng ta gây ra nữa.

Khi còn là một giám trợ trẻ, tôi đã học được cách tha thứ khi chủ tịch giáo khu của tôi, Bruce M. Cook, chia sẻ câu chuyện sau đây. Ông đã giải thích:

“Vào cuối thập niên 1970, một số cộng sự và tôi bắt đầu một doanh nghiệp. Mặc dù chúng tôi không làm điều gì bất hợp pháp, nhưng một vài quyết định sai lầm, kèm theo thời kỳ kinh tế khó khăn, đã dẫn đến sự thất bại của chúng tôi.

“Một số người đầu tư đã khởi kiện để lấy lại những phần thua lỗ của họ. Luật sư của họ lại là một cố vấn trong giám trợ đoàn của gia đình tôi. Thật là khó để tán trợ người mà dường như đang tìm cách làm hại tôi. Tôi đã bắt đầu cảm thấy thực sự thù oán người ấy và coi người ấy như là kẻ thù. Sau năm năm vất vả tranh kiện, chúng tôi đã mất tất cả những gì mình sở hữu, kể cả căn nhà.

“Vào năm 2002, vợ chồng tôi biết được rằng chủ tịch đoàn giáo khu mà tôi phục vụ với tư cách là cố vấn trong đó đang được tổ chức lại. Khi chúng tôi làm một chuyến đi chơi ngắn trước khi được giải nhiệm, vợ tôi hỏi là tôi sẽ chọn ai làm hai cố vấn của tôi nếu tôi được kêu gọi với tư cách là chủ tịch mới của giáo khu. Tôi không muốn nói về điều đó, nhưng vợ tôi vẫn nằn nì muốn biết. Cuối cùng, một cái tên đến với tâm trí tôi. Sau đó, vợ tôi đề cập đến tên của người luật sư mà chúng tôi đã coi là nguyên nhân chính của những khó khăn của chúng tôi 20 năm trước đó. Trong khi vợ tôi nói, thì Thánh Linh đã xác nhận rằng người ấy phải là một trong hai người cố vấn. Tôi có thể tha thứ cho người này không?

“Khi Anh Cả David E. Sorensen đưa ra cho tôi lời kêu gọi để phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu, ông đã cho tôi một tiếng đồng hồ để chọn hai cố vấn. Tôi đã khóc và nói rằng Chúa đã ban cho điều mặc khải đó rồi. Khi nói tên của người mà tôi đã xem là kẻ thù, thì nỗi tức giận, thù oán, và căm ghét chất chứa trong lòng tôi đã biến mất. Trong giây phút đó, tôi đã học được sự bình an đến từ sự tha thứ nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô.”

Nói cách khác, vị chủ tịch giáo khu của tôi đã “chân thành tha thứ” cho người ấy giống như Nê Phi thời xưa.7 Tôi biết Chủ Tịch Cook và cố vấn của ông là hai vị lãnh đạo chức tư tế ngay chính, và yêu mến nhau. Tôi quyết tâm phải được giống như họ.

Nhiều năm trước, trong cuộc hành trình khó khăn của chúng tôi ở Alaska, tôi đã nhanh chóng biết rằng việc đổ lỗi cho người khác về hoàn cảnh của mình—người phi công ném tung thức ăn trong ánh sáng nhạt nhòa—không phải là một giải pháp. Tuy nhiên, khi chúng tôi trải qua tình trạng kiệt sức về thể xác, thiếu thức ăn, bệnh tật và ngủ trên mặt đất trong cơn bão lớn chỉ với một tấm bạt để đắp thì tôi đã học được rằng “không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được.”8

Các em trẻ tuổi thân mến, Thượng Đế đòi hỏi những việc khó khăn nơi các em. Một thiếu nữ 14 tuổi đã tham gia thi đấu bóng rổ. Em ấy mơ ước được chơi bóng rổ cho trường trung học giống như chị gái của mình. Sau đó, em ấy biết rằng cha mẹ mình đã được kêu gọi chủ tọa một phái bộ truyền giáo ở Guatemala.

Khi đến nơi, em ấy khám phá ra rằng hai lớp học của em sẽ bằng tiếng Tây Ban Nha, một ngôn ngữ mà em chưa nói được. Không có một đội thể thao nữ nào ở trường học của em ấy. Em ấy sống trên tầng 14 của một tòa nhà với an ninh rất chặt chẽ. Và trên hết, em ấy không thể ra ngoài một mình vì lý do an toàn.

Cha mẹ của em ấy đã nghe em ấy khóc lóc cho đến khi ngủ mỗi đêm trong nhiều tháng. Điều này làm họ đau lòng! Cuối cùng họ quyết định sẽ gửi em ấy về nhà với bà ngoại của em để học trường trung học.

Khi bước vào phòng con gái chúng tôi để nói cho nó biết về quyết định của chúng tôi, thì vợ tôi thấy con gái chúng tôi đang quỳ xuống cầu nguyện với quyển Sách Mặc Môn mở trên giường. Thánh Linh mách bảo với vợ tôi: “Nó sẽ ổn thôi,” và vợ tôi lặng lẽ rời khỏi phòng.

Chúng tôi không bao giờ còn nghe nó khóc lóc cho đến khi ngủ nữa. Với quyết tâm và sự giúp đỡ của Chúa, nó đã đối phó với ba năm đó một cách dũng cảm.

Vào lúc kết thúc công việc truyền giáo của chúng tôi, tôi đã hỏi con gái tôi là nó sẽ phục vụ truyền giáo toàn thời gian không. Nó đáp: “Thưa Cha, không, con đã phục vụ rồi.”

Tôi cũng thấy ổn với quyết định đó! Nhưng khoảng sáu tháng sau, Thánh Linh đánh thức tôi trong đêm với ý nghĩ này: “Ta đã kêu gọi con gái của ngươi đi phục vụ truyền giáo.”

Phản ứng của tôi là “Thưa Cha Thiên Thượng, nó đã hy sinh quá nhiều rồi.” Tôi đã được Thánh Linh sửa chỉnh nhanh chóng và tiến đến việc hiểu rằng sự phục vụ truyền giáo của nó là do Chúa phán bảo.

Không lâu sau đó, tôi đưa con gái tôi đi ăn trưa. Ngồi ngang bên kia bàn, tôi nói: “Ganzie, con có biết tại sao chúng ta ở đây không?”

Nó nói: “Thưa Cha, vâng. Cha biết là con phải đi phục vụ truyền giáo. Con không muốn đi, nhưng con sẽ đi.”

Vì đã thuận theo ý muốn của Cha Thiên Thượng, nên nó đã phục vụ Ngài với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh. Nó đã dạy cho cha nó cách làm một việc khó làm.

Trong buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu của Chủ Tịch Russell M. Nelson dành cho giới trẻ, ông đã yêu cầu họ làm một số việc khó khăn. Chủ Tịch Nelson nói: “Lời mời thứ năm của tôi là các em đứng nổi bật và khác biệt với thế gian. … Chúa cần các em trông giống như, nói giống như, hành động giống như, và ăn mặc giống như một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.”9 Đó có thể là một việc khó khăn, nhưng tôi biết là các em có thể làm được—với niềm vui.

Hãy nhớ rằng “loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui.”10 Với tất cả những gì đã trải qua, Lê Hi vẫn tìm thấy niềm vui. Còn nhớ khi An Ma đã “cảm thấy nặng trĩu ưu sầu”11 vì dân Am Mô Ni Ha không? Vị thiên sứ đã bảo ông: “Phước thay cho ngươi, An Ma; vậy nên hãy ngẩng đầu lên và vui vẻ, vì ngươi đã có lý do lớn lao để vui mừng; vì ngươi đã trung thành tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế.”12 An Ma đã học được một lẽ thật lớn lao: chúng ta có thể luôn được vui vẻ khi tuân giữ các lệnh truyền. Hãy nhớ rằng trong lúc chiến tranh và những thử thách phải đối phó trong thời Lãnh Binh Mô Rô Ni, “chưa lúc nào có thời gian vui sướng trong dân Nê Phi bằng dưới thời Mô Rô Ni.”13 Chúng ta có thể và nên tìm thấy niềm vui khi đương đầu với những việc khó khăn.

Chúa đã đương đầu với những việc khó khăn: “Thế gian … sẽ xét đoán Ngài như một người hư không; vậy nên, họ quất Ngài bằng roi, Ngài hứng chịu cho họ quất; họ đánh đập Ngài, Ngài hứng chịu cho họ đánh đập. Phải, họ khạc nhổ vào Ngài, Ngài cũng hứng chịu cho họ khạc nhổ, vì lòng thương yêu nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với con cái loài người.”14

Vì lòng nhân từ tử tế đó, nên Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đựng Sự Chuộc Tội. Do đó, Ngài phán với mỗi người chúng ta: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”15 Nhờ vào Đấng Ky Tô, chúng ta cũng có thể thắng thế gian.

Khi chúng ta đối phó với những việc khó khăn theo cách của Chúa, cầu xin cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên và vui vẻ. Trước cơ hội thiêng liêng này để làm chứng cùng thế giới, tôi tuyên bố rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta hằng sống và hướng dẫn Giáo Hội của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.