Đại Hội Trung Ương
Người Con Trai Hoang Phí Và Con Đường Dẫn Về Nhà
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


14:32

Người Con Trai Hoang Phí Và Con Đường Dẫn Về Nhà

Mặc dù những lựa chọn đều có thể đã mang anh chị em rời xa Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài, nhưng Đức Thầy Chữa Lành vẫn đứng trên con đường dẫn về nhà và chào đón anh chị em.

Một Người Kia Có Hai Con Trai

Truyện ngụ ngôn này đã được một số người gọi là câu chuyện ngắn hay nhất từng được kể.1 Vì đã được dịch sang hàng ngàn ngôn ngữ trên khắp thế giới, rất có thể trong suốt hai thiên niên kỷ qua, mặt trời vẫn chưa lặn nếu câu chuyện này không được nhắc đến ở đâu đó trên thế giới.

Câu chuyện này đã được kể lại bởi Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, là Đấng đã đến thế gian để “cứu kẻ bị mất.”2 Ngài bắt đầu bằng những lời đơn giản sau: “Một người kia có hai con trai.”3

Ngay lập tức, chúng ta biết là có một cuộc xung đột đau lòng. Một người con trai4 nói với cha rằng nó đã chán cuộc sống ở nhà rồi. Nó muốn được tự do. Nó muốn bỏ lại văn hóa và những lời dạy dỗ của cha mẹ mình. Nó đòi được chia phần thừa kế—ngay lập tức.5

Anh chị em có thể tưởng tượng người cha cảm thấy thế nào khi nghe con trai mình nói như vậy không? Khi ông nhận ra điều mà con trai mình mong muốn hơn hết là rời xa gia đình và có lẽ sẽ không bao giờ quay trở lại?

Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú

Người con trai chắc hẳn đã cảm thấy hồi hộp về cuộc phiêu lưu và lòng đầy phấn khởi. Cuối cùng, nó cũng được ở một mình. Khi thoát khỏi những nguyên tắc và quy luật về văn hóa của tuổi trẻ của mình, cuối cùng nó cũng có thể đưa ra những lựa chọn của riêng mình mà không bị ảnh hưởng bởi cha mẹ nó. Không còn cảm giác tội lỗi nữa. Nó có thể tận hưởng sự chấp nhận của một cộng đồng có cùng chí hướng và sống một cuộc sống theo ý muốn riêng của mình.

Đặt chân đến một đất nước xa xôi, nó nhanh chóng kết bạn mới và bắt đầu sống cuộc sống mà bản thân hằng mơ ước. Chắc hẳn nó được nhiều người yêu mến vì nó tiêu tiền một cách rộng rãi. Những người bạn mới của nó—những người được hưởng lợi từ bản tính hoang phí của nó—đã không phê phán nó. Họ ăn mừng, vỗ tay và ủng hộ những lựa chọn của nó.6

Nếu thời đó có mạng truyền thông xã hội thì chắc chắn nó sẽ đăng đầy trên các trang mạng những ảnh hoạt họa về những người bạn đang cười đùa: #Sốngcuộcsốngtốtđẹpnhấtcủatôi! #Hạnhphúchơnbaogiờhết! #Đánglẽphảilàmđiềunàytừlâurồi!

Nạn Đói

Nhưng tiệc tùng không kéo dài—hiếm khi kéo dài. Hai điều đã xảy ra: thứ nhất, nó cạn kiệt tiền và thứ hai, nạn đói hoành hành khắp xứ.7

Khi nạn đói trở nên tồi tệ hơn, nó hoảng sợ. Kẻ từng buông thả ăn chơi trác táng giờ đây không có đủ tiền để mua một bữa ăn chứ đừng nói đến một nơi để ở. Làm sao nó sống còn được?

Nó đã rất hào phóng với bạn bè của nó—liệu họ có giúp đỡ nó bây giờ không? Tôi có thể thấy nó đang xin được giúp đỡ chút ít—chỉ bây giờ thôi—cho đến khi nó tự lo liệu được trở lại.

Thánh thư cho chúng ta biết: “Nhưng chẳng ai cho.”8

Khao khát để sống sót, nó tìm được một nông dân ở địa phương thuê nó chăn heo.9

Giờ đây vô cùng đói khát, bị bỏ rơi và cô đơn, chàng trai trẻ này chắc hẳn đã tự hỏi làm thế nào mà mọi chuyện lại có thể diễn ra một cách tồi tệ, khủng khiếp như vậy được.

Không chỉ cái bụng trống rỗng mới làm cho nó khó chịu. Mà chính là một tâm hồn trống rỗng làm cho nó lo lắng. Nó đã từng tin chắc rằng việc chiều theo những ham muốn trần tục sẽ làm cho nó được hạnh phúc, rằng luật pháp đạo đức là trở ngại cho niềm hạnh phúc đó. Bây giờ nó đã hiểu chuyện hơn. Và ôi, nó đã phải trả giá đắt biết bao cho sự hiểu biết đó!10

Khi cơn đói thể xác và thuộc linh càng lúc càng gia tăng thì nó bắt đầu nghĩ đến cha mình. Liệu cha nó có giúp đỡ nó sau khi tất cả những gì đã xảy ra không? Ngay cả những tôi tớ hèn mọn nhất của cha nó cũng có thức ăn để ăn và nơi trú ẩn khỏi bão tố.

Nhưng quay trở về với cha nó sao?

Không bao giờ.

Thú nhận với dân làng rằng nó đã phung phí hết tài sản thừa kế của mình sao?

Không thể nào.

Chạm mặt với những người hàng xóm mà chắc chắn đã cảnh báo nó rằng nó đang làm ô nhục gia đình và làm cha mẹ nó đau lòng ư? Quay trở lại với những người bạn cũ sau khi đã khoe khoang về cách nó đã thoát ra để tìm tự do ư?

Khó lắm.

Nhưng cơn đói, nỗi cô đơn và sự hối hận sẽ không biến mất—cho đến khi “nó tỉnh ngộ.”11

Nó biết mình cần phải làm gì.

Sự Trở Về

Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại với người cha, người gia chủ đau khổ. Ông đã dành ra hàng trăm, có lẽ hàng ngàn giờ để lo lắng về con trai mình?

Đã bao nhiêu lần ông nhìn xuống ngay con đường mà con trai mình đã đi và hồi tưởng lại nỗi mất mát đau đớn mà ông cảm thấy khi con trai mình ra đi? Ông đã dâng bao nhiêu lời cầu nguyện trong đêm khuya, khẩn nài Thượng Đế cho con trai ông được an toàn, rằng nó sẽ khám phá ra lẽ thật, rằng nó sẽ trở về?

Và rồi một ngày nọ, người cha nhìn ra con đường vắng vẻ đó—con đường dẫn về nhà—và nhìn thấy một bóng dáng từ xa đang đi về phía mình.

Có thể như vậy không?

Dù người đó ở rất xa nhưng người cha biết ngay đó là con trai của mình.

Ông chạy đến bên nó, choàng tay ôm và hôn nó.12

Người con trai kêu lên, chắc hẳn là nó đã phải tập dượt hàng ngàn lần để nói: “Cha ơi, con đã có tội đối với trời lẫn cha. Con không còn xứng đáng được gọi là con của cha nữa. Con chỉ xin cha nhận con làm người làm mướn.”13

Nhưng người cha hầu như không để cho nó nói hết câu. Mắt rưng rưng lệ, ông ra lệnh cho tôi tớ: “Hãy lấy áo đẹp nhất trong nhà mà khoác lên vai con trai ta. Hãy đeo nhẫn vào ngón tay nó và mang giày vào chân nó. Hãy làm tiệc ăn mừng. Con trai ta đã trở về!”14

Ăn Mừng

Trong văn phòng của tôi có treo một bức tranh của họa sĩ người Đức Richard Burde. Harriet và tôi rất thích bức tranh này. Bức tranh mô tả một cảnh tượng cảm động từ truyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi ở một góc nhìn sâu sắc hơn.

Sự Trở Về của Đứa Con Trai Hoang Phí, tranh do Richard Burde họa.

Trong khi gần như ai cũng vui mừng khôn tả trước sự trở về của người con trai thì có một người lại không vui mừng—đó chính là người anh trai.15

Anh ta đang cảm thấy bực bội.

Anh ta đã có mặt ở đó khi em trai mình đòi tài sản thừa kế. Anh ta đã tận mắt chứng kiến gánh nặng đau buồn nặng nề của cha mình.

Kể từ khi em trai của anh ta bỏ đi, anh ta đã cố gắng nâng đỡ gánh nặng cho cha mình. Mỗi ngày, anh ta đều cố gắng an ủi người cha đau khổ của mình.

Và giờ đây, đứa con liều lĩnh đã trở về và mọi người không ngừng đổ dồn sự chú ý vào người em trai nổi loạn của anh ta.

Anh ta thưa với cha mình: “Suốt những năm qua, chưa một lần nào con từ chối làm bất cứ điều gì cha bảo. Thế mà trong suốt thời gian đó, cha chưa bao giờ khen ngợi con.”16

Người cha nhân từ đáp: “Con trai yêu quý, tất cả những gì cha có là của con! Đây không phải là so sánh phần thưởng hay tiệc ăn mừng. Mà đây là về sự chữa lành. Đây là khoảnh khắc mà chúng ta đã mong đợi suốt bao năm qua. Em trai của con đã chết mà lại sống! Nó đã mất mà nay tìm lại được!”17

Một Truyện Ngụ Ngôn cho Thời Kỳ của Chúng Ta

Anh chị em yêu quý, các bạn thân mến, giống như tất cả các truyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi, câu chuyện này không chỉ nói về những người sống cách đây rất lâu. Mà câu chuyện này là về anh chị em và tôi ngày nay.

Ai trong chúng ta lại không rời bỏ con đường thánh thiện vì dại dột nghĩ rằng mình có thể tìm thấy nhiều hạnh phúc hơn nếu đi theo con đường ích kỷ của riêng mình?

Ai trong chúng ta lại không cảm thấy khiêm nhường, đau khổ và khao khát được tha thứ và thương xót?

Có lẽ một số người có thể đã tự hỏi: “Liệu có thể quay về được không? Liệu tôi có bị những người bạn cũ phân biệt, từ chối và xa lánh vĩnh viễn không? Chẳng thà cứ để bị lạc lối chăng? Thượng Đế sẽ phản ứng như thế nào nếu tôi cố gắng quay trở về?”

Truyện ngụ ngôn này cho chúng ta câu trả lời.

Cha Thiên Thượng sẽ chạy đến bên chúng ta, lòng Ngài tràn ngập tình yêu thương và sự trắc ẩn. Ngài sẽ ôm lấy chúng ta; khoác áo lên vai chúng ta, đeo nhẫn vào ngón tay chúng ta, và mang giày vào chân chúng ta; và phán: “Hôm nay chúng ta ăn mừng! Vì con ta vốn đã chết mà nay đã sống lại!”

Thiên Thượng sẽ vui mừng khi chúng ta trở về.

Vui Mừng Lắm Một Cách Không Kể Xiết và Vinh Hiển

Bây giờ tôi xin phép một giây lát để nói chuyện với mỗi anh chị em nhé?

Cho dù điều gì có thể đã xảy ra trong cuộc sống của anh chị em, thì tôi cũng lặp lại và tuyên bố những lời của người bạn yêu quý của tôi và cũng là Sứ Đồ, Anh Cả Jeffrey R. Holland: “Anh chị em không thể nào chìm sâu hơn nơi mà ánh sáng vô tận của [sự hy sinh chuộc tội] của Đấng Ky Tô có thể chiếu đến.”18

Mặc dù những lựa chọn đều có thể đã mang anh chị em rời xa Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài, nhưng Đức Thầy Chữa Lành vẫn đứng trên con đường dẫn về nhà và chào đón anh chị em. Và chúng tôi, với tư cách là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, tìm cách noi gương Ngài và đón nhận anh chị em như anh chị em trong phúc âm và như bạn bè của chúng tôi. Chúng tôi hân hoan và ăn mừng cùng anh chị em.

Sự trở về của anh chị em sẽ không làm giảm bớt phước lành của những người khác. Vì phước lành của Đức Chúa Cha là vô hạn, và những gì được ban cho một người không hề mảy may làm giảm đi quyền thừa kế của những người khác.19

Tôi không cho rằng việc quay trở về là điều dễ làm. Tôi có thể làm chứng về điều đó. Trên thực tế, đó có thể là sự lựa chọn khó khăn nhất mà anh chị em từng đưa ra.

Nhưng tôi làm chứng rằng ngay vào thời điểm anh chị em quyết định quay trở về và đi theo đường lối của Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, thì quyền năng của Ngài sẽ bước vào cuộc sống của anh chị em và biến đổi cuộc sống ấy.20

Các thiên thần trên trời sẽ vui mừng.

Và chúng tôi là gia đình của anh chị em trong Đấng Ky Tô cũng vui mừng. Xét cho cùng, chúng ta biết cảm giác trở thành một người con trai hoang phí là như thế nào. Hằng ngày, chúng ta đều trông cậy vào cùng một quyền năng chuộc tội của Đấng Ky Tô. Chúng tôi biết con đường này và chúng tôi sẽ đi cùng với anh chị em.

Không, con đường của chúng ta sẽ không thoát khỏi nỗi đau buồn, phiền muộn hay buồn bã. Nhưng chúng ta đã tiến xa đến mức này “nhờ lời của Đấng Ky Tô và với một đức tin nơi Ngài không bị lay chuyển và sự trông cậy hoàn toàn vào những công nghiệp của Đấng có quyền năng cứu rỗi.” Và chúng ta sẽ cùng nhau “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người.”21 Chúng ta sẽ cùng nhau “vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển,”22 vì Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của chúng ta!23

Tôi cầu nguyện rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể nghe được, trong truyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa này, tiếng nói của Đức Chúa Cha kêu gọi chúng ta đi vào con đường dẫn về nhà—để chúng ta có thể can đảm hối cải, nhận được sự tha thứ và đi theo con đường dẫn trở lại Thượng Đế đầy lòng trắc ẩn và thương xót của chúng ta. Tôi làm chứng về điều này và để lại cho anh chị em phước lành của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Được tìm thấy trong Lu Ca 15, truyện ngụ ngôn này là một trong ba truyện ngụ ngôn (con chiên bị thất lạc, đồng bạc bị mất và người con trai bị lạc lối) minh họa giá trị của những thứ bị mất và người ta ăn mừng khi tìm thấy thứ bị mất.

  2. Lu Ca 19:10.

  3. Lu Ca 15:11.

  4. Người con trai này có lẽ còn trẻ. Người này chưa lập gia đình, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy anh ta còn trẻ, nhưng không trẻ đến mức không thể đòi tài sản thừa kế và rời khỏi nhà ngay sau khi đã có được tài sản đó.

  5. Theo luật pháp và truyền thống của người Do Thái, người con lớn trong số hai người con trai được hưởng hai phần ba tài sản thừa kế của người cha. Như vậy, người con thứ được hưởng một phần ba tài sản. (Xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:17.)

  6. Xin xem Lu Ca 15:13.

  7. Xin xem Lu Ca 15:14.

  8. Lu Ca 15:16.

  9. Đối với người Do Thái, heo bị coi là “ô uế” (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:8) và gớm ghiếc. Những người Do Thái ngoan đạo sẽ không nuôi heo, điều này cho thấy người nuôi heo là Dân Ngoại. Điều này cũng có thể ám chỉ rằng người con trai thứ đã đi rất xa để tránh những người Do Thái ngoan đạo.

  10. Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy: “Dĩ nhiên, sẽ tốt hơn nếu chúng ta khiêm nhường ‘vì lời của Thượng Đế’ thay vì [khiêm nhường] bởi hoàn cảnh, tuy nhiên hoàn cảnh cũng có thể làm như vậy! (xin xem An Ma 32:13–14). Nạn đói có thể gây ra cơn đói khát thuộc linh” (“The Tugs and Pulls of the World,” Liahona, tháng Một năm 2001, trang 45).

  11. Lu Ca 15:17.

  12. Xin xem Lu Ca 15:20.

  13. Xin xem Lu Ca 15:18–19, 21.

  14. Xin xem Lu Ca 15:22–24.

  15. Hãy nhớ rằng người con thứ đã nhận được tài sản thừa kế của mình. Đối với người con lớn, điều đó có nghĩa là mọi thứ khác đều thuộc về anh ta. Việc trao bất cứ thứ gì cho người con thứ có nghĩa là lấy đi thứ đó từ người con còn ở lại nhà.

  16. Xin xem Lu Ca 15:29.

  17. Xin xem Lu Ca 15:31–32.

  18. Jeffrey R. Holland, “Những Người Làm Công trong Vườn Nho,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 33.

  19. Những gì được trao cho một người không làm giảm đi mảy may quyền thừa kế của những người khác. Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy giáo lý này khi Ngài kể truyện ngụ ngôn về những người làm công trong Ma Thi Ơ 20:1–16.

  20. Xin xem An Ma 34:31.

  21. 2 Nê Phi 31:19–20.

  22. 1 Phi E Rơ 1:8.

  23. Xin xem Thi Thiên 28:7.