Các Vương Quốc Vinh Quang
Chúng ta có Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng sẽ bảo đảm rằng chúng ta nhận được mọi phước lành và mọi sự thuận lợi mà ước muốn và sự lựa chọn của chúng ta cho phép.
Các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô thường được hỏi: “Giáo hội của bạn khác biệt như thế nào với các Ky Tô giáo khác?” Trong số những câu trả lời chúng ta đưa ra là giáo lý trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều quan trọng nhất trong số giáo lý đó là sự thật rằng Cha Thiên Thượng yêu thương tất cả con cái của Ngài nhiều đến nỗi Ngài muốn tất cả chúng ta đều được sống mãi mãi trong một vương quốc vinh quang. Hơn nữa, Ngài muốn chúng ta sống vĩnh viễn với Ngài và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Kế hoạch của Ngài mang đến cho chúng ta những lời dạy và cơ hội để đưa ra những lựa chọn mà sẽ bảo đảm cho chúng ta số mệnh và cuộc sống mà chúng ta chọn.
I.
Từ sự mặc khải hiện đại, chúng ta biết rằng số mệnh tột bậc của tất cả những người sống trên thế gian không phải là ý tưởng thích hợp về thiên thượng thì dành cho người ngay chính, và những đau khổ vĩnh viễn trong ngục giới thì dành cho những người còn lại. Kế hoạch yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái Ngài gồm có thực tế này đã được Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, giảng dạy: “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở.”1
Giáo lý được mặc khải trong Giáo Hội phục hồi của Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô dạy rằng tất cả con cái của Thượng Đế—với một số ngoại lệ quá nhỏ không đáng kể ra đây—cuối cùng sẽ thừa hưởng một trong ba vương quốc vinh quang, thậm chí vương quốc vinh quang nhỏ nhất cũng “vượt quá mọi sự hiểu biết.”2 Sau một thời kỳ mà những kẻ bất tuân phải chịu đau khổ vì tội lỗi của họ thì nỗi đau khổ này chuẩn bị cho họ những điều sẽ xảy ra, tất cả sẽ được phục sinh và tiến tới Sự Phán Xét Cuối Cùng của Chúa Giê Su Ky Tô. Ở đó, Đấng Cứu Rỗi nhân từ của chúng ta, là Đấng mà chúng ta được dạy, “vinh danh Đức Chúa Cha, và cứu rỗi tất cả những công trình do tay Ngài tạo ra,”3 sẽ gửi tất cả con cái của Thượng Đế đến một trong các vương quốc vinh quang này theo như ước muốn được thể hiện qua những lựa chọn của họ.
Một giáo lý và cách thực hành độc đáo khác của Giáo Hội phục hồi là các lệnh truyền và giao ước đã được mặc khải mà mang đến cho tất cả con cái của Thượng Đế đặc ân thiêng liêng để hội đủ điều kiện nhận được mức độ vinh quang cao nhất trong thượng thiên giới. Đích đến cao nhất đó—sự tôn cao trong thượng thiên giới—là trọng tâm của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.
Từ sự mặc khải hiện đại, Các Thánh Hữu Ngày Sau có được sự hiểu biết độc nhất này về kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Kế hoạch đó bắt đầu với cuộc sống của chúng ta là các linh hồn trước khi chúng ta được sinh ra, và nó tiết lộ mục đích cũng như các điều kiện của cuộc hành trình đã được chúng ta chọn trên trần thế cũng như đích đến mong muốn của chúng ta sau đó.
II.
Chúng ta biết từ sự mặc khải hiện đại rằng “tất cả các vương quốc đều có luật pháp ban hành”4 và rằng vương quốc vinh quang mà chúng ta nhận được trong Sự Phán Xét Cuối Cùng được xác định bởi những luật pháp mà chúng ta chọn tuân theo trong cuộc sống trần thế của mình. Theo kế hoạch yêu thương đó, có nhiều vương quốc—nhiều chỗ ở—để tất cả con cái của Thượng Đế sẽ thừa hưởng một vương quốc vinh quang với luật pháp mà họ có thể “tuân theo” một cách thoải mái.
Khi mô tả tính chất và những đòi hỏi của mỗi vương quốc trong ba vương quốc trong kế hoạch của Đức Chúa Cha, chúng ta bắt đầu với vương quốc cao nhất, tức là trọng tâm của các lệnh truyền và giáo lễ thiêng liêng mà Thượng Đế đã mặc khải qua Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong vinh quang “thượng thiên”5 có ba mức độ,6 mà trong đó mức độ cao nhất là sự tôn cao trong thượng thiên giới. Đây là chỗ ở của những người “đã nhận được sự trọn vẹn của Ngài và vinh quang của Ngài,” vậy nên, “họ là những thượng đế, ngay cả là các con trai [và con gái] của Thượng Đế”7 và “được ở trong chốn hiện diện của Thượng Đế và Đấng Ky Tô của Ngài mãi mãi và đời đời.”8 Qua sự mặc khải, Thượng Đế đã tiết lộ các luật pháp, giáo lễ và giao ước vĩnh cửu mà cần phải được tuân thủ để phát triển các thuộc tính tin kính cần thiết nhằm nhận biết tiềm năng thiêng liêng này. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tập trung vào những điều này vì mục đích của Giáo Hội phục hồi này là nhằm chuẩn bị con cái của Thượng Đế cho sự cứu rỗi trong vinh quang thượng thiên và, đặc biệt hơn nữa, là cho sự tôn cao ở mức độ cao nhất.
Kế hoạch của Thượng Đế, dựa trên lẽ thật vĩnh cửu, đòi hỏi rằng sự tôn cao chỉ có thể đạt được qua sự trung thành với các giao ước về hôn nhân vĩnh cửu giữa một người nam và người nữ trong đền thờ thánh,9 mà cuối cùng rồi hôn nhân này sẽ dành sẵn cho tất cả những ai thành tín. Đó chính là lý do tại sao chúng ta giảng dạy rằng “phái tính là một đặc điểm cơ bản của từng người cho riêng nguồn gốc và mục đích ở trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu.”10
Một lời giảng dạy có giá trị độc nhất vô nhị để giúp chúng ta chuẩn bị cho sự tôn cao là bản tuyên ngôn về gia đình vào năm 1995. 11 Những lời của bản tuyên ngôn này làm sáng tỏ những đòi hỏi nhằm chuẩn bị cho chúng ta sống với Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Những người nào không hoàn toàn hiểu kế hoạch nhân từ của Đức Chúa Cha dành cho con cái Ngài đều có thể xem bản tuyên ngôn về gia đình này không hơn gì một lời tuyên bố về chính sách mà có thể được thay đổi. Trái lại, chúng ta khẳng định rằng bản tuyên ngôn về gia đình, được dựa trên giáo lý không thể thay đổi, vạch rõ mối quan hệ gia đình trên trần thế mà trong đó phần quan trọng nhất của sự phát triển vĩnh cửu của chúng ta có thể xảy ra.
Sứ đồ Phao Lô mô tả ba mức độ vinh quang bằng cách so sánh chúng với vinh quang của mặt trời, mặt trăng, và các vì sao.12 Ông gọi mức độ cao nhất là “thượng thiên” và thứ hai là “trung thiên.”13 Ông không nêu tên mức độ thấp nhất, nhưng một điều mặc khải cho Joseph Smith đã thêm vào tên của nó là: “hạ thiên.”14 Điều mặc khải khác cũng mô tả bản chất của những người được chỉ định cho mỗi vương quốc vinh quang này. Những người nào không chọn “tuân theo luật pháp của vương quốc thượng thiên”15 đều sẽ thừa hưởng một vương quốc vinh quang khác, kém hơn vương quốc thượng thiên nhưng phù hợp với các luật pháp mà họ đã chọn và có thể thoải mái “tuân theo.” Từ tuân theo đó rất phổ biến trong thánh thư, có nghĩa là chịu đựng.16 Ví dụ, những người ở trong vương quốc trung thiên—có thể so sánh với khái niệm phổ biến về thiên thượng—“là những người nhận được sự hiện diện của Vị Nam Tử, nhưng không nhận được sự trọn vẹn của Đức Chúa Cha.”17 Họ là “những người danh giá khi còn tại thế, nhưng bị mù quáng vì sự quỷ quyệt của loài người,”18 nhưng “không quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su.”19
Điều mặc khải mà mô tả về những người được chỉ định vào vương quốc vinh quang thấp nhất, hạ thiên giới, đều “không thể đương nổi … vinh quang trung thiên được.”20 Điều đó mô tả những người chối bỏ Đấng Cứu Rỗi và đã không tuân giữ hành vi của mình trong những giới hạn mà Chúa đã quy định. Đây là vương quốc nơi kẻ ác cư ngụ sau khi họ đã chịu đau khổ vì tội lỗi của mình. Đây là những người được mô tả trong điều mặc khải hiện đại là “những kẻ không chấp nhận phúc âm của Đấng Ky Tô, và cũng không chấp nhận chứng ngôn về Chúa Giê Su. …
“Đây là những kẻ dối trá, và những kẻ đồng bóng, và những kẻ ngoại tình, và những kẻ gian dâm, và bất cứ những kẻ nào ưa thích và làm điều dối trá.”21
Khi nói về ba vương quốc vinh quang với tầm nhìn của một vị tiên tri, Chủ Tịch Russell M. Nelson mới đây đã viết: “Cuộc sống trần thế rất ngắn ngủi so với thời vĩnh cửu. Tuy nhiên, mặc dù ngắn ngủi nhưng cuộc sống trần thế này quan trọng biết bao! Hãy xem xét kỹ cách mà kế hoạch này được thực hiện: Trong cuộc sống trần thế này, ta có quyền chọn các luật pháp nào chúng ta sẵn lòng tuân theo—các luật pháp của vương quốc thượng thiên, hay trung thiên, hoặc hạ thiên—và do đó, sẽ là vương quốc vinh quang nào mà chúng ta sẽ sống vĩnh viễn trong đó. Thật là một kế hoạch vĩ đại! Đó là một kế hoạch tôn vinh trọn vẹn quyền tự quyết của anh chị em.”22
III.
Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng những lời dạy và lệnh truyền của Chúa đã được ban cho để chúng ta đều có thể đạt được “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.”23 Tiến trình đó đòi hỏi nhiều hơn là việc thu thập kiến thức. “Việc chúng ta được thuyết phục về phúc âm cũng chưa đủ; chúng ta còn phải hành động để được phúc âm cải đạo nữa”. Trái ngược với lời thuyết giảng khác mà dạy chúng ta biết một điều gì đó, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thử thách chúng ta trở thành một con người như thế nào đó.
Từ những lời dạy như vậy, chúng ta kết luận rằng Sự Phán Xét Cuối Cùng không chỉ là một sự đánh giá tất cả những hành động thiện hay ác—mà chúng ta đã làm. Nhưng đó là việc dựa trên kết quả cuối cùng của những hành động và ý nghĩ của chúng ta—con người chúng ta đã trở thành. Chúng ta hội đủ điều kiện để có được cuộc sống vĩnh cửu nhờ vào tiến trình cải đạo. Như được sử dụng ở đây, từ này với nhiều ý nghĩa mà cho thấy một sự thay đổi rõ rệt nơi bản chất. Một người nào đó chỉ hành động thôi nhưng không thành tâm, thì không đủ. Các giáo lệnh, giáo lễ, và giao ước của phúc âm không phải là bản liệt kê những khoản ký thác cần có để được vào một tài khoản nào đó trên thiên thượng. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là kế hoạch mà cho chúng ta thấy cách trở thành con người mà Cha Thiên Thượng mong muốn chúng ta trở thành.24
IV.
Nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, khi chúng ta phạm sai lầm trong cuộc sống này, chúng ta có thể hối cải và đi lại con đường giao ước mà dẫn đến điều mà Cha Thiên Thượng mong muốn dành cho chúng ta.
Sách Mặc Môn dạy rằng: “Cuộc sống này là thời gian cho [chúng ta] chuẩn bị để gặp Thượng Đế.”25 Nhưng giới hạn khó khăn đó đối với “cuộc sống này” đã nhận được một bối cảnh đầy hy vọng (ít nhất ở một mức độ nào đó đối với một số người) bởi điều mà Chúa đã mặc khải cho Chủ Tịch Joseph F. Smith, giờ đây đã được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước tiết 138. Vị tiên tri viết: “Tôi trông thấy các anh cả trung thành của gian kỳ này, khi họ rời khỏi cuộc sống hữu diệt, tiếp tục công việc thuyết giảng phúc âm về sự hối cải và sự cứu chuộc, qua sự hy sinh của Con Độc Sinh của Thượng Đế, giữa những linh hồn đang ở trong bóng tối và dưới vòng nô lệ của tội lỗi trong thế giới bao la của những linh hồn người chết.
“Những người chết nào hối cải sẽ được cứu chuộc, qua sự tuân theo các giáo lễ của ngôi nhà Thượng Đế,
“Và sau khi họ đã trả xong hình phạt về những sự phạm giới của mình, và được tẩy sạch, họ sẽ nhận được phần thưởng tùy theo việc làm của họ, vì họ là những người thừa kế sự cứu rỗi.”26
Ngoài ra, chúng ta biết rằng Thiên Niên Kỷ, tức là thời kỳ ngàn năm tiếp theo Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi, sẽ là thời gian để thực hiện các giáo lễ cần thiết cho những người nào chưa nhận được các giáo lễ này trong cuộc sống trần thế của họ.27
Có nhiều điều chúng ta không biết về ba giai đoạn chính trong kế hoạch cứu rỗi và mối quan hệ của ba giai đoạn này với nhau: (1) thế giới linh hồn tiền dương thế, (2) cuộc sống trần thế và (3) cuộc sống mai sau. Nhưng chúng ta quả có biết những lẽ thật vĩnh cửu này: “Sự cứu rỗi là vấn đề của cá nhân, nhưng sự tôn cao là vấn đề của gia đình.”28 Chúng ta có Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng sẽ bảo đảm rằng chúng ta nhận được mọi phước lành và mọi sự thuận lợi mà ước muốn và sự lựa chọn của chúng ta cho phép. Chúng ta cũng biết rằng Ngài sẽ không ép buộc một ai thiết lập mối quan hệ gắn bó mà trái với ý muốn của họ. Các phước lành của một mối quan hệ gắn bó được bảo đảm cho tất cả những người nào tuân giữ các giao ước của mình chứ không bao giờ ép buộc một mối quan hệ gắn bó với một người khác mà không xứng đáng hoặc không sẵn lòng.
Các anh chị em thân mến, tôi làm chứng về lẽ thật của những điều này. Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, “là Đấng tạo nên và hoàn tất đức tin của chúng ta,”29 mà Sự Chuộc Tội của Ngài, theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng, làm cho mọi điều đều có thể thực hiện được, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.